Tủi thân quá, tiếng Việt ơi!
Tuần này, dư luận lại dậy sóng tranh cãi xung quanh ý kiến của Bộ trưởng Y tế đề xuất bắt buộc thi môn Văn để xét tuyển vào các trường Y. Lý do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra là “Môn Văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp”.
Ý kiến này đã ngay lập tức nhận được hai luồng phản hồi rõ rệt: đồng tình và phản đối. Bên phản đối, trong đó có nhiều bác sĩ nói sử dụng môn Văn để xét đầu vào cho ngành Y là vô lý do bệnh nhân chỉ cần quan tâm đến kết quả bác sĩ chẩn đoán đúng hay sai chứ không phải là đơn bác sĩ kê có đúng chính tả hay không; rằng bác sĩ không phải là nhà thơ; cảm thụ văn học và nhân sinh quan – nhất là trong bối cảnh học vẹt hiện nay – không làm cho kỹ năng, trình độ nghề nghiệp tốt hơn; rằng văn chương không làm nên Y đức!
“Ngành Y mang tính chất thực hành, cần căn cơ, tư duy logic, khoa học ứng dụng, khoa học kỹ thuật. Ngữ Văn không có các giá trị đó”, PGS. Nguyễn Xuân Hùng, trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Việt Đức) phân tích trên báo điện tử VnExpress. Ông bổ sung rằng Ngữ Văn có thể cần cho Y học xã hội, tâm lý, cộng đồng nhưng lĩnh vực này chỉ chiếm 1/10 trong ngành.
Phía luồng ý kiến đồng tình cũng có lý lẽ riêng của mình, nhưng với điều kiện cần thiết kế chương trình lại để học sinh học văn là phải biết làm người, biết nói năng, biết hành văn, biết kỹ năng sống chứ không phải phân tích nhân vật.
Thoạt tiên, tôi thấy hai luồng ý kiến đều có lí. Tại sao như vậy? Là bởi chúng ta mới nhìn thấy phần ngọn của vấn đề mà nguyên nhân là do diễn đạt của Bộ trưởng Y tế chưa chuẩn, đồng thời cách hiểu về môn Văn thông thường hiện nay là sai lệch.
Cụ thể, trong câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chính xác phải là môn Tiếng Việt chứ không phải môn Văn. Câu trích dẫn của bà nên là: “Môn Tiếng Việt rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp….”, “Tôi phải nói thật là môn Tiếng Việt rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được”.
“Môn Văn” như Bộ trưởng đề cập ở đây cũng đại diện cho cách diễn đạt vắn tắt của hầu hết chúng ta dành cho môn “Ngữ Văn” theo chương trình của giáo dục phổ thông. Nhưng vì nói “môn Văn” nên chúng ta chỉ hình dung đến những tác phẩm văn học, thi ca, đến bình giảng, phân tích… dẫn đến ngay lập tức phản đối việc thi Văn để xét tuyển ngành Y.
Nhưng giả sử Bộ trưởng Y tế đề xuất đưa Tiếng Việt trở thành một trong những môn thi xét tuyển ngành Y thì bạn có phản đối không? Hãy khoan vội trả lời câu hỏi này mà thay vào đó, trả lời câu hỏi: Tiếng Việt có quan trọng không? Và chúng ta đã thông thạo tiếng Việt tới mức nào?
Câu trả lời đầu tiên đương nhiên là “Quan trọng”. Nó quan trọng không chỉ với ngành Y mà với bất kỳ ngành nào, với mỗi người Việt chúng ta bởi: “Tiếng ta còn, nước ta còn” (trích bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh về Truyện Kiều năm 1924). Quan trọng như vậy, nhưng Tiếng Việt đang được chúng ta đối đãi như kiểu “gần chùa gọi Bụt bằng anh”, coi nhẹ từ trong giáo dục cho đến cuộc sống thường ngày.
Tiếng mẹ đẻ chưa được giáo dục đúng tầm
Mất cả buổi lục lại toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12, tôi thấy trong chương trình giáo dục hiện nay, chỉ cấp phổ thông cơ sở có môn Tiếng Việt. Từ cấp 2 trở đi là môn Ngữ Văn – tức Ngôn ngữ và Văn học sáp nhập lại. Mặc dù rõ ràng học Tiếng Việt nâng cao nhưng không hiểu sao các nhà giáo dục lại đội cho nó cái mũ “Ngôn ngữ” quá rộng – có thể bao hàm cả tiếng Anh, tiếng Ấn, ngôn ngữ cử chỉ, ngôn ngữ âm thanh, hình ảnh, văn tự, ngữ âm, tiếng địa phương…
Video đang HOT
Sách giáo khoa.
Đến hết lớp 5, môn Tiếng Việt được sáp nhập với Văn học thành “Ngữ Văn”, trong khi môn Tiếng Anh được đưa vào giảng dạy chính thức từ lớp 3 đến lớp 12.
Tuy là môn Ngữ Văn nhưng nội dung dành cho ngôn ngữ (Tiếng Việt) lại chiếm thiểu số. Bằng chứng rõ ràng nhất là trong các đề thi Ngữ Văn cả cấp trung học cơ sở và đại học, tỷ lệ điểm dành cho ngôn ngữ chỉ tối đa là 3 điểm, phần còn lại thuộc về phân tích, bình luận tác phẩm văn học hoặc trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội nhất định (đối với các đề Ngữ Văn những năm gần đây).
Với cấu trúc như vậy, giáo dục của chúng ta đang làm ngược đời: coi trọng cảm thụ tác phẩm văn học nhưng lại coi nhẹ chất liệu cấu thành nên nó là ngôn ngữ tiếng Việt. Hậu quả là gì? Là con cái chúng ta đang học thuộc lòng những bài làm văn, là những lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt tiếng Việt diễn ra phổ biến không chỉ ở sách, báo, phát thanh, truyền hình mà đi vào cả các văn bản nhà nước. Và nguy hiểm hơn, đúng như Bộ trưởng Y tế nói, “Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được”.
Ảnh chụp màn hình các tít báo về đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế. Từ “môn Văn”, “ngành Y” mỗi báo viết hoa một kiểu.
Cũng liên quan đến viết hoa, ngay trên website Bộ Y tế, từ “Ebola” không biết như nào là chuẩn.
Và thảm họa tiếng Việt mới nhất – Từ điển Tiếng Việt kinh dị nhất từ trước đến nay.
Cho nên, không thể trách được một vị phó giáo sư, bác sĩ trưởng khoa ở một bệnh viện lớn ở Thủ đô lại hùng hồn tuyên bố môn Ngữ Văn chẳng có giá trị với ngành Y mà quên rằng, nói được tiếng Việt không có nghĩa là hiểu hết chữ nghĩa tiếng Việt và kiến thức mình có mà diễn đạt người khác không hiểu thì kiến thức cũng vô dụng. Ngay cả khi viết bài này, mặc dù đã rất cẩn thận so với những bài viết trước sau khi tham khảo tài liệu về cách sử dụng từ viết hoa, nơi đặt dấu chấm, phảy…, tôi vẫn không khỏi lo lắng: đã sử dụng tiếng Việt chuẩn chưa?
Nên đặt tiếng Việt về đúng vị trí
Tìm hiểu các kỳ thi đại học ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… những năm gần đây, các thí sinh phải thi ba môn bắt buộc gồm: Toán, Tiếng mẹ đẻ và Tiếng Anh. Các môn tự chọn được chia thành hai lĩnh vực khoa học xã hội, gồm hội họa, lịch sử, địa lý, văn học, kinh tế, lịch sử thế giới… và khoa học tự nhiên gồm hóa, sinh, vật lý.
Theo từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, ở Nhật Bản, về học sinh sẽ phải thi cả tiếng Nhật hiện đại và tiếng Nhật cổ. Ở Singapore, các bài thi tiếng mẹ đẻ (gồm cả thi nói và nghe hiểu) có thể được thay thế bằng ngôn ngữ thứ hai hoặc Văn học (nếu học sinh chọn tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ). Tại Hungary, từ năm 2016 trở đi, tất cả các học sinh muốn bước chân vào giảng đường đại học buộc phải vượt qua kỳ thi các kỹ năng ngôn ngữ.
Thực ra, tại Việt Nam, theo Thông tấn xã Việt Nam, hồi năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố lộ trình đến năm 2016 chỉ tổ chức thi tuyển đại học một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn) và các môn thi tự chọn. Như vậy, không chỉ riêng ngành Y mà tất cả các ngành khác đều phải sử dụng Ngữ Văn để xét tuyển và ý kiến của Bộ trưởng Y tế mới đây chỉ là một sự nhắc lại chủ trương của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, với cách dạy và học thuộc lòng làm văn như hiện nay, chủ trương bắt buộc phải thi Ngữ Văn gặp phải phản ứng là điều dễ hiểu. Ngay cả khi tỷ trọng điểm số “Ngữ” trong “Ngữ Văn” được tăng lên thì nó cũng không đặt tiếng Việt đúng vào vị trí của nó.
Có lẽ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải làm nhiều hơn là đưa môn Ngữ Văn là một môn thi đại học bắt buộc. Đó là đưa Tiếng Việt trở thành một môn học chính trong tất cả các cấp học thay vì bị gán ghép với một môn khác và mạnh dạn đưa môn Tiếng Việt trở thành môn thi bắt buộc trong mọi kỳ thi quốc gia.
theo VnreView
Tác giả Vũ Chất viết từ điển gây sốc là ai: Hàng loạt chuyên gia bó tay
Trước những nội dung bất cập trong cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" được phản ánh gần đây, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: Vậy tác giả Vũ Chất viết ra cuốn từ điển này là ai?
Để giải đáp về điều này, PV đã liên hệ tới những người có uy tín trong lĩnh vực từ điển học để có thêm thông tin về tác giả Vũ Chất. Tuy nhiên, câu trả lời hầu như chỉ là những cái lắc đầu.
Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho biết không hề biết đến tác giả Vũ Chất và cũng chưa nghe thấy tên trong làng từ điển bao giờ.
"Gần như không thấy xuất hiện ở tất cả các loại từ điển và đây là cuốn từ điển đầu tiên mà tôi thấy đứng tên tác giả này. Vũ Chất có thể là tên tác giả thật trên đời này nhưng không ngoại trừ khả năng có thể là chỉ bút danh của một ai đó", ông Tình nói.
Tuy nhiên, theo ông Tình, khi gặp vấn đề thì đầu mối trách nhiệm đầu tiên là phải tìm về các nhà xuất bản, vì đó là xuất bản phẩm của họ tung ra thị trường.
Theo ông Tình phân tích, vẫn có trường hợp, thậm chí các nhà xuất bản cũng không biết được tác giả cụ thể là ai bởi do quá trình làm việc chỉ thông qua đối tác liên kết (như nhà sách, công ty nào đó,...).
"Con đường bản thảo của tác giả đến nhà xuất bản không chỉ bằng con đường từ tác giả trực tiếp mà có thể qua nhiều kênh khác nhau. Đối tác liên kết chỉ báo cáo bản thảo và tên chứ không phải tác giả trực tiếp liên hệ.
Trường hợp này có thể xảy ra nhiều lắm chứ và nếu như thế thì chuyện nhà xuất bản cũng không biết tác giả này là ai cũng là điều đương nhiên", ông Tình cho biết.
Còn TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyên trưởng phòng từ điển Ngữ văn khẳng định chắc chắn trước đây bà đã từng viết bài phản ánh, phê bình liên quan đến một loạt cuốn từ điển, trong đó có điểm đến cuốn của tác giả Vũ Chất có nội dung tương tự cuốn được báo phản ánh. Tuy nhiên, khi được hỏi thông tin về tác giả Vũ Chất, bà Lan cũng chỉ lắc đầu.
"Có thể là bút danh của một tác giả nào đấy hoặc cũng có thể Vũ Chất chỉ là một cái tên người ta đặt ra để kinh doanh sách. Không ai biết Vũ Chất là ai để mà truy nguyên, như chúng tôi đây cũng mù tịt thông tin về tác giả này", bà Lan nói.
Theo bà Lan, trong quá trình nghiên cứu từ điển, bà đã gặp rất nhiều trường hợp, nhiều người lấy một cái tên nào đó rồi làm nhái, xào xáo, cắt xén nội dung rồi bán ra thị trường, tự nhận là sách của mình.
Khi được hỏi về điều này, ông Phạm Hùng Việt, Nguyên Viện trưởng Viện từ điển học và bách khoa thư Việt Nam cho biết: "Tác giả Vũ Chất thì ngay những người trong ngành từ điển học như chúng tôi cũng không biết và không thấy tác phẩm của ông này trong làng từ điển. Chưa thấy cuốn từ điển nào đứng tên ông ấy bao giờ. Chỉ sau khi phát hiện ra cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh thì mới biết đến tác giả này"
Đồng quan điểm với bà Nga, ông Việt cho rằng, không ngoại trừ khả năng một người nào đấy chỉ lấy một cái tên nào đấy để trốn tránh trách nhiệm khi tung sách ra thị trường, với mục đích kinh doanh.
Theo Infonet
Những lớp học 30 ngày trên vùng cao Mù Cang Chải Sau 30 buổi học, vốn tiếng Việt của các em được nâng lên đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện. Trẻ em dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em dân tộc Mông ở huyện miền núi Mù Cang Chải (Yên Bái) dù chuẩn bị vào lớp một nhưng vẫn có vốn từ tiếng Việt rất ít....