Từ vụ “Thẩm mỹ viện Cát Tường”: Hành nghề thẩm mỹ quá dễ!
Sự việc Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động không phép, gây chết người và phi tang chấn động dư luận đã cho thấy những lỗ hổng về công tác hậu kiểm trong quản lý y tế ngoài công lập hiện nay. Ngày 4.11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, TP về biện pháp tăng cường khối y tế tư nhân đang chiếm tới 97% số cơ sở y tế cần quản lý hiện nay.
Quảng cáo “nổ”
Theo PGS-TS-BS Lê Hành – Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) TPHCM: Phần lớn các cơ sở thẩm mỹ tại TP đều quảng cáo quá lố. Quá nhiều người tự xưng là chuyên gia hàng đầu. Nhiều người quan niệm muốn tạo đẳng cấp thì phải quảng cáo, nhưng họ có biết rằng muốn trở thành chuyên gia hàng đầu thì phải mất 20-30 năm.
BS Nguyễn Đình Phú – Phó GĐ BV Nhân dân 115 – dẫn chứng: “Không ít BS trẻ mới ra trường, sau khi tham gia khóa học chừng 2 tháng cũng xắn tay làm tạo hình thẩm mỹ. Dư luận hiện rất bức xúc về việc đào tạo các chứng chỉ y khoa, việc cấp chứng chỉ cho dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam quá dễ.
Tôi chứng kiến có BS chưa từng “cầm dao”, thậm chí, có người vừa tốt nghiệp bằng chuyên tu ra xong, vài tháng sau đã “khoe” đang hành nghề tạo hình thẩm mỹ, hằng ngày đứng trong phòng mổ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. Điều này rất nguy hiểm!”.
Quảng cáo lố tại phòng khám thẩm mỹ.
Nhiều BS trong lĩnh vực thẩm mỹ đã lên tiếng, TPHCM có rất nhiều người PTTM không phép, thậm chí có những người không phải là BS cũng tham gia tư vấn và tiến hành PTTM.
Tại cuộc họp của 160 hội viên Hội PTTM ở TPHCM mới đây, BS Đỗ Quang Hùng – Trưởng khoa PTTM, BV Chợ Rẫy – cho biết: “Tôi cũng biết 3-4 chỗ BS tay ngang làm PTTM, họ làm hư, để rồi phải chuyển bệnh nhân sang BV Chợ Rẫy sửa chữa. BV Chợ Rẫy cũng nhận rất nhiều ca nâng mũi theo công nghệ Hàn Quốc bị nhiễm trùng như vậy”.
Video đang HOT
Hoặc có tình trạng, có những kỹ thuật sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ đã lạc hậu, nhưng khi quảng cáo lại đẩy lên thành cao trào mới, khiến người dân khi có nhu cầu không biết đâu để kiểm chứng.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp trực tuyến sáng 4.11, ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám-chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho hay: “Những câu quảng cáo như: “ Làm đẹp toàn diện, làm đẹp vĩnh viễn” chắc chắn là không có cơ sở đáng tin cậy. Nhiều cơ sở quảng cáo là thực hiện các xét nghiệm gene, xét nghiệm tế bào chuyên sâu; nhưng thực ra họ không làm được, mà là liên kết với cơ sở khác. Hay họ “loa loa” là có BS giỏi này-kia, nhưng thực ra các BS đó đều không có mặt hay làm việc ở đó”.
Biết là có tình trạng bát nháo, lộn xộn trong y tế tư nhân như vậy, nhưng việc kiểm tra, giám sát hoạt động của những cơ sở này đang vượt quá khả năng của đội ngũ 290 thanh tra y tế chuyên ngành hiện nay. Cũng vẫn con số thanh tra viên này, nếu như trước kia chỉ kiểm tra 800 BV công lập, thì nay phải “để mắt” thêm tới 30.000 cơ sở y tế ngoài công lập và 39.000 nhà thuốc nữa.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Việc thêm nhân lực cho thanh tra không thể đủ nếu tính theo cơ học, mà điều cần làm là tìm ra phương thức thanh tra cho phù hợp và hiệu quả”.
Theo đề nghị của các BS, việc chấn hưng ngành thẩm mỹ cũng như chấn chỉnh các phòng mạch tư, cơ sở nha khoa, phòng khám có nhân viên người nước ngoài làm việc cần bắt đầu từ việc cấp quảng cáo, tránh tình trạng để sự đã rồi.
Như trong lĩnh vực thẩm mỹ, theo PGS-TS Lê Hành, trước khi cấp phép quảng cáo cho cơ sở phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cơ quan chức năng cần tham khảo qua hội để được cung cấp thông tin đúng nhất cả về con người, tay nghề chuyên môn, điều kiện cơ sở. Đó cũng là cách tạo ra một môi trường trong sạch cho hoạt động dịch vụ thẩm mỹ nói riêng và y tế tư nhân nói chung.
Vẫn còn nhiều cơ sở cố tình hành nghề quá phạm vi chuyên môn
Cả nước hiện có 175 bệnh viện ngoài công lập, hơn 30.000 phòng khám tư nhân với gần 250.000 y-bác sĩ. Trong số này, vẫn nhiều cơ sở quá coi trọng lợi nhuận, cố tình hành nghề quá phạm vi chuyên môn, quảng cáo quá mức cho phép, lợi dụng lòng tin của người dân, gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng và sức khỏe của người bệnh. Tới đây, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thành lập 3 cấp đường dây nóng.
Thứ nhất là tại các khoa khám bệnh, chữa bệnh để nối với các trưởng khoa và bộ phận trực 24/24h tại BV.
Thứ hai là đường dây nóng nối đến GĐ bệnh viện. Nếu người dân không liên hệ được hoặc không được giải quyết thỏa đáng thì gọi đến đường dây nóng tiếp nhận thông tin nóng của ngành đặt tại Báo Sức khỏe và Đời sống, theo địa chỉ: duongdaynongyte@gmail.com, ĐT: 0973306306.
(Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến)
Theo Laodong
Nỗi buồn của những người thầy thuốc
Liên tiếp những vụ việc tiêu cực nghiêm trọng trong ngành y thời gian qua khiến niềm tin với ngành y vốn đã bị xói mòn càng thêm phần suy giảm. Cũng "sốc", cũng bất bình không kém, song từ thâm tâm những người trong cuộc, những người thầy thuốc chân chính vẫn mong mỏi xã hội có một cách nhìn khách quan hơn, công bằng hơn với đội ngũ y, bác sỹ.
Trước mỗi vụ tiêu cực, cũng vẫn cần có đánh giá công bằng với cả ngành y
Đừng quy kết cho số đông!
Vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường gây chết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường rồi vứt xác xuống sông Hồng phi tang đang khiến dư luận những ngày qua vô cùng phẫn nộ. Ngay cả một người đã gắn bó gần trọn đời với ngành y như GS.TS Đỗ Kim Sơn, Ban Chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương - nguyên Chủ tịch Hội ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Việt Đức - cũng hết sức đau lòng, bất bình khi nghe được thông tin này. Ông mạnh mẽ lên án hành động của Nguyễn Mạnh Tường và cho rằng bác sĩ này không xứng đáng đứng trong đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam.
Theo ông, đã chấp nhận bước chân vào nghề y, chọn con đường làm thầy thuốc thì phải có một tấm lòng nhân hậu, một lương tâm trong sáng, hết lòng phục vụ người bệnh. Ngoài ra cần phải có thêm bản lĩnh vững vàng và đức tính hy sinh, bởi nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng rất khắc nghiệt, nhiều rủi ro. "Giá trị của một người thầy thuốc không đo bằng các tấm huy chương, danh hiệu mà chính là niềm tin của bệnh nhân. Đáng tiếc, trong thời buổi hiện nay, một số bác sĩ quá mải mê chạy theo tiếng gọi của kim tiền mà đánh mất lương y", GS Đỗ Kim Sơn bộc bạch.
Cũng trong dòng tâm sự của mình, vị giáo sư chia sẻ: "những vụ việc nói trên chỉ là các trường hợp riêng biệt. Không phủ nhận trách nhiệm, chính xác là lỗi quản lý của ngành y khi để xảy ra nhiều vụ tiêu cực như vậy, song cần có một cái nhìn công bằng với những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành y trong những năm qua để đạt được bước tiến vượt bậc về trình độ khoa học kỹ thuật như ngày nay".
Cần phân biệt rõ y đức với rủi ro
Một Đại tá, bác sĩ cấp trưởng khoa của BV Trung ương Quân đội 108 (đề nghị giấu tên) chia sẻ, bất cứ nghề nào trong xã hội cũng đều có đạo đức nghề nghiệp. Với nghề y, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi cao hơn, trách nhiệm lớn hơn bởi đây là nghề trực tiếp tác động đến sức khỏe nhân dân. Cũng cần phải phân biệt rạch ròi trường hợp tử vong nào là do y đức, trường hợp nào là rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. So với các ngành nghề khác, số vụ tiêu cực, số vụ chết người do tai nạn nghề nghiệp của bác sĩ chưa hẳn đã nhiều, thậm chí chỉ chiếm số ít nhưng đây lại là lĩnh vực rất nhạy cảm và được nhân dân hết sức quan tâm. Một BV mỗi năm cứu chữa thành công cho hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch, một bác sĩ thức trắng nhiều đêm liền để cấp cứu bệnh nhân, thế nhưng chỉ cần xảy ra một vụ chết người là dư luận, xã hội mạnh mẽ lên án...
Cùng quan điểm này, lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Hà Nội chia sẻ, hành động của bác sĩ gây chết người rồi vứt xác phi tang là đáng lên án, không thể chấp nhận được. Song cũng đừng vì thế mà đánh giá ngành y bằng cái nhìn miệt thị. Lương y này nói: "Nhiều trường hợp gây chết người trong ngành y chỉ là tai nạn nghề nghiệp, rủi ro. Nếu sau mỗi vụ việc như vậy mà cả xã hội lên án, vùi dập bác sĩ thì thử hỏi có ai còn dám dấn thân vào ngành y nữa". Cũng theo lương y Vũ Quốc Trung, ngay cả vụ bác sĩ vứt xác phi tang, nên nhìn nhận rằng không phải bác sĩ cố ý giết người mà chỉ nên xem xét hành động của anh ta sau khi gây chết người.
Cái gốc của lỗi
Vậy tại sao các vụ tiêu cực, bác sĩ gây chết người lại ngày càng nhiều, dư luận ngày càng bức xúc với ngành y? Liệu y đức có đang xuống cấp? Vị bác sĩ cấp Trưởng khoa của BV Quân đội 108 phân tích: "Điều này đương nhiên có lỗi quản lý của ngành y tế. Tuy nhiên nó còn có nhiều nguyên nhân sâu xa khác, từ việc đào tạo sinh viên ngành y, việc giáo dục y đức, việc cấp phép và quản lý hành nghề y, ứng xử của nhà quản lý y tế sau mỗi vụ việc. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như cơ sở hạ tầng của các BV yếu kém, đầu tư cho y tế hạn chế...". "Điểm thi vào các trường Đại học Y vẫn cao chót vót song nhận thức và tâm lý của các sinh viên thi vào Đại học Y ra sao, chắc chắn có nhiều người thi vào chỉ vì suy nghĩ ngành này kiếm được nhiều tiền chứ không phải vì tâm huyết".
Ths. Bs Bùi Bạch Dương, nguyên Phó khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - BV Việt Nam - Cu Ba, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - BV Bưu điện thẳng thắn chỉ ra, tiêu cực gia tăng trong ngành y là do lỗi hệ thống, đòi hỏi cả xã hội phải chung tay với ngành y để khắc phục. Bác sĩ Dương cũng cho rằng, dư luận đang có cái nhìn chưa thật khách quan, nghiêng về mặt trái trong ngành y nhiều hơn. Mặt khác, chúng ta cũng cần có những hành lang pháp lý để bảo vệ bác sĩ.
Tối 24-10, CATP Hà Nội cùng đội thợ lặn chuyên nghiệp được BV Bạch Mai thuê đã tích cực tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền ở sông Hồng đoạn dưới chân cầu Thanh Trì.
Duy Tiến
Theo ANTD
5 người ngộ độc khí hầm cá: Khí mê tan từ cá phân hủy? Liên quan đến vụ ngộ độc khí hầm cá ở cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) khiến 5 người thương vong, CQĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã cho tạm giữ tàu cá và gửi mẫu vật xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng lấy một số mẫu vật bên trong hầm tàu...