Tướng Đồng Sỹ Nguyên:16 tuổi vào Đảng, 23 tuổi là đại biểu Quốc hội
Tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ngoài gắn với con đường Trường Sơn huyền thoại, cuộc đời và sự nghiệp của ông còn có những dấu mốc đặc biệt khác mà ít ai biết.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần ngày 4.4.2019, ở tuổi 96 (ảnh IT).
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, Bí danh Nguyễn Văn Đồng), sinh ngày 01.3.1923; quê quán xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1938, được kết nạp vào Đảng tháng 12.1939. Như vậy ông vào Đảng từ khi 16 tuổi.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Đáng chú ý, tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 1 năm 1946, ông Đồng Sỹ Nguyên đã trúng cử khi mới 23 tuổi.
Ông cũng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng thường trực rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay Phó Thủ tướng), kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Quá trình công tác của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên như sau:
Năm 1940, ông làm Bí thư Chi bộ xã. Năm 1941, ông làm Phủ ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1942 đến tháng 02.1945, ông làm Ủy viên Ban cán sự tỉnh Quảng Bình phụ trách hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Tháng 8.1945, ông được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1946 đến năm 1948, ông làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội, Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tháng 5.1948, ông làm Tỉnh ủy viên, Chính trị viên, kiêm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1949 đến năm 1950, ông được cử đi học lớp quân sự Bộ Tổng Tư lệnh, công tác ở Phòng Đảng vụ, Cục Chính trị.
Từ năm 1951 đến tháng 01.1954, ông làm Cục phó Cục Tổ chức, Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung Lào.
Năm 1956, ông phụ trách công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn và đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết.
Video đang HOT
Từ tháng 4.1956 đến năm 1960, ông lần lượt kinh qua các chức vụ Cục phó Cục Điều động dân quân, Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958.
Năm 1964, ông làm Tổng Tham mưu phó. Năm 1965, ông làm Chính uỷ Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Lào.
Năm 1966, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương.
Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Ông được phong quân hàm từ Đại tá vượt cấp lên Trung tướng năm 1974. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tham gia cánh đường Quốc lộ 1.
Tháng 6.1976, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12.1976), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng.
Từ năm 1977 đến tháng 02.1982, ông giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc, ông được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Tháng 8.1979, ông được điều trở lại công tác tại Bộ Xây dựng, giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3.1982), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12.1986), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Năm 1991, ông thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng bảo vệ rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ông được nghỉ công tác từ tháng 10.2006.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (đây là Huân chương cao quý nhất), Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mất ngày 4.4.2019; Lễ viếng Trung tướng sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút, thứ tư, ngày 10.4.2019. Lễ truy điệu từ 12 giờ 30 phút, Lễ di quan từ 13 giờ 15 phút cùng ngày. Lễ an táng hồi 17 giờ cùng ngày, tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, thành phố Hà Nội.
"Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng trận tài ba tận tâm"
Nguyên Tư lệnh Quân khu 1, tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ: Ông luôn nhận thấy sự khiêm tốn, tận tâm đến cháy bỏng của tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Ông không nề hà, luôn cống hiến hết mình để góp phần đem lại những "quả ngọt" cho đất nước, cho nhân dân - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói.
Dấu ấn gắn với tư duy đổi mới
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ. Trung tướng sinh năm 1923, quê Quảng Bình; ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; nguyên Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn và là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Chính thức Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI (1986-1991), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Vị tướng lỗi lạc của quân đội Việt Nam - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 11 giờ 42 phút, ngày 4.4 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trong tâm trí của những người đồng đội, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài, tận tâm, nặng tình nặng nghĩa với đất nước, với nhân dân, với anh em chiến sĩ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ, với ông, tướng Đồng Sỹ Nguyên là một con người tận tâm, có nhiều dấu ấn đổi mới trong giai đoạn được giao những trọng trách đặc biệt.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khó VIII, IX, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng trải qua cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, qua thời kỳ đổi mới của đất nước và từng được cử giữ những chức vụ cao.
"Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên có nhiều dấu ấn gắn với tư duy đổi mới, là một người lãnh đạo sâu sát, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm" -Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng kể, trong nhiều lần gặp tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông luôn có thể cảm nhận tướng Đồng Sỹ Nguyên là một người lãnh đạo gần dân, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất. Quá trình làm việc hết sức sâu sát, tỉ mỉ, quyết liệt, được nhân dân rất tín nhiệm.
Vị tướng trận tài ba, người lãnh đạo tận tâm
Nhắc đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1 luôn dành cho ông một sự kính trọng, nể phục. "Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là người thầy của tôi" - tướng Thệ nói.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được đánh giá là một vị tướng giỏi, tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam. Trong ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên tới thăm bộ đội Trường Sơn.
Trong câu chuyện với PV, tướng Thệ luôn dành những tình cảm, lời nói xúc động khi nhắc tới vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn.
Chia sẻ những kỷ niệm về tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho biết, nói đến tướng Nguyên, là phải nhắc đến Binh đoàn Trường Sơn nơi ông làm Tư lệnh. Bởi đây là mặt trận vô cùng quan trọng, nơi bảo đảm hậu cần cho chiến tranh chống đế quốc của dân tộc. Mặt trận đó cũng không kém phần nóng bỏng và ác liệt thời kỳ xảy ra giao tranh.
"Đoàn 559 (sau là Bộ tư lệnh 559) trong chiến đấu và xây dựng đất nước có một vị trí rất quan trọng, không thể thiếu được. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị giao cho làm tư lệnh Bộ tư lệnh 559. Trong khi làm nhiệm vụ, đồng chí đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ bảo đảm toàn bộ tuyến hậu cần cho cuộc chiến" - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói.
Theo tướng Thệ, nếu miền Bắc có khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" thì Bộ tư lệnh 559 do tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh là đơn vị luôn bảo đảm cung cấp kịp thời nhất các nhu yếu phẩm, đạn dược... cho các mặt trận, cho các tỉnh Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ hay những nơi xa xôi...
Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, những đóng góp không nhỏ của Binh đoàn 559 nơi tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh đã giúp cho quân đội ta thêm vững vàng tư tưởng để chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược.
"Chúng tôi được nhận những hạt gạo, lương thực, nhu yếu phẩm, đạn dược từ chính Bộ tư lệnh 559 của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi vào. Sự hỗ trợ kịp thời của người đứng đầu cũng như Đoàn 559 đã đóng góp một phần không nhỏ vào những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta sau này" - vị nguyên Tư lệnh Quân khu 1 chia sẻ.
Vào thời điểm chiến tranh nổ ra, tuy là một người lính, người cán bộ cấp trung đoàn nhưng những gì tướng Thệ biết và nghe về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên càng khiến ông nể phục tài năng của vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn.
"Trong chiến đấu, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được đánh giá là một người lãnh đạo, chỉ huy giỏi, tận tuỵ với công việc, chăm sóc cho anh em cán bộ chiến sĩ. Cả cuộc đời ông tập trung làm việc làm sao hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Ông là một vị "Tướng trận" đúng nghĩa, lặn lội với chiến trường, lăn lội với anh em để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kịp thời nhất" - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.
Với tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị nguyên Tư lệnh Quân khu 1 cho biết, ông nhận thấy sự khiêm tốn, tận tâm đến cháy bỏng của tướng Đồng Sỹ Nguyên. "Ông không nề hà, luôn cống hiến hết mình để góp phần đem lại những "quả ngọt" cho đất nước, cho nhân dân" - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói.
Theo Danviet
Tướng Đồng Sỹ Nguyên sống giản dị, đậm chất "người lính cụ Hồ" Mấy tháng trước chúng tôi có qua nhà thăm tướng Đồng Sỹ Nguyên, bác còn hứa kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn này sẽ thu xếp đến dự và thăm bảo tàng. Vậy mà giờ chưa kịp đến ngày bác đã ra đi...", bà Hoàng Oanh, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ với Dân...