Từ vụ ông Nguyễn Sự “từ quan”: Người làm quan phải có liêm sỉ
Hiện tại, ông Nguyễn Sự (Bí thư TP Hội An, Quảng Nam) đã xin từ chức và được Tỉnh ủy Quảng Nam đồng ý. Việc xin được từ chức như ông Sự được cho là rất hiếm có trong quan trường. ĐBQH Dương Trung Quốc đã có trao đổi xung quanh vấn đề này với báo chí bên lề kỳ họp vào ngày 8-6.
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng làm quan cần phải có liêm sĩ. LÊ PHI
. PV: Ông Nguyễn Sự (Bí thư TP Hội An) vừa nộp đơn xin từ chức dù còn hai năm nữa mới đến tuổi hưu. Ông Sự nói từ chức để cho lớp trẻ lên làm, còn ông Sự cứ ngồi đó thì cán bộ trẻ không có cơ hội. Ông đánh giá như thế nào về hành động này?
- ĐB Dương Trung Quốc: Trước hết là tôi tôn trọng quyết định cá nhân của ông Sự. Tôi nghĩ khi ông Sự đã quyết định như vậy tức là đã tính toán hết rồi, cả việc công lẫn việc tư. Tôi biết ông Nguyễn Sự là một lãnh đạo địa phương có uy tín trong nhân dân, để lại nhiều dấu ấn trong nhân dân, nhất là Hội An, một TP di sản thế giới.
Việc “ treo ấn từ quan” của ông Sự gợi lên cho nhiều người về cách ứng xử như thế nào cho đúng nghĩa là một người đầy tớ của nhân dân. Ông ấy nói nghỉ và giải thích là để mở ra con đường cho những người trẻ. Đây là một suy nghĩ không chỉ tự trọng mà hết sức bình thời. Vì “từ quan” vốn lẽ là bình thường nhưng ở xứ ta trở nên hết sức bất thường. Ngày xưa các cụ “treo ấn từ quan” nhiều lắm. Từ quan vì bất mãn, vì nhiều lý do hoặc giữ chữ hiếu với cha mẹ. Cũng có người từ quan để thỏa mãn thi ca, vui thú về già…Còn ông Nguyễn Sự nói là không muốn cản đường. Điều đó có nghĩa là hình như trong cơ chế chúng ta có thế hệ này cản đường thế hệ kia mà chưa có lối thông thoát để nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền. Việc làm của ông Nguyễn Sự cá biệt đáng trân trọng.
. Ông gặp ông Nguyễn Sự nhiều chưa?
- Tôi không được tiếp xúc nhiều với ông Nguyễn Sự nhưng gặp ông ấy, tôi thấy ông là người rất cởi mở. Từ hình dạng cho đến phong cách, ông ấy rất chân chất, không thấy quan chức gì cả.
. Sự từ chức sớm như vậy liệu có phí đi một người tài?
Video đang HOT
- Ông ấy có thể cống hiến ở những lĩnh vực khác dù treo ấn từ quan. Điều quan trọng là ông Nguyễn Sự về nhưng sẽ tạo ra những nhân tài mới. Chứ không ở mãi được. Chắc sau ông Sự cũng đã có một lớp cán bộ trẻ kế cận để thay thế. Ông cũng có thể đóng góp ở nhiều lĩnh vực khác.
Quan chức ngày xưa xem việc “treo ấn từ quan” là bình thường nhưng bây giờ văn hóa từ chức gần như không còn tồn tại?
Cái này tôi nghĩ, chúng ta phải đi hỏi những người không chịu từ chức.
. Nhiều người không có năng lực, đạo đức nhưng vẫn ngồi chức cao, không chịu từ chức?
- Nhiều người dân cũng đặt câu hỏi như vậy.
. Ông Nguyễn Sự nói chuyện từ chức là cất một cái gánh nặng, ông Sự thương những anh em khác phải gánh cái gánh đó?
- Cách nghĩ của ông Nguyễn Sự là cá biệt và nó tạo cho mọi người phải suy nghĩ. Rất đánh giá cao việc hạ gáng xuống cho người khác gánh và trút gánh nặng cho người khác gánh là một việc khác nhau. Tôi nghĩ ông Nguyễn Sự phải là người yêu TP Hội An của mình lắm nên mới nghĩ đến chuyện hạ cái gánh ấy để cho những người tốt hơn làm. Một người có trách nhiệm như ông Sự là có suy nghĩ chín chắn. Xã hội cũng cần phải suy nghĩ cái này.
Ông đánh giá như thế nào về quan chức ngày xưa và nay? Ngày xưa có tiêu chí đánh giá cán bộ không? Trong xã hội ngày xưa, người ta nói rất nhiều đến tính liêm sỉ. Người ta coi đó là phẩm hạnh đầu tiên của người làm quan chức. Liêm sỉ là gì? Là tự biết mình, tự biết xấu hổ nếu mình không làm được. Bây giờ thì cái liêm sỉ là hết sức quan trọng rồi nhưng người tự biết lượng sức mình, tự biết đánh giá mới quan trọng. Ông Nguyễn Sự suy nghĩ được như vậy chắc đã có những người gánh vác chuyện này tốt hơn. Xã hội truyền thống, tiêu chí là đánh giá của dư luận xã hội. Người quan chức ngày xưa rất sợ dư luận xã hội, vì dư luận xã hội nó để đời, “bia đá thì mòn nhưng bia miệng vẫn còn trơ trơ” nên đó là cái áp lực. Hồi đó chưa có báo chí nhưng tiếng để đời là quan trọng. Ông Sự có lẽ đã thấm nhuần phong cách truyền thống. Còn trong xã hội hiện đại là sự giám sát của người dân đấy. Tiếng nói của người dân được tập hợp lại theo một tổ chức. Nếu tổ chức ấy không phản ánh được tiếng nói người dân thì người dân cách chức đi. Nhất là chính quyền TP đô thị, người ta luôn luôn quan tâm đến bầu cử trực tiếp. Tôi có làm một nghiên cứu về Hà Nội, Pháp thống trị miền Bắc từ 1888 đến năm 1945. Khoảng 60 năm thôi nhưng nó qua 40 lần thay thị trưởng. Vì anh không làm đúng ý kiến cử tri thì họ thay anh. Nhưng chúng ta có cơ chế từ trung ương chọn rồi, tiêu chí ngạch bậc nên làm vô hiệu hóa đánh giá của người dân. Mặc dù chúng ta luôn luôn coi trọng dân. Chúng ta có hội đồng này, hội đồng khác nhưng HĐND được quyền bỏ phiếu chứ có được quyền lựa chọn đâu.
LÊ PHI thực hiện
Theo_PLO
Ông Nguyễn Sự "treo ấn từ quan": chuyện bình thường thành lạ
Việc ông Nguyễn Sự - Bí thư TP. Hội An (Quảng Nam) "treo ấn từ quan" âu cũng là chuyện hết sức bình thường nhưng nó lại trở thành việc bất ngờ với nhiều người.
Nhìn lại lịch sử nước Việt Nam, trong chốn quan trường, chuyện trả mũ, trả ấn từ quan không phải hiếm. Đa phần trong số đó đều muốn lánh xa khỏi những tham quyền cố vị để được sống phần đời thanh sạch như nguyện ước. Đầu tiên phải kể đến "người thầy của muôn đời" Chu Văn An. Khi ông dâng "Thất trảm sớ" xin chém 7 tên gian thần xu nịnh mà không được vua đồng ý, ông đã một mực xin từ quan về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) sống đời ở ẩn, chỉ chuyên tâm dạy học viết sách cho tới khi mất.
Vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng từng rời bỏ danh vọng khi còn đang ở vị trí chủ chốt của triều đình nhà Lê khiến bao người nuối tiếc. Sự kiện xảy ra vào năm 1437, sau sự cố về lễ nhạc với Lương Đăng, ông đã thoái triều về Côn Sơn ở ẩn để tận hưởng một "Côn sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai".
Thế kỷ 16, lịch sử Việt Nam ghi nhận một lần "treo ấn từ quan" nữa, đó là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù đức cao vọng trọng nhưng cũng quyết tâm treo ấn vì chẳng màng nhung lụa giàu sang.
Nếu như chốn quan trường xưa, chuyện từ quan là không hiếm thì nay, đất nước đổi mới, sang trang, người như ông Sự - rời bỏ chức vị trước 2 năm lại trở nên chấn động.
Vì sao như vậy?
Ông Nguyễn Sự trong một lần gặp gỡ giới văn nghệ sĩ Ảnh: LÊ VIẾT HAI
Dư luận hẳn chưa quên trường hợp ông Nguyễn Văn Hóa, nguyên Phó Giám đốc sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã "tranh thủ" điều động, bổ nhiệm hàng loạt chức vụ cán bộ trước khi về nghỉ hưu. Lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM - ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc - cũng đã ký kết nhiều quyết định bổ nhiệm cán bộ trong khoảng thời gian "nước rút" để mong "hạ cánh an toàn".
Những sự việc sai phạm sau khi bị đưa ra ánh sáng đều đã được cơ quan chức năng khắc phục bằng cách thẩm định lại và thu hồi quyết định. Thế nhưng, cái "tham, sân, si" cố chấp ở những "phút 89" như thế này sẽ muôn đời "sống" với "bia miệng" dư luận.
Rồi nhiều trường hợp cố tình khai man tuổi để níu kéo cái ghế lãnh đạo thêm một vài năm nữa để được "cống hiến" nhiều hơn.
Thật lòng, không ai muốn suy nghĩ tiêu cực nhưng cứ nhìn vào cách mà các vị lãnh đạo này làm, bất chấp búa rìu dư luận là đủ hiểu, cái "tư duy lá chuối" nó ăn sâu bám rễ vào đời sống "quan trường" của người Việt từ lâu lắm rồi. Chuyện "từ quan" xưa thường thấy nay chỉ là dĩ vãng nhạt nhòa. Bởi thế, cái cách ông Nguyễn Sự làm - nhường lại "đất diễn" cho người trẻ - nhanh chóng trở thành "chuyện xưa nay hiếm" và được nhiều người ca tụng.
Không phủ nhận những gì vị "công bộc" này đã đóng góp cho nền hành chính nước nhà như: Phố cổ không tiếng động cơ xe máy, vận động cán bộ đi làm bằng xe đạp, chủ trương không dùng túi nilon ở Cù Lao Chàm... Thế nhưng, cũng chỉ là "mình già thì xin nghỉ, có chi lạ" - ông phân trần với báo giới thế, ngẫm ra thật đúng.
Chẳng có gì lạ! Lạ ở đây chỉ là bởi, một bộ phận cán bộ chúng ta lâu nay đã quen với việc bám víu, tận hưởng, trục lợi đến cả những phút cuối cùng. Khi được cất nhắc lên chiếc ghế này ghế khác cũng chỉ nhăm nhe xem chiếc ghế ấy có lợi lộc hay kiếm chác được gì không. Thậm chí vì chiếc ghế đó, nhiều người có thể bất chấp thủ đoạn, từ luồn cúi cấp trên đến vùi dập cấp dưới để làm sao mình được "an tọa" trên chiếc ghế ấy dù chỉ một thời gian ngắn thôi cũng thỏa cái nỗi "cả họ được nhờ".
Lạ cũng bởi vì, văn hóa từ chức ở Việt Nam ta còn xa lạ lắm, hầu như không ai tha thiết hiểu và đưa khái niệm ấy vào từ điển của bản thân mình. Lạ bởi, chúng ta còn vận hành bộ máy công quyền nặng tư duy "sống lâu lên lão làng". Trong khi ai cũng muốn vươn lên, làm những việc bất bình thường thì việc ông Sự chọn con đường bình thường để đi lại trở thành lạ, rất lạ.
Ấy thế nên, chuyện một người xin nghỉ việc vì thấy mình không còn đủ khả năng, không phù hợp, không cáng đáng nổi bỗng chốc trở nên nổi tiếng. Có thể xem quyết định của ông giống như một cú lội ngược dòng. Nhưng có lẽ, vị Bí thư với 21 năm tận tụy trong vai trò "công bộc" này cũng không tha thiết việc chơi trội kiểu ấy. Chỉ là nhiều chuẩn mực lâu nay đã bị trệch khỏi đường ray luân thường khiến ông bị trở nên lạ lẫm một cách bất đắc dĩ mà thôi.
Nhưng dù sao, việc "treo ấn từ quan" của ông Nguyễn Sự đến thời điểm này vẫn được coi là sự lạ. Không biết, có vị "công bộc" nào trong bộ máy công quyền cồng kềnh của chúng ta suy nghĩ đến việc đưa cái sự lạ về với quỹ đạo bình thường như nó vốn có hay không?
DƯƠNG THU
Theo_Người Đưa Tin
Bí thư Nguyễn Sự: 'Từ quan tôi vẫn còn nợ dân' Trăn trở với việc giữ gìn những giá trị văn hóa của đô thị cổ Hội An, với đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố còn khó khăn, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự chia sẻ: "Tôi còn nợ nhân dân lớn lắm, giờ không thể trả được". - Lý do gì ông viết đơn từ chức trong...