Tướng cảnh sát Campuchia lĩnh án tù vì mở tiệc giữa phong tỏa
Thiếu tướng Ong Chanthuok cùng hai người khác lĩnh án tù do mở tiệc giữa lệnh phong tỏa ở Phnom Penh hôm 16/4.
Tòa án thành phố Phnom Penh ngày 29/4 kết án tướng Ong Chanthuok 12 tháng tù do tham gia một bữa tiệc trong lúc thủ đô Phnom Penh áp lệnh phong tỏa hai tuần ngăn Covid-19. Hai người khác tham gia bữa tiệc này lĩnh án 18 tháng tù.
Kuch Kimlong, phó công tố viên trưởng của Tòa án thành phố Phnom Penh, cho biết mỗi người phải nộp phạt 1.250 USD. Cảnh sát Campuchia sa thải Ong Chanthuok sau khi ông bị bắt.
Thiếu tướng Ong Chanthuok (giữa) và hai người cùng nhóm bị bắt ở quận Meanchey, Phnom Penh, đêm 16/4. Ảnh: Khmer Times.
Đây là mức án nghiêm khắc nhất tới nay theo đạo luật được quốc hội Campuchia thông qua hồi tháng 3, trong đó quy định các hình phạt gồm ba năm tù cho người chốn cách ly và 10 năm tù cho những ai trốn khỏi cơ sở điều trị khi nhiễm nCoV hoặc cố ý làm lây lan virus.
Cảnh sát quận Meanchey, đông nam Phnom Penh, nhận được tin về một bữa tiệc trái phép diễn ra trong lúc thủ đô Campuchia áp lệnh phong tỏa. Khi tới hiện trường, họ phát hiện khoảng 30-40 người đang uống rượu, nhảy múa, hát hò và tung phấn rôm vào nhau. Đám đông tháo chạy khỏi hiện trường, song thiếu tướng Ong Chanthuok và hai người khác cùng nhóm bị bắt.
Campuchia đang đối phó với đợt bùng phát nCoV, ghi nhận 12.641 ca nhiễm và 91 ca tử vong. Thủ đô Phnom Penh đang áp lệnh phong tỏa và cấm dân chúng ra khỏi nhà.
Video đang HOT
Một số người cho biết gặp khó khăn về thu nhập và thực phẩm. Cảnh sát Campuchia hồi tuần trước cho biết việc bắt và phạt roi người vi phạm lệnh phong tỏa là cần thiết vì chúng nhằm cứu sống người dân.
Người Việt sống dưới lệnh phong tỏa ở Phnom Penh
Sống ở Phnom Penh những ngày qua, Hồng Nhung cảm thấy thấp thỏm khi dịch bùng phát mạnh với hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày.
"Tình hình dịch đang diễn biến rất phức tạp. Gần tuần nay số ca nhiễm mới mỗi ngày đều không dưới 100 và ngày nào cũng ghi nhận ca tử vong", Hồng Nhung, nhân viên spa ở thủ đô Phnom Penh, chia sẻ với VnExpress .
Đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng, Nhung cho biết chính phủ Campuchia đã ban bố lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thị trấn Takmao từ ngày 15/4 đến 28/4. Trước đó, chính quyền địa phương cũng đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát dịch khác như áp lệnh giới nghiêm từ 20h đến 5h hôm sau. Giới chức cũng yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi tới chợ, khu mua sắm, ăn uống.
"Những người không đeo khẩu trang sẽ không được vào chợ và ở đây luôn có người kiểm tra", Nhung nói.
Một chốt kiểm tra phòng dịch ở thủ đô Phnom Penh ngày 15/4. Ảnh: Khmer Times.
Nhân viên spa người Việt này thêm rằng trước khi lệnh phong tỏa được thông báo chính thức, người dân ở Phnom Penh đã đổ xô đi mua đồ ăn dự trữ, dù chính phủ vẫn cho phép một hoặc hai người trong mỗi gia đình có thể ra ngoài 2-3 lần một tuần để mua thực phẩm và thuốc men.
Trong phát biểu trên truyền hình tối 14/4, Thủ tướng Hun Sen cam kết không để thiếu hụt nhu yếu phẩm trong thời gian phong tỏa. "Sẽ không có tình trạng thiếu lương thực, gạo, thịt, rau ở Phnom Penh trong thời gian này", ông Hun Sen nói.
Tuy nhiên, người dân thủ đô Phnom Penh tối 14/4 vẫn đổ xô tới các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và trung tâm thương mại để mua thực phẩm và đồ dùng cần thiết, theo truyền thông Campuchia. Trung tâm mua sắm AEON tại Phnom Penh được cho rơi vào tình trạng quá tải khi người dân "càn quét" các mặt hàng thiết yếu trước giờ phong tỏa.
"Người dân lo sợ nên kéo nhau đi chợ như đi hội, khiến giá thành các mặt hàng bị đẩy lên cao", Nhung kể. "10 quả trứng vịt bình thường giá 5.000 riel (khoảng 28 nghìn đồng), giờ tăng lên 12.000 riel, xấp xỉ 70 nghìn đồng. Thịt bò cũng tăng từ 40.000-45.000 riel lên 60.000 riel. Nhiều mặt hàng thậm chí không còn để bán".
Lãnh đạo chính quyền Phnom Penh khẳng định sẽ nỗ lực hết sức vì lợi ích của người dân và cử đoàn kiểm tra sau khi nhận được tin giá cả thực phẩm tăng vọt ở thủ đô ngay trong những ngày đầu tiên áp lệnh phong tỏa.
Sống tại Phnom Penh những ngày ngày, Nhung thấy thực sự bất an. "Cũng như nhiều người Việt bên này, tôi lo chẳng may mình bị nhiễm nCoV mà về nước sẽ khổ cho đất nước và gia đình, nhưng ở lại cũng không làm ăn được gì vì dịch tràn lan. Vừa lo lắng vừa thấy nhớ nhà", Nhung chia sẻ.
Nguyễn Tiến, một nhân viên viễn thông ở Phnom Penh, cho biết diễn biến phức tạp của dịch trong những ngày qua cũng khiến anh lo lắng.
"Cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi không thể gặp khách hàng, làm việc chủ yếu bằng hình thức online tại nhà", anh Tiến nói. "Cả tháng nay tôi làm việc ở nhà nên cũng phải tích trữ đồ ăn sẵn".
Đây là lần đầu tiên Campuchia phong tỏa thủ đô kể từ khi dịch bùng phát vào đầu năm ngoái. Nước này đã ghi nhận hơn 5.200 ca nhiễm và 38 người tử vong vì Covid-19. Phần lớn ca nhiễm gần đây ở Campuchia là công nhân may mặc và tiểu thương ở chợ.
"Nhiều người Việt phải về nước do bất an và công việc bị ảnh hưởng bởi dịch. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa, cấm di chuyển giữa các tỉnh cũng khiến mọi thứ khá khó khăn. Mọi người phải có giấy thông hành do chính phủ Camnpuchia cấp thì mới đi được", anh Tiến kể.
Trần Công, sống và làm việc tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới Việt Nam, cũng chia sẻ nhiều người Việt những ngày qua cảm thấy lo ngại khi dịch bùng phát mạnh ở Campuchia.
"Công việc và cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bùng phát. Thu nhập cũng bị giảm", anh Công nói.
Thủ đô Phnom Penh vắng vẻ trong ngày đầu phong tỏa hôm 15/4. Ảnh: Khmer Times.
Campuchia chứng kiến ca Covid-19 tăng kể từ tháng 2, khi một ổ dịch lần đầu được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc tại nước này. Giới chức tuần trước cho biết các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh đã hết giường và họ phải chuyển đổi trường học, hội trường tiệc cưới thành trung tâm điều trị.
"Bệnh viện trong tình trạng quá tải, vaccine chưa được triển khai rộng rãi, giờ mà bị nhiễm virus thì không biết sẽ thế nào", anh Tiến lo lắng.
Campuchia, quốc gia gần 16,5 triệu dân, đã tiêm chủng hơn 1,4 triệu liều vaccine và khoảng gần 280 nghìn người hoàn thành hai mũi tiêm, theo dữ liệu của Our World in Data.
Anh Tiến cho biết người Việt tại Campuchia có thể đăng ký tiêm chủng thông qua đại sứ quán Việt Nam nếu đủ điều kiện về hộ chiếu, visa và giấy phép lao động hợp pháp. "Bây giờ điều tôi mong là đại sứ quán sớm đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho cộng đồng người Việt bên này", anh nói.
Các lệnh hạn chế khiến kinh tế Ấn Độ mất 1,25 tỷ USD mỗi tuần Theo báo cáo, nếu các biện pháp hạn chế hiện tại ở Ấn Độ vẫn được áp dụng cho đến cuối tháng Năm, thiệt hại lũy kế của hoạt động kinh tế và thương mại có thể vào khoảng 10,5 tỷ USD. Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN) Trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 tại Ấn...