Tự xoa bóp dưỡng sinh ngày xuân
Mùa xuân, tiến hành tự xoa bóp có tác dụng điều hòa âm dương, lưu thông khí huyết, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan tạng phủ.
Tự xoa bóp là phương pháp dùng hai bàn tay của chính mình thực hiện các thao tác xoa bóp, day bấm các huyệt vị châm cứu trên cơ thể nhằm mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe, dự phòng tích cực bệnh tật, làm đẹp và kéo dài tuổi thọ. Yêu cầu của tự xoa bóp là phải kết hợp hài hòa giữa ý (tâm trí), khí (hơi thở) và hành (động tác).
Trong khi tự xoa bóp, tư tưởng phải hết sức tập trung, tâm bình khí hòa, hít thở tự nhiên, thao tác mềm mại nhưng vẫn đạt được một lực tác động phù hợp. Phương pháp tự xoa bóp đơn giản, dễ học, dễ làm, rẻ tiền và hiệu quả đạt được nhiều khi ngoài sức tưởng tượng.
Dưới đây, xin giới thiệu một số phương pháp cơ bản của phép tự xoa bóp dưỡng sinh ngày xuân.
1. Phương pháp chải đầu dưỡng nhan tỉnh não
Sách Dưỡng sinh luận của Kê Khang thời Tam Quốc có viết: “Ba tháng mùa xuân, hàng ngày mỗi buổi sáng chải đầu một đến hai trăm cái, đến tối trước khi đi ngủ, lấy nước nóng pha muối ngâm rửa chân từ đầu gối trở xuống rồi mới đi nằm để trừ phong, giải độc, tiêu thũng, phòng được chứng tắc nghẽn”.
Y học cổ truyền cho rằng, đầu là nơi hội tụ của các kinh dương, thông với trăm mạch, mùa xuân chải đầu vào buổi sáng có thể thúc đẩy dương khí bốc lên phù hợp với khí xuân thăng phát, làm cho trăm mạch điều hòa, khí huyết không bị suy giảm; buổi tối dùng nước muối ngâm rửa cẳng chân và bàn chân sẽ khiến cho huyết dịch ở chi dưới lưu thông nhanh hơn, giúp hư hỏa hạ hành rất có lợi cho giấc ngủ. Buổi sớm ngủ dậy, rửa mặt, súc miệng và chải đầu đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của tất cả mọi người, động tác chải đầu xem ra có vẻ bình thường, song đã được rất nhiều y thư cổ xem là một trong những phương pháp dưỡng sinh giữ gìn sức khỏe độc đáo và hữu hiệu.
Danh y Sào Nguyên Phương đời Tùy (Trung Quốc) đã chỉ rõ, chải đầu có tác dụng làm thông thoáng mạch máu, khứ phong, tán hàn, trừ thấp, khiến cho tóc không bị bạc. Sách Thánh tễ tổng lục cũng viết: “Chải đầu nhiều tức là khứ phong, mạch máu không bị tắc, chân tóc thường chắc chắn”. Phương thức thực hành như sau:
- Đứng thẳng, hai chân mở rộng bằng vai, hai gối hơi gập, đầu ngay, cổ và lưng ngực thẳng, vai xuôi tay thõng, hai mắt nhìn thẳng về phía trước, toàn thân thả lỏng, tinh thần thư thái, tư tưởng tập trung. Thở tự nhiên, thở ra bằng miệng, hít vào bằng mũi, nhịp thở điều hòa.
- Hai tay từ từ đưa lên, hai lòng bàn tay ấn nhẹ vào trán, miết dọc qua mũi, miệng xuống đến hàm dưới rồi vòng ra sau gáy, vuốt lên đến đỉnh đầu và xuôi xuống trán. Làm vậy đủ 36 lần, trước nhẹ sau mạnh.
- Mười ngón tay để cong tự nhiên, bắt đầu chải ngược từ chân tóc ở trán lên đến đỉnh đầu rồi xuống gáy, tay tóm nhẹ da đầu. Sau đó, lấy đường chạy dọc theo đỉnh đầu từ trán ra sau gáy làm trung tâm, hai bàn tay miết dần ra hai bên, kết hợp nắm nhẹ da đầu, cho đến hai mang tai là được. Làm như vậy 36 lần, trước nhẹ sau mạnh.
Video đang HOT
- Mười ngón tay vẫn để cong tự nhiên, tay trái tay phải lần lượt đưa qua đỉnh đầu, bắt đầu từ chân tóc ở mang tai, qua đỉnh đầu sang mang tai bên kia, tay nắm nhẹ da đầu, sau đó lấy đường thẳng từ hai mang tai chạy qua đỉnh đầu làm trung tâm, tay trái đưa lên phía trước, tay phải đưa về phía sau, từ từ tách ra, đồng thời nắm nhẹ da đầu, cho đến chân tóc phía trước phía sau thì thôi. Làm như vậy 36 lần, trước nhẹ sau mạnh.
- Lại miết nhẹ bàn tay như cũ, hai lòng bàn tay áp xuống da đầu, bắt đầu từ trán miết xuống đến hàm dưới, sau đó lại vòng tay ra sau gáy miết lên đỉnh đầu đến trước trán. Làm như vậy 36 lần, trước nhẹ sau mạnh.
- Cuối cùng dùng lược gỗ có đầy đủ răng, đều và trơn chải tóc nhẹ nhàng theo nếp tóc vẫn thường để theo ý mình.
Phương pháp chải tóc này đòi hỏi toàn thân phải thả lỏng, ý niệm tập trung, thở đều, động tác hai tay từ từ mềm mại, không dược vội vàng hấp tấp.
2. Phương pháp dưỡng gan sáng mắt
Theo học thuyết ngũ hành của Y học cổ truyền phương Đông, ngũ tạng ứng với các mùa. Mùa xuân thuộc hành mộc, mộc ứng với can, vậy nên mùa xuân cần chú ý dưỡng can. Can khai khiếu lên mắt, đường kinh can liên hệ mật thiết với mắt, thị lực của mắt tốt hay kém là dựa vào công năng sơ tiết của can khí và sự thịnh suy của can huyết.
Dân gian có câu: “Giàu hai con mắt”, do vậy vào mùa xuân, việc giữ gìn sức khỏe và thị lực bằng cách xoa bóp dưỡng can sáng mắt là hết sức cần thiết. Nhất là vào thời hiện đại, khi con người phải làm việc bằng trí óc và đôi mắt trong trạng thái hết sức khẩn trương và căng thẳng. Phương thức thực hành phép dưỡng can sáng mắt cụ thể như sau:
- Nhắm mắt, gập cong ngón trỏ của hai bàn tay, lấy chiều nghiêng bên trong của đốt thứ hai áp sát vào hốc mắt, vuốt với một lực vừa phải từ trong ra ngoài, làm bên trên trước bên dưới sau, chừng 20 – 30 lần sao cho đạt cảm giác tức mỏi là được.
- Dùng ngón tay trỏ hoặc giữa day ấn các huyệt Tình minh (ở khóe mắt cạnh sống mũi), Toản trúc (chỗ lõm đầu trong lông mày), Thái dương (ở đuôi mắt đo ra sau 1 thốn) và Phong trì (ở chỗ lõm dưới xương chẩm, bên ngoài khối cơ nổi sau cổ, khi ấn có cảm giác tức nặng, mỗi bên một huyệt), mỗi huyệt day ấn chừng 1 phút. Tiếp đó, dùng cả hai ngón tay giữa miết dọc lông mày từ trong ra ngoài 30 lần.
- Dùng ngón cái và các ngón còn lại của tay phải hoặc tay trái bóp khối cơ vùng gáy với một lực từ nhẹ đến mạnh chừng 2 phút sao cho đạt cảm giác tức mỏi.
- Dùng ngón tay cái day ấn các huyệt Túc tam lý (sờ bờ trước xương ống chân từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài 1 khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân), huyệt Tam âm giao (từ mắt cá chân trong đo lên trên 3 thốn, ngay bờ sau xương chày) và huyệt Dũng tuyền (ở lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 (ngón trỏ) và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân), mỗi huyệt 1 phút.
3. Phương pháp bổ phế ích khí
Mùa xuân tiết trời ấm áp, tuy nhiên nhiều khi cũng nóng lạnh thất thường, mưa phùn gió bấc, là mùa hay mắc các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên… nên việc tăng cường sức đề kháng để phòng chống sự xâm nhập của ngoại tà gây bệnh là hết sức quan trọng. Y học cổ truyền cho rằng, phế là tạng có chức năng làm chủ bì mao, tuyên phát vệ khí, bảo vệ cơ biểu, phòng ngừa ngoại tà xâm nhập. Phế khí có đầy đủ thì cơ biểu mới vững chắc và săn chặt, từ đó khiến cho tà khí khó bề xâm nhập. Phương pháp tự xoa bóp bổ ích phế khí ngày xuân cụ thể như sau:
- Dùng ngón tay trỏ day các huyệt Nghinh hương (ở điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi – mồm (nên cười để làm hiện rõ rãnh này mà xác định huyệt) ở cạnh hai bên cánh mũi, mỗi bên một huyệt), Ấn đường (điểm giữa đường nối hai đầu trong lông mày), Thái dương và Phong trì, mỗi huyệt 1 phút. Dùng ngón cái và các ngón còn lại của tay phải hoặc tay trái bóp khối cơ vùng gáy với một lực từ nhẹ đến mạnh chừng 2 phút sao cho đạt cảm giác tức mỏi.
- Dùng nắm tay đấm vào huyệt Kiên tỉnh (cúi đầu để xác định 2 đốt xương gồ cao nhất là C7 và D1, huyệt nằm ở điểm giữa đoạn thẳng nối khe của 2 đốt xương này với mỏm cùng vai) chừng 20 lần, tay phải đấm vai trái và ngược lại.
- Vòng tay phải ôm lấy cổ sang vai trái hết cỡ, ngón tay giữa đặt ở đâu thì day ấn vị trí đó trong 1 phút (huyệt Phế du) rồi lại làm tương tự như vậy với tay trái. Tiếp đó dùng ngón tay cái day các huyệt Đản trung (điểm giữa đường nối hai núm vú), huyệt Hợp cốc (ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng ra, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và 2 của ngón tay cái bên kia, để vào hổ khẩu tay này, đặt áp đầu ngón cái lên mu bàn tay giữa hai xương bàn tay 1 và 2, đầu ngón tay cái ở đâu chỗ đó là huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức thấu sang phía ngón tay út), huyệt Túc tam lý và huyệt Dũng tuyền, mỗi huyệt 1 phút.
4. Phương pháp khoan hung lí khí
Theo y học cổ truyền, ngực là nơi đường kinh can đi qua. Can khí thăng phát không đầy đủ sẽ dẫn đến khí cơ (tức là sự vận động thăng giáng ra vào của khí) không thông thoáng, can khí uất kết mà gây ra các chứng trạng căng chướng, đau tức vùng ngực rất khó chịu. Phương pháp xoa bóp khoan hung lý khí có thể giúp cho can khí thăng phát thuận lợi, giải trừ uất kết rất có lợi đối với những người mắc các bệnh gan mật, các chứng đau đầu chóng mặt, tinh thần uất ức, dễ cáu giận, hay buồn bực trong lòng. Cách làm cụ thể như sau:
- Dùng ngón tay giữa day ấn từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, dọc theo các khe liên sườn toàn bộ vùng ngực với một lực vừa phải sao cho có cảm giác tức nặng là được, mỗi bên 5 lần. Tiếp đó, day ấn huyệt Đản trung trong 2 phút.
- Dùng ngón tay cái và các ngón còn lại véo mạnh khối cơ trước nách bên đối diện 10 lần, làm cả hai bên phải và trái. Tiếp đó, khép các ngón tay lại, bàn tay hơi khum, vỗ nhẹ lồng ngực phía trước từ trên xuống dưới 30 lần, giữ hơi thở bình thường.
- Dùng rìa của bàn tay hoặc cả lòng bàn tay xát mạnh vào ngực theo chiều ngang 30 lần cho tới khi nào nóng lên thì thôi, có thể xoa thêm một chút dầu thơm cho dễ chịu. Sau đó, lại dùng cả hai bàn tay xát theo đường thẳng đứng, trở lên trở xuống 30 lần.
- Đấm huyệt Kiên tỉnh như phương pháp bổ phế ích khí. Tiếp đó, dùng ngón tay cái day ấn huyệt Nội quan (ở mặt trước cẳng tay, giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé, gấp bàn tay vào cẳng tay và nghiêng bàn tay vào phía trong cho nổi rõ khe cơ, trên nếp gấp khớp cổ tay 2 thốn, mỗi bên một huyệt) cả hai bên trong 1 phút.
5. Phương pháp kiện tỳ ích vị
Theo Y học cổ truyền, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ, mộc khắc thổ, mùa xuân can khí vượng thịnh, can mộc khắc mạnh tỳ thổ làm cho chức năng của tỳ vị dễ bị suy giảm. Vậy nên, kiện tì ích vị cũng là phương pháp không thể thiếu trong dưỡng sinh xoa bóp mùa xuân. Cách thức tiến hành cụ thể như sau:
- Dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Trung quản (lấy ở điểm giữa của đoạn nối rốn và điểm gặp nhau của hai bờ sườn, trên rốn 4 thốn) và huyệt Khí hải (ở dưới rốn 1,5 thốn trên đường trục giữa cơ thể) với một lực vừa phải trong 1 phút sao cho đạt cảm giác tức nhẹ là được.
- Dùng lòng bàn tay xoa vùng bụng 50 lần theo chiều kim đồng hồ với một lực vừa phải sao cho có cảm giác nóng lên là được. Tiếp đó, dùng hai lòng bàn tay áp sát vào bề mặt của xương sườn, lần lượt đẩy sang hai bên 50 lần
- Dùng rìa bàn tay đặt vào huyệt Thiên khu (lấy ở rốn ngang ra 2 thốn) rồi xát lên xát xuống 50 lần cho tới khi nóng lên là được. Kế đó, dùng ngón tay cái day ấn các huyệt Nội quan, Túc tam lý và Tam âm giao, mỗi huyệt 1 phút.
ThS. Hoàng Khánh Toàn
Theo SK&ĐS
Bác sĩ cảnh báo: Cho trẻ súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày là sai lầm
Trong bối cảnh thời tiết chuyển mùa, không khí ô nhiễm như hiện nay, nhiều phụ huynh có thói quen dùng nước muối sinh lý cho trẻ súc miệng, vệ sinh mắt, mũi hàng ngày. Các bác sĩ cảnh báo, việc lạm dụng nước muối sinh lý như vậy lợi bất cập hại...
Bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi họng cho trẻ hàng ngày
TS.BS Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nước muối sinh lý 0,9% hay nước muối biển là dung dịch dùng để rửa, vệ sinh mắt, mũi họng, không phải là thuốc. Tuy nhiên, việc lạm dụng, dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho con hàng ngày để phòng chống các bệnh viêm mũi, họng, trong khi trẻ không bị bệnh, là sai lầm nghiêm trọng.
Lý do vì trong mũi, họng đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn. Nếu lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi sẽ khiến mũi trẻ mất đi dịch tiết tự nhiên, mất đi lớp bảo vệ niêm mạc, khiến mũi trẻ bị rát, kích ứng mũi, chảy nước mũi, ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, khô mũi thậm chí dễ gây nên viêm nhiễm mãn tính.
Hơn nữa, việc sử dụng nước muối sinh lý hàng ngày có thể tạo cảm giác trẻ luôn bị bệnh, chưa kể đến việc rửa mũi sai tư thế có thể khiến trẻ bị đau, ra máu, hoặc là gây viêm tai giữa.
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương khuyến cáo, nước biển và nước muối sinh lý chỉ thật sự tốt khi trẻ có tình trạng viêm mũi, ngạt và chảy nước mũi nhiều. Lúc này chúng được dùng để bơm rửa, đảm bảo sự thông thoáng cho mũi. Cũng có thể dùng các dung dịch nước muối để vệ sinh mũi sau khi đi xa, tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Ngoài ra, không nên dùng nước muối sinh lý hàng ngày.
Theo anninhthudo
Chuyên gia tai mũi họng chia sẻ cách dùng nước muối để súc miệng và ngăn ngừa đau họng Không ít người tin rằng súc miệng bằng nước muối có thể chữa đau họng. Tuy nhiên, trên thực tế, liệu phương pháp này có hiệu quả như mọi người vẫn nghĩ? Sam Huh, chuyên gia y khoa kiêm trưởng khoa tai mũi họng tại Bệnh viện Mount Sinai Brooklyn cho biết: "Súc miệng bằng nước muối là việc làm đầu tiên tôi...