Từ vụ khám xét Nhật Cường Mobile, nhìn lại vụ án Công ty Đông Nam 16 năm trước
Hôm 9/5, C03 Bộ Công an đã tiến hành khám xét các cửa hàng Nhật Cường Mobile tại Hà Nội.
Thông tin này đã khiến dư luận xôn xao và khiến nhiều người nhớ đến vụ khám chuỗi cửa hàng điện thoại di động Đông Nam tại TP. HCM 16 năm trước.
Nguyễn Gia Thiều (Ảnh: TPO)
Công an khám xét chuỗi cửa hàng điện thoại Đông Nam
Năm 1993, Nguyễn Gia Thiều (Việt kiều Pháp) cùng anh trai là Nguyễn Trọng Thăng, Tổng giám đốc Đông Nam Associates, thành lập doanh nghiệp với tên ban đầu là Công ty TNHH Trọng Thăng, chuyên kinh doanh máy vi tính. Năm 1996, công ty kinh doanh thêm mặt hàng điện thoại di động và đổi tên thành Công ty TNHH Đông Nam 3 năm sau đó.
Hãng Đông Nam từng là nhà phân phối chính thức cho hai hãng điện thoại di động Nokia và Samsung.
Khoảng 16 năm trước (ngày 2/1/2003), lực lượng Cảnh sát Điều tra phối hợp với Cảnh sát Kinh tế Bộ Công an đã tiến hành phong toả, khám xét đồng loạt 5 điểm kinh doanh điện thoại di động của Công ty Đông Nam tại TP. HCM.
Đồng thời, công an khám xét tại nhà hoa hậu Hà Kiều Anh (số 38/6 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận) và đại lý phân phối của hãng Samsung, 147Bis Hai Bà Trưng.
Vào thời điểm đó, Cục phó Cục Cảnh sát kinh tế Phạm Ngọc Chiến cho biết việc khám xét khẩn cấp là để thu giữ tài liệu liên quan nhằm xác định hành vi trốn thuế, buôn lậu liên quan đến Đông Nam.
Ngay sau đó, Giám đốc Nguyễn Gia Thiều cùng ê kíp đã thừa nhận hành vi trốn thuế trong nhập khẩu và kinh doanh điện thoại di động.
Công an khám xét chuỗi cửa hàng điện thoại Đông Nam vào năm 2003.
Khởi tố Nguyễn Gia Thiều
Ngày 5/1/2003, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Gia Thiều cùng kế toán trưởng Nguyễn Thanh Tùng về tội trốn thuế. Quyết định được đưa ra sau khi nghiên cứu các tài liệu thu giữ trong cuộc khám xét các cơ sở của công ty.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ năm 1999 đến năm 2002, Nguyễn Gia Thiều đã nhập lậu trên 39.000 chiếc điện thoại di động bằng nhiều hình thức như gửi bưu điện, gửi phi công, tiếp viên… có tổng trị giá gần 149 tỷ đồng.
Video đang HOT
Hơn nữa, với danh nghĩa Đông Nam Việt Nam, Nguyễn Gia Thiều đã ký hợp đồng với Đông Nam Hong Kong (do Bùi Thiên Kim – chị dâu của Thiều, làm Giám đốc) để mua hàng tuồn lậu vào trong nước bán trốn thuế gần 100 tỷ đồng.
Do việc kê khai giá điện thoại di động nhập khẩu thấp hơn giá mua thực tế nên Công ty Đông Nam không thể thanh toán số tiền chênh lệch thực tế phải trả qua ngân hàng và phải thanh toán tiền mua điện thoại di động nhập lậu hàng qua đường phi mậu dịch, nên Công ty Đông Nam phải chuyển tiền trái phép cho Công ty Đông Nam Hong Kong.
Nguyễn Gia Thiều đã chỉ đạo cho các nhân viên kế toán Công ty Đông Nam mang tiền đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Chi nhánh TP. HCM (Techcombank) giao cho Hoàng Ngọc Diệp, Phó trưởng phòng và Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Techocombank TP. HCM (hiện 2 đối tượng đã bỏ trốn) và một số đối tượng khác để chuyển cho Công ty Đông Nam Hong Kong, với chi phí vận chuyển 0,7%.
Tổng cộng Thiều đã chuyển trái phép số tiền 21,1 triệu USD ra nước ngoài.
Nguyễn Gia Thiều và thuộc cấp bị đề nghị truy tố
Ngày 26/3/2004, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất việc tống đạt bản kết luận điều tra số 04/C16(C3)P5 đến Nguyễn Gia Thiều (chồng cũ cựu hoa hậu Hà Kiều Anh) cùng 21 bị can trong vụ án Công ty Đông Nam và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao lập cáo trạng truy tố tất cả 22 bị can này ra tòa theo đúng thủ tục luật định.
Theo cơ quan điều tra, ngoài Công ty Đông Nam, Nguyễn Gia Thiều còn tiến hành thành lập một số doanh nghiệp “con” khác đặt trụ sở tại Hà Nội và TP. HCM để triển khai các hoạt động kinh doanh điện thoại di động và “bao trọn gói” các dịch vụ sửa chữa, bảo hành mặt hàng cao cấp này. Đó là các Công ty Phát triển công nghệ, Tam Nguyên, Hưng Đạo, TB…
Trong quá trình điều hành hệ thống “công ty gia đình”, Nguyễn Gia Thiều đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của nhà nước để chủ mưu, chỉ đạo nhân viên dưới quyền mở hai hệ thống sổ sách kế toán, lập các chứng từ giả mạo… trốn thuế với số lượng lớn.
Nguyễn Gia Thiều còn chỉ đạo cấp dưới móc nối với một số cán bộ, nhân viên hải quan và hàng không nhập lậu các mặt hàng đồng hồ và điện thoại di động qua đường phi mậu dịch với số lượng lớn, đồng thời chuyển lợi nhuận ra nước ngoài bằng nhiều thủ đoạn.
Với vai trò chủ mưu, Nguyễn Gia Thiều bị đề nghị truy tố 3 tội: “Buôn lậu”, “Trốn thuế” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Các cán bộ và nhân viên dưới quyền Nguyễn Gia Thiều bị đề nghị truy tố với vai trò đồng phạm giúp sức gồm: Nguyễn Thanh Tùng và Ngô Văn Toàn (nguyên kế toán trưởng Công ty Đông Nam), Phạm Anh Vũ (nguyên giám đốc Công ty Thiên Anh), Nguyễn Quang Hoan (nhân viên Công ty TB), Huỳnh Tiến Dũng (nguyên giám đốc Trung tâm dịch vụ chuyên nghiệp thiết bị Viễn thông), Đỗ Liên Anh (nhân viên Công ty Đông Nam).
7 cán bộ, nhân viên hải quan và hàng không bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu” với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Gia Thiều, gồm: Lê Văn Nhân và Đặng Mạnh Quyền (đều thuộc Chi cục Hải quan Nội Bài, Hà Nội), Nguyễn Đăng Chiểu và Đào Lê Anh (đều là nhân viên trợ lý khai thác thuộc Văn phòng chi nhánh Hàng không Việt Nam tại Lào), Nguyễn Đình Hiếu (thuộc Chi cục Hải quan Bưu điện Hà Nội), Vũ Hữu Thiều (nhân viên kho hàng Xí nghiệp thương mại Mặt đất sân bay Nội Bài) và Nguyễn Thị Vinh Quang (nguyên cán bộ Cục Hải quan TP. HCM).
8 nhân viên hải quan thuộc Chi cục Hải quan Nội Bài bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm…”, gồm: Đinh Quang Hưng, Phạm Thái Hà, Lương Thị Dương, Cù Anh Dũng, Vũ Công Năm, Cao Văn Nhật, Trần Hồng Thái và Nguyễn Văn Thụ.
Đối với 4 bị can đã có hành vi phạm tội nhưng bỏ trốn, cơ quan điều tra đang tiếp tục truy nã, gồm: Bùi Thiên Kim (vợ Nguyễn Trọng Thăng, nguyên giám đốc Công ty Đông Nam tại Hồng Kông đồng thời là giám đốc Công ty Toàn Cơ tại 67 Thủ Khoa Huân, quận 1), Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ tại phường Bến Thành, quận 1, hành nghề buôn bán tự do), Nguyễn Trường Sơn (nguyên giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Cổ phần kỹ thương Việt Nam tại TP. HCM) và Hoàng Ngọc Diệp (nguyên phó Phòng kinh doanh Chi nhánh Ngân hàng Cổ phần Kỷ Thương).
Riêng đối với bị can Đặng Văn Hoa (nhân viên Công ty Đông Nam), do hành vi phạm tội có liên quan đến Nguyễn Quốc Tuấn, là đối tượng bỏ trốn nên chưa có điều kiện làm rõ, cơ quan điều tra đề nghị tạm đình chỉ điều tra.
Ngoài ra, liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra đã phát hiện 23 phi công và tiếp viên đã có hành vi vận chuyển hàng lậu cho các “chân rết” của Công ty Đông Nam nhưng xét mức độ tham gia hạn chế, chưa đến mức xử lý bằng hình sự nên cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam xử lý hành chính, trong đó có 7 phi công và 4 tiếp viên bị đề nghị buộc thôi việc.
Nguyễn Gia Thiều nhận án 20 năm tù về trốn thuế và buôn lậu
Ngày 16/1/2005, Tòa án nhân dân TP. HCM đã mở phiên xét xử vụ buôn lậu, trốn thuế quy mô lớn tại Công ty Đông Nam. Sau 15 ngày xét xử, tòa tuyên phạt Nguyễn Gia Thiều 20 năm tù về hai tội “Buôn lậu” và “Trốn thuế”.
Ngoài hình phạt trên, hội đồng xét xử còn tuyên buộc Thiều phải nộp 148 tỷ đồng tiền buôn lậu, nộp phạt bổ sung một lần giá trị tiền trốn thuế và tiền trốn thuế là gần 200 tỷ đồng.
Đồng phạm của Thiều là Phạm Anh Vũ bị phạt mức án là 10 năm tù cùng về tội danh trên. Nhóm các bị cáo là nhân viên, giám đốc các công ty đã đồng phạm, giúp sức cho Thiều gồm: Nguyễn Quang Hoan, Huỳnh Tiến, Đỗ Liên Anh bị tuyên phạt từ 3-7 năm tù về tội buôn lậu.
Các bị cáo còn lại trong đó có 12 bị cáo là cán bộ hải quan và phi công, tiếp viên hàng không bị tuyên phạt mức từ 18 tháng tù cho hưởng án treo đến 7 năm tù giam về tội buôn lậu.
Đáng chú ý, quá trình điều tra vụ án buôn lậu và trốn thuế xảy ra tại công ty Đông Nam của Nguyễn Gia Thiều năm 2003, Cơ quan cảnh sát Điều tra Bộ Công an xác định Nguyễn Quốc Tuấn là một trong những đầu mối chính nhập lậu cho Công ty Đông Nam.
Tuấn đích thân đứng tên đi nhận hàng lậu về cho Thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Sau 12 năm vụ án này xảy ra, vào tháng 12/2015, Interpol đã chính thức phát lệnh truy nã quốc tế đặc biệt đối với Nguyễn Quốc Tuấn. Lệnh truy nã này có hiệu lực bắt giữ trên 185 quốc gia.
Lệ Chi
Theo vietnamfinance
Xe chở tài liệu đi ra từ Công ty Nhật Cường sau 12 tiếng khám xét
Quá trình khám xét Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Các chiến sĩ phải mua nước tăng lực và đồ ăn nhẹ để tiếp sức làm việc.
Chuỗi cửa hàng điện thoại di động Nhật Cường Mobile là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, có trụ sở chính tại số 39-41 Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sau khi khám các chuỗi cửa hàng của Nhật Cường phố Lý Quốc Sư, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi và Láng Hạ, cơ quan công an tiếp tục khám xét trụ sở Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tại phố Trần Phú, quận Hoàn Kiếm.
Ghi nhận của Lao Động tại hiện trường, 21h khuya 9.5, một xe ôtô đi từ đường Trần Phú đỗ tại sân của công ty. Một tiếng sau, phương tiện này đi ra, chở theo tài liệu. Các cán bộ công an cũng rời Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.
Được biết quá trình khám xét công ty này kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Các chiến sĩ phải mua nước tăng lực và đồ ăn nhẹ để tiếp sức làm việc.
Đến 22h đêm, việc khám xét Công ty Nhật Cường mới hoàn tất.
Về lý do tại sao khám xét nhà ở, chuỗi cửa hàng, trung tâm bảo hành và Công ty Nhật Cường, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, vụ việc vẫn đang được làm rõ, hiện chưa có báo cáo. Khi nào có thông tin chính thức, Bộ sẽ cung cấp sau.
Nguồn tin của Lao Động từ Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại (BCĐ 389 quốc gia) cho biết, chuyên án này do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu xác lập và điều tra, không liên quan đến các vụ bắt điện thoại di động nhập lậu trước đây của lực lượng 389 quốc gia.
Xe chở theo nhiều tài liệu.
Các chiến sĩ công an rời đi.
Theo nguồn tin, việc C03 khám xét chuỗi cửa hàng của Nhật Cường Mobile, công ty, trung tâm bảo hành và nơi ở của ông chủ Nhật Cường, liên quan đến nhiều vấn đề, chứ không chỉ riêng về dấu hiệu nhập hàng lậu.
Trước đó, từ sáng đến chiều 9.5, nhiều cảnh sát và xe chuyên dụng đã xuất hiện tại một chung cư cao cấp ở đường Thụy Khuê - nơi ở của ông chủ Nhật Cường.
Tại cửa hàng trên phố Lý Quốc Sư, liên tiếp hai xe tải chuyên dụng của cảnh sát đi tới. Hàng chục thùng giấy cỡ lớn được khiêng lên xe.
Các cửa hàng Nhật Cường ở đường Nguyễn Trãi, Xuân Thủy cũng đã bất ngờ đóng cửa, các nhân viên ra về.
Nhật Cường Mobile là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, hoạt động từ năm 2001 với tiền thân là cửa hàng sửa chữa điện thoại. Hệ thống có 9 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, một trung tâm bảo hành được cho là lớn nhất khu vực phía Bắc và một trung tâm ERP tại TP HCM.
Nhật Cường Mobile từng là Trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple.
CƯỜNG PHƯƠNG TÙNG
Theo LĐO
Tình tiết mới vụ Bộ Công an khám xét chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile Liên tiếp đầu năm 2019, Cục Hải quan TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh triệt phá nhiều vụ nhập lậu iPhone khủng qua đường hàng không. Trong khi đó, Nhật Cường mobile - đang bị Bộ Công an khám xét hiện vẫn thuộc top 5 nhà bán lẻ điện thoại hàng đầu Việt Nam. Ngày 9/5, Cục Cảnh sát điều tra...