Tương lai bị tước đoạt
Bất chấp cái nóng oi ả và dù ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, song nhiều trẻ nhỏ ở Ghana, thậm chí có những em chỉ mới 5 tuổi, đã phải dùng những con dao rựa, to gần bằng người, thu hoạch hạt cacao – vốn là nguyên liệu quan trọng để làm ra một số loại chocolate được yêu thích trên thế giới.
Trẻ em tuổi thu hoạch hạt ca cao ở Ghana. Ảnh: reddit.com
Munira, 15 tuổi, là một trong số đó. Em tâm sự đã làm công việc này từ khi mới lên 5. Không chỉ Munira, em trai cô bé là Gafalo, 12 tuổi, cũng đang phải kiếm miếng ăn cho gia đình trên những cánh đồng cacao. Dù cả 2 chị em đều có chung ước mơ là được cắp sách đến trường, nhưng vì trường ở cách nhà khá xa, phương tiện đi lại đắt đỏ và hơn hết là nghèo đói nên cả Munira và Gafalo đành phơi mình trong nắng nóng, đồng hành với những con dao rựa để thu hoạch hạt cacao.
Munira và Gafalo chỉ là 2 trong số khoảng 160 triệu trẻ em đang bị tước đoạt tuổi thơ, bắt đầu cuộc sống mưu sinh từ rất sớm trên khắp thế giới. Dẫu vậy, 2 chị em vẫn còn khá may mắn vì được làm việc cùng bố mẹ, trong khi còn rất nhiều em nhỏ khác phải sống xa gia đình, đi làm giúp việc, hoặc lao động chui cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các mỏ khai khoáng bất hợp pháp, bị bạo lực cả về thể chất và tinh thần.
Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nêu rõ dù thế giới đã ghi nhận những bước tiến đáng kể trong việc giảm lao động trẻ em trong 2 thập niên (kể từ năm 2000), nhưng xu hướng này đã bị đảo ngược hoàn toàn trong những năm gần đây do xung đột, khủng hoảng, biến đổi khí hậu kéo theo thiên tai và đại dịch COVID-19. Nhờ vào những cam kết và nỗ lực quốc tế ngày càng cao nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, trong giai đoạn 2000-2016, số lượng lao động trẻ em giảm 94 triệu. Tuy nhiên, với những tác động tiêu cực cao gấp 4 lần so cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi những thành quả đạt được trong vấn đề này. Chưa kể, các cuộc xung đột trên thế giới chẳng những không chấm dứt mà đang có xu hướng lan rộng thêm, trong khi Trái Đất ngày một nóng lên, đi kèm với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán, đã và đang đẩy các gia đình vốn đã nghèo lại càng dễ bị tổn thương hơn và trẻ em buộc phải làm việc nhiều thêm.
Video đang HOT
Theo ILO, hiện có khoảng 63 triệu bé trai và hơn 97 triệu bé gái phải gồng mình trước gánh nặng mưu sinh. Châu Phi là khu vực có số lượng lao động trẻ em cao nhất thế giới – 72 triệu trẻ, tương đương 20% số trẻ em của châu lục này – cũng là tỷ lệ cao nhất thế giới. Tiếp đó là châu Á-Thái Bình Dương, với 62 triệu trẻ, chiếm 7% số trẻ em của khu vực. Số liệu tương ứng khu vực châu Mỹ, khu vực châu Âu và Trung Á, các nước Arập, lần lượt là 5,3%, 2,9% và 4,7%. Tính chung lại, cứ 10 lao động trẻ em trên thế giới thì có 9 trẻ ở châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương.
Trong khi đó, theo trang theworldcounts.com, hiện thế giới có khoảng 218 triệu lao động trẻ em, trong độ tuổi từ 5-17. Đáng chú ý, 152 triệu trẻ trong số này là nạn nhân của lao động trẻ em, gần 50% phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm hoặc bị bóc lột. Ở những nước nghèo nhất thế giới, số lao động trẻ em chiếm hơn 20% số trẻ, trong khi ở các nước kém phát triển nhất, hơn 25% số trẻ em (trong độ tuổi từ 5-17) phải làm các công việc được cho là có hại cho sức khỏe và sự phát triển.
Trong bối cảnh năm 2024 thế giới kỷ niệm 25 năm thông qua Công ước Số 182 của ILO về Các Hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và chỉ còn 1 năm nữa là đến thời hạn đạt được mục tiêu 8.7 trong chương trình nghị sự Phát triển bền vững của LHQ về việc xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025, thực trạng đáng buồn trên một lần nữa nhắc nhở thế giới về nghĩa vụ đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển hết tiềm năng thể chất và tinh thần. Như phát biểu của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres: “Lao động trẻ em là kẻ thù của sự phát triển của trẻ em và là kẻ thù của sự tiến bộ. 160 triệu lao động trẻ em đồng nghĩa với 160 triệu nạn nhân, bị cướp đoạt quyền được giáo dục và đe dọa tương lai của các chính các em”. Trong khi đó, Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho rằng: “Những số liệu ước tính là lời cảnh tỉnh đối với chúng ta. Chúng ta không thể đứng yên khi một thế hệ trẻ em mới đang đứng trước rủi ro như vậy”. Đây cũng là lý do ILO chọn chủ đề: “Hãy hành động theo các cam kết của chúng ta: Chấm dứt lao động trẻ em!” cho Ngày Thế giới chống lao động trẻ em năm 2024.
Giới chuyên gia đã chỉ ra hai nhóm nguyên nhân dẫn đến lao động trẻ em, gồm “nguyên nhân bên trong” (yếu tố gia đình) và “nguyên nhân bên ngoài” (tác động từ điều kiện kinh tế, xã hội, ….). Đói nghèo và thất học là những nguyên nhân bên trong hàng đầu dẫn tới tình trạng lao động trẻ em, trong khi xung đột, chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu là những lý do bên ngoài buộc các em phải mưu sinh từ sớm.
Theo ước tính của ILO, đại dịch COVID-19 đã khiến thêm gần 9 triệu trẻ em phải lao động. Tương tự, biến đổi khí hậu gây bão, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, làm mùa màng thất bát, tước đi nguồn sinh kế, đẩy hàng triệu gia đình tới bờ vực đói nghèo, phải tha hương, đồng nghĩa trẻ em phải bỏ học, bắt đầu cuộc sống lao động vất vả. Theo số liệu của tổ chức nhân đạo Save the Children, tính đến cuối năm 2022, ít nhất 1,85 triệu trẻ em ở phía Nam sa mạc Sahara thuộc châu Phi đã phải di dời nơi ở trong nước do thảm họa khí hậu, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy mỗi năm có tới 40 triệu trẻ em trên thế giới bị gián đoạn việc học tập, trong đó hàng triệu trẻ phải tìm miếng cơm manh áo lo cho gia đình.
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố tháng 8/2021 cho biết khủng hoảng khí hậu khiến khoảng 1,7 triệu trẻ em Bangladesh phải bỏ học, theo gia đình đi lao động kiếm thêm thu nhập.
Trong tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em, diễn ra ở Durban (Nam Phi) năm 2022, Tổng thống nước chủ nhà Cyril Ramaphosa đã khẳng định: “Không một nền văn minh nào, không một quốc gia nào và không một nền kinh tế nào có thể tự coi là đi đầu trong sự tiến bộ nếu sự thành công và giàu có được tạo dựng từ trẻ em”. ILO thì định nghĩa lao động trẻ em là “công việc tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ em, đồng thời có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần”. Quan trọng hơn, tương lai của những đứa trẻ phải lao động sớm cũng đã bị tước đoạt, bởi lao động trẻ em dẫn đến chu kỳ đói nghèo luẩn quẩn giữa các thế hệ. Hơn lúc nào hết, các nước nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung cần hợp sức, thực hiện các cam kết đã đưa ra, ưu tiên đẩy mạnh việc tiếp cận giáo dục, tăng cường bảo trợ xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo, chống biến đổi khí hậu. Có như vậy, thế giới mới có thể ngăn những tuổi thơ và những tương lai bị tước đoạt, cũng như không bỏ lỡ mục tiêu xoá bỏ lao động trẻ em vào năm 2025.
Liên hợp quốc thúc đẩy nỗ lực bảo đảm quyền của trẻ em ở mọi quốc gia
Ngày 14/3, phát biểu tại cuộc họp về quyền trẻ em trong khuôn khổ kỳ họp thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Nada Al-Nashif, Phó Cao ủy Nhân quyền LHQ khẳng định bảo trợ xã hội toàn diện là điều cần thiết để đảm bảo quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện ở mọi quốc gia, dân tộc.
Điều này cũng góp phần hỗ trợ tiến trình hướng tới Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, giúp trẻ em thoát khỏi đói nghèo trong bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng đan xen, phức tạp và bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Theo bà Nada Al-Nashif, Công ước về quyền trẻ em và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nêu rõ tất cả trẻ em ở mọi nơi đều có quyền được hưởng an sinh xã hội và các biện pháp bảo trợ xã hội phải sẵn có, đầy đủ và dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hơn 1,77 tỷ trong số 2,4 tỷ trẻ em trên toàn thế giới không được tiếp cận với bảo trợ xã hội, có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực. Tình trạng thiếu bảo trợ xã hội trong thời thơ ấu có tác động lâu dài đến hạnh phúc, sự phát triển, sức khỏe và kết quả học tập của trẻ em. Điều này ảnh hưởng đến việc trẻ em được hưởng các quyền con người, bao gồm quyền sống, quyền được giáo dục, sức khỏe, mức sống đầy đủ và quyền được vui chơi.
Phó Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết đã có thêm các mô hình tích cực về bảo trợ xã hội tuân thủ quyền trẻ em để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột vũ trang. Các quốc gia đã mở rộng hệ thống phúc lợi trẻ em quốc gia để bảo vệ trẻ em di cư hay buộc phải di dời. Một số quốc gia đã chia sẻ những thực tiễn đầy hứa hẹn về đầu tư vào bảo trợ xã hội như Argentina đã xây dựng chế độ trợ cấp phổ cập cho trẻ em được chăm sóc thay thế; Paraguay triển khai hệ thống bảo trợ xã hội tích hợp các dịch vụ bao gồm tập trung vào giáo dục mầm non; Slovakia đã phát triển một kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các quyền của trẻ em, bao gồm các hoạt động bảo trợ xã hội cốt lõi, giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí...
Cũng tại cuộc họp, ông Trần Húc (Chen Xu), đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva và các tổ chức quốc tế khác ở Thụy Sĩ đã kêu gọi thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) chất lượng cao để giúp nâng cao sức khỏe tinh thần và bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Trong bài phát biểu tại kỳ họp, ông Trần Húc nhấn mạnh trẻ em là tương lai và niềm hy vọng của nhân loại, thế hệ mới sẽ là đối tượng sử dụng và hưởng lợi chính của công nghệ AI.
Ông Trần Húc nêu 3 đề xuất bao gồm ưu tiên lợi ích của trẻ em và tận dụng vai trò quan trọng của AI trong việc tư vấn sức khỏe tinh thần của trẻ em; ủng hộ sự công bằng và toàn diện, tăng cường trao đổi và hợp tác, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số; tôn trọng chủ quyền, luật pháp, điều kiện quốc gia, nền tảng lịch sử, tôn giáo và văn hóa của tất cả các quốc gia, đồng thời tăng cường quản trị AI quốc tế theo tiền đề này.
Bầu cử Quốc hội Hàn Quốc: Nhiều lời kêu gọi quan tâm đến quyền của phụ nữ Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các cuộc thảo luận liên quan đến quyền phụ nữ và bình đẳng giới dự kiến sẽ bị hạn chế trong Quốc hội Hàn Quốc sắp tới, một số đảng chính trị - không có đảng nào lớn đã đưa ra các cam kết trong chiến dịch tranh cử để giải quyết các chương trình nghị sự...