Tung tăng dưới nước, nhưng những loài cá này còn là sát thủ cực nguy hiểm trên cạn
Sống ở dưới nước, nhưng chẳng rõ vì sao các loài vật này lại có thói quen săn mồi trên cạn, với tỷ lệ thành công cao hơn cả sư tử.
Dù vẫn sống ở dưới nước nhưng một số loài cá, xin trừ cá sấu ra vì quen quá rồi, lại chỉ thích xơi những con mồi trên cạn. Bạn có biết chúng “đi săn” như thế nào không?
1. Cá nheo Châu Âu – Silurus glanis
Loài cá da trơn này có thể dài tới 3m, thường săn mồi chủ yếu dưới nước. Nhưng khi cần, chúng cũng sẵn sàng rình mò đớp chim bồ câu trên bờ, với tỷ lệ thành công khoảng 28%.
Bạn đừng nhìn vào con số dưới 50% này mà cho rằng cá nheo Châu Âu kém cỏi nhé. Ngay cả sư tử, loài thường đi săn theo đàn và săn trên chính địa bàn của chúng cũng mới có tỷ lệ thành công là 18% thôi.
Ngoài ra, chỉ những con có kích cỡ tầm trung (1 – 2m) mới săn mồi kiểu như vậy thôi. Lý do có thể là vì cơ thể khi ấy còn tương đối nhỏ, chưa thể săn mồi trong nước. Còn khi đã lớn hết cỡ, trở thành “chúa tể” thì việc gì phải khổ công rình bắt mồi trên bờ?
2. Cá cung thủ – Toxotes
Khác với cá nheo, cá mang rổ chỉ dài khoảng 18cm. Thế nên chúng chỉ nhắm vào côn trùng đậu trên các nhánh cây gần mặt nước là chủ yếu.
Điểm đặc biệt của cá mang rổ là khả năng bắn nước bách phát bách trúng, trong phạm vi 2m. Cái tên gọi khác của nó là cá cung thủ cũng từ đó mà ra.
Mỗi khi phát hiện con mồi, cá mang rổ sẽ phun một tia nước cực mạnh, khiến con mồi bị chấn động mà rơi xuống nước. Theo các nhà nghiên cứu, cá mang rổ còn biết tận dụng động lực của nước. Vì thế, tia nước phun ra luôn mạnh gấp 6 lần lực cơ hàm của loài cá này.
3. Cá voi sát thủ – Killer Whale
Trong các loài cá khoái săn mồi trên cạn thì cá voi sát thủ là đỉnh của đỉnh. Bất cứ động vật nào trong tầm ngắm của nó, dù là hải cẩu, chim biển, bạch tuộc, rùa, thậm chí cả cá voi, cá mập đều trở thành kẻ bị truy sát.
Dài 6 – 8m, nặng cả tấn, nhưng cá voi sát thủ lại cực kỳ lanh lẹ. Nó có thể đạt vận tốc 56km/h và nhảy cao tới 4m. Săn chim bay trên mặt biển với cá voi sát thủ chỉ là chuyện vặt.
Người ta cho rằng cá voi sát thủ còn bắt cả hươu nai khi chúng băng biển để chuyển sang đảo khác. Tuy nhiên, chưa có ai quay, chụp được cảnh này.
4. Cá mập hổ – Tiger Shark
Khác với cá voi sát thủ điên cuồng săn đuổi, cá mập hổ lại săn theo kiểu “ngư ông đắc lợi”.
Video đang HOT
Một số loài chim di cư có thể bị mất phương hướng khi bay ngang qua biển. Chúng cứ vỗ cánh cho đến khi kiệt sức rồi rơi xuống nước. Và cá mập báo chỉ việc thò đầu lên mà tớp.
Ngoài ra, đèn điện sáng chói từ các giàn khoan dầu ngoài khơi trong đêm cũng khiến một vài loài chim di cư bị lóa mắt, đâm xuống nước. Sinh tồn là một cuộc chiến tàn nhẫn song với “ngư ông” cá mập hổ, nó lại khá tuyệt vời.
5. Cá rồng bạc – Silver Arowana
Nhìn những chú ngân long này lượn lờ trong bể cá cảnh, ít ai biết, khi ở ngoài tự nhiên, chúng có thể nhảy cao tới 2m.
Món khoái khẩu của cá rồng bạc là côn trùng, chim và rắn.
Cá rồng bạc trong bể kính thường có một hoặc cả hai mắt chỉ nhìn xuống đáy bể. Tuy nhiên, đây không phải đặc tính của nhà ngân long. Vì thức ăn cho cá trong bể kính thường chìm xuống đáy nên chúng mới vô thức hình thành đặc trưng này thôi.
6. Cá trê lươn – Channallabes apus
Cũng là một loài cá, nhưng cá trê lươn đã tiến hóa để có thể tạm sống trên cạn. Nếu dưới nước không đủ thức ăn, nó chỉ việc bò lên bờ kiếm thêm.
Thức ăn chủ yếu của cá trê lươn là bọ cánh cứng. Khi một cá trê lươn dưới nước phát hiện có bọ cánh cứng trên bờ, nó sẽ bò lên cạn, trườn tới gần rồi bất ngờ búng một cái, lao mình lên và chúi đầu xuống chụp lấy con mồi.
Cá trê lươn không nuốt con mồi khi ở trên cạn mà tha xuống nước rồi mới xơi.
7. Cá bống mắt lồi – Oxudercinae
Giống như cá trê lươn, cá bống mắt lồi cũng có khả năng bò lên cạn bắt mồi. Tuy nhiên, nó lại khác ở chỗ không thể ở quá lâu dưới nước.
Thay vì chết nếu thiếu nước, cá bống mắt lồi lại có thể chết vì… ngạt nước. Nó thích bò loăng quăng trên bãi bùn và lâu lâu mới lội xuống nước một lần.
Cả côn trùng lẫn sâu bọ đều là món ăn ưa thích của cá bống mắt lồi. Vì ở trên cạn nhiều hơn dưới nước, chúng còn hô hấp qua cả da và miệng nữa.
8. Cá quả – Channidae
Cá quả cũng được biết đến là loài cá có kỹ năng săn mồi trên cạn thần sầu. Chúng có thể bắt được chuột, chim, thậm chí cả rắn.
Tương tự cá trê lươn, cá quả sẽ bò lên bờ, uốn mình trườn trên cạn như rắn để tiếp cận con mồi. Tuy nhiên, khác với cá trê lươn, nó sẽ nuốt chửng con mồi ngay tắp lự thay vì tốn công tha xuống nước.
9. Cá hổ Châu Phi – African Tigerfish
Không như các loài cá khác phải chờ con mồi trên cạn đứng im mới hành động, cá hổ Châu Phi tóm cả động vật đang bay.
Với cơ thể mảnh mai, thon dài (chừng 1m) và hàm răng cực kỳ sắc nhọn, cá hổ Châu Phi có thể phóng lên khỏi mặt nước và bắt gọn chim chóc hay côn trùng đang bay. Tỷ lệ thành công của chúng là 25%.
Cá hổ Châu Phi cũng không ở im một chỗ phục kích mà tích cực rượt theo con mồi trước khi lao lên khỏi mặt nước.
10. Cá hồi vân – Rainbow Trout
Cá hồi vân (hay còn gọi cá hồi cầu vồng) là loài cá nước ngọt sặc sỡ bậc nhất và cực kỳ phàm ăn. Dù là các loài cá nhỏ hơn khác, côn trùng hay chuột bọ, nó đều xơi tuốt.
Năm 2013, một nhà nghiên cứu đã mổ bụng một con cá hồi cầu vồng và đếm được 20 con chuột trong dạ dày của nó.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết được cá hồi vân bắt chuột kiểu gì. Người ta chỉ đoán rằng những con chuột không may đã cố lội qua vùng nước nông (vì chuột bơi rất tệ) và xui xẻo làm mồi cho cá hồi cầu vồng.
Theo Trí Thức Trẻ
Cá voi mẹ mang xác con bơi qua đại dương: Lời cảnh báo tới con người
Cá voi mẹ mang theo xác con tại ngoài khơi bờ biển Canada như để tiếc thương. Vụ việc xảy ra tuần qua gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa từ những hoạt động của con người.
Đau buồn có lẽ là cảm xúc mọi sinh vật đều có, kể cả những sát thủ đại dương. Trung tâm Nghiên cứu Cá voi (CWR), phụ trách theo dõi và nghiên cứu quần thể cá voi ở khu vực đông Thái Bình Dương, cho biết cá voi con được sinh vào ngày 24/7 đã chết vài giờ sau khi sinh.
Khi cơ thể của cá voi con chìm xuống nước, cá mẹ liên tục đẩy lên và giữ nó nổi trong 3 ngày. Theo CNN, Ken Balcomb, người sáng lập CWR, khẳng định cá voi mẹ và cả đàn biết chính xác chúng đang làm gì.
"Chúng biết cá con đã chết. Tôi nghĩ đây là một dạng nghi lễ tiếc thương. Cá voi mẹ không muốn bỏ con đi. Nó có lẽ đã mất hai con kể từ lần sinh đầu tiên 8 năm trước", ông nói.
Cá voi sát thủ J35 (tên các nhà nghiên cứu đặt) mang xác con bơi trên biển 3 ngày. Ảnh: CWR.
100% cá voi con mới sinh đều không sống sót
Vụ việc phản ánh một thực tế đau lòng của loài cá voi sát thủ. Số lượng cá thể ở vùng tây bắc Thái Bình Dương giảm mạnh. Hiện quần thể tại khu vực gần Canada và phía tây bắc Mỹ chỉ còn 75 cá thể. Tỷ lệ sinh trong những năm gần đây là 0%, tức 100% con được sinh ra đều không thể sống sót.
"Nguyên nhân là do thiếu thức ăn", Balcomb nói.
Thức ăn của cá voi sát thủ là cá hồi. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cho biết hoạt động của con người đang khiến số lượng cá hồi giảm mạnh. Một số nhà máy thủy điện gây cản trở quá trình sinh sản của loài này. Hoạt động săn bắt tràn lan cũng khiến số lượng cá hồi ngày càng ít đi. Cùng lúc đó, các trang trại nuôi cá có thể mang tới lợi ích kinh tế nhưng hệ sinh thái đang phải trả giá đắt.
"Các trang trại nuôi cá đều không hiệu quả. Đồng hóa gene di truyền khiến cá hồi trở nên yếu hơn và số lượng ngày càng ít đi", Balcomb nhận định.
Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc cá voi không có đủ thức ăn, dẫn tới sinh sản kém.
Con người phải chịu trách nhiệm
Cá voi mẹ đẩy xác cá voi con đi trong nhiều ngày. Ảnh: CWR.
Theo Balcomb, một con cá voi cái trung bình sinh được 5 lứa trong vòng 25 năm kể từ khi chúng bước vào thời kỳ sinh sản. Cá mẹ mang thai 17 tháng và chăm sóc con trong vòng một năm sau khi sinh. Do đó, phải tốn rất nhiều thời gian thì một con cá voi mới được sinh ra và dần trưởng thành.
Viễn cảnh tương lai của cá voi sát thủ hiện nay không chỉ mù mịt mà thậm chí là biến mất. "Sự tuyệt chủng đang đến", Balcomb cảnh báo.
Tuy nhiên, ông cũng đề xuất một số biện pháp trước khi quá muộn. Balcomb cho rằng con người cần cân nhắc việc xây đập thủy điện, bởi một số đập hiện nay không cho hiệu quả xứng đáng với chi phí đầu tư trong khi cái giá đối với môi trường lại quá lớn.
"Đã đến lúc chúng ta chú ý bảo vệ môi trường và tái xây dựng hệ sinh thái. Tôi ủng hộ việc khôi phục hệ thống sông tự nhiên để tạo điều kiện cho cá hồi hoang dã", ông đề xuất.
"Nếu những con sông được khôi phục, cá hồi sẽ phát triển lại, và hy vọng nhờ đó, quần thể cá voi cũng sẽ phục hồi. Chúng ta có thể sửa chữa sai lầm".
Hoạt động đánh bắt cá voi dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học vẫn được Nhật Bản thực hiện. Trong chuyến săn gần đây, 333 con cá voi đã bị giết, trong đó 122 cá thể đang mang thai.
Ngọc Hà
Theo Zing
Mỹ: Bắt được "quái vật sông" khổng lồ, phá kỷ lục bang Ngư dân đã phải vật lộn 15 phút để kéo con "quái vật" lên thuyền. Ngư dân Jeffrey Dill chụp ảnh cùng con cá khổng lồ Một ngư dân ở bang Virginia nước Mỹ vừa câu được một con cá da trơn khổng lồ nặng gần 31 kg, tờ UPI đưa tin. Ngư dân Jeffrey Dill cùng bạn đi câu ở hồ Smith...