Tướng Giáp: Từ Napoleon đỏ đến Ngọn núi lửa
Tài năng và đạo đức Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong mắt các học giả phương Tây được thể hiện qua những cái tên mà họ đặt cho ông.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chỉ huy quân sự, người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người bằng những chiến thắng quân sự lừng lẫy của mình đã đưa đất nước Việt Nam đến với độc lập.
Còn đối với lịch sử quân sự thế giới, Võ Nguyên Giáp là vị tướng châu Á được nhắc đến nhiều nhất sau Thế Chiến II, là một hiện tượng đặc biệt nhận được sự quan tâm của đông đảo các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây, và điều đó được thể hiện rất rõ nét qua những cái tên mà các nhà nghiên cứu và học giả phương Tây đặt cho Đại tướng.
Các học giả phương Tây đặt cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều cái tên khác nhau
Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người phương Tây đều xem ông là một đối thủ lợi hại, người đã đánh bại tham vọng tại Đông Dương của hai thế lực quân sự hùng cường nhất thế giới lúc bấy giờ là Pháp và Mỹ từ năm 1945-1975.
Napoleon Đỏ
Không giống như những vị tướng khác trên thế giới được đào tạo chính quy, bài bản qua các trường lớp quân đội, tất cả những kiến thức quân sự và tài năng chỉ huy của Võ Nguyên Giáp đều do tự học, tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm mà nên.
Tướng Peter Mac Donald, một nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, nhận định: “Trong giai đoạn 1944-1975, cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái vĩ đại nhất mọi thời đại… Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông Giáp trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui.”
Đó chính là lý do mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được gọi bằng một cái tên khác là “Napoleon Đỏ”, nhằm nói lên tài năng quân sự kiệt xuất của ông giống như thiên tài quân sự Napoleon Bonaparte, nhà quân sự và nhà chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu.
Cái tên “Napoleon Đỏ” xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Time của Mỹ trong số ra ngày 9/2/1968, khi tạp chí này đăng bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ngay trang bìa cùng bài viết dài với dòng tít lớn: “Bắc Việt Nam: Napoleon Đỏ” để nói về Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên tài quân sự kiệt xuất với câu nói nổi tiếng: “Đã đánh là phải thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, không chắc thắng thì không đánh.”
Hình ảnh “Napoleon Đỏ” Võ Nguyên Giáp xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time
Tuy nhiên, khác với vị hoàng đế của nước Pháp, “Napoleon đỏ” của Việt Nam là vị tư lệnh của những người du kích đi dép lốp, kéo từng khẩu pháo qua địa hình đồi núi hiểm trở để dội xuống thung lũng và nghiền nát quân đội viễn chinh Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Đến nay, nhiều trường quân sự trên thế giới vẫn giảng dạy, nghiên cứu về những chiến lược mà tướng Giáp đã áp dụng để giành chiến thắng trong trận chiến quyết định đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương và nhiều thuộc địa khác trên thế giới.
Chính bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất tâm đắc với một câu nói nổi tiếng của Napoleon Bonaparte trong chiến dịch tấn công ở Ý: “Nơi nào mà một con dê lọt qua thì một người có thể lọt qua; nơi một người lọt qua thì một tiểu đoàn cũng có thể lọt qua”.
Quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự chiến lược hơn người, đó chính là điểm chung giữa hai vị tướng lừng danh này. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trí tuệ và bản lĩnh khác thường đó được thể hiện rất rõ nét trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Video đang HOT
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch này, kế hoạch do các cố vấn Trung Quốc và ban tham mưu của ta đề ra là “đánh nhanh, thắng nhanh”, tranh thủ thời gian quân Pháp chưa đứng chân vững chắc ở Điện Biên Phủ để giải quyết nhanh gọn chiến trường.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm khổng lồ, một “pháo đài bất khả xâm phạm” với rất nhiều những vũ khí, trang bị tối tân cùng hệ thống hầm hào, công sự vững chắc. Với tư duy chiến lược nhạy bén của mình, tướng Giáp biết rằng phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sẽ không khác nào tự sát, tự chui vào chiếc bẫy do quân Pháp giăng ra.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Toàn bộ ban tham mưu và các cố vấn đều đều nhất trí với kế hoạch tấn công “đánh nhanh thắng nhanh” và ngày tấn công đã được dự kiến là 25/1″.
Khi chỉ còn vài giờ nữa sẽ phát lệnh khai hỏa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng sự nhạy bén của mình đã quyết định thay đổi kế hoạch và rút quân về tuyến sau vài cây số sau khi phát hiện nhiều điểm bất lợi trong kế hoạch tác chiến.
Để ra được quyết định này, Đại tướng đã vận dụng những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đây là một trận đánh cực kỳ quan trọng, chỉ được phép đánh thắng, chúng ta phải chắc thắng mới đánh, nếu không chắc thắng chúng ta sẽ không đánh” để thuyết phục ban tham mưu đồng ý với kế hoạch “đánh chắc, thắng chắc” của mình.
Với quyết định đầy khó khăn này, tướng Giáp đã xoay chuyển cục diện chiến trường bằng kế hoạch “đánh chắc, thắng chắc”, bày ra một chiếc thòng lọng từ từ siết chặt quân viễn chinh Pháp trong lòng chảo Điện Biên Phủ, dẫn đến thắng lợi “long trời lở đất” vào ngày 7/5/1954, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Không những thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được các học giả và các nhà nghiên cứu phương Tây so sánh với những thiên tài quân sự nổi tiếng trên thế giới. Trong cuốn sách “Những vị tướng lừng danh”, nhà nghiên cứu Ducan Towson đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới mọi thời đại, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov…, những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.
Cuốn Bách khoa toàn thư quân sự do Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 viết: “Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.
Ngọn núi lửa ẩn dưới tuyết
Quả thật, ở một con người với tài thao lược và nghệ thuật cầm quân xuất chúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn toát lên một vẻ bình dị, trầm tĩnh, sâu sắc của một người thầy giáo. Cũng chính vì điều đó mà trong một tác phẩm của mình, tác giả John Colvin, một nhà ngoại giao người Anh từng hoạt động tại Hà Nội những năm 1960 đã gọi tướng Giáp là “Ngọn núi lửa ẩn dưới tuyết” (Volcano Under Snow), trình bày những nhận định của Đại tướng về việc Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam.
Bìa cuốn sách “Tướng Giáp: Ngọn núi lửa ẩn dưới tuyết”
Không chỉ nói đến tài thao lược và nghệ thuật cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều tướng lĩnh và học giả phương Tây còn nhắc đến ông như một vị tướng rất “người”. Trong cuốn hồi ký Hồi ức I của mình, viên đại tướng nổi tiếng của Pháp Raoul Albin Louis Salan, người từng giữ chức Tổng tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương đấu sức, đấu trí với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến những kỷ niệm tốt đẹp với tướng Giáp trong quá trình đàm phán Việt Pháp 1946.
Tướng Salan xúc động kể rằng trong một cuộc họp căng thẳng, khi ông được thông báo rằng vợ mình mới sinh con gái, tướng Giáp đã chúc mừng ông và sau đó gửi tặng vợ ông một bức bình phong sơn mài rất đẹp tả cảnh nông thôn miền Bắc. Năm 1985, khi đại tướng Salan qua đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cử người đến viếng và chia buồn cùng với thân quyến.
Giờ đây, “ngọn núi lửa” vĩ đại ấy đã tắt, nhưng hình ảnh về một vị Đại tướng, một anh Văn đôn hâu, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Chắc hẳn trong tương lai các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia quân sự và các học giả nước ngoài sẽ còn tiếp tục nhắc đến những cái tên rất đỗi hào hùng này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những vị tướng vĩ đại nhất nhân loại của thế kỷ 20.
Học giả và tướng lĩnh Pháp gọi Đại tướng là “Giáp”
Từ lâu người phương Tây, đặc biệt là người Pháp vẫn gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Giáp”, đơn giản là vì cái tên này rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ viết, dễ đọc đối với người phương Tây. Ngoài ra, các tướng Pháp như Sainteny, Salan vẫn quen dùng cái tên này từ khi ông còn là một người chỉ huy chưa có quân hàm, bởi trước khi trở thành một vị tướng, ông xuất thân là một giáo viên sử học, và bài học quân sự đầu tiên của ông là một đoạn trong cuốn bách khoa toàn thư cũ về cơ chế hoạt động của lựu đạn cầm tay.
Thế nhưng chính cái tên đơn giản ấy đã vang lên như sấm động trên báo chí phương Tây sau chiến thắng lẫy lừng của “ông Giáp” ở Điện Biên Phủ, một chiến thắng được coi là không tưởng vào thời kỳ đó, và sau đó là cuộc chiến đấu trường kỳ khiến đế quốc Mỹ phải cúi đầu khuất phục ở miền Nam Việt Nam.
Trong cuốn hồi ký “Một chút vinh quang” của mình, tướng Marcel Bigeard, người từng tham chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ và chịu khuất phục dưới tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Trong 25 cầm quân của mình, Giáp có những lúc đã thua, nhưng ông luôn luôn rút ra bài học, giành lại ưu thế để cuối cùng trở thành một tướng lãnh không ai bì kịp… Xin ngả mũ chào ông, ông Giáp.”
Cuốn “Giáp, người chiến thắng ở Việt Nam” của Peter Macdonald
Dần dần, cái tên “Giáp” thành cách gọi thông dụng của sách báo phương Tây, kể cả những tác phẩm của các tướng lĩnh hay sử gia kinh viện. Đối với nhiều người phương Tây, cái tên “Giáp” nhiều khi đồng nghĩa với Việt Minh, thậm chí với quân đội và sức mạnh Việt Nam.
Vào năm 1977, sử gia người Pháp Georges Boudarel, người đã từng đứng về phía Việt Minh cầm súng chống lại thực dân Pháp đã xuất bản tại Paris một cuốn sách với tựa đề vỏn vẹn một chữ “Giáp”chiếm trọn bìa sách trên nền hình vị tướng huyền thoại này.
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) (Khampha.vn)
Hai người phụ nữ phía sau vị Tướng huyền thoại
Khoảnh khắc quay lại nhìn vợ con trên con đường Cổ Ngư năm ấy, Võ Nguyên Giáp đã không ngờ được rằng đó là những khoảnh khắc cuối cùng ông được nhìn thấy người vợ mà ông rất đỗi yêu thương.
Những ngày này, Đại tá Nguyễn Tấn Định - cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cậu ruột luôn có mặt ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu từ sớm cùng những người thân trong gia đình Đại tướng. Không thể nói được gì nhiều trước nỗi đau quá lớn này, nhưng Đại tá Nguyễn Tấn Định đã chia sẻ với phóng viên Tuần VN những câu chuyện mà ông đã từng ghi lại về người cậu ruột của mình."Tôi luôn luôn là người lãng mạn"
Đại tá Nguyễn Tấn Định gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cậu ruột. Trong số những người cháu của Đại tướng, anh Định là người có may mắn được gần ông nhiều nhất và chia sẻ với ông nhiều nhất. Với anh, đó vừa là niềm hạnh phúc, là sự tự hào, là một tấm gương để mỗi lần soi mình vào, anh lại dặn lòng mình phải sống xứng đáng và xứng đáng hơn nữa!
Bà Võ Thị Lài - người em út trong gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người cuối cùng rời căn nhà ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngôi nhà đó là nơi 7 người con của cụ ông Võ Quang Nghiêm và cụ bà Nguyễn Thị Kiên đã lần lượt chào đời. Một người trong số đó đã trở thành Huyền thoại của dân tộc trong thế kỷ 20.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình tưởng niệm trước mộ cụ Võ Quang Nghiêm
Bà Võ Thị Lài từng kể với các con, năm 1911, Tướng Giáp được sinh ra ở gốc mít sau vườn. Năm đó nhà bị hỏa hoạn cháy rụi, cụ Võ Quang Nghiêm phải dựng tạm một mái lều dưới gốc mít phía trước sân làm chỗ tá túc. Cụ Nguyễn Thị Kiên đã sinh ra người con trai đặt tên là Võ Giáp trong chính túp lều cạnh gốc mít ấy mà chẳng biết rằng họ đã sinh ra một người con vĩ đại cho đất nước sau này. Mươi năm về trước, trong một lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trồng lại một cây mít vào đúng chỗ gốc mít năm xưa, để giữ lại kỉ niệm nơi ông đã chào đời và để tự nhắc nhở mình về công ơn sinh thành của cha mẹ.
Thân mẫu của Tướng Giáp mất đúng lúc ông đang đi công tác Liên Xô. Đêm ấy, ông nằm mơ thấy mẹ mình bị đau ở vùng bụng, lại mơ thấy có máu. Trong giấc mơ, thấy con trai mình đang luống cuống vì lo lắng, cụ Nguyễn Thị Kiên đã bảo "Con cứ đặt bàn tay con lên đây là hết đau". Khi tỉnh giấc ngay sau đó, ông thấy lòng mình như có lửa. Ông thức suốt đêm đó, không thể nào ngủ lại được nữa, vì linh tính mách bảo chuyện chẳng lành. Sáng hôm sau, người của Đại sứ quán đến báo tin mẹ ông đang bị bệnh nặng khó qua khỏi. Thông báo đó chỉ để Đại tướng yên lòng, còn thực tế, thì lúc đó cụ Nguyễn Thị Kiên đã qua đời tại Quân y viện 108.
Khi anh Định lớn lên thì cậu ruột anh - Võ Nguyên Giáp đã trở thành huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Nhưng là người cháu ruột gần gũi với Đại tướng nhất suốt mấy chục năm nay, anh đã có may mắn được chứng kiến cuộc sống của Tướng Giáp với những góc nhìn đời thường nhất.
Tôi từng đọc những tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi Đại tướng và không hiểu sao, đặc biệt thích một câu chuyện ông kể: "Tôi có thể nói tôi luôn luôn là người lãng mạn, tôi muốn đó phải là một nơi đẹp, rộng rãi, nằm trên sườn đồi. Vì thế sở chỉ huy của tôi nằm trên sườn đồi với một góc nhìn rộng và từ trên đó có thể quan sát rõ những gì xảy ra trong căn cứ của địch". Sự căng thẳng, khốc liệt và những tình huống hiểm nghèo của cuộc chiến với địch không làm mất đi sự lãng mạn của một vị Tướng trận văn võ song toàn. Qua những gì anh Định kể lại, tôi đã biết rằng, sự lãng mạn ấy luôn xuất hiện trong suốt cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thời chống Mỹ, ban ngày làm việc ở văn phòng, còn mỗi tối về nhà, Võ Nguyên Giáp phải làm việc trong tầng hầm để đề phòng bị đánh bom. Nhưng bất kể một ngày mệt mỏi, căng thẳng thế nào, tối đến ông vẫn thường ngồi vào chiếc dương cầm đen bóng đặt trên tầng hai, dạo một vài bản nhạc. Một trong những bản nhạc ưa thích của ông là bản Sonata Ánh trăng. Cháu trai ông - Nguyễn Tấn Định, trong những đêm ngủ ở nhà ông, đã được nghe những bản nhạc tuyệt vời như thế: những bản nhạc được dạo bằng những ngón tay của một vị Tướng trên chiến trường là nỗi khiếp sợ của kẻ địch, còn bên phím đàn, bỗng nhiên thành nghệ sĩ! Tiếng đàn du dương trong đêm thanh vắng trong suốt nhiều năm tháng ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu là một trong những ký ức vô cùng đặc biệt với anh Định.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và em gái - bà Võ Thị Lài
Hai người phụ nữ phía sau vị Tướng huyền thoại
Những năm sau này, Đại tướng phải vào viện thường xuyên hơn, mỗi lần ở cũng lâu hơn. Cho đến vài năm cuối đời, ông nằm hoàn toàn ở Viện 108, với sự chăm sóc 24/24 của bác sĩ và y tá. Thời gian đầu nằm viện, sức khỏe còn tốt và trí tuệ còn minh mẫn, tối tối, anh Định thường vào viện chăm sóc và trò chuyện với ông suốt tối rồi cẩn thận dẹm màn cho ông đi ngủ mới yên tâm ra về.
Những buổi tối đó, Đại tướng đã kể cho cháu trai những chuyện mà không phải lúc nào ông cũng dễ dàng chia sẻ. Có đêm, đã nằm trên giường một lúc, Đại tướng mới cất tiếng: "Cậu như đang nghe thấy có tiếng xe lửa chạy trên đường ray. Cậu bỗng nhớ lại một chuyến đi vào Huế, đến ga Vinh thì mợ Thái của cháu lên tàu. Hồi ấy mới quen sơ sơ nên chỉ gật đầu chào nhau mà không nói chuyện gì nhiều. Vào Huế, mấy hôm sau thấy mợ Thái của cháu sang tìm, nói là để nhận sách, cậu đoán là xin tài liệu. Cậu nói là sách còn chưa mua được, nói thế là vì tài liệu thì anh Diễu cầm, Cậu chưa nhận được thật. Thế mà mợ Thái cháu không tin, tưởng là Cậu có mà không đưa, dỗi bỏ về". Những lúc đó, nét mặt ông vui vẻ, sống động, ánh mắt như xa xôi khi quay về một thời trai trẻ.
Anh Định từng được Đại tướng kể, cưới nhau được 6 tháng nhưng chưa có con, ông và bà Quang Thái vô cùng lo lắng, vì thời đó lâu như thế mà chưa thấy có "hiện tượng" gì là có vấn đề. Vì lo quá mà có lần bà Quang Thái đã nói với chồng: "Dưới Mơ (chợ Mơ bây giờ) có ông thầy xem hay lắm, hay mình xuống đó thử xem, một lần cho biết". Thế mà ông cũng chiều vợ, hôm sau hai người bắt xích lô, đi xuống phía Chợ Mơ, hỏi đường vào một con ngõ nhỏ và tìm ông thầy đó.
Cụ Võ Quang Nghiêm - thân phụ của Đại tướng
Sau này kể lại với cháu trai, Đại tướng nói: "Đó là một ông thầy đồ đã già, xem bói chỉ là làm thêm cho những ai cần mà thôi, không phải nghề của thầy. Ông thầy bảo, đừng lo, muốn có con thì sẽ có con, anh còn phải lo nghiệp lớn, nhưng anh chị sẽ phải sống xa nhau đấy...Ông ấy còn nói thêm một số cái nữa, nhưng mà Cậu chỉ nhớ có thế. Ông ấy nói thế mà đúng...". Nói rồi ông nằm im, mắt nhìn lên trần nhà, không kể tiếp nữa. Ngồi bên ông, người cháu trai Tấn Định chỉ biết lặng im, chỉ sợ mỗi cử chỉ của mình sẽ chạm vào những điều thiêng liêng đó...
Có một buổi chiều đáng nhớ, một buổi chiều ly biệt khi hoàng hôn đã buông tràn phố cổ, trên con phố Cổ Ngư ven hồ Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia tay người vợ trẻ Nguyễn Thị Quang Thái cùng đứa con gái nhỏ chưa đầy tuổi để cùng một nhóm thanh niên yêu nước sang Trung Quốc gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tham gia hoạt động cách mạng: "Con cứ tưởng tượng đó là một con phố nhỏ, vắng vẻ, trời đã chạng vạng tối. Mợ thì bế Hồng Anh nằm vắt trên vai, hình như đang ngủ. Cậu và mợ cứ đi bên nhau như vậy, vừa đi vừa nói chuyện, không muốn để cho người đi đường để ý. Lúc sau thì mợ dừng lại vì phải quay về. Cậu vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn, đi một đoạn lại quay lại nhìn, thấy mợ cứ ôm con đứng như vậy mãi. Hình ảnh ấy Cậu không bao giờ có thể quên đi được..."
Khoảnh khắc quay lại nhìn vợ con trên con đường Cổ Ngư năm ấy, Võ Nguyên Giáp đã không ngờ được rằng đó là những khoảnh khắc cuối cùng ông được nhìn thấy người vợ mà ông rất đỗi yêu thương. Sau khi bà Nguyễn Thị Quang Thái hy sinh trong nhà lao Hỏa Lò một thời gian khá lâu, Võ Nguyên Giáp mới biết tin khi ông Trường Chinh báo tin trong một lần cả hai gặp nhau ở một phiên họp ở Việt Bắc. Quá bất ngờ, choáng váng và đau đớn, sợ không nén được cảm xúc, ông đã phải xin ra ngoài, rồi đi ra phía vườn sau, tựa vào gốc cây cổ thụ, nơi ông có thể để cảm xúc vỡ òa trước khi cố gắng lấy lại sự bình tĩnh để trở vào phiên họp quan trọng mà ông không thể bỏ.
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn với bà Đặng Bích Hà, con gái Giáo sư Đặng Thai Mai. Tuy tuổi tác cách biệt, nhưng ông bà đã luôn là những người bạn tri âm, tri kỷ cho đến những ngày cuối cùng của ông. Suốt những năm sống bên cạnh Đại tướng - người bạn đời của ông đã chia sẻ và yêu thương tất cả những gì thuộc về ông: người vợ liệt sĩ của ông, người con gái riêng của ông và cả những người cháu của ông.
Mỗi dịp Tiết Thanh minh ra nghĩa trang viếng mộ bà Quang Thái hay mỗi dịp vào Hỏa Lò, nơi bà Quang Thái đã hi sinh, bao giờ bên cạnh Đại tướng cũng có người bạn đời của Đại tướng - bà Đặng Bích Hà. Những lúc đó, khi ông lặng đi vì xúc động, phải vịn tay lên mép cửa sổ, ánh mắt dưới đôi lông mày bạc trắng nhìn đăm đăm vào phía trong buồng giam như cố tìm một bóng hình quen thuộc, thì ở bên cạnh, bà Đặng Bích Hà lặng lẽ cài những bông hồng lên ô cửa phòng giam...
Trong lúc này, khi gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ở bên nhau, cùng chuẩn bị tang lễ của ông, vẫn có rất nhiều người Việt Nam đã không tin được vào sự thật rằng ông đã không còn nữa, bởi họ vẫn nghĩ ông là bất tử.
Theo Vietnamnet
Người làm thay đổi lịch sử Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết một vị tướng người Anh đã từng nhận định như vậy về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trung tướng Phạm Hồng Cư và cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ Là tác giả cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp...