Từ vụ đoàn “quái xế” tông chết người: Nhiều cha mẹ phó mặc con cho xã hội
Theo Đại tá Nhật, một bộ phận cha mẹ, người giám hộ còn chưa quan tâm việc con em mình tham gia giao thông như thế nào; thản nhiên mua xe, giao xe máy cho con chưa đủ 18 tuổi.
Những ngày qua, dư luận xôn xao vụ nhóm “quái xế” tông chết cô gái dừng đèn đỏ ở Hà Nội. Đáng nói, đa số trong các “quái xế” bị cảnh sát tạm giữ có độ tuổi 16-17, chưa đủ điều kiện cầm lái xe máy dung tích trên 50cm.
“Nhiều phụ huynh vẫn phó mặc con cái cho xã hội”
Ngày 6/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết, thời gian qua đơn vị nhận thấy có rất nhiều phụ huynh giao xe cho con em đang ở lứa tuổi học sinh.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Ảnh: Trần Thanh).
Theo Đại tá Nhật, các trường hợp được giao xe phần lớn chưa đủ độ tuổi điều khiển phương tiện hoặc chưa có giấy phép lái xe để tham gia giao thông.
Đại tá Nhật đánh giá, những hành vi nêu trên, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý rất nghiêm minh về hành chính. Ngoài ra, với những trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra kiên quyết xử lý cả về mặt hình sự.
“Tuy nhiên, một bộ phận cha mẹ, người giám hộ còn chưa quan tâm đến việc con em tham gia giao thông như thế nào, họ vẫn phó mặc cho xã hội, lực lượng chức năng quản lý.
Thậm chí nhiều trường hợp mua xe cho con hoặc buông lỏng quản lý để con cái tự ý mua rồi gửi xe ở ngoài. Họ thậm chí không quản lý về thời gian, giờ giấc sinh hoạt của con cái. Từ đó hình thành nên các hội nhóm tụ tập đi chơi, điều khiển xe lạng lách, thậm chí đua xe, gây rối trật tự công cộng”, Đại tá Nhật nêu thực trạng.
Hàng loạt xe máy dung tích xi lanh trên 50cc bị tổ công tác CSGT phát hiện trong bãi gửi xe Trường THCS – THPT Hà Thành, TP Hà Nội (Ảnh: Thắng Nguyễn).
Video đang HOT
Nói về giải pháp cho thực trạng nêu trên, Đại tá Nhật cho biết hiện tại lực lượng CSGT toàn quốc đang thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Trong tháng cao điểm này, cảnh sát sẽ áp dụng nhiều biện pháp để xử lý triệt để vi phạm như phối hợp với nhà trường, công an cơ sở để kiểm tra tại các bãi giữ xe, phát hiện các trường hợp học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi; kiên quyết xử lý hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện.
Cùng với đó, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT cũng có sự phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm và hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn.
“Chúng ta phải nhìn nhận, một số bậc cha mẹ chưa tạo ra một môi trường văn minh, an toàn khi tham gia giao thông cho các cháu, họ vẫn còn buông lỏng quản lý con em của mình, phó mặc con em khi chúng tham gia giao thông coi như trách nhiệm của xã hội.
Đáng ra họ phải tập trung, chú ý hướng con em mình tới việc tham gia giao thông như thế nào cho đúng luật, đó cũng chính là bảo vệ cho sức khỏe, tính mạng của con em họ, tài sản của gia đình họ”, Đại tá Nhật chia sẻ thêm.
Cần xử lý nghiêm hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết, hiện nay hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông có 2 chế tài là xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường trích dẫn, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng.
Một nhóm “quái xế” tuổi từ 15 đến 16 tuổi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng trên khu vực quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội bị cảnh sát 141 hóa trang xử lý (Ảnh: Trần Thanh).
Ngoài ra, trường hợp phụ huynh giao xe cho con điều khiển khi con không có giấy phép lái xe phù hợp, gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì phụ huynh sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo luật sư Cường, với thanh, thiếu niên chưa đủ 18 tuổi, không có giấy phép lái xe thì không được phép điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cc trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp phụ huynh đã giao phương tiện cho con mình điều khiển, dẫn đến gây mất an ninh trật tự, thậm chí để xảy ra tai nạn giao thông.
“Bộ Công an đang đề xuất tăng mức phạt ở một số hành vi như đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm và đặc biệt là đối với hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này của Bộ Công an, bởi xuất phát từ thực tiễn áp dụng pháp luật, xử lý vi phạm, thời gian qua, CSGT đã phát hiện rất nhiều các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, thậm chí gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo số liệu của Cục CSGT, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/9, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em ở lứa tuổi học sinh xảy ra 1.957 vụ, làm chết 783 người, bị thương 2.018 người. Điều này cho thấy tình trạng lứa tuổi học sinh vi phạm còn diễn biến phức tạp.
Giao xe cho 'quái xế' gây tai nạn chết người, cha mẹ vướng vòng lao lý
Thiếu giám sát, không quản lý khi giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái đua xe gây tai nạn chết người, cha mẹ không chỉ phải chi trả tiền bồi thường mà có thể đối diện án tù lên tới 7 năm.
Vụ nhóm "quái xế" đâm chết người dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội khiến dư luận không khỏi giật mình vì nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn vô tư giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Đáng nói, dù trước đó đã có những trường hợp phụ huynh đối diện án tù chỉ vì giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái.
Điển hình như vụ việc xảy ra hồi tháng 5, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà H.T.K.L. (46 tuổi, trú TP Huế) vì hành vi giao xe cho con trai chưa đủ tuổi điều khiển, không có giấy phép lái xe gây tai nạn nghiêm trọng.
Cụ thể, năm 2023, con trai bà L. đã lấy xe máy mà bà L. đứng tên để sử dụng rồi đâm vào xe máy đi đối diện. Vụ tai nạn khiến 1 người chết. Bản thân con trai bà L. cũng bị chấn thương sọ não, phải nhập viện cấp cứu.
Một bà mẹ thất thần khi biết con mình có trong nhóm "quái xế" đâm chết người ở Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu
Trong năm 2024, một bà mẹ khác ở Gia Lai cũng bị khởi tố vì giao xe cho con trai cầm lái gây tai nạn khiến nhiều người chết. Tại phiên tòa, người mẹ này nghẹn ngào cho biết, không ngờ đến một ngày bà phải chịu cảnh vừa mất con vừa phải đối diện với án tù.
Theo trình bày của người mẹ này, năm 2022 bà bị gai cột sống nên giao xe máy cho con trai 17 tuổi chạy để chở bà đi làm và "đi loanh quanh trong làng".
Tháng 10/2023, sau khi uống rượu cùng bạn bè, con trai bà lái xe máy chở 2 người bạn về nhà. Khi cả ba đang chạy trên đoạn đường liên xã thì va chạm với 1 thanh niên đi xe máy ngược chiều. Hậu quả là cả 4 người đi trên xe máy tử vong.
Cha mẹ có thể đối diện án phạt tù
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, hiện xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, chiếm 95% phương tiện lưu hành tại nước ta. Đáng lo ngại, 3/5 số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vẫn liên quan đến xe máy.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, hiện nay nhóm 16-18 tuổi vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 4 người tử vong ở Gia Lai vào năm 2023. Ảnh: CTV
Trở lại với vụ việc nhóm "quái xế" đâm tử vong người đi đường ở Hà Nội mới đây, trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, những người tham gia đua xe phần lớn tuổi còn rất trẻ.
"Điều đáng trách hơn là các bậc phụ huynh đã không quản lý con em mình dẫn đến những đứa trẻ chưa thành niên thực hiện hành vi đua xe trái phép, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại đến tính mạng của người khác.
Bởi vậy, ngoài việc các đối tượng tham gia tổ chức đua xe, đua xe trái phép phải chịu trách nhiệm hình sự, vấn đề bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân cũng sẽ được đặt ra.
Theo đó, các bậc phụ huynh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi người dưới 18 tuổi gây thiệt hại", luật sư Đặng Văn Cường thông tin.
Ngoài ra, những người là chủ sở hữu xe mà giao xe cho người dưới 18 tuổi điều khiển gây tai nạn giao thông thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, cha mẹ giao xe cho con, cháu chưa đủ tuổi lái, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản hoặc làm chết người... có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm.
Việc giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe cũng sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với xe máy; từ 4 - 6 triệu đồng đối với ô tô.
Mới đây, Cục CSGT (Bộ Công an) đã đề xuất tăng mức phạt gấp 5 lần (từ 4 - 6 triệu đồng lên 28 - 30 triệu đồng) đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển.
Lý giải về đề xuất này, Cục CSGT cho biết, ngoài việc xử lý trực tiếp người sử dụng phương tiện thì cần gắn trách nhiệm và xử lý những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Bởi vì hành vi này gián tiếp gây nguy hiểm cho xã hội nên cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc.
Thân nhân cô gái bị 'quái xế' tông tử vong mong vụ việc được xử nghiêm Thân nhân cô gái bị "quái xế" tông xe tử vong tại Hà Nội mong vụ việc được xử lý nghiêm để chuyện đau lòng không lặp lại với những gia đình khác. Sáng 5/11, bạn bè và người thân đã đến nhà chị N.H.Q. (27 tuổi, trú tại Hà Nội), người bị nhóm "quái xế" đâm tử vong vào rạng sáng 3/11,...