Tuổi già cô độc ở trời Tây
Cưới vợ chưa được bao lâu, chàng thanh niên Hồng Năm hăm hở sang Đức lao động mong kiếm tiền, rồi dòng đời xô đẩy ông xa quê đến 30 năm. Vợ ông ở Việt Nam bán nhà đánh bạc, con cái cũng không ưa bố.
Tôi đang xoay xở với một đống đồ nghề từ chân máy quay đến camera, ba lô máy ảnh tại sân ga Frankfurt, thì bỗng nghe một giọng nói tiếng Việt bên cạnh: “Chú đi đâu mà lỉnh kỉnh thế? Để anh bê giúp chú”. Tôi ngước lên nhìn thấy lão, một người trung tuổi, gầy còm, ăn mặc xuềnh xoàng.
Khi biết tôi đang muốn chuyển tàu để đến hội chợ triển lãm Frankfurt, lão nhiệt tình xung phong vác đồ và làm tình nguyện viên đưa tôi đi. Biết tôi lần đầu tiên đến đây, lão giới thiệu đủ thứ trời trăng từ chỗ vui chơi đến những điểm du lịch, kể cả khu đèn đỏ.
Sau khi làm thủ tục đăng ký tham dự triển lãm xong, quay sang tôi vẫn thấy lão đứng đó với nét mặt chờ đợi.
“Vé vào cửa ở đây đắt lắm, mặc dù ở đây đã lâu nhưng anh chưa vào bao giờ vào đây”, lão nói. Khi biết lão cũng có ý định vào trong xem, tôi đã quay sang đề nghị ban tổ chức làm cho lão cái thẻ nhà báo vào dự hội chợ cùng với tôi. Khỏi phải nói lão vui như thế nào, đeo ngay cái thẻ vào cổ và hăng hái xách chân máy đi trước.
Sau khi kết thúc công việc, tôi dọn xong đồ nghề thì không thấy lão đâu. Tôi định ra về thì lão lại lù lù xuất hiện, trên tay cầm một đống đồ tặng phẩm. Lão rối rít khoe như đứa trẻ lên ba nhận được quà.
Tôi và lão hay ra sông Main câu cá, đó cũng là nơi lão tâm sự cùng sông nước đất trời. Ảnh minh họa.
Về sau quen, tôi biết lão tên là Năm, quê gốc ở Nghệ An. Lão có bằng lái xe sau khi nước Đức thống nhất nhưng cho tới hôm nay, lão chưa từng sở hữu một chiếc xe nào. Lão tự trào rằng học có bằng để xin đi làm cho dễ, chứ tự do đi lại, lại có người lái cho mình không sướng hơn sao
Mỗi lần có dịp đến Frankfurt làm việc, tôi lại ghé vào thăm lão và đôi khi cùng ra sông Main câu cá. Lão ngồi im bất động nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng, nhưng mỗi khi chiếc phao động đậy, lão phản xạ rất nhanh. Khi vớt cá lên bờ, khuôn mặt lão nở nụ cười mãn nguyện hiếm hoi.
Một đêm hè, Năm rủ tôi đi câu đêm. Ánh trăng vằng vặc. Chiếc phao câu phát sáng trên mặt hồ dập dềnh như những con đom đóm. Bất chợt lão dốc bầu tâm sự: “Anh về già, cô đơn lắm chú ạ”.
Năm là con cả trong một gia đình thuần nông. Nhà đông con nên lớn lên, lão xung phong đi bộ đội để bớt đi một miệng ăn trong nhà. Vào bộ đội, vì người lão nhỏ nhắn nên được làm anh nuôi. Sau mấy năm nghĩa vụ, lão xuất quân về địa phương. Bố mẹ bắt lão lấy vợ để có con nối dõi tông đường. Cô vợ ấy do chính bố mẹ lão mai mối. Chưa kịp có con thì lão lại được tiêu chuẩn đi hợp tác lao động ở Đức. Để lại người vợ mới cưới, lão lên đường sang trời tây với bao nhiêu mơ ước của tuổi thanh niên.
Hàng ngày, lão chăm chỉ đi làm. Đến cuối tuần, lão đi mời những người Đức mà lão quen trong quán bar hay hàng xóm may quần áo bò. Lão chỉ đi tìm khách lấy số đo để ăn hoa hồng. Công việc mang lại món tiền khá. Lão tằn tiện trong chi tiêu cố gắng dành dụm một khoản tiền làm vốn khi hồi hương.
Nước Đức thống nhất, lão cũng ở lại như bao người. Tuy nhiên, thay vì lao xuống đường buôn bán thuốc lá, kinh doanh quần áo, lão chỉ đi làm trong các quán ăn, nhà hàng rồi xin được việc ở Frankfurt và lão chuyển sang đó ở cho đến nay.
Năm 1991 lão về nước, dùng toàn số tiền ky cóp được mua một mảnh đất ở ngoại ô Hà Nội với mong muốn sau này vợ chồng lão sẽ lên thủ đô làm ăn buôn bán. Cũng sau lần về phép đó, vợ lão mang thai đứa con gái đầu lòng.
Vì đi xa, thương vợ nên lão không cho vợ đi làm những công việc của một người nông dân bình thường. Lão gom góp gửi tiền về để vợ lão ăn sung mặc sướng, dưỡng thai đứa con mà lão hằng mong đợi.
Video đang HOT
Sau khi sinh con gái, sẵn tiền mà lại nhàn rỗi, vợ lão bắt đầu lao vào lô đề, cờ bạc. Trong khi đó, lão vẫn hàng ngày đi làm trên những chuyến xe xuôi ngược và nuôi hy vọng dành dụm đủ tiền để đón cả hai mẹ con sang Đức đoàn tụ.
Số tiền mà vợ lão cần ngày càng nhiều thì những con số trong sổ tiết kiệm của lão ngày càng ít. Mỗi lần lão về phép lại bị vợ cằn nhằn là vô dụng bất tài, không bằng thiên hạ. Vì hạnh phúc gia đình, lão nhẫn nhịn cho mọi chuyện êm đẹp. Rồi thằng con trai thứ hai chào đời, lão vui vì có người nối dõi bao nhiêu thì nỗi buồn trong lòng lão lại càng nặng bấy nhiêu.
Ngôi nhà ngày nào lão mua còn là ngoại ô nay đã lên quận mới của Hà Nội, nhưng vợ và các con lão “bất nông, sành thị”, làm nông thì không biết nhưng cái dở của thành thị thì vợ con lão lại rất rành. Rồi vợ lão vay lãi để thoả mãn thú vui, khi khả năng thanh toán không còn thì mang nhà ra gán. Lão lại dồn tất cả tiền và vay mượn bạn bè chuộc lại ngôi nhà cho vợ con có chỗ nương thân.
Chưa trả nợ xong số tiền mới vay thì lão lại nghe tin vợ con đã bán ngôi nhà đó và trở về quê sinh sống. Nhưng nỗi buồn lớn nhất trong lòng của lão chính là hai đứa con đã nghe theo mẹ, khinh khi lão ra mặt. Cứ trải qua mỗi một nỗi đau, lão lại trở nên lầm lì ít nói hơn.
Giờ đến tuổi xế chiều vẫn sống một mình ở Franfurt, trong lòng lão chỉ hy vọng có ngày các con hiều được lòng cha.
Một hôm nghe tin lão Năm ốm nằm viện, tôi vội vã sang thăm. Trên giường bệnh, mặt lão vốn nhàu nhĩ nay trông lại càng khắc khổ, đôi mắt vằn lên những tia đỏ. Lão thều thào “Sắp mất nốt nhà rồi”. Ngôi nhà còn lại ở quê cũng đã bị mang đi cầm cố ngân hàng. Đôi mắt lão nhìn vô định và bất lực. Bên ngoài cửa sổ, những chiếc lá vàng như sắp rụng trong chiều mùa thu.
Nếu ai có dịp đi qua sông Main, nhìn thấy bóng một người đàn ông người Việt nhỏ bé câu cá mỗi chiều, rất có thể đó là lão Năm, người gần 30 năm sống tha hương và cô quạnh.
(Tên người trong bài đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư)
Theo VNE
Những mảnh đời Việt ở trời Tây
Đêm Giáng sinh của Ngô Văn Vượng, 22 tuổi, không có bất cứ một ánh nến, một hơi ấm nào khi anh ta được đường dây buôn người đưa từ Ukraina sang Đức, sống chui nhủi trong một căn hầm, để ngày ngày chăm sóc cần sa.
Trong suốt hai năm liền, Vượng ở trong hầm, nơi mà các khe cửa đều được dán kín. Anh hầu như không tiếp xúc với ai. Ở châu Âu, nơi Vượng từng cho là miền đất hứa và đã vay mượn tiền để chạy sang, anh cứ thế chui lủi, và cuối cùng bị bắt, kết án 7 năm tù. Với Vượng, cuộc sống "vẫn còn may vì em chưa nghiện".
Số phận của Vượng, cũng như bao người Việt khác tìm đường đi Tây, được ký giả Nguyễn Hoàng Hải phát hiện và theo dõi. Những người đó tiêu nhiều năm tuổi trẻ, mồ hôi nước mắt với hy vọng kiếm những đồng euro. Nhưng có không ít người gần cả cuộc đời bôn ba, đến cuối đời lại trắng tay trong cô đơn lẻ loi và nỗi buồn cô quạnh.
Trong series này, Hoàng Hải kể về những cuộc đời Việt ở Tây mà anh đã gặp trong nhiều năm sống ở Đức, và chàng thanh niên Vượng là một trong các mảnh đời đó.
Nhiều người Việt ở trời tây phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt, thậm chí tính mạng để kiếm tiền. Ảnh minh họa: AP
Sau những ngày làm việc căng thẳng cuối tuần tôi đang chìm sâu trong giấc ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng chuông cửa. Cố lờ đi như không nghe thấy để ngủ cố nhưng tiếng chuông cứ réo vang, tôi phải bật dậy ra mở cửa.
Bà nhân viên bưu điện chìa cho tôi một lá thư gửi bảo đảm và bảo tôi ký nhận. Nhìn vào phong bì tôi tỉnh cả ngủ vì nơi gửi lá thư đó cho tôi lại từ một nhà tù tại Berlin. Sau khi ký nhận tôi vội bóc xem nội dung thư viết gì.
Dù đã đọc đi đọc lại nhưng tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Liệu có sự nhầm lẫn hay không? Tôi đành bỏ lá thư đó, hút một điếu thuốc và thêm tách cà phê để chống cái lạnh của buổi sáng mùa đông tuyết rơi dày bên cửa sổ, rồi quay lại đọc lá thư.
Justizvollzugsanstalt Charlottenburg 25.10.2011
Kính gửi toà soạn báo Tuần Tin Tức
Ngài tổng biên tập Trần Hoàng Hải kính mến!
Thể theo nguyện vọng của một tù nhân tên Ngô Văn Vượng là người Việt Nam hiện đang thụ án tại nhà tù Charlottenburg. Anh ta muốn gặp đích danh ngài vì một mục đích cá nhân, nếu ngài không thể đến được có thể uỷ quyền cho phóng viên đang làm việc tại toà soạn. Chúng tôi hy vọng ngài sớm trả lời, để chúng tôi thông báo lại cho phạm nhân Ngô Văn Vượng.
Chào thân ái,
Giám thị tại giam Charlottenburg.
Lục tung trong ký ức tôi không hề quen ai có cái tên như vậy và cũng không hề có ấn tượng gì. Công việc cuối năm bận rộn cuốn tôi theo guồng quay để rồi vào một ngày đầu năm 2012 trong lúc dọn dẹp lại đống thư từ tôi phát hiện ra lá thư bị bỏ quên. Đọc lại lá thư tôi thầm nghĩ chắc có việc gì đó người ta cần mình giúp đỡ nên chăng tới đó một chuyến. Sau khi gọi điện, fax các loại giấy tờ cần thiết đến cho trại giam, cuối cùng tôi cũng đã có lịch hẹn.
Ngồi trước mặt tôi là một thanh niên chừng 25 tuổi, dáng người anh ta cao mảnh khảnh khuôn mặt ưa nhìn có nét hiền hiền, trông dường như không có gì liên quan đến bản án anh ta đang thụ ở đây. Anh ta bị kết án 7 năm tù vì tội tàng trữ và trồng cần sa tại tiểu bang Sachsen.
Khi tôi vừa ngồi xuống bàn, người thanh niên hỏi: "Anh không nhận ra em à, em đã đến toà soạn gặp anh một lần. Khi đó em nhờ anh làm giúp em giấy thông hành để em hồi hương".
Khi đó tôi mới chợt nhớ vào khoảng giữa năm 2010, anh ta có tới tìm tôi nhờ tôi làm cho anh ta cái giấy thông hành để anh ta về Việt Nam. Ngoài quyển hộ chiếu anh ta không còn giấy tờ gì khác. Có điều hơi lạ là quyển hộ chiếu được cấp nhiều năm song còn rất mới. Thị thực khi ấy của anh ta được cấp tới Ukraina.
"Em không biết nhờ ai bởi những người em quen thì sẽ không dám đến đây nên em nghĩ đến anh vì các anh làm báo, hay đi về Việt Nam. Em hy vọng qua câu chuyện anh sẽ giúp em. Em tên Ngô Văn Vượng. Quê em ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Từ khi em chào đời đến hôm nay em chưa hề biết mặt cha như thế nào. Em sống với mẹ và bà ngoại. Năm em lên 7 tuổi, mẹ em chết trong một vụ sập mỏ vàng. Kể từ đó em mồ côi, sống với bà.
Bên ngoài nhà tù Charlottenberg, nơi Vượng bị giam. Ảnh: Hoàng Hải
Bà nuôi em bằng lương hưu. Ngoài ra bà em cũng đi làm thêm ngoài bãi vàng để có tiền cho em ăn học. Khi em 16 tuổi, em cũng ra bãi làm cùng với bà để có thêm thu nhập, tranh thủ thời gian buổi chiều tối em cũng ra suối bắt thêm con tôm con cua con cá để cải thiện bữa ăn của hai bà cháu. Đó là khoảng thời gian em thấy hạnh phúc nhất trong đời.
Khi em chuẩn bị thi đại học là lúc bà em lâm bệnh. Những cơn bệnh kéo đến làm bà ngã quỵ. Có lẽ do bà làm ở khu gang thép nặng nhọc nên về già bà nhiều bệnh mà tiền em kiếm được ngày càng ít hơn so với tiền viện phí và thuốc thang cho bà. Trong thời gian làm ở mỏ vàng em được một chủ xưởng quý và thương cho hoàn cảnh nên đã giới thiệu em với người bạn đang làm ăn ở Ukraina.
Khi bước chân ra đi, em đâu ngờ đó là bước ngoặt thứ nhất trong đời em, là cánh cửa đưa em vào thế giới ngầm ma tuý quyền lực, sự đấu đá. Chết hay là trại giam. Đó là cái đích ắt em phải tới.
Khi mới sang tới Ukraina em làm người nấu cơm rồi khi quen thông thổ em trở thành người đi giao hàng. Thực lòng em không muốn làm nhưng đâm lao đành theo lao vì số tiền nợ khi em sang Ukraina và số tiền chữa bệnh cho bà mà hàng tháng em phải gửi về. Nhiều khi muốn chuyển nghề khác thu nhập thấp nhưng đỡ thấp thỏm lo âu lo lắng hàng ngày, nhưng cứ nhìn thấy những kẻ đột nhiên biến mất không rõ lý do và nhiều người bị đánh đập dã man do mất hàng nên ý nghĩ đó ngay lập tức biến khỏi suy nghĩ của em.
Càng ở lâu em mới biết đứng đằng sau hoạt động tội phạm buôn hàng trắng và đá này là cả một tổ chức hoạt động quy mô liên quan đến cả một số ông quan hành pháp, và các ông chủ đều ăn vận complet cà vạt rất đẹp, có tên tuổi.
Cuối năm 2007, em đi giao hàng cho bọn người Romania tại một kho hàng bỏ hoang gần cảng. Trong khi đang giao dịch thì bị cảnh sát bao vây. Trong lúc chạy trốn cảnh sát em đã vô tình rơi xuống một chiếc cống ngầm. Em cứ lần mò đi trong cái cống hôi thối đó cho tới khi ra được cửa cống ở gần sông. Em đi bộ trong đêm và đến gần sáng em mới đến được một quán bar. Đó là nơi tiêu thụ hàng của đường dây.
Để thưởng công cho em và trốn chạy sự truy nã của cảnh sát, em được đưa sang Đức trong đêm Noel. Đây là bước ngoặt thứ hai trong đời mà nơi đến và tương lai em mịt mù như đêm Noel năm đó.
Sang đến Đức em được giới thiệu đi trồng cỏ mà ở đó suốt ngày em chỉ ở tầng hầm ăn và ngủ. Phòng em ở tất cả các cửa sổ đều được dán kín suốt thời gian đó. Em không có khái niệm ngày hay đêm. Tất cả đồ ăn nước uống và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cứ một tuần có một xe vận tải nhỏ chở đến và cũng chính chiếc xe này chở những sản phẩm sau khi thu hoạch đi tiêu thụ.
Em làm việc ở đó được khoảng một năm và sau đó chuyển đi một địa điểm khác. Chắc do chỗ trồng đó có ngay cơ bại lộ nên trong vòng có hai ngày, tất cả hệ thống đèn, hệ thống tưới tiêu và sưởi được tháo dỡ và đưa lên hai xe tải chở đi. Em và hai người nữa được chở đi bằng xe con đến một địa điểm khác nghỉ ngơi khoảng một tuần, họ lại đưa bọn em đến địa điểm mới. Nơi ấy tất cả đều đã được lắp đặt hoàn thiện.
Em và hai người nữa xúc đất cho vào các bịch nilon sẫm mầu và trồng cây con. Sau hai năm đúng hợp đồng như đã hứa, người quản lý đã đến đón em đưa đến một địa điểm tập kết. Em được trả lại hộ chiếu và được đưa đến chỗ anh làm giấy thông hành. Toàn bộ số tiền lương của em làm trong hai năm đã được chuyển về cho bà và số tiền đó không phải riêng em mà nhiều người sang Đức mong đổi đời có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Gần đến ngày ra sân bay, người quản lý dẫn đến một người đàn ông đứng tuổi và giới thiệu đó là ông chủ, người đã trả lương cho em suốt thời gian qua. Qua câu chuyện, ông chủ thuyết phục em ở lại làm thêm cho ông một năm với số lương khá hấp dẫn. Lúc đầu em cũng từ chối vì thực lòng xa bà đã hơn 4 năm, em cũng muốn về với bà và cuộc sống trong suốt thời gian qua với em là địa ngục đáng sợ. Em chưa nghiện đã là may mắn lắm, nhân cơ hội này em về Việt Nam làm lại cuộc đời và chăm sóc bà những năm tháng cuối đời.
Nhưng không hiểu những lời đường mật của ông chủ kia có sức hút kỳ diệu gì mà cuối cùng em đã đồng ý ở lại. Qua câu chuyện của người quản lý với ông chủ, em biết rằng những trang trại trồng cần sa này đều nằm dưới sự điều khiển của một đại gia có số má ở Đức. Để có một trang trại trồng cần sa như thế này cũng mất khoảng 600 nghìn đến trên một triệu euro. Nhưng bù lại chỉ khoảng hai vụ 6 tháng nếu trót lọt, họ sẽ thu hồi đủ vốn nên mặc dù bị theo dõi khá gắt gao nhưng những trại trồng cỏ vẫn cứ phát triển.
Thế rồi chuyện gì đến cũng đã đến. Em bị bắt vào một buổi sáng sớm tinh mơ. Sau khi bị toà tuyên, em về đây thụ án".
Vượng dừng câu chuyện nhìn tôi khá lâu rồi mạnh dạn nói. "Kể từ khi em bị bắt đến nay đã hơn một năm em không hề nhận được tin tức gì của bà em cả. Nếu anh về Việt Nam công tác anh ghé qua thăm bà giúp em. Em sợ đến lúc em được thả bà em đã không còn sống nữa".
Chưa dứt câu mắt anh ta đỏ hoe, rồi những giọt nước cứ thế lăn dài. anh ta nói trong tiếng nấc: "Anh cố giúp em nhé".
Thế rồi sau Tết, tôi có việc đột xuất về Việt Nam. Sau khi chuyện của tôi giải quyết tạm ổn tôi quyết định đi Võ Nhai, Thái Nguyên đến thăm bà của Vượng cho trọn lời hứa. Khi bắt đầu chuyến đi, tôi không ngờ rằng nó có thể kéo dài tới hai ngày và để lại trong tôi nhiều cảm xúc đến thế.
Tiếp theo: Người bà ở Việt Nam
Theo VNE
Oan mạng vì giao bánh pizza trễ Ảnh minh họa: Reuters Một khách hàng đã nổi khùng và giết chết một người đàn ông giao bánh pizza ở Mexico vì người này giao bánh muộn 40 phút. Thi thể nạn nhân, bị bịt mắt và trói tay, được tìm thấy vào hôm 8.10 tại thị trấn Tetla, cách thủ đô Mexico City khoảng 140 km về phía đông, theo văn...