“Tử tù” xin được chết do căng thẳng… chờ thuốc độc
508 người bị tuyên phạt tử hình, án đã có hiệu lực vẫn không thi hành được. 3 người đã chết do bệnh, 3 người tự sát, có người viết đơn xin được “xử” do tâm lý căng thẳng… Đây là những thông tin mới liên quan đến việc xử tử bằng tiêm thuốc độc.
Bằng mọi giá phải bào chế được thuốc
Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) khơi lên câu chuyện những người bị tuyên án tử hình hiện không thi hành án được do không có nguồn thuốc độc để tiêm. Lỗi trong việc này, ông Độ quy cho việc chủ quan của cơ quan soạn thảo luật Thi hành án hình sự sửa đổi vì đã không tìm hiểu kỹ về nguồn nhập khẩu thuốc.
“Không thể nhập được thì đề nghị Chính phủ tổ chức sản xuất thuốc này. Cái đó trong tầm tay của chúng ta” – ông Độ nói.
Phản ánh thực trạng này, đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) thông tin, cả nước đã xây dựng được nhiều nhà thi hành án tiêm thuốc độc, cũng đã huấn luyện hàng trăm cán bộ thi án. Chính phủ cũng xây dựng xong nghị định từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn không thể thực hiện quy định mới vì không tìm được nguồn cung ứng thuốc.
Lâu nay, việc sản xuất thuốc chữa bệnh không có gì khó khăn nhưng nói là sản xuất thuốc độc “vướng” dù đã xác định được cụ thể 3 loại thuốc (thuốc gây mê, thuốc gây giãn cơ và thuốc gây ngừng tim – bản chất đều là những loại thuốc chữa bệnh khi sử dụng với liều lượng nhỏ, thích hợp) cần thiết khi thực hiện việc xử tử nhưng vẫn chưa thể sản xuất. Vậy nên, hiện có hàng trăm trường hợp người đã có án đang chờ thi hành mà vẫn không biết bao giờ có thể triển khai.
Việc chậm trễ này gây áp lực lớn cho trại giam, cho cán bộ quản chế cũng như với chính “tội nhân”. Ông Hà kiến nghị Chính phủ sớm có biện pháp xử lý, làm rõ và báo cáo các cơ quan chức năng về việc này.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng dẫn số liệu thống kê của ngành kiểm sát, đến nay còn 508 người bị kết án tử hình, án đã có hiệu lực vẫn không thi hành được. Trong số đó đã có 3 người chết do bệnh tật, 3 người tự sát. Thậm chí có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng.
Video đang HOT
Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị tạm thời tiếp tục thi hành án từ hình bằng hình thức xử bắn (Ảnh: Việt Hưng)
Báo cáo này cũng thừa nhận việc này đã làm tăng áp lực nặng nề lên cả 2 phía – phía cơ quan giam giữ và phía tử tội.
Để sớm giải quyết trình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc trình dự thảo luật để Quốc hội xem xét, thông qua, trên cơ sở đảm bảo đủ điều kiện thi hành khi luật có hiệu lực, tránh tình trạng bế tắc như việc tử hình bằng tiêm thuốc độc này.
Ngoài ra, để gỡ bế tắc, ông Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét trong kỳ họp này ban hành nghị quyết quy định rõ, trong khi chờ tìm được nguồn thuốc độc, cho phép tạm thời tiếp tục thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. Vì nếu tiếp tục kéo dài thời gian thi hành án tử hình ngày nào sẽ còn tạo tâm lý căng thẳng, phức tạp ngày đó.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, bằng mọi giá phải bào chế được loại thuốc này trong năm 2013, đồng thời có biện pháp quản lý chặt tử tội, tránh việc bỏ trốn, tự sát… ” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Chống tội phạm vị thành niên – tăng hình phạt hay hạ tuổi?
Một nội dung khác nổi lên trong phiên thảo luận sáng 1/11 là tình trạng tội phạm vị thành niên với nhiều quan điểm trái chiều từ các đại biểu.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) khái quát thực trạng, hầu hết các vụ phạm pháp hình sự do vị thành niên gây ra đều có dấu hiệu cấu thành tội phạm (cả trong những nhóm tội nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, cướp tài sản… ), hơn 65% vụ có sử dụng vũ khí nóng, hung khí.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ đề nghị hạ thấp hơn quy định về tuổi thành niên, từ mức 18 tuổi xuống 16 tuổi.
Tình trạng nghiêm trọng của tội phạm trong nhóm vị thành niên, theo ông Ngũ, đang thách thức lương tri, trách nhiệm của người lớn. Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng trên do hình phạt quy định chưa tương xứng, tạo điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội. Nhiều ý kiến bức xúc thậm chí cũng đã đặt vấn đề cần áp dụng cả hình phạt tử hình cho người chưa thành niên.
Nêu quan điểm riêng, ông Ngũ cho rằng, cần phát huy tác dụng của hình phạt và biện pháp cưỡng chế mạnh nhưng không nên sửa luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt vì đi ngược lại xu hướng quốc tế. Đại biểu đề xuất xử lý theo hướng điều chỉnh, hạ thấp hơn quy định về tuổi thành niên, từ mức 18 tuổi xuống 16 tuổi.
Đại biểu phân tích, năng lực hành vi của người trẻ hiện giờ đã thay đổi, khác nhiều, sự kìm hãm sẽ dẫn đến nhu cầu bứt phá, thể hiện mình. Sự thể hiện lệch lạc dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
“Thừa nhận sự trưởng thành vượt bậc của lớp trẻ, thừa nhận người 16 tuổi đã thành niên là để các em thực sự thể hiện quyền năng hành động của mình. Đây là giải pháp xử lý để đấu tranh với tội phạm vị thành niên hiện nay” – ông Ngũ quả quyết.
Ngược lại với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) lật lại vấn đề, vị thành niên phạm tội có trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội. Ông Độ đặt câu hỏi, phải chăng nhà trường mới chỉ chú trọng dạy chữ, không dạy kỹ năng sống, không dạy trẻ cách làm người.
Chưa có báo cáo nào đề cập đúng mức vấn đề này và theo đại biểu, đó chính là kẽ hở làm nảy sinh tội phạm. Ông Độ lập luận: “Cần làm sáng tỏ căn cơ tình hình tội phạm. Chứ nếu cứ chạy theo vi phạm, xử thật nặng, thật nghiêm, tăng án tử hình, tăng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội là không đúng hướng, không giải quyết được vấn đề”.
Theo Dantri
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị tử hình bằng xử bắn
Từng phản đối việc tiêm thuốc độc, ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, trong số gần 500 người đang chờ thi hành án, nhiều người làm đơn xin được chết sớm nhưng Việt Nam lại gặp khó khăn trong việc nhập loại thuốc này.
Chiều 26/10, tại buổi thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm thi hành án năm 2012, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, hiện Bộ Công an đã xây được 10 khu vực thử nghiệm tiêm thuốc độc, song chưa thể tiến hành vì không nhập được thuốc độc. Nguyên nhân là do, thuốc phải nhập qua EU, trong khi liên minh này đang yêu cầu Việt Nam bỏ án tử hình.
Theo ông Sơn, hiện số tử tù đã đến mức phải thi hành án lên đến gần 500 người. Nhiều tử tù làm đơn xin được chết sớm vì không muốn kéo dài cuộc sống, một số người đã chết trong trại giam vì bệnh tật và chờ đợi thi hành án quá lâu. Các giám thị gặp nhiều khó khăn và áp lực khi giám sát những người này.
Là người từng phản đối việc tiêm thuốc độc, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói, năm 2009 ông đã đặt câu hỏi việc này liệu có làm được không bởi việc tiêm thuốc không hề đơn giản và không phải cứ có thuốc là làm được ngay.
Ông Sơn cho hay, Thường vụ Quốc hội cho biết, tháng 5 - 6/2013 mới có thuốc độc nhưng sẽ phải mất thêm thời gian để thử nghiệm trước khi thực hiện. "Nếu không thi hành được việc tiêm thuốc độc thì không thể kéo dài mãi tình trạng này. Như vậy sẽ không mang tính răn đe và giáo dục...", Phó chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, sẽ kiến nghị để sửa đổi luật thi hành án bằng việc quay lại hình thức xử bắn. Ông gợi ý, khi xử tử tù nếu người bắn sợ bị ám ảnh thì có thể súng tự động.
Trước đó, tại phiên thảo luận năm 2009, một số hình thức áp dụng với tử tù đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra. "Có người đề xuất hình thức treo cổ, nhưng dã man quá. Cho ngồi ghế điện thì tàn nhẫn và đáng sợ, lại vẫn gây áp lực tâm lý cho phạm nhân và người thi hành án", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói và kết luận tiêm thuốc độc là hình thức tử hình nhân đạo nhất.
Còn Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết, Luật thi hành án hình sự (có hiệu lực từ 1/7/2011) cho phép thay đổi từ xử bắn tử tù sang tiêm thuốc độc. Các điều kiện đã sẵn sàng chỉ còn chờ Bộ Y tế nhập thuốc về. "Nếu gặp khó khăn, Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất thuốc trong nước để phục vụ kịp thời việc thi hành án tử hình", người đứng đầu ngành công an cho hay.
Theo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), mỗi năm phạm nhân bị thi hành án tử hình tăng 80 - 100 người. Các tử tù chủ yếu phạm tội giết người cướp tài sản và buôn bán ma túy.
Theo Nghị định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực từ 1/11/2011, thuốc tiêm được sử dụng gồm: gây mê làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim. 3 loại tân dược này do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Trước khi bị tiêm thuốc độc bằng máy tự động, tử tù được viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng...
Theo VNE
Buôn ma túy, một doanh nhân lãnh án tử hình Sáng 5.9, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình đối với Đậu Xuân Duyên (55 tuổi, quê H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), thường trú tại TP.Vinh (Nghệ An), tạm trú tại TP.Đà Nẵng, về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy". Đây là vụ án được dư luận địa phương đặc biệt quan tâm vì...