Tư vấn Pháp tại dự án Cát Linh – Hà Đông chưa thể quay lại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, đây là các nhân sự có vai trò rất quan trọng, dự án có thể đưa vào vận hành thử nghiệm hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá của Tư vấn Pháp.
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Chiều 16/6, trao đổi với báo chí về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện nay có 28 nhân sự phía Trung Quốc đã sang Việt Nam; trong đó có 23 chuyên gia của Tổng thầu và 5 nhân sự của đơn vị Tư vấn giám sát dự án. Số nhân sự này có mặt tại Hà Nội từ ngày 14/6. Trên 100 nhân sự còn lại đang tiếp tục làm thủ tục để trở lại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, các nhân sự Trung Quốc di chuyển bằng tàu hỏa và nhập cảnh qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai. Tại đây, tất cả phải kê khai và kiểm tra y tế, phun khử trùng trước khi lên xe ô tô di chuyển về Hà Nội.
“ Chuyên gia Trung Quốc thực hiện cách ly tập trung ở khu depot của dự án tại Hà Đông, không được tiếp xúc với bên ngoài. Thời gian cách ly là 14 ngày. Sở dĩ cách ly tập trung tại khu depot để tạo thuận lợi cho Tổng thầu tiếp cận công việc, xử lý hồ sơ dự án và các công việc tồn đọng trong thời gian qua”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.
Ngoài các nhân sự Trung Quốc, các chuyên gia của Tư vấn Pháp hiện vẫn chưa thể sang Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải đang làm việc với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để xúc tiến các thủ tục đưa chuyên gia trở lại dự án.
“Đây là các nhân sự có vai trò rất quan trọng, họ thực hiện đánh giá dự án. Dự án có thể đưa vào vận hành thử nghiệm hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá của Tư vấn Pháp”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Video đang HOT
Về khoản tiền 50 triệu USD phía Tổng thầu đề nghị thanh toán thêm trước đó, Thứ trưởng Đông cho biết đến nay hai bên đã tích cực trao đổi và hợp tác. Mặc dù đây là số tiền nằm trong khối lượng dự án đã thực hiện, nhưng hợp đồng EPC đã ký kết quy định rõ việc thanh toán và khối lượng thanh toán.
“Bộ Giao thông Vận tải rất chia sẻ với khó khăn của Tổng thầu nhưng việc thanh toán số tiền này là không có cơ sở. Chúng tôi chỉ thanh toán theo hợp đồng đã ký và theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh và cho biết hiện tại phía Tổng thầu không còn nhắc tới việc thanh toán này nữa.
Liên quan tới thời điểm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác trong năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bên liên quan để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc.
Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và Tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4/2019, nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Hồi tháng 1/2020, Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát đã cho các nhân sự thực hiện Dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dự kiến sẽ trở lại Việt Nam tiếp tục làm việc để hoàn thành Dự án từ ngày 1/2/2020. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc nên nước này không cho công dân xuất cảnh, Việt Nam cũng đã “đóng cửa” đường bay.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3 – 5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.
Gần 100 nhân sự đường sắt Cát Linh kẹt ở Trung Quốc vì virus corona
Gần 100 nhân sự tại dự án đường sắt Cát Linh kẹt ở Trung Quốc vì dịch virus corona diễn biến phức tạp, trong khi họ phải có mặt đầy đủ ở Việt Nam từ 1/2.
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Canh Tý, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT xốc lại tiến độ với quyết tâm hoàn thành trong năm nay.
Tuy nhiên, việc tập trung nguồn lực cho dự án đang gặp khó khăn ở khâu đưa lao động người Trung Quốc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Trung tâm vận hành OCC của đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nơi tập trung nhiều chuyên gia Trung Quốc làm việc. Ảnh: Ngọc Tân.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Ban quản lý dự án (QLDA) Đường sắt cho biết tại công trường hiện nay chỉ có một nhóm nhỏ chuyên gia Trung Quốc ở lại trực Tết. Lực lượng chuyên gia phục vụ vận hành hệ thống, hoàn thiện hồ sơ đã về Trung Quốc từ trước Tết và đến nay vẫn chưa thể quay lại.
Theo thông tin từ Tổng thầu (Công ty hữu hạn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc), hiện chỉ có 4 người Trung Quốc ở lại trực Tết tại dự án trong khi nhân sự đầy đủ là hơn 100 người.
Họ dự kiến trở lại Việt Nam từ ngày 1/2. Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát khiến Chính phủ Trung Quốc phải hạn chế cho công dân xuất cảnh. Vì vậy, Tổng thầu và tư vấn giám sát xin lùi thời gian đưa nhân sự trở lại làm việc sau ngày 8/2.
Hôm 31/1, Bộ GTVT có buổi làm việc với Ban QLDA Đường sắt và các bên liên quan để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Ban QLDA Đường sắt đã đề nghị Bộ GTVT xem xét có văn bản đề nghị tạo điều kiện để các nhân sự của Tổng thầu và tư vấn giám sát được nhập cảnh thuận lợi, kịp thời và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT đã chỉ đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Ban QLDA Đường sắt nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này.
"Đến 9/2, phía Trung Quốc mới có thông báo tiếp theo về việc có cho công dân xuất cảnh hay không. Tại Việt Nam hiện cũng chỉ xem xét cấp visa cho khách công vụ", ông Đông nói.
Theo Zing.vn
Khởi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vào quý III/2020 Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng chiều dài 99km, là dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc-Nam cửa ngõ phía Đông. (Ảnh minh họa: Tràng Dương/TTXVN) Bộ Giao thông Vận tải vừa làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai về tiến độ giải phóng mặt...