Tư vấn phong thủy: Nhà mát âm dương
“Nhà mát” thuở xưa là danh từ, chỉ cái nhà hay cái chòi ngồi hóng mát nơi trang viên, không phân biệt tại sân vườn kẻ bình dân hay chốn cung điện người cao sang, đều làm được cả.
Theo thời gian, đất càng chật người càng đông, nhà mát dần thành ra từ chỉ trạng thái. Làm nhà sao cho mát mẻ ngày càng khó, dù xứ nóng nghìn năm nay khí hậu vẫn nóng vậy, kinh nghiệm cha ông luôn còn đó, nhưng thực tế sao vẫn nhiều loay hoay trong thời mới. Dưới góc nhìn về văn hóa ứng xử với nơi ăn chốn ở của người Việt nơi đất Việt, có thể thấy không ít cách thức thú vị gợi mở cho những giải pháp làm mát nhà cửa hữu hiệu, bền vững.
Khai thác không gian đệm kết hợp khoảng thiên nhiên đan xen là cách chắn nắng, giảm nóng hữu hiệu mà không thái quá.
Ngay trong từ ngữ, “mát” đã là một trạng thái… ở giữa, không thuần âm (lạnh) hay thuần dương (nóng). Văn hóa Việt lâu nay đặc thù tính nhập nhằng nước đôi, lơ lửng lưng chừng, ít nhiều cũng do kiểu ứng xử phải thường xuyên chuyển đổi trạng thái để tồn tại. Hè nóng bức ra hiên phe phẩy, thu hây hẩy dội gáo nước trong, đông mưa dầm rút vào góc bếp, xuân khép nép trẩy hội tung tăng… từ nhà ra ngõ đều thấy cha ông ghi dấu nhiều giải pháp thú vị, những lý do thiết thân, thiết thực.
Giảm ngăn chia, đừng thái quá
Từng nghe chuyện thử thách nho nhỏ với dân làm nghề kiến trúc xây dựng: làm sao ngăn phòng trong ngôi nhà truyền thống Việt? Từ nếp nhà Bắc bộ ba gian hai chái qua nhà lá mái Bình Định, xuống nhà chữ đinh Nam bộ hay ngược lên nhà dài Tây Nguyên, đa phần không gian nhà ở dân gian vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều đều mang tính liên tục, ít ngăn chia để thông thoáng và đối lưu không khí tốt hơn.
Thế mà sang thời ba bốn chấm vẫn có các công trình nhà tư nhân làm bít bùng như cái hộp xong lấy ánh sáng tự nhiên bằng cách mở nắp trên thông thiên lên mái cực kỳ chói chang, hoặc bọc toàn gạch bông gió bên ngoài để trong gắn kính gọi là “nhiệt đới đương đại”. Nếu nói về mặt kế thừa giá trị truyền thống và kinh nghiệm phong thủy xưa nay thì nhà thời mới đặt ra không ít vấn đề phải xem xét lại.
Cha ông ta luôn chú ý tới ánh nắng và không khí, cho nên khi chọn nhà ở, không phải chỉ có “gió và nước” mà phải cân bằng ánh sáng mặt trời (dương quang) khi nhận bức xạ vào và thoát nhiệt ra. Nếu thiếu dương quang thì nội thất sẽ luôn bị âm khí nặng nề, nhưng thừa dương quang thì cũng không chịu được trong những giờ nắng lên cao và mùa nắng nóng. Vậy nên giải pháp bền vững của nhà truyền thống là vừa đóng vừa mở, không phải lấp lửng, mà là linh hoạt tùy lúc.
Tùy theo hướng nhà và công năng, dùng mảng kính có thể là “bẫy nhiệt” nung nóng không khí bên trong, nên cần xử lý đúng mức.
Cách bố trí nhà phố hiện nay nếu đặt các phòng ngủ ở giữa mà không có giếng trời thì sẽ hình thành hành lang dài hẹp, âm thịnh nên luôn phải bật đèn cả ngày. Còn cách bố trí ngắt hẳn nhà ống ra thành những khối nhà độc lập có sân giữa thì lại làm chia cắt nội khí, nắng xuống chói chang và bề mặt tường trong sân phản chiếu bức xạ qua lại khiến trong nhà nóng bức, dương quá thịnh.
Ở châu Âu hay Bắc Mỹ, số ngày nắng trong năm khá ít nên người ta hay mở khung kính rộng, nhà nào có hiên phơi nắng, có gian áp mái là hấp dẫn, thuộc dạng “có điều kiện” được tận hưởng nắng. Còn khí hậu Việt Nam vốn thừa nắng và lại gay gắt, oi bức, như các nghiên cứu khoa học thống kê: vùng phía Nam nước ta có đến hơn 11 giờ nắng mỗi ngày thì tỷ lệ mở cửa trực tiếp trên mặt tường ngoài nhà không nên vượt quá 25%, và cửa kính nếu không được ngăn bức xạ mặt trời bằng cách giải pháp kỹ thuật đúng mức thì sẽ là dạng “bẫy nhiệt” nung nóng không khí nội thất và ngăn cản nhiệt bên trong thoát ra ngoài (*) .
Do vậy cách ứng xử đóng mở linh hoạt, không ngăn chia thái quá, lan tỏa ánh sáng gián tiếp, dịu nhẹ, chính là cách làm nhà mát hòa hợp âm dương. Cụ thể biểu hiện qua một số nhận dạng sau:
- Dùng mái vươn rộng tạo hiên hoặc mái che nắng xiên, có thể kết hợp tấm lam đóng mở tùy mùa, tùy giờ nắng trong ngày.
- Dùng cửa ngoài dạng chớp (hoặc nan gỗ có thể chỉnh khe sáng) để lọc bức xạ và tạo nên những lớp kế tiếp nhau gọi là “bẫy gió” rất hiệu quả.
Video đang HOT
- Dùng vật liệu nguồn gốc tự nhiên có độ xốp rỗng, màu sậm để dễ tản nhiệt cũng như không phản xạ chói chang.
Từ đó dễ thấy nếu làm nhà kiểu khối hộp Tây phương, mảng kính mở rộng rồi phải kéo rèm che kín mít, ốp gạch trang trí thiếu cân nhắc, dùng lam thiếu cân nhắc phương hướng cụ thể… thì sẽ mang tính tạo hình nhiều hơn là công dụng thực chất. Một số chung cư mới xây hiện nay bên ngoài chủ yếu là bề mặt nhôm kính chiếm tỷ lệ cao, vào bên trong mới thấy nắng chiếu rất chói gắt và khó bài trí nội thất vì mở cửa quá nhiều. Mặt khác đa số cửa kính chung cư lại ít mở được vì trên cao gió mạnh, mưa tạt nhiều, nên thành ra trong nhà rất ngợp và luôn phải bật máy điều hòa.
Trông nắng gió, ngó cây xanh
Cho dù sáng tạo hình khối đến đâu thì tổ chức không gian kiến trúc bền vững đều từ các nguyên tắc cơ bản về khí hậu. Nhà nhiệt đới nhận 3 thành phần liên quan của bức xạ nhiệt qua ánh sáng, đó là ánh sáng trực xạ, ánh sáng tán xạ của bầu trời, và ánh sáng phản xạ của mặt đất – công trình lân cận tác động vào. Trong hoàn cảnh đô thị mật độ bê tông hóa cao thì nắng vào nhà ở sẽ đi kèm theo khói bụi, nhiệt độ và tiếng ồn. Xứ nhiệt đới nóng ẩm cần ưu tiên nhà xoay được cửa lấy nắng và đón gió về các hướng nam, đông nam và đông (có nắng chiếu tốt từ buổi sáng đến gần trưa).
Nếu gặp hướng từ tây nam, tây qua tây bắc, tức là các hướng có nắng gắt, mang theo bức xạ chói chang và góc mặt trời hạ thấp thì phải giảm thiểu cường độ bức xạ thông qua các hệ thống rèm che, hoa tường, lam chắn nắng, nhưng không làm đặc kín được vì vẫn phải thông gió và thoát gió, tạo đối lưu không khí.
Một ngôi nhà nắng chiếu trực tiếp chói chang là thuộc diện dương quang quá mạnh, như các căn hộ chung cư trên tầng cao, không thể nào làm cửa mở rộng như nhà nhỏ dưới trệt được, vì ánh sáng trên cao không có gì che bớt (cây xanh, nhà lân cận) sẽ chói chang gay gắt hơn. Giải pháp dùng cây cối, bình phong, rèm dày… sẽ hữu hiệu trong việc điều tiết cường độ ánh sáng vào phòng, nhưng vẫn phải cần gia chủ quyết định mình có diện “ưa nắng” hay không. Và khâu chọn hướng ban đầu quyết định hơn 50% tính chất căn hộ, còn lại mới là giải pháp của người sử dụng.
Trở lại chuyện mở giếng trời lớn trong nhà phố, ai cũng biết là có nắng vào nhiều vẫn hơn nhà thiếu ánh sáng và thông gió trực tiếp, nhưng cũng cần phải định lượng yếu tố này. Mở sân trong, giếng trời lớn thậm chí còn gây ra dương khí quá thịnh, lúc nào ở trong nhà cũng thấy chói chang (nhất là vào cao điểm mùa khô và giữa trưa). Tốt nhất là kết hợp giếng trời với các trục giao thông ngang và đứng như cầu thang, hành lang, thông tầng) và có thể bố trí hệ lam điều chỉnh được trên cao, hoặc đặt cây xanh kiểu vườn treo, giàn leo… để giảm trực xạ xuyên xuống các phòng.
Kế thừa tinh thần nhà truyền thống không có nghĩa là sao chép nguyên bản, bởi kiến trúc, vật liệu, cách sống mỗi thời, mỗi vùng đều khác nhau.
Bên cạnh đó, việc cóp nhặt kiểu nhà nơi này vào nơi khác sẽ thành sự áp đặt hình thức (ví dụ dạng nhà gạch trần ở Mỹ La tinh, dạng nhà hộp bê tông tối giản ở Nhật Bản, hay nhà giống như resort tranh tre ở Bali, Indonesia) khi “vào” điều kiện đô thị Việt Nam cần biến đổi, cân nhắc cho phù hợp. Gần đây, nhiều học giả và nhà nghiên cứu đã bắt đầu nhìn nhận, đánh giá lại rằng: kiến trúc hiện đại tại miền nam Việt Nam giữa thế kỷ XX khẳng định vị thế rất rõ ràng, thực tế và hiệu quả. Không chỉ các công trình công cộng như Thư viện Tổng hợp, dinh Độc Lập, đại học Y khoa… mà hệ thống nhà ở tư nhân thời thập niên 60-70 đã có những cách thức tổ chức không gian hòa hợp đặc trưng khí hậu nhiệt đới, vật liệu sử dụng mang tính địa phương, giải pháp dùng lam, khối, mái, hiên… rất phong phú linh hoạt, là nguồn tư liệu sống động đáng tham khảo (**).
Quan niệm về ngôi nhà mát mẻ, hài hòa âm dương ở xứ nhiệt đới cần mang tính tích hợp nhiều giải pháp liên hoàn. Mát mẻ không chỉ có màu xanh và bóng râm của cây lá, mà cốt lõi ở giải pháp kiến trúc và cảnh quan phải ổn định, kinh tế, hài hòa các lợi ích thiết thực, đồng thời tạo đươc sự an tâm và thoải mái trong quá trình ăn ở cho gia chủ.
Ảnh: Khánh Phương
________________
(*) Các giải pháp kiến trúc khí hậu Việt Nam, TS Phạm Đức Nguyên, KTS Trần Quốc Bảo
(**) Southern Vietnamese Modernist Architecture – Mel Schenck, NXB Thế Giới, 2020
Cây Trầu bà Nam Mỹ (Monstera) là cây gì? Ý nghĩa và cách chăm sóc
Cây Trầu bà Nam Mỹ hay cây Monstera là loài cây cảnh trồng trong nhà đang rất được ưa chuộng hiện nay. Cách trồng và chăm sóc loài cây này khá đơn giản bởi nó vô cùng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở nước ta.
Cây Trầu bà Nam Mỹ là cây gì?
Cây Trầu bà Nam Mỹ hay còn được biết đến với tên gọi là cây Monstera, cây Trầu bà lá xẻ, cây Ráy lá xẻ Nam Mỹ,... Tên khoa học của loài cây này là Monstera Deliciosa, có nguồn gốc xuất xứ từ vùng Nam Mỹ, ưa thích sống ở những nơi có khí hậu nhiệt đới hoặc gần xích đạo.
Cây Monstera là cây có khả năng leo bám vào thân cây chủ để sinh trưởng, trong tự nhiên với điều kiện phát triển tốt thì chúng có thể leo cao tới 20m, tán lá vô cùng to và rậm rạp. Lá của cây Trầu bà Nam Mỹ xẻ sâu, lá có thể dài từ 50cm đến 1m, bề mặt lá có nhiều lỗ nhỏ rất dễ nhận ra.
Hình ảnh cây Trầu bà Nam Mỹ (Trầu bà lá xẻ)
Cây Monstera có khả năng tạo quả, quả của cây có hình dạng bên ngoài khá giống với bắp ngô. Tuy nhiên quả của cây có vảy dạng lục giác như là các con mắt, khi quả chưa chín thì sẽ chứa nhiều axit oxalic có thể gây bỏng rát da tay khi chạm phải, còn khi đã chín thì lớp vảy lục giác sẽ tự động bong ra, để lộ ra phần thịt quả có màu trắng vô cùng thơm ngon và có mùi vị gần giống với quả chuối hoặc dứa.
Ý nghĩa của cây Trầu bà Nam Mỹ - Monstera
Cành lá xum xuê của cây Monstera theo như phong thủy được cho là sẽ mang lại nhiều tài lộc, may mắn cho gia chủ nếu trồng chúng ở trong nhà. Ngoài ra, cây còn mang ý nghĩa cho sự bình an, may mắn, giúp gia chủ tránh gặp phải những chuyện thị phi. Bên cạnh đó, với vẻ đẹp và sự xanh tốt của cây Trầu bà Nam Mỹ mang lại, ngôi nhà của bạn sẽ trở nên đẹp đẽ và sang trọng hơn.
Tại sao cây Monstera lại rất được ưa chuộng để trồng làm cảnh?
Cây Trầu bà Nam Mỹ (Monstera) sở dĩ rất được ưa thích để làm cây cảnh trồng trong nhà là bởi một số điều sau:
1. Cây Monstera rất dễ trồng và chăm sóc
Do là loài cây có xuất xứ từ Nam Mỹ, do đó mà cây Trầu bà Nam Mỹ rất phù hợp để trồng ở nước ta với khí hậu nhiệt đới gió mùa hoặc nhiệt đới cận xích đạo. Ngoài ra, cây Monstera rất ưa ẩm, cần được tưới nước thường xuyên và không thích ánh nắng quá nhiều. Vậy nên đây sẽ là loài cây lý tưởng để trồng ở trong nhà và giúp làm đẹp cho không gian xung quanh.
2. Cây Monstera có hình dạng đẹp nhất trong họ nhà Trầu Bà
Cây Trầu bà lá xẻ Nam Mỹ này được coi là loài cây đẹp nhất trong số các loài cây thuộc họ Trầu bà. Tán lá to và rộng, màu sắc tươi sáng cuốn hút sẽ khiến cho căn phòng trong ngôi nhà của bạn trở nên đẹp đẽ và tràn ngập sức sống hơn bao giờ hết. Rất nhiều gia đình thường trồng cây Monstera trong nhà để kết hợp với cách bài trí mang phong cách châu Âu.
Đây là loài cây có hình dáng đẹp nhất trong họ Trầu bà
3. Cây Monstera giúp thanh lọc không khí
Do có tán lá to và rộng cho nên khả năng thanh lọc không khí và làm mát của cây Trầu bà Nam Mỹ là vô cùng hữu ích. Nó luôn nằm trong top những cây nên trồng trong nhà bởi khả năng hữu dụng với sức khỏe con người mà nó mang lại.
4. Cây Monstera tốt cho phong thủy
Chính sự phát triển tươi tốt, tán lá to rậm rạp và xanh tươi sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho phong thủy của ngôi nhà. Màu xanh của lá tượng trưng cho mệnh Mộc, đem lại sự sinh sôi nảy nở, tượng trưng cho sự giàu sang, phát tài, thịnh vượng và may mắn.
Cách trồng và chăm sóc cây Trầu bà Nam Mỹ (Monstera)
1. Ánh sáng
Cây Monstera là loài cây ưa râm mát, vậy nên bạn cần trồng chúng ở những nơi không có nhiều ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Tuy nhiên bạn cũng không nên để cây ở nơi bóng mát quá lâu, nên cho cây tắm nắng một vài lần trong tuần để khiến quá trình quang hợp diễn ra tốt đẹp.
2. Nhiệt độ
Cây Trầu bà Nam Mỹ là loài cây nhiệt đới, nhiệt độ môi trường lý tưởng để loài cây này sinh trưởng tốt đó là từ 18 đến 30 độ C.
3. Tưới nước
Cây Monstera rất ưa ẩm ướt, vậy nên chúng yêu cầu được tưới nước hàng ngày. Do đó bạn cần tưới ẩm cho cây, tránh tưới quá nhiều có thể gây ra tình trạng ngập úng, chết cây.
Trầu bà Nam Mỹ là loài cây ưa ẩm, sinh trưởng tốt
4. Loại đất trồng
Cây Trầu bà Nam Mỹ thích hợp để trồng trong những loại đất mùn giàu dinh dưỡng. Ngoài ra đất trồng cần đảm bảo độ tơi xốp và khả năng thông thoáng tốt cho rễ.
5. Phòng sâu bệnh
Ưu điểm lớn nhất của cây Monstera chính là khả năng chống lại sâu bệnh rất tốt. Chúng rất ít khi gặp sâu bệnh tấn công, vậy nên bạn gần như không cần phải lo lắng khi trồng loài cây này trong ngôi nhà của mình.
Mê mẩn ngôi 'biệt phủ' toàn gỗ của gia đình 3 thế hệ ở Tây Ninh Phục dựng nhà cổ và xây mới, căn biệt phủ ở Tây Ninh khiến nhiều người ngỡ ngàng vì kiến trúc vừa mang hơi hướng truyền thống vừa hiện đại. Ans House là ngôi nhà nằm giáp ranh giữa huyện Củ Chi (TP.HCM) và tỉnh Tây Ninh. Căn nhà được nhìn từ trên cao. Căn nhà được thiết kế cho gia đình 3...