Tự truyện của đạo diễn Dũng “khùng” (1)
Sinh 1978, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thuộc thế hệ những đạo diễn trẻ đang rất sung sức hiện nay của điện ảnh Việt. Làm đạo diễn show ca nhạc, event, video clip, phim truyền hình… nhưng tên anh được nhắc nhiều nhất ở địa hạt phim điện ảnh.
Khi còn nhỏ, tôi được tiếp xúc với quá nhiều “cao thủ” trong giới văn nghệ. Những lần tụ họp ca hát, đọc thơ, tán gẫu của các bác các chú: Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Nguyễn Duy, Hoàng Hiệp, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng… phần nào đã ảnh hưởng đến tuổi thơ của tôi.
Tôi có vẻ lơ mơ như nghệ sĩ từ lúc 4 tuổi, cũng tập tành cầm cây đàn mandolin của ba “quẹt” tầm bậy tầm bạ hát nghêu ngao lòng vòng trong xóm. Rồi một ngày bỗng dưng tôi hát nghêu ngao vài câu: “ Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng con sang chơi nhà bạn, con cầm cây đàn con hát, hát cho mẹ về với con“.
Đó là một trong những mớ bồng bồng những câu hát ngẫu hứng hằng ngày, và nó dường như có nghĩa nhất, nên thường được ba mẹ, anh chị yêu cầu hát mỗi khi khách đến nhà và ông anh trai kế lớn hơn tôi 5 tuổi bắt đầu biết viết chữ đã rành rọt ghi lại.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng năm 6 tuổi bên cạnh ba – nhà văn Nguyễn Quang Sáng và anh trai
Rồi cũng như những đứa trẻ khác, tôi và anh trai cũng bị cái bệnh rất “mốt” thời kỳ đó là… sốt xuất huyết. Lúc đó dường như muỗi là loại động vật tuy không ai nuôi mà nhà ai cũng có và rất đông, rất béo tốt. Thế là hai anh em cùng nằm chung bệnh viện Nhi Đồng. Ông anh trai vô 15 chai nước biển, tôi chỉ vô 5 chai, nhưng lại bị sốc nước biển. Nhưng “thần chết” chưa… ngoắc tôi, có lẽ số tôi lớn.
Thời điểm đó gia đình tôi khó khăn. Chú Trịnh Công Sơn cũng biết nhưng chú khó giúp đỡ gì được nhiều, vì ngày đó ai cũng nghèo như nhau. Mà nghệ sĩ họ thường giúp đỡ lẫn nhau bằng tinh thần. Chú Sơn ngồi viết lại bài hát Mẹ đi vắng. Và từ đó bài hát này được nhiều thế hệ thiếu nhi hát trên sân khấu, tivi và được in báo. Cái tên Nguyễn Quang Dũng được “ăn ké” nằm cạnh cái tên nhạc sĩ lớn của Việt Nam.
Chưa kể tôi là một trong những người may mắn được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc lời thơ. Lúc ấy tôi nghĩ chú Sơn muốn viết một bài thiếu nhi làm kỷ niệm cho gia đình tôi và “củng cố tinh thần” ba tôi trong lúc khốn khó.
Tôi nhớ mãi cái ngày tôi được lãnh nhuận bút bài hát đó khi được đăng báo là 70 đồng, phần lời bài hát được 35 đồng nhưng chú Sơn đưa cho tôi hết. Má tôi đã dùng số tiền nhuận bút đó mua hai đôi giày cho anh em tôi. Vậy là năng khiếu âm nhạc của tôi được mọi người ủng hộ tuyệt đối. Và theo phong trào các con em gia đình văn nghệ sĩ, tôi được vào nhạc viện học ký xướng âm (vì lúc đó chưa có tiền mua đàn để học, với lại tôi mới chỉ 5 tuổi).
Video đang HOT
Tôi vào nhạc viện học nhạc lý. Má dẫn bộ hai anh em đi. Anh tôi thì chẳng hề thích nhạc mà lại thích vẽ, nên ông anh ngồi ngoài bậc thềm chép bài giùm tôi và rất hăng say vẽ… những nốt nhạc. Nhưng ký xướng âm là môn mà chẳng bao giờ tôi có thể hoàn thành trọn vẹn được 7 nốt nhạc. Vì tôi bị ngọng, chữ “L” đọc thành âm “Ng”. Cho nên cứ xướng âm Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol thì lại “Nga”.
Cô giáo dừng lại và tôi cứ “Nga, Nga” hoài. Đó là lý do chẳng buổi học nào tôi đọc trọn vẹn đọc được 7 nốt nhạc. Mấy tháng trời với những buổi cứ “nga” là dừng lại… Rồi dần dần tôi bắt đầu sợ hãi… âm nhạc. Từ đó tôi không còn nghêu ngao nữa, tôi như bị “mặc cảm”, bị “tịt ngòi” với âm nhạc luôn, mãi đến sau này…
Vậy là coi như tôi không còn ý muốn đi theo con đường âm nhạc nữa. Tôi là một đứa trẻ nhỏ thó, gầy nhom. Có lẽ đó cũng là cái vóc dáng thịnh hành thời kỳ đó vì đứa nào cũng bị suy dinh dưỡng và thiếu canxi.
Tôi bệnh tối ngày, hết chảy máu cam đến sốt, cảm, ho… Vậy là ba tôi quyết định cho tôi đi chơi thể thao cho khỏe. Và theo truyền thống gia đình tôi đi tập môn bóng bàn, bởi ba tôi chơi môn này thuộc dạng vô địch của hội văn nghệ thời kỳ ba còn ở ngoài miền Bắc. Tôi vào đội bóng bàn và trở thành đứa nhỏ nhất, đứng chưa đến cái bàn.
Nhưng không sao, thiếu nhi có cái bàn nhỏ hơn và thấp hơn. Tôi nhận ra mình cực kỳ có năng khiếu vì từ nhỏ đã đi theo ba và anh coi mọi người đánh bóng bàn bao nhiêu năm, nên các động tác dường như nó đã có sẵn trong tiềm thức.
Đệm đàn cho anh trai hát trong một bữa tiệc của gia đình.
Tôi nhớ ngày đầu tiên cầm cây vợt bóng bàn là tôi đã đánh đúng động tác và giống như đã biết đánh rồi. Thế là “sự nghiệp” bóng bàn của tôi bắt đầu với sự tiến bộ vượt bậc và nhanh hơn hẳn những bạn chung lứa. Tôi được chọn vô năng khiếu với các huy chương cấp thành phố lần lượt được thu gom về nhà, nhưng khuyết điểm lớn nhất của tôi lại là thể lực quá yếu.
Những giáo án thể lực với tôi dường như quá nặng nề, dần dần tôi chuyển qua tập thể lực với… đội nữ. Ngày càng lớn thì vấn đề học hành ở trường trở nên căng thẳng hơn. Tôi ít tập hơn, một tuần chỉ tập ba buổi rồi ít dần…
Con đường để trở thành vận động viên theo đó dần dần mờ đi. Đến khi 15 tuổi thì hầu hết các VĐV phải chọn con đường chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp. Ai theo chuyên nghiệp thì nghỉ học ở trường chuyển qua học bổ túc để tập trung cho thể thao nhiều hơn.
Thế là tôi đành chia tay với bóng bàn chuyên nghiệp. Lúc đó tôi vừa học hết lớp 9 (trường Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM) và sau đó thì đậu vào trường cấp 3 Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh).
Đấy. Với những năng khiếu chợt lóe lên rồi biến mất thật sự là vấn đề suy nghĩ của gia đình tôi về tương lai của tôi. Có nhiều người cứ nghĩ tôi là con nhà văn, một nhà biên kịch nổi tiếng nên bây giờ trở thành một đạo diễn phim là chuyện hoàn toàn hợp lý. Nhưng thật sự con đường đi vào điện ảnh của tôi thật… tình cờ.
Tôi là đứa học dốt nhất nhà, có thể gọi là học dốt đặc biệt. 12 năm tôi đi học là 12 năm tôi giữ vững “phong độ” học sinh… trung bình, vừa đúng điểm trung bình lên lớp tất cả các học kỳ từ lớp 1 đến lớp 12. Đặc biệt dốt nhất là môn văn, thật là khó khăn để được điểm 5. Lý do là tôi viết sai chính tả kinh khủng. Chẳng biết vì sao?
Cái bệnh đãng trí có từ nhỏ, không thể nhớ nổi ngữ pháp tiếng Việt… Với lại dường như tôi không hợp với những gì học hành theo trường lớp, không thể nhớ nổi cái gì mà người khác nghiêm túc dạy dỗ. Cái gì vui vui hài hước thì dễ nhớ. Không như anh trai tôi tuy cũng thuộc hạng dốt văn nhưng đổi lại anh ấy giỏi Toán, Lý và đặc biệt là năng khiếu vẽ xuất sắc từ nhỏ, nên không có gì ngạc nhiên khi tốt nghiệp cấp 3 anh thi vào trường Kiến trúc và đậu ngon lành.
Đạo diễn nổi tiếng từng là người học dốt nhất nhà.
Rồi trong một bữa cơm gia đình, ba tôi ngồi suy tư nhìn tôi một chặp rồi hỏi: “ Ba không biết mai mốt con làm nghề gì? Ba chẳng thấy con có năng khiếu rõ rệt về cái gì cả?“. Câu hỏi của ba tôi cũng làm tôi bối rối, bởi vì lúc đấy tôi đã 17 tuổi, tức là cái tuổi chuẩn bị thi đại học.
Thật là may mắn, trong cái khoảnh khắc khó xử đó thì chị tôi chuyển sang kênh tivi đang chiếu Cánh đồng hoang (phim do ba tôi viết kịch bản, chú Hồng Sến làm đạo diễn). Thế là tôi tìm được “cái phao” để bám vào trả lời, tôi nói ngay: “ Mai mốt ba viết kịch bản phim còn con làm đạo diễn“.
Tôi không ngờ câu nói cho qua như vậy mà làm ba tôi vui, làm ba tôi tin là tôi đã chọn nghề nghiệp. Ba tôi nhớ và nhắc mãi cho đến khi tôi đăng kí thi vào Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh năm 1996. Thế là điện ảnh đã bắt đầu với tôi từ đó…
Theo Mục tím
3 lý do Dũng 'khùng' mê Thanh Hằng
Lần thứ ba đóng vai chính phim Nguyễn Quang Dũng, Thanh Hằng đã khiến chàng đạo diễn khó tính với biệt danh Dũng "khùng" phải "tâm phục khẩu phục".
Mỹ nhân kế là bộ phim thứ ba Thanh Hằng đóng vai chính trong phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Nụ cười của Thanh Hằng
Ngoài việc Thanh Hằng là một trong những cộng sự rất ăn ý với anh trong nhiều tác phẩm trước như Nụ hôn Thần chết và Những nụ hôn rực rỡ, thì nụ cười của cô cũng là một trong những điều mà anh rất ưng ý.
Thanh Hằng có một nụ cười mà đạo diễn Quang Dũng phải thừa nhận: "Cô ấy cười, tôi có một Kiều Thị, cô ấy khép miệng tôi lại có thêm một Kiều Thị khác hẳn". Vai diễn Kiều Thị trong phim Mỹ nhân kế được "đo ni đóng giày" cho Thanh Hằng với số phận, tính cách phức tạp như chính nụ cười của cô.
Gương mặt và nụ cười bí ẩn của Kiều Thị - Thanh Hằng.
Vedette mà không vedette
Người ta thường nói công việc nào có từ hai người đẹp trở lên thì thế nào cũng có sự ganh đua, ồn ào. Thế mà với đoàn phim Mỹ nhân kế, dù quy tụ đến 5 cô gái xinh đẹp nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chưa bao giờ bị nhức đầu. Anh nói: "5 cô gái cùng tham gia trong cùng một bộ phim nhưng tuyệt nhiên không hề có một sự tỵ nạnh hay ganh tỵ nào. Để có được điều này, tôi phải cảm ơn Thanh Hằng và Tăng Thanh Hà rất nhiều".
Xét về tên tuổi, vị trí trong showbiz thì Thanh Hằng thuộc lớp đàn chị cả về tuổi nghề, tuổi đời lẫn danh tiếng. Song không phải vì thế mà Thanh Hằng cố tình giữ một khoảng cách với bạn diễn trẻ. Ngược lại, sự thân thiện và hòa đồng của cô đã khiến các cô gái gần nhau hơn.
Tinh thần làm việc nghiêm túc của Thanh Hằng đã mang lại ảnh hưởng tích cực tới đoàn làm phim.
Thái độ làm việc chuyên nghiệp
Với vị trí của mình, Thanh Hằng hoàn toàn có thể đưa ra những yêu cầu riêng cho mình, nhưng cô đã không làm vậy, mọi người thế nào thì cô cũng như thế. Những phần tập luyện võ thuật, diễn xuất của Thanh Hằng lúc nào cũng được yêu cầu cao hơn mọi người, vậy mà cô nàng vẫn không hề từ chối hay ngại ngùng.
"Cái gì Thanh Hằng làm cũng được", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nói về nữ cộng sự xinh đẹp của mình như thế. Thanh Hằng lao vào tập luyện và làm việc một cách rất nghiêm túc, say sưa. Việc đu dây, phải treo mình trên cao trong một thời gian dài đã khiến tay chân, thân thể của cô mỗi lần nghỉ ngơi đều mỏi nhừ và đau đớn nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy cô than vãn hay kêu ca.
Theo Zing
Dũng Khùng nhìn Thanh Hằng trìu mến Chưa bao giờ thừa nhận đã từng yêu nhau, nhưng "cặp đôi" này vẫn khiến khán giả phải nghi ngờ bởi những cử chỉ thân mật của mình. Dù lịch làm việc luôn trong tình trạng dày đặc, nhưng những ngày vừa qua, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và dàn mỹ nhân của Mỹ nhân kế gồm Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Diễm My...