Tự tử để trốn kiếp bị bạo hành
Những trận đòn sống chết của chồng chính là nguyên nhân khiến những người vợ tự tử (Hình minh họa)
Bị chồng bạo hành, nhiều người phụ nữ vẫn âm thầm chịu đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần mà không cần nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Để rồi họ bị các ông chồng hành hạ đến chết hoặc phải tự tử để thoát khỏi kiếp bị bạo hành.
Những thân phận mong manh ấy liệu có phải hứng chịu những thảm kịch hôn nhân đau đớn đến thế nếu như họ đừng lẩn tránh việc đối đầu, đừng nín nhịn với các hành vi bạo lực gia đình?.
Chết vì bị chồng bạo hành
Nhắc đến bi kịch mất mạng vì nín nhịn, có thể kể đến cái chết thương tâm của chị Đỗ Thị Tuyết (SN 1983, tạm trú phường 12, quận 8, TP.Hồ Chí Minh). Người mẹ của hai đứa trẻ này đã ra đi ở tuổi 27, còn hung thủ chính là người chồng vũ phu của chị – đối tượng Nguyễn Văn Giang (SN 1980).
Sự việc xảy ra vào khoảng 15h ngày 13/7/2010 khi Giang viện cớ cần đi sửa xe máy, thay dầu động cơ để xin vợ 400.000 đồng nhưng không được. Lời qua tiếng lại, Giang dùng tay đánh mạnh vào đầu, mặt vợ.
Gia đình chị Lưu ôm di ảnh đến các cơ quan chức năng kêu oan
Thấy chồng quá hung hãn, chị Tuyết bỏ chạy. Không tha cho vợ, Giang lấy xe máy đuổi theo để đánh tiếp, đến đoạn trước hẻm 136 Cao Xuân Dục (phường 12, quận 8) thì bắt kịp, nhào tới dùng tay đánh tới tấp vào mặt và đầu khiến chị Tuyết ngã xuống đường, bất tỉnh và tử vong sau đó do chấn thương sọ não, xuất huyết dưới màng cứng.
Trước đó, ở tỉnh Tây Ninh cũng xảy ra một vụ án đau lòng mà hung thủ là đối tượng Dương Thanh Tùng (SN 1972, ở phường 4, thị xã Tây Ninh). Đầu năm 2010, Tùng gặp chị Nguyễn Ngọc Quý (SN 1971 tuổi, ở ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành). Thương cảm với cảnh “gà trống nuôi hai con” của Tùng, chị Quý bằng lòng gá duyên với người đàn ông này. Tuy nhiên, sau đó chị Quý đã hối hận với quyết định của mình vì Quý lộ diện là một kẻ vũ phu, nát rượu và mới cưới nhau được 8 tháng nhưng chị Quý đã nếm không biết bao nhiêu trận đòn của chồng.
Video đang HOT
Vì nghĩa vợ chồng, chị Quý đã im lặng và không nhờ cơ quan pháp luật can thiệp về những hành vi vô đạo của Tùng mà chọn giải pháp hòa bình là xin ly hôn. Tùng đồng ý nhưng nào ai ngờ, hắn lại rắp tâm trả thù người phụ nữ đã nhân hậu với mình. Một tháng sau ngày chia tay, 19h ngày 12/7, Tùng mang bình xăng 5 lít đến nhà vợ, ôm chặt lấy chị Quý rồi đổ xăng, châm lửa khiến nạn nhân bị bỏng nặng và thiệt mạng sau đó.
Hay như câu chuyện xảy ra chưa lâu tại huyện Từ Liêm (Hà Nội) mà Pháp luật Việt Nam đã phản ánh. Tối 10/4/2010, đối tượng Nguyễn Gia Long (SN 1974 tuổi, ở thôn Đại Cát, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm) đã rú ga, lao xe máy SH vào người vợ của mình là chị Nguyễn Thị Thanh Hà (SN 1973) làm nạn nhân ngã đập đầu xuống đất, gáy bẹp rúm, miệng nôn ra máu, chấn thương sọ não rồi mãi mãi ra đi dù đã được các y bác sĩ của BV Việt Đức tận tình cứu chữa.
Theo người nhà nạn nhân, trong 16 năm chung sống với Long, chị Hà đã sinh cho chồng hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. Nhưng từ đầu năm 2009, từ khi có quan hệ với một cô gái khác, Long đổi tính đổi nết, thường xuyên dùng nhục hình, ngược đãi người vợ thương yêu của mình. Thậm chí, để chống chế trước thông tin mình có quan hệ bất chính, Long thường vu oan cho chị Hà rằng chị… ngoại tình với người khác để đánh đập, nhục mạ chị.
Trước khi mất mạng, có lần chị Hà đã bị chồng đánh đến mức phải đi kiểm tra não tại bệnh viện. Dư luận cả nước đang chờ xem cơ quan tố tụng Hà Nội có xử lý nghiêm minh người chồng độc ác đi xe đắt tiền này không.
Tự sát để mong thoát kiếp bị bạo hành
Sự ra đi của những người vợ dù nín nhịn nhưng cuối cùng cũng phải tìm đến cái chết được dẫn ra sau đây cũng làm xót xa lòng người.
Điển hình như cái chết của chị Nguyễn Thị Hà (SN 1981, ở TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Khoảng 16h ngày 10/7/2010, chồng chị là Trương Thế Nam (SN 1979) gọi điện thoại bắt vợ về làm mồi tiếp bạn nhậu. Dù đang bán hàng nhưng nhớ đến những trận đòn tàn bạo thường ngày của chồng, chị Hà liền sợ hãi, chạy về ngay.
Vừa vào tới cửa, chị bị chồng lao vào đấm đá túi bụi, ai can ngăn cũng không được. Quá uất ức trước hành động nhẫn tâm của chồng, chị Hà uống thuốc sâu tự tử và ra đi trong oan khuất.
Chung một bi kịch như chị Hà là chị Nguyễn Thị Lưu (SN 1976, ở xã Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội). Tối 31/5/2010, chị Lưu được hai con phát hiện lên cơn co giật tại nhà và tử vong sau đó do ngộ độc bả chó.
Trước khi tự tử để tự giải thoát mình khỏi những ngày tháng bị chồng bạo hành, lá thư của chị Nguyễn Thị Lưu (thôn Đạo Thượng, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) gửi đến các cơ quan chức năng ngày 7/6/2007 với những lời lẽ thống thiết: “Tôi không hiểu tại sao gần đây chồng tôi lại hay đánh đập, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, thể xác của tôi bằng những hành động quá tàn bạo”.
Chị Lưu tố cáo chồng đã có những hành vi bạo hành tàn bạo như ném mũ cối vào mặt chị, đấm đá túi bụi, dùng chuôi cuốc thúc mạnh vào cổ chị khiến chị phải đi viện, nửa đêm chửi mắng chị là ngu như chó…
Nên làm gì với bạo hành?
“Đừng lẩn tránh, hãy kể cho mọi người nghe câu chuyện của tôi. Ở Việt Nam mình nạn bạo hành còn rất nhiều nhưng mọi người quen chịu đựng, chấp nhận sống chung cùng bạo lực. Mà bạo lực rất nguy hiểm! Nó có thể tác động qua nhiều thế hệ. Hãy hình dung, một người chồng đã đánh bạn được một lần, lần sau họ có thể lặp lại.
Dương Thanh Tùng (ảnh trái) bị bắt ngay sau khi dùng xăng thiêu vợ
Đứa trẻ trông thấy cảnh ấy một lần sẽ khóc nhưng những lần sau đó nó sẽ không khóc nữa. bỗng dưng bạo lực hóa bình thường, bạo lực được chấp nhận. Lớn lên, đứa trẻ sẽ không e dè khi dùng bạo lực. Đó là sự ảnh hưởng qua nhiều thế hệ” – đó là lời khuyên của chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Hải Phòng, lấy chồng tại quận Long Biên, Hà Nội).
Người phụ nữ này từng bị anh chồng nghiện rượu chè cờ bạc bạo hành dã man (hết đánh đập lại dùng dao, chày dọa giết) đến mức phải bỏ trốn khỏi nhà chồng, tìm đến xin sự trợ giúp của một tổ chức chuyên hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành ở Hà Nội.
Chị Hạnh tiếp dòng tâm sự: “Bạn nín nhịn bạo lực một lần, hai lần, rồi những lần sau bạn tiếp tục nín nhịn rồi sinh bệnh trầm cảm… Tất cả đều có giới hạn. Không phải lúc nào một sự nhịn cũng đổi lại được chín sự lành.
Phải đứng lên, phải lên tiếng với bạo lực gia đình không chỉ vì mình mà còn vì tương lai của con cái mình nữa. Hãy kể cho mọi người câu chuyện của mình. Tất cả đều phải biết để cùng cất tiếng chống lại bạo lực gia đình. Chị em phụ nữ đừng cam chịu sống cùng bạo lực”.
Theo Pháp Luật VN
Hận thù qua đi, tình người ở lại
Tuấn thừa nhận đã sát hại anh Minh.
Nghĩ ba mẹ con bà Mai có thể bị ướt vì nhà dột, ông Tạo lật đật chạy sang đảo lại ngói. Tấm chân tình của người hàng xóm dần xóa đi sự oán hận trong lòng người mẹ mất con...
Đổ bão, trời như trút nước. Ấy vậy mà hàng trăm người dân xã Hòa Thạch (Quốc Oai, Hà Nội) vẫn đội mưa để đến tòa. Họ chờ đợi phán quyết của tòa phần vì tò mò, phần vì quan tâm đến ông Phùng Văn Tạo (bố của bị cáo Phùng Văn Tuấn) và bà Cấn Thị Mai (mẹ của bị hại Bùi Văn Minh).
Ông Tạo, bà Mai ngồi chung một hàng ghế - hình ảnh thật hiếm thấy. Ánh mắt họ không chất chứa hận thù mà là sự cảm thông. Ở tuổi 48, nom ông Tạo già sọm. Từ ngày tai ương ập xuống gia đình, ông bố này gầy rộc. Tuấn giết người, bà Huệ (mẹ Tuấn) héo hon, ốm rồi qua đời. Cảnh gà trống nuôi con, ông Tạo lại phải gồng mình trước dư luận và cố bù đắp phần nào cho mẹ con bà Mai...
"Nếu tôi xin thì thằng Tuấn có được tha về không nhỉ?" - mất con nhưng bà Mai cũng dằn vặt trước cái chết của bà Huệ và tương lai ảm đạm của Tuấn. Cảm nhận được sự rộng lượng của gia đình bị hại, ông Tạo rất cảm kích. Gần chục năm nay, bà Mai một mình nuôi dạy ba người con. Minh là con cả, nhanh nhẹn và đỡ đần mẹ nhiều việc. Ngày chồng bà qua đời, Minh đã nghỉ học để làm thêm. Cậu ra nội thành Hà Nội và làm thuê cho hiệu giặt là. Thi thoảng Minh mới về nên thanh niên trong xóm "quên" mặt. Đây cũng là nguồn cơn của một vụ án đau lòng...
Chiếc vành móng ngựa dường như quá thênh thang với Tuấn. Bị cáo đã khóc rưng rức. Tuấn ân hận trước cái chết của Minh và sự ra đi tức tưởi của mẹ mình. Không hề cự cãi, Tuấn khai, khoảng 21g ngày 10-3-2010, bị cáo và anh Trương Văn Dũng đi chơi về đến quán cắt tóc của Tuấn (ở ngã tư thôn Hòa Trực, xã Hòa Thạch) thì gặp Minh. Lâu ngày không gặp, Tuấn hỏi: "Mày có phải là Minh không?". Minh đáp: "Phải thì sao?". Cho rằng, Tuấn thách thức, Minh đã cởi áo khoác vứt vào đầu xe máy và đứng đối diện với Tuấn.
Hai bên lời qua tiếng lại, Minh đã đẩy Tuấn. Tức tối, Tuấn rút dao bấm giấu trong người đâm vào đùi trái của Minh. Minh quay người định bỏ chạy thì bị đâm tiếp vào lưng. Nạn nhân gục ngã, Tuấn hỏi vài câu bâng quơ nhưng không thấy trả lời. Biết Minh bị thương nặng, Tuấn bỏ chạy. Sau đó, Minh tử vong. Ngày 11-3-2010, Tuấn đến cơ quan công an đầu thú.
Quanh năm bán mặt cho ruộng chè, cả nhà không đủ ăn, bà Mai chỉ trông cậy vào số tiền ít ỏi (600 đến 700 nghìn đồng) Minh gửi về mỗi tháng. Giờ đây, thiếu Minh, bà mất đi chỗ nương tựa. Nhưng trước tòa, người phụ nữ này vẫn đề nghị HĐXX giảm án cho Tuấn. "Tôi đã mất con, không muốn ông Tạo cũng rơi vào tình cảnh như mình" - bà Mai cất giọng chua chát.
Ông Tạo, bà Mai nghe tòa xét hỏi Tuấn
Ông Tạo đã xoay sở được hơn 50 triệu đồng để bồi thường phần nào cho gia đình bà Mai. Trình bày trước tòa, ông mong tòa nương nhẹ cho con trai mình. Lời cuối trước khi tòa tuyên án, Tuấn cố quay lại tạ tội với bà Mai và xin lỗi bố. Bị cáo khóc ròng và mong có cơ hội để chuộc lầm lỡ. HĐXX ngày 27-8-2010 của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo 16 năm tù về tội "Giết người".
Ông Tạo, bà Mai rời tòa với khuôn mặt rầu rĩ. Họ những tưởng với nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tuấn sẽ được hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt (12 năm tù). "Nhà bà Mai có việc to nhỏ gì, ông Tạo đều sang giúp một tay. Trông họ chẳng giống hai nhà có thù hằn" - ông Hùng (người xã Hòa Thạch) chia sẻ.
Một phiên tòa đặc biệt! Đặc biệt bởi trong tội ác của con trẻ, người ta thấy được cách đối nhân xử thế của các bậc cha mẹ. Thay vì nhiếc móc, thay vì tự trách mình, họ sửa sai bằng những việc làm cụ thể. Tiền bạc không thể lấy lại mạng sống và sự khoan dung nhưng tấm lòng chân thành thì có thể...
Theo Pháp luật xã hội