Tướng Công an nói gì về việc triển khai Luật An ninh mạng?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng Bộ Công an cho hay, hiện nay, Ban Soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư pháp chuẩn bị xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An ninh mạng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong tháng 10 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét thông qua Nghị định.
Ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước công bố các Luật (ảnh PV).
Luật An ninh mạng không hạn chế quyền của người dân
Sáng nay (28.6), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua. Đó là Luật tố cáo, Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng, Luật đo đạc và bản đồ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung của Luật thể dục thể thao.
Về Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 86,86%, gồm 7 chương, 43 điều. Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an), Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với sự tham gia góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn như VNPT, FPT, BKAV, nhiều chuyên gia tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – Asean, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á, các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận,Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an (Ảnh PV).
Theo Trung tướng Thuận, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng đã quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể gồm: phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, phòng chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng…
Ngoài ra còn phòng chống tấn công mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng cũng như phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, đấu tranh bảo vệ an ninh mạng… “Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng”, tướng Thuận nêu rõ.
Cục trưởng An ninh mạng Bộ Công an cho biết thêm, hiện nay, dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích thu lợi nhuận mà Nhà nước chưa đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật.
“Luật đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ”, Trung tướng Hoàng Phước Thuận nhấn mạnh.
Trả lời thêm câu hỏi của báo chí, Trung tướng Hoàng Quốc Thuận khẳng định, Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân. Tất cả những điều không bị cấm quy chiếu 29 điều của Bộ Luật Hình sự, có những điều luật trực tiếp, liên quan cũng như các luật khác.
Đối với việc triển khai Luật An ninh mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho hay, hiện nay, Ban Soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư pháp chuẩn bị xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An ninh mạng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. “Dự kiến trong tháng 10 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét thông qua Nghị định”, Trung tướng Hoàng Phước Thuận.
Nhiều điểm mới trong Luật Quốc phòng
Đối với Luật tố cáo, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Luật tố cáo năm 2018 so với Luật tố cáo năm 2011, gồm 9 chương 67 điều. Về hình thức tố cáo, Luật tố cáo mới vẫn tiếp tục hai hình thức tố cáo, tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Video đang HOT
Luật tố cáo quy định tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, đây là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo.
Về bảo vệ người tố cáo, Luật dành một chương quy định bảo vệ người tố cáo. Theo đó người được bảo vệ bao gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Phạm vi bảo vệ bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phậm của người được bảo vệ.
Về Luật Quốc phòng, theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Luật đã bổ sung giải thích từ ngữ như: quân sự, chiến tranh nhân dân, phòng thủ đất nước, chiến tranh thông tin, thảm họa, phòng thủ quân khu, phòng thủ dân sự, kết hợp quốc phòng với kinh tế- xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng. Luật bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là một bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.
Luật cũng bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng…
Theo Danviet
Cục trưởng An ninh mạng nói gì về giám sát tài khoản cá nhân trên MXH?
Sáng 15.6, chia sẻ với báo giới liên quan đến luật an ninh mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận - Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho biết: Luật An ninh mạng của Việt Nam không cấm hoặc ngăn cản quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân; không cấm công dân sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, không cấm các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam...
Luật An ninh mạng của Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV với 86,86% số phiếu tán thành, 3,08% số phiếu không tán thành và 5,75% không biểu quyết. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1. 2019.
Sáng 15.6, tại Hà Nội, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí về bộ luật này.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an). Ảnh: Thành An
Không cấm các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
Thưa ông, trong quá trình soạn thảo dự luật An ninh mạng, chúng ta đã thực hiện như thế nào. Đặc biệt là có làm việc với các đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google về việc yêu cầu đặt văn phòng đại diện và máy chủ ở Việt Nam?
- Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Chúng ta cũng đã xây dựng Dự thảo luật An ninh mạng từ tháng 11.2016 theo hướng bị quyết của Quốc hội. Theo nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Ban soạn thảo xây dựng luật gồm nhiều bộ ngành là thành viên như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao...
Kế hoạch xây dựng ban đầu bám theo Nghị định 72, sau đó khi trình Dự thảo Luật An ninh mạng tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội thì được Quốc hội đặt vấn đề điều chỉnh làm sao phù hợp với các kiến nghị của Doanh nghiệp, Tập đoàn Viễn thông Internet.
Trong quá trình soạn thảo, Ban biên soạn đã làm việc với những người có trách nhiệm của Google, Facebook, Hiệp hội Hoa Kỳ tại ASEAN, Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á... với tinh thần luôn luôn lắng nghe và cầu thị. Khi được giải thích thì các Tập đoàn thấy đó là phù hợp và cho biết sẽ điều chỉnh lại chiến lược để phù hợp với luật của mình. Như vậy, có thể khẳng định rằng Ban soạn thảo đã tiếp thu cầu thị và điều chỉnh cho phù hợp và trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để Quốc hội biểu quyết thông qua.
Luật An ninh mạng của Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV với 86,86% số phiếu tán thành, 3,08% số phiếu không tán thành và 5,75% không biểu quyết. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1. 2019. Ảnh: Quochoi.vn
Như vậy, Google và Facebook sẽ không rút khỏi Việt Nam?
- Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Chưa có một thông tin gì cả. Việt Nam là thị phần chiếm vị trí hàng đầu trong hoạt động kinh doanh của Facebook và Google với hơn 48 triệu tài khoản.
Khi họ đặt máy chủ tại Việt Nam thì băng thông nhanh hơn, tiết kiệm hơn. Đương nhiên, Chính phủ sẽ có những quy định không phải ai cũng phải đặt văn phòng trụ sở, đặt dữ liệu mà Nghị định của Chính phủ sẽ quy định là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như thế nào phải lưu trữ dữ liệu, lưu trữ dữ liệu loại gì và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như thế nào phải đặt trụ sở, chi nhánh đại diện ở Việt Nam.
Ở nước ngoài người ta siết chặt mạng xã hội, còn ở ta hiện nay mạng xã hội đang rối tung rối mù, quá lỏng lẻo, quá tự do, quyền tự do riêng tư của chúng ta bị chiếm đoạt, bị xiên xẹo... Do vậy đưa ra các phạm vi điều chỉnh không có nghĩa là tất cả các hành vi đó đều bị xử lý mà chúng ta phải tự biết là cái gì không được thực hiện trên không gian mạng còn cái gì được quyền thì được bảo hộ của Nhà nước.
Không kiểm soát thông tin cá nhân của công dân
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, luật An ninh mạng ra đời sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của công dân?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Đầu tiên phải khẳng định, luật An ninh mạng không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, không cản trở pháp luật. Trong Luật An ninh mạng, chưa có điều khoản nào đưa ra bảo hộ quyền và lợi ích cá nhân hợp pháp khi sử dụng không gian mạng mới như luật này. Chúng tôi đã rà soát đầy đủ, Luật An ninh mạng chưa bao giờ vi phạm các điều ước quốc tế, quốc gia nào cũng có những trường hợp ngoại lệ.
Ngày 12.6.2018, Luật An ninh mạng của Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV với 86,86% số phiếu tán thành
Có thể nói, chưa bao giờ luật của chúng ta bảo vệ quyền và lợi ích cá nhân, tập thể, quyền trẻ em được đề cao như bộ luật này. Đây là lần đầu tiên có một quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân...
Chúng ta thoải mái hoạt động mạng khi không vi phạm pháp luật, chúng ta được nói, được phản biện các vấn đề miễn là những nội dung đó không vi phạm pháp luật hình sự, pháp luật hình sự đó đã được quy chiếu trên luật an ninh mạng. Nếu ai bị xúc phạm nhân phẩm, ai bị bịa đặt mà hành vi đó quy chiếu theo 29 điều của Bộ Luật Hình sự, những điều luật trực tiếp có liên quan, kể cả bộ luật Dân sự thì họ đều bị xử lý.
Điều 17 và điều 26 của Luật An ninh mạng quy định cũng rất chặt chẽ về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân của gia đình.
Nhiều người e ngại khi luật này được ban hành sẽ trao quyền quá lớn cho cơ quan chức năng. Đặc biệt, khi doanh nghiệp phải cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho cơ quan điều tra?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Trên thực tế, chúng ta đang thực hiện rất đúng, bài bản khi xác định nội dung vi phạm pháp luật. Nếu liên quan đến vấn đề thông tin truyền thông thì Bộ Thông tin Truyền thông sẽ là người thẩm định; liên quan đến văn hóa thì Bộ Văn hóa sẽ là người thẩm định... Cơ quan chuyên trách của Bộ Công an sẽ căn cứ vào những thẩm định đó đề nghị doanh nghiệp viễn thông cung cấp các thông tin khi điều tra hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy có thể khẳng định, luật An ninh mạng không thể lạm quyền, trong điều cấm nói rất rõ: Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, cá nhân nào đó, tổ chức nào đó lợi dụng nghiệp vụ an ninh mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, quyền và lợi ích của tổ chức cá nhân, trật tự an ninh xã hội chắc chắn sẽ bị xử lý.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an). Ảnh: Thành An
Thưa ông, như vậy, khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp viễn thông thu thập hết thông tin cá nhân cũng như hoạt động của họ cho cơ quan công an?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Trong bộ luật Hình sự, luật Tố tụng hình sự người ta đã quy định rất rõ, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật người ta có quyền được điều tra.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật đó thì cơ quan chức năng về an ninh mạng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ thẩm định xem có vi phạm không, nếu vi phạm họ sẽ đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp viễn thông cung cấp những thông số khi cần thiết.
Tôi khẳng định, không có chuyện cơ quan an ninh sẽ giám sát tất cả tài khoản của cá nhân. Chúng ta chỉ đề nghị các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp những hành vi vi phạm pháp luật. Việc này được quy định rất rõ trong điều 26 Luật An ninh mạng.
Nhiều doanh nghiệp lo lắng những thông tin cá nhân của họ bị lộ, bị lọt. Vậy luật An ninh mạng lấy gì để đảm bảo điều đó?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Hiện nay các doanh nghiệp đang quản lý các thông số của người dân và gần như chúng ta đang bị lộ, lọt các tài khoản cá nhân rất nhiều. Ví như vừa lên sân bay thì đã có tin nhắn có cần đi taxi hay không? Đang họp lại có người gọi điện đến mời mua đất... Chính việc lộ, lọt này là do sự quản lý không tốt của các doanh nghiệp nên doanh nghiệp không có gì phải lo lắng vì trước tới nay chỉ có vi phạm pháp luật thì cơ quan an ninh mới vào cuộc đặt vấn đề. Bên cạnh đó, Điều 17 luật An ninh mạng đã nêu rõ.
Những nội dung đăng trên mạng trong trường hợp nào, nội dung nào sẽ được coi là nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vĩ nhân. Ví dụ như kêu gọi người dân biểu tình có được coi là bị cấm theo luật này không?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Cái này chúng ta phải quay trở lại bộ Luật Hình sự nếu có như vậy thì ta sẽ áp dụng. Còn nếu đã xúc phạm vĩ nhân rồi thì chúng ta phải có thẩm định của Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông xem có vi phạm hay không. Nếu Bộ trả lời là có vi phạm thì ta thực hiện. Các vấn đề liên quan đến các bộ ngành khác cũng tương tự.
Chúng ta phải giải quyết câu chuyện này, đừng để các thế lực xấu lợi dụng đồng bào mình đánh đúng đồng bào mình; đừng để đồng bào mình đánh đúng tài sản của chính tiền thuế của người dân bỏ ra mua sắm.
Nhiều nhận định cho rằng, luật an ninh mạng đưa ra để bảo vệ không gian mạng nhưng trong dự luật này chúng ta lại đề cập đến nhiều yếu tố xử lý về hành chính, thậm chí là hình sự, trong khi đó rất nhiều luật khác đã đề cập đến. Vậy Luật An ninh mạng ra đời có sự chồng chéo với các luật khác hay không?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Không hề có sự chồng chéo, bởi vì chính những nội dung mà UB Quốc phòng an ninh, UB Pháp luật Quốc hội đề nghị để điều chỉnh các hành vi. Chúng ta nói rằng "thực sao ảo vậy", cuộc sống của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi ánh xạ từ thực sang ảo. Nếu chúng ta không có sự điều chỉnh từ thực sang ảo thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Tiếp tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến
Nhiều người quan tâm đó là sau Luật này thì nghị định thi hành thì không biết hiện nay đã xây dựng nghị định hay chưa?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Chúng tôi đã bắt tay vào chuẩn bị cho 25 nghị định và Thông tư. Có thể nói rằng, đây là quá trình đòi hỏi phải rất khẩn trương, có những ưu tiên Nghị định, Thông tư nào ban hành trước, Nghị định, Thông tư nào ban hành sau. Do đó, ban soạn thảo tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chứ không chỉ ban soạn thảo thực hiện; các điều nào, quy định nào đối với bộ phận nào thì đơn vị đó chủ trì soạn thảo.
Từ giờ cho đến khi luật chính thức đi vào trong quá trình xây dựng nghị định, ban biên soạn có tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, các chuyên gia hay không?
Trung tướng Hoàng Phước Thuận: Ban biên soạn luôn luôn lắng nghe, luôn luôn điều chỉnh, luôn luôn cầu thị để những nội dung nào phù hợp nhất sẽ được trình. Không một nghị định nào mà ban biên soạn trình bày nghị định của một cơ quan mà luôn được các bộ, ngành, các tập đoàn viễn thông Internet tham gia vào một cách rất đầy đủ. Tôi khẳng định như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Những hành vi nào bị cấm khi Luật An ninh mạng được thông qua? Những điều luật gây tranh cãi trong dự thảo Luật An ninh mạng được chỉnh sửa thế nào trước khi thông qua? Hơn 86% ĐBQH bấm nút thông qua Luật An ninh mạng Sáng 12/6, với hơn 86% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng có 7 chương, 43 điều, có hiệu...