Tương lai mờ mịt của năm bà cháu nghèo
Ngày người mẹ qua đời, cả thôn Phú Lâm không ai cầm được nước mắt, bởi ngoài việc tiếc thương người phụ nữ mắc bệnh nan y, làng xóm e ngại cho bốn đứa trẻ thơ dại từ nay chỉ còn biết bấu víu vào bà nội tuổi đã hơn 60 tuổi.
Chị Trần Thị Hai, ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, mắc bệnh tim hiểm nghèo. Nhưng nhiều năm liền trước khi nhắm mắt xuôi tay, chị vẫn gắng gượng một thân một mình làm thuê làm mướn nuôi bốn đứa con. Rồi chỉ còn một tháng nữa là đến Tết, chị buộc phải rời xa các con còn nhỏ dại và người mẹ chồng già yếu…, để lại bé nhỏ nhất đang tuổi mẫu giáo, đứa lớn nhất học lớp 12.
Trên bàn thờ, làn khói hương lặng lẽ che dần di ảnh của chị Hai. Bà Phụng, mẹ chồng chị nhìn vào di ảnh con dâu rồi ngó mông lung ra cánh đồng phía trước nhà: “Chồng nó bỏ đi, cũng chẳng rõ là đi đâu, chỉ thi thoảng ghé về nhà để hỏi tiền rồi lại đi biền biệt mà không lo gì cho con cái, nhà cửa”.
“Từ lúc con Hai mất đến giờ đã gần một tháng nhưng chẳng thấy thằng con trai tui về hương khói. Tui không biết phải ăn nói làm sao với bà con, hàng xóm khi nó hành xử như vậy”, dứt lời bà Phụng kéo gấu quần lau nước mắt.
Video đang HOT
Những đứa con cùng bà bên di ảnh của mẹ. Ảnh: Phạm Khang.
Bà Phụng kể, bà vào Sài Gòn bán vé số, định đến Tết mới về nhà. Nhưng từ ngày đứa con trai bỏ đi, chối bỏ trách nhiệm làm cha, làm chồng, thương con dâu phải lo làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con ăn học, bà lại về quê để phụ giúp. Về quê rồi, cũng chẳng biết làm gì để kiếm tiền ngoài việc cùng con dâu canh tác trên bốn sào ruộng của gia đình.
Hơn ai hết, bà Phụng hiểu rõ bệnh tình cũng như tình trạng của con dâu. “Nó bị bệnh tim nặng, đã nhiều lần vào Sài Gòn chạy chữa nhưng vì không có tiền nên không thể chữa tới nơi tới chốn. Bác sĩ khuyên không nên làm việc quá sức nhưng nó không làm thuê, làm mướn để kiếm cái ăn thì bốn đứa con nhỏ lấy gì đắp đổi qua ngày”, bà mẹ chồng nghẹn ngào nói.
Anh Đạo, hàng xóm, cho biết thêm, sau cơn bão số 9, diện tích keo non ở các huyện Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành bị ngã đổ rất nhiều. Hàng ngày, chị Hai đi cùng với những người bốc vác thuê lang thang hết đồi này qua núi nọ để thu gom keo non, chất lên xe chở đến cho các nhà buôn. Người mẹ đi làm nhưng không trực tiếp nhận tiền từ các chủ buôn, mà nhờ họ mỗi lần đi ngang qua nhà chị thì ghé lại gửi tiền công của chị cho các con.
Biết chị bị bệnh tim nên các chủ buôn cũng ưu tiên, hễ chị thấy mệt lả thì cho phép không phải làm nhưng vẫn tính tiền công của ngày đó cho chị. Hai tháng trước, chị Hai xin phép các chủ buôn về nhà nghỉ vài hôm cho khỏe lại rồi sẽ đi làm tiếp. Không ngờ, chỉ hai ngày sau đó, lúc vừa đi làm ruộng về đến nhà, chị đã mãi mãi ra đi do bệnh tim đột ngột tái phát. Mẹ mất. Cha bỏ đi biền biệt. Bốn đứa trẻ thơ dại chỉ còn biết bấu víu vào bà nội.
Nhìn đăm chiêu vào di ảnh đứa con dâu, bà Phụng thở dài: “Gần một tháng nay, năm bà cháu tôi sống nhờ vào tiền phúng điếu của bà con. Nấn ná được ngày nào hay ngày ấy. Hết khoản tiền này, tui cũng chẳng biết tính sao nữa. Có lẽ, cháu lớn phải nghỉ học, đi làm mướn kiếm tiền”.
Tính đến phương án hạ sách nhất là cho các cháu nghỉ học, song bà Phụng luôn áy náy trong lòng vì 4 cháu, đứa nào cũng học được. Thằng anh lớn đang học lớp 12; đứa tiếp theo lớp 8, em kế ở lớp 6, còn bé út mới tuổi mẫu giáo. Vùi mặt vào lòng bà nội, bé út thút thít: “Con nhớ mẹ lắm”.
Biết hoàn cảnh của năm bà cháu, nhà trường và chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để các cháu hàng ngày được cắp sách đến trường. Thi thoảng những người hàng xóm tốt bụng và người qua đường biết được hoàn cảnh của gia đình cũng ghé lại cho vài chục nghìn đồng hoặc mớ rau, con cá.
Mệt mỏi nhìn ra cánh đồng trước nhà, bà Phụng thở dài: “Nhìn mấy đứa nhỏ thiếu thốn trong dịp Tết vừa rồi, tôi đau lắm. Mình còn sống nhưng lực bất tòng tâm, không làm ra tiền để lo cho các cháu nên chúng nó phải thiếu trước hụt sau”. Đứng sau bà, đứa cháu út rụt rè nhìn khách. Đôi mắt đầy vẻ ngây thơ, chưa hiểu hết nỗi đau mất mẹ.
“Họa vô đơn chí”, chỉ một tháng sau khi mẹ mất, cậu anh lớn nhất trong nhà lại bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ điều trị lâu dài. Chia tay với VnExpress.net, ngôi nhà nhỏ lặng trong tiếng nấc nghẹn của những đứa trẻ nhỏ: “Anh em cháu rất muốn được đi học, nghèo khổ, cơ cực đến đâu mấy anh em cũng chịu được, nhưng gia đình rơi vào hoàn cảnh thế này không biết xoay xở thế nào để sống”.
Theo vnexpress