Tùng Dương thấy bị xúc phạm vì fan Uyên Linh chỉ trích
Đọc một số lời bình luận trên mạng với nội dung chỉ trích gay gắt dành cho mình và ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương cho rằng, có những lời nói khiến anh rất suy nghĩ và thấy bị xúc phạm.
Chuẩn bị đi lưu diễn ở Mỹ và châu Âu, nhưng ca sĩ Tùng Dương nói, anh rất quan tâm đến giải Cống hiến và sẽ cố gắng thu xếp về Việt Nam kịp dự lễ trao giải.
- Tùng Dương nghĩ sao khi thời gian qua anh và ca sĩ Thanh Lam bị fan Uyên Linh phản ứng mạnh mẽ vì những lời nhận xét thẳng thắn đã dành cho Uyên Linh?
- Tôi được bạn bè gửi cho đường link. Cũng hơi buồn khi đọc một số comment của một số khán giả hay lên mạng, họ bình luận nhiều về Thanh Lam và Tùng Dương. Một số người có những lời nói làm ca sĩ bị tổn thương khiến ca sĩ chúng tôi không thể không suy nghĩ. Không chỉ Tùng Dương, Thanh Lam, mà còn có các nghệ sĩ khác cũng bị xúc phạm, động chạm tương tự. Nếu khán giả chịu khó lắng nghe ý kiến và cảm nhận một cách khách quan hơn mà không phiến diện.
Trong cuộc sống của tôi, nếu chỉ đọc những lời comment để mà sốc thì không. Trước đây, đi hát mà bị ai chê thì tôi nhảy dựng lên, phản ứng rất mạnh, nhưng đến giờ, sau 7-8 năm làm nghề, tôi đã thay đổi, tính cách đằm hơn, trưởng thành hơn. Tôi nghĩ quan trọng hơn hết là sự tìm tòi trong nghề nghiệp và sản phẩm phải ghi dấu ấn. Mỗi người làm nghề đều xác định có công chúng riêng của mình, khán giả của tôi không ở diện rộng, không phổ cập nhưng rất theo dõi bước đi của Tùng Dương, luôn cho tôi những động viên trong nghề nghiệp.
- Anh có nghĩ cái tên của mình có thể bán vé hay cứu được một show diễn nào đó không?
- Cái tên của tôi chỉ phù hợp với những chương trình để khán giả thưởng thức, chia sẻ cảm xúc. Tôi không bao giờ tôi vỗ ngực nhận rằng “cái tên mình đảm bảo cho việc bán vé hay hot nhất thị trường hiện nay” mà chỉ muốn nói, ai muốn đi thưởng thức nghệ thuật, lắng nghe thì sẽ tìm đến với Tùng Dương, Thanh Lam hoặc những ca sĩ khác cùng hướng đi.
- Có ca sĩ đếm fan của mình bằng cách ước lượng: trung bình mỗi tỉnh thành ở Việt Nam anh ta có 1000 fan, chưa kể ở Hà Nội và TP HCM thì nhiều hơn, nhân lên với 63 tỉnh thành thì sẽ biết mình có bao nhiêu người hâm mộ. Còn Tùng Dương thì sao?
- Tôi không có thói quen đếm xem mình có bao nhiêu người hâm mộ. Những người hâm mộ của tôi không theo kiểu đứng lên giơ biển: “Tôi yêu Tùng Dương!”, hay hét to: “Tùng Dương! Tùng Dương!” trong các show ca nhạc, mà họ là những khán giả ngồi thưởng thức, chiêm nghiệm, có cảm xúc thực sự và thường là nhiều người trung niên. Tuy nhiên tôi cũng thấy càng ngày khán giả của mình càng mở rộng, vì có những bạn trẻ cũng hát Ôi quê tôi, Con cò… Thậm chí trong các cuộc thi, các bạn nam đều chọn những bài hát của tôi để thể hiện. Tôi nghĩ khán giả chấp nhận, yêu thích mình thì họ mới mang ca khúc của mình ra thi thố, thể hiện. Thà tự hào về điều đó còn hơn ngồi đếm xem mình có bao nhiêu fan, bao nhiêu fanclub.
Làm nghệ thuật không có chỗ cho sự ích kỉ, chỉ muốn mình độc tôn. Âm nhạc không có sự bắt ép tất cả, nghệ thuật phải tự nhiên, ai thích cái gì thì chọn nghe cái đó sao cho phù hợp với thẩm mỹ nghe nhạc của họ. Tôi luôn sống trong trạng thái cân bằng.
Tuy có thể không nổi như các ca sĩ khác về fan, nhưng khi tôi cất giọng hát lên, tôi thấy các bạn ở bên dưới cũng rất chăm chú lắng nghe tôi hát và dành cho tôi nhiều tình cảm, vẫn vỗ tay trước chất lượng bài hát mà mình mang lại. Có thể tôi hơi lạc lõng một chút xíu so với những ca sĩ khác, nhưng tình cảm người nghe nhạc dành cho tôi rất nhiều, không cần phải theo kiểu cổ động số đông. Fan quá khích tôi cũng đã gặp, nhưng “quá khích” theo kiểu của Tùng Dương chỉ là bắt tay, xuýt xoa, chụp ảnh, ôm hôn thắm thiết… dù mình không phải hot boy!
Tôi rất cám ơn một số em ở Tuyên Quang đã có fanclub, hàng năm gửi tặng tôi những con gấu bông rất xinh và viết trong những lá thư: “Em luôn theo dõi bước đi của anh”. Những lá thư đó tôi đều hồi âm hết cho các bạn.
- Từ trước tới nay, chưa bao giờ thấy anh kể về một nửa của mình.
- Với tôi, tình yêu không quá bản năng cũng không quá lí trí, nhưng cũng không yêu theo kiểu tình yêu sét đánh mà quan trọng là qua quá trình tìm hiểu nhau thì dẫn đến tình yêu. Nghệ sĩ có tình yêu mới thăng hoa được. Nhìn vào mắt của họ thì sẽ đoán được họ đang buồn vui hay hạnh phúc, vì nghệ sĩ rất nhạy cảm. Nghệ sĩ khó giấu diếm cảm xúc, tôi cũng vậy.
“Người ấy” của Dương cũng phải có cá tính, nhưng nếu cá tính quá thì đôi khi cũng không được. Tôi luôn yêu cái đẹp, duy mĩ, nhưng cách tư duy của tôi vẫn theo cách nhìn của tôi. Với mọi người, cái đẹp là phải thấy ngay là đẹp, là cái đẹp trời cho kiểu hoa hậu, siêu mẫu, còn với tôi, người ấy có những cái hay, đặc biệt, thậm chí sự hài hòa cũng là đẹp. Tôi thích cái đẹp theo kiểu bài hát Hà Nội của tôi (Lê Minh Sơn), đó là: “Tóc em thơm thơm mùi hoa bưởi, thơm cả cánh chim bay/ Tóc em thơm thơm cả phố phường, thơm ngát Hà Nội của tôi ơi…”. Đấy là một cô gái rất đẹp. Có nhiều cách cảm về người phụ nữ và tôi rất đồng cảm với nhạc sĩ Lê Minh Sơn về cách nhìn này.
Video đang HOT
- Đã sống trong showbiz nhiều năm đến thế, vậy mà Tùng Dương vẫn lãng mạn vậy sao?
- Nghệ sĩ thì cả đời lãng mạn, họ lãng mạn đến khi nào không còn sống trên đời nữa. Lãng mạn thể hiện sự khát khao và coi tình yêu là thiêng liêng, tìm sự tươi mới cho nhau. Nếu cuộc sống cứ phẳng lặng thì sẽ dẫn đến nhàm chán, với tôi, cuộc sống là sự đấu tranh với bản ngã, vận động không ngừng.
- Đến bây giờ, tài sản của Tùng Dương sau 8 năm đi hát là bao nhiêu?
- Chỉ là 3 album, bởi có bao nhiêu tiền, tôi đều đầu tư hết vào âm nhạc. Nếu kiếm được 9 – 10, tôi chỉ tiêu 2-3-4 thôi, còn dành dụm phòng ngừa sau này lúc lập gia đình, con cái, lúc bố mẹ ốm đau… Ai mà vỗ ngực nói rằng: “Làm nghệ thuật,tôi rất giàu có”, theo tôi không đúng và nên xem lại. Trong thời buổi này, làm nghệ thuật đủ ăn là may lắm rồi. Đầu tư cho nghệ thuật như muối bỏ bể, rất khó nói là tôi dư dả.
- Nhiều nghệ sĩ đã sang kinh doanh để có nhiều tiền. Sao anh không làm như họ?
- Tôi mà ôm đồm nhiều việc quá thì có khi chả làm việc gì ra hồn. Tôi sợ nếu kinh doanh, tôi sẽ không còn tư chất nghệ sĩ nữa, mà trở thành “con buôn” với đầu óc quá tỉnh táo. Cuộc sống không cho ai tất cả, được cái nọ, mất cái kia. Nghệ sĩ có thể giàu, nhưng trong giới hạn của nghệ sĩ mà thôi. Chẳng hạn Madonna có thể giàu bằng âm nhạc, nhưng không thể sánh được với tỷ phú dầu mỏ.
- Tùng Dương mới nhận được 30 triệu đồng tiền thưởng từ giải Album vàng cùng với số tiền bán album chắc chắn không thể bù được chi phí 30.000 Euro sản xuất Li ti. Vậy Tùng Dương nghĩ đến việc thu hồi “vốn” ra sao?
- Có lẽ rất khó để nói chuyện là bán đĩa để “hòa vốn”. Còn giải thưởng nhận là sự ghi nhận của những người làm nghề, của công chúng, nhà báo, hội đồng nghệ thuật dành cho mình. Tôi nghĩ, với nghệ sĩ, điều đó rất quan trọng. Còn tiền thưởng chỉ để động viên, khích lệ nghệ sĩ, ghi nhận sự nỗ lực của họ, chứ tôi không quan trọng là bao nhiêu và không coi đó là một khoản để bù vào chi phí làm album. Li ti là một album bán chạy nhất của Tùng Dương cho đến thời điểm này.
- Anh nghĩ thế nào về sự áp đặt trong âm nhạc mà một số nhạc sĩ hiện nay đang dành cho ca sĩ?
- Việc áp đặt là điều luôn luôn phải gặp trong cuộc sống nhưng một số nhạc sĩ áp đặt cho ca sĩ lại tạo ra sự hạn chế. Nhiều nhạc sĩ sáng tác rất hay, rất giỏi, nhưng chính họ lại đóng khung họ lại vì giết chết sự sáng tạo thứ hai của ca sĩ. Tìm sự đồng điệu là tốt, nhưng người ta phải thể hiện rõ ngôn ngữ, tư duy riêng, cá tính riêng của người hát, chứ nếu nhạc sĩ bảo sao, ca sĩ hát 100% như vậy là hoàn toàn thụ động, mà tôi không phải là người như vậy. Tất nhiên, mình phải hiểu nhạc sĩ muốn nói gì, bởi vậy tôi luôn trau dồi văn hóa đọc của mình. Thời gian rảnh rỗi, trước khi đi ngủ tôi vẫn đọc một số tác phẩm để nâng tầm hiểu biết, suy nghĩ của mình lên, dù có thể chưa nhiều, nhưng dần dần cũng giúp tôi hiểu sâu hơn ca từ của các tác giả. Biết đâu, sau này tôi lại tự viết ca từ cho những bài hát của mình thì sao.
- Được đề cử ở ba hạng mục cho giải Cống hiến, anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi từng được hai giải Cống hiến rồi và tôi không phải là người ham hố giải thưởng, phải muốn cho bằng được giải này giải kia, mà chỉ vui vì được ghi nhận. Giải thưởng này theo tôi là có chất lượng, do các nhà báo bình bầu dựa theo nhãn quan của người làm báo. Tôi thấy những giải thưởng Cống hiến đã qua trao rất chính xác. Chữ “Cống hiến” ở đây nhiều người cho rằng phải cống hiến nhiều, có nhiều sản phẩm, nổi bật trong năm, hay sống lâu lên lão làng… Tôi không nghĩ như vậy, quan trọng là bạn đột phá, sáng tạo nhiều, đó mới gần với tiêu chí của Cống hiến. Không phải cứ nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân đã được giải Cống hiến, mà trong năm đó, bạn hoạt động nghệ thuật nhiều, phát minh, sáng tạo ra một cái gì đó và được giới chuyên môn công nhận.
- Nghĩ về Cống hiến như vậy nên có vẻ sau hai lần nhận giải này, Tùng Dương lại tự đặt lên vai mình những nhiệm vụ quá nặng nề?
- Trái lại, công việc của tôi trở nên hứng khởi, thoải mái hơn rất nhiều. Thực ra, mỗi nghệ sĩ khi làm việc luôn hướng đến mục tiêu nào đó, với tôi là được khán giả ghi nhận, chia sẻ với tâm huyết của mình. Đã theo nghệ thuật thì bất kể lúc nào cũng phải như một cơn sóng ngầm, ngoài những lúc bung phá thì âm ỉ chảy bên dưới, không có nghĩa là lười nhác, không hoạt động gì. Tôi mất 2 năm mới thực hiện xong album, hoàn toàn không đơn giản chút nào, nó gần với xu hướng thế giới với tính đương đại, thể nghiệm, nhưng cũng mang yếu tố dân gian gần gũi như con nhện, con cò… đậm chất Việt, kết hợp với nhạc cụ giao hưởng và âm thanh điện tử trên thế giới, tạo sự đa chiều và hướng nội song song với sự hướng ngoại. Tôi rất tự hào về Li ti, tất nhiên, ban đầu chưa thể hoàn chỉnh như mình mong muốn được, chỉ là sự thể nghiệm, điều đó sẽ rút kinh nghiệm cho những album sau này. Tôi không ra nhiều album, nhưng mỗi album đều đánh dấu sự nghiên cứu, đầu tư kĩ càng.
- Trong số những ca sĩ cùng được đề cử với mình, anh đánh giá cao ai?
- Tôi thấy có đầy đủ cả những người gạo cội như chị Thanh Lam, những người đương đại như Tùng Dương, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn và gương mặt mới như Uyên Linh, phản ánh đúng đời sống nhạc Việt năm vừa rồi. Tôi nghĩ là hội đồng nghệ thuật, các nhà báo đặt tiêu chí và tuyển chọn ra gương mặt xứng đáng nhất với chữ cống hiến. Còn với tôi, những đề cử đó đều xứng đáng.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tùng Dương: Đại thắng hay trắng tay cũng đều bình tĩnh
Giọng ca "Li ti" cho rằng anh hoàn toàn xứng đáng khi là người xuất hiện nhiều nhất ở danh sách tranh giải Cống hiến. Chàng ca sĩ 28 tuổi còn bày tỏ tham vọng, một ngày nào đó, tên anh sẽ được ghi trong phần Nhạc sĩ của năm.
Tùng Dương đang phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ đương đại và một trong những mục tiêu để đạt được điều đó là sáng tác ca khúc cho mình. Ảnh: Maika.
- Được đề cử giải Cống hiến ở cả ba hạng mục: Album, Ca sĩ và Chương trình của năm, anh đón nhận điều này thế nào?
- Hoạt động bề nổi của tôi không được như một số đồng nghiệp khác nhưng tôi cho rằng, các nhà báo đã nhận thấy nỗ lực trong việc cố gắng cho ra đời album "Li ti" sau hai năm mong ước. Đây là sản phẩm hợp tác với êkíp nước ngoài và có sự đầu tư khá lớn về cả tiền của, công sức và chất xám.
Tôi thấy mình có duyên nợ với giải Cống hiến từ khi được đề cử năm 2004. Cống hiến có thể chưa hoàn toàn đúng với quy chuẩn chất lượng nhưng đã là giải thưởng có chọn lọc, phản ánh rất đúng thực tế của người làm nghệ thuật trong năm. Có mặt ở ba hạng mục, hẳn nhiên tôi hạnh phúc. Tôi cho rằng, những đề cử này đúng và nỗ lực của tôi trong năm qua đã được mọi người ghi nhận.
- Trường hợp của Tùng Dương tại Cống hiến 2010 gợi nhớ về Đức Tuấn trong mùa Cống hiến 2009 cũng với ba đề cử. Đức Tuấn đã giành cú đúp, còn anh, anh chờ đợi điều gì?
- Việc thua hết hay ôm trọn các giải thưởng đều có thể xảy đến. Eminem từng dẫn đầu đề cử Grammy còn ra về tay trắng - đó là chuyện hết sức bình thường nên dù ở trường hợp nào tôi cũng giữ cho mình sự bình tĩnh, hài lòng. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là sự bầu chọn của các nhà báo vì họ là người có bản lĩnh, có cách chọn lựa và thẩm định tốt, theo dõi đời sống âm nhạc sát sao nhất. Mọi năm, những giải thưởng được trao của Cống hiến đều phản ánh rất đúng và chính xác với bộ mặt showbiz, chưa có trường hợp nào mọi người không hài lòng cả.
- Tuy nhiên, Thanh Lam - người bạn nghề thân thiết nhất của anh, người đứng chung với anh ở hạng mục Ca sĩ và Chương trình của năm - lại nói, chị không quan tâm tới Cống hiến và giải thưởng này chỉ là sự bầu chọn của nhà báo - những người không có nhiều chuyên môn về âm nhạc. Anh đánh giá sao về điều này?
- Cuộc sống, tôi nhìn nhận nó lạc quan hơn. Tôi tiếp xúc vói nhiều nhà báo và thấy họ có những nhận xét hết sức xác đáng. Có thể những bài viết của họ lúc này, lúc kia còn chưa đầy đủ nhưng đa phần đều đúng. Tôi tôn trọng quan điểm của chị Thanh Lam, nhưng không cực đoan như thế. Tôi và Thanh Lam rất thân thiết, đứng chung sân khấu, có quan điểm thẩm mỹ âm nhạc giống nhau, nhưng mỗi người có cuộc sống riêng, và cá tính âm nhạc là cái không bao giờ trùng lặp.
Tùng Dương - Thanh Lam cháy bỏng khi song ca cùng nhau.
- Ở hạng mục chương trình của năm, có ca sĩ từng nói "Yêu" của Thanh Lam -Tùng Dương chỉ là một mini show, chưa phải một live show để được xếp vào đó. Bản thân anh nghĩ gì?
- Tôi cho rằng, mỗi người có khái niệm riêng về việc làm show. Chương trình của chúng tôi có sự đầu tư về chất lượng chứ không phù phiếm, hoành tráng như của người ta. Nó cũng không phải là cuộc thi truyền hình như Sao Mai điểm hẹn, Vietnam Idol để được quảng bá rộng rãi. Tuy vậy, "Yêu" vẫn cống hiến cho đời sống âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam một chương trình hay vì nó thành công cả về mặt nghệ thuật và dư luận. Tôi thấy sự ghi nhận tích cực của khán giả về việc Thanh Lam - Tùng Dương có sự tập luyện rất kỹ lưỡng cùng dàn nhạc, hát acoustic - thể loại khó nhất trong nghề để người nghe đánh giá thật nhất chất giọng và cảm xúc của người nghệ sĩ. Hơn thế nữa, chúng tôi còn phối mới lại những tác phẩm đã cũ: Tình nghệ sĩ, Kiếp nào có yêu nhau. Êkíp thực hiện từ ánh sáng, đạo diễn đều rất tốt. Vậy tại sao chương trình của chúng tôi lại không được đánh giá cao? Việc "Yêu" lọt vào đề cử Chương trình của năm là hoàn toàn xứng đáng.
- Giải thưởng anh quan tâm tới nhất trong ba hạng mục đề cử?
- Có thể bạn sẽ đoán đó là giải Ca sĩ nhưng thật ra tôi quan tâm tới giải Album của năm. Không phải tôi nghĩ tôi sẽ được hạng mục này nhưng tôi thường thấy, album phản ánh đúng âm nhạc trong năm đó. Tôi luôn nghe ngóng xem ai là người được album của năm. Khi tôi đang ở nước ngoài, tôi gọi điện cho một nhà báo cũng chỉ hỏi album của năm đó là gì, có thực sự xứng đáng không thôi.
- Dấu ấn người hát trong album sẽ không mạnh mẽ bằng dấu ấn cá nhân anh trên tư cách ca sĩ. Vì sao anh lại chọn album?
- Tôi nghĩ như thế chưa thực sự chính xác. Ca sĩ cũng phải có một êkíp đứng đằng sau quyết định, còn album có cộng tác của nhiều người nhưng sự sáng tạo của êkíp bắt nguồn từ người ca sĩ. Ca sĩ không thể một thân một mình xây dựng hình ảnh cho mình. Tôi chắc chắn rằng khi nhận giải ca sĩ của năm họ cũng phải cám ơn người này người kia đã đứng đằng sau góp sức cho mình.
Giây phút thảnh thơi hiếm hoi của Tùng Dương khi đi lưu diễn ở châu Âu.
- Vậy với giải Ca sĩ và album, anh đánh giá các đối thủ của mình ra sao?
- Với hạng mục album, tôi thấy đã khắc họa được đời sống rất sôi động của nhạc Việt. Hà Anh Tuấn có sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng Anh rất mới mẻ, điều chưa người nào làm được. Đức Tuấn năm ngoái đã được giải, năm nay tiếp tục được đề cử - mỗi năm anh ấy đều cố gắng cho ra đời những album rất đầu tư. Bây giờ, biển mùa đông của anh ấy là tập hợp sáng tác Dương Thụ - những bài hát có thể xem là mãi mãi với thời gian. Những tình khúc Phú Quang tôi đã được nghe qua do anh Tấn Minh tặng - đó là một album rất đáng nghe.
Về hạng mục ca sĩ tôi cũng thấy rất hợp lý, từ những cây đa, cây đề như Thanh Lam đến người mới nhất là Uyên Linh, đều phản ánh rõ nét gương mặt âm nhạc Việt Nam trong năm qua.
- Trong bảng ca sĩ, người được dư luận đánh giá nhiều nhất, cả chiều hướng tích cực và tiêu cực là Uyên Linh. Ý kiến của anh thế nào?
- Tôi không có thói quen nhận xét người khác nhưng tôi cho rằng, Uyên Linh là người ca sĩ mới vào nghề, tạo được nhiều bất ngờ cho khán giả, góp phần làm thị trường âm nhạc sôi động nên cô ấy xứng đáng góp mặt trong danh sách tranh giải. Không nhất thiết phải ra những live show lớn hay có những bề nổi mà quan trọng là đóng góp cho nhạc Việt những điều hứng khởi - tôi thấy Uyên Linh đã làm được điều đó. Bản thân Uyên Linh sẽ biết cô ấy là người có xứng đáng hay không.
- Cảm giác như anh quá khéo léo, ngại động chạm đến người khác, không dữ dội, thẳng thắn như Thanh Lam?
- Tôi đã rất thẳng thắn khi gần đây tôi phát biểu: "Uyên Linh chưa thực sự là người cá tính trong âm nhạc". Người làm nghệ thuật đi con đường rất chông gai, nhiều thử thách, phải luôn cố gắng, vận động sáng tạo chứ không phải người dẫm chân tại chỗ. Nghệ thuật là chặng đường dài chứ không phải thành công nhất thời. Đường dài mới biết sức ngựa. Khi nói như vậy, tôi đã chấp nhận những ý kiến phản đối từ người hâm mộ Uyên Linh. Tuy nhiên, chúng tôi dù sao cũng là những người đã vào nghề nhiều năm, cảm giác rất đúng.
Nhiều người nói tôi bộc tệch, không khéo léo chút nào. Bạn bè tôi còn bảo : "Mày chết bởi miệng". Thế nên tôi rất sợ bị mất lòng đồng nghiệp. Khéo léo đã không phải là tôi.
- Được giải hay không thì việc có tên trong ba hạng mục cũng cho thấy sự ghi nhận đối với công việc của anh trong năm 2010. Để chứng tỏ mình xứng đáng với từ "cống hiến", trong năm nay, anh sẽ làm gì?
- Người nghệ sĩ có rất nhiều hoạt động từ đi hát ra album, làm show đến làm từ thiện. Tôi nhận thấy mình không có khả năng kinh doanh như những đồng nghiệp khác nên tôi chỉ gắn kết với nghề nghệ thuật này thôi. Tôi có rất nhiều dự định nhưng không dám công bố sợ nói trước bước không qua. Mấy ngày tới đây, tôi sẽ sang Mỹ tham gia chương trình Hát với tuổi thơ cùng Trần Thu Hà. Tôi không chỉ có duyên với các giải thưởng mà còn có duyên với việc đi biểu diễn ở nước ngoài.
- Thực ra cái duyên giải thưởng của anh phần lớn đều dừng ở việc, những ca khúc anh hát được nhận giải và giải đó là giải cho người sáng tác, ví như "Con cò", "Đồng hồ treo tường" chứ không phải giải cho người thể hiện. Anh có chạnh lòng vì điều này?
- Đó cũng là công sức của tôi chứ - tôi có sự sáng tạo lần thứ hai. Tôi không bao giờ phụ thuộc 100% vào tác giả vì đối với tôi, cảm xúc của người nghệ sĩ là quan trọng. Không phải nhạc sĩ bảo sao mình làm vậy. Ca sĩ tuân thủ tinh thần của tác giả nhưng không vì thế mà hạn chế tinh thần sáng tạo của người nghệ sĩ. Có ít nhất 50% công sức của tôi trong đó và giải thưởng chúng tôi đạt được đều chia cho nhau. Bản thân tôi nếu đoạt giải trên tư cách ca sĩ, tôi sẽ chia cho cả êkíp vì tôi không phải hình mẫu ca sĩ hoạt động một mình. Hiện tại tôi vẫn phải phụ thuộc vào các nhạc sĩ để tồn tại, nhưng tương lai tôi sẽ tập sáng tác ca khúc "made in Tùng Dương". Biết đâu sau này, tôi sẽ có tên trong danh sách đề cử Nhạc sĩ của năm?
Theo VNExpress
ThảoTrang: "Xấu lạ đã là thương hiệu" Dù sau này Trang có đẹp hơn bao nhiêu đi nữa Trang cũng thích khán giả gọi mình là "xấu lạ", nickname này đã trở thành một thương hiệu của riêng Trang rồi. - Là một ca sĩ không có lợi thế về ngọai hình, nhưng dường như chị luôn thu hút khán giả khi nói về chuyện... sắc đẹp, có khi nào...