Từ TP.HCM về quê, thai phụ vạ vật trước chốt kiểm dịch cửa ngõ Bến Tre
Trên đường về quê, thai phụ cùng con nhỏ và hàng chục người dân Bến Tre ngồi vạ vật ngay cửa ngõ vào tỉnh Bến Tre.
Từ rạng sáng đến khoảng 15 giờ hôm nay, họ đã 2 lần phải test nhanh Covid-19.
Thai phụ Nguyễn Thị Kim Tròn biểu hiện mệt mỏi tại khu vực chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ngõ vào tỉnh Bến Tre. Ảnh B.B
Chiều 1.10, PV Thanh Niên ghi nhận trên QL60, đoạn thuộc khu vực cầu Rạch Miễu (hướng từ Tiền Giang qua Bến Tre), có rất nhiều người dân chờ đợi vì chưa qua được chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Bến Tre để về huyện quê nhà cách ly y tế tập trung theo quy định.
Thai phụ Tròn cùng nhiều người khác ngồi trong khu vực được cảnh sát hướng dẫn để chờ phía UBND H.Mỏ Cày Nam cử người lên đón về cách ly. Ảnh B.B
Liên tục phải test nhanh
Thai phụ Nguyễn Thị Kim Tròn, quê ở xã Định Thủy, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre cho biết vợ chồng chị từ H.Bến Lức, Long An, theo đoàn người trên QL1 hướng từ TP.HCM về miền Tây lúc 4 giờ sáng 1.10.
Chiều hôm trước khi đi, cả nhà chị đã test nhanh để có giấy tờ sẵn. Khoảng 5 giờ sáng nay, họ tới địa phận Tiền Giang. Tại đây, lực lượng trực chốt và cán bộ y tế tỉnh Tiền Giang test nhanh cho cả nhà, đều có kết quả âm tính. Tỉnh Tiền Giang cho họ qua chốt về quê Bến Tre. Qua khỏi cầu Rạch Miễu khoảng 9 giờ sáng, lực lượng cảnh sát tại đây hướng dẫn cả nhà chị Tròn test nhanh, tiếp tục âm tính.
“Thế rồi họ kêu tôi ở đây chờ UBND H.Mỏ Cày Nam quê tôi lên rước về để cách ly tập trung. Nhưng đến giờ cả nhà tôi vẫn vật vã tại đây. Tôi mệt mỏi, rã rời lắm rồi. Thương đứa bé trong bụng còn có 3 tuần nữa là đến ngày sinh nở”, thai phụ Nguyễn Thị Kim Tròn nói một cách mệt nhọc.
Công an tỉnh Bến Tre hướng dẫn cho người muốn vào tỉnh đến nơi test nhanh Covid-19. Điểm test nhanh tư nhân dưới chân cầu Rạch Miễu lấy giá 238.000 đồng/người/lần test. Ảnh B.B
Gia đình chị Tròn gồm chồng và bé trai khoảng 4 tuổi. Cả nhà đùm túm lên H.Bến Lức, Long An làm nghề mua bán ve chai.
Về quê có gì ăn nấy
Trong số những người đi cùng gia đình chị Tròn, có anh Nguyễn Văn Giàu (quê xã An Định, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đang có dấu hiệu kiệt sức. “Tôi làm thợ hồ ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Thất nghiệp hơn 3 tháng qua ở nhà trọ, ai cho gì ăn nấy. Đi làm lại được hơn 1 tuần nay nhưng công trình ở quận khác nên cứ 3 ngày phải test nhanh một lần. Một lần test có khi hơn 300.000 đồng, trong khi đi làm mỗi ngày có 250.000 tiền công. Trưa hôm qua, tôi quyết định về quê có gì ăn nấy, chết cũng chịu”, anh Giàu rưng rưng nước mắt nói.
Theo lực lượng trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ngõ tỉnh Bến Tre trên QL60, từ sáng nay đã có rất nhiều người dân quê Bến Tre đổ về khu vực này. Theo chỉ đạo của cấp trên, những người về đến chốt buộc phải test nhanh Covid-19, nếu âm tính sẽ tập trung lại theo từng huyện. UBND các huyện sẽ cử đoàn đến đón người dân huyện mình về cách ly tập trung theo quy định. Nhiều người dân ở các huyện, thị đã được đón về nhưng phía UBND H.Mỏ Cày Nam vẫn chưa đến nơi nên nhóm người quê ở Mỏ Cày Nam vẫn phải chờ.
Các lối rẽ vào địa bàn tỉnh Bến Tre từ QL.60 đều đã bị khóa cứng từ lâu. Ảnh B.B
Cũng theo lực lượng trực chốt tại đây, nếu người ngoài tỉnh muốn vào Bến Tre phải có giấy đi đường của UBND huyện thuộc tỉnh Bến Tre, nơi mà người ngoài muốn di chuyển vào. Người di chuyển vào chỉ cần có test nhanh Covid-19 với kết quả âm tính.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên , đến khoảng 15 giờ ngày 1.10, lực lượng trực chốt trên QL1 của tỉnh Tiền Giang vẫn yêu cầu test nhanh với kết quả âm tính và giải quyết cho hàng trăm người về từ hướng Long An.
Một người đàn ông đi bộ trên cầu Rạch Miễu hướng từ Tiền Giang qua Bến Tre được người đi đường thương tình cho nước uống và ít lộ phí. Ảnh B.B
Những người lao động từ hướng TP.HCM về quê Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… mang theo hầu hết tài sản, vật dụng có giá trị của mình, như phích uống nước, quạt máy, mùng mền… Họ buộc các tài sản vào bất cứ chỗ nào có thể trên xe gắn máy.
Phía tỉnh Tiền Giang cử lực lượng trực giữa 2 nhịp cầu Rạch Miễu để ngăn người dân về quê quay đầu trở về từ hướng Bến Tre. Ảnh B.B
TP.HCM sau ngày 30.9: Đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 có được về quê?
Nhiều người trẻ ở TP.HCM hiện tại đã tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 rất mong muốn được về quê sau hàng tháng ở yên tại chỗ để chống dịch.
Được về quê, đi làm... là những mong muốn của người trẻ khi họ tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh TẤN ĐẠT
"Trông riết cho con về, thèm gì mẹ nấu ăn cho đã..."
Anh Lữ Duy Tường, 24 tuổi, đang ở trọ tại Q.7, TP.HCM, mấy ngày nay vui như mở hội khi vừa tiêm xong mũi vắc xin phòng Covid-19 thứ hai, trong khi đó quê nhà tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre của anh cũng chỉ còn áp dụng Chỉ thị 15. Anh Tường bây giờ chỉ nghĩ đến việc "không biết sau ngày 30.9, tôi có được về quê hay không?" vì gần 5 tháng nay do "ở yên tại chỗ" để chống dịch nên anh cũng chưa thăm ba, mẹ mình lần nào.
Anh Tường đã tiêm hai mũi vắc xin và rất muốn về quê khi quê nhà cũng đã áp dụng chỉ thị 15 . Ảnh NVCC
"Gia đình tôi thì không khỏi lo lắng, cứ gọi hỏi thăm tình hình liên tục và mong ngóng ngày tôi được trở về. Mẹ tôi cuộc gọi nào cũng nói trông riết cho con về, thèm gì mẹ nấu ăn cho đã, mấy tháng nay ở trển nhịn thèm. Tội nghiệp! và kêu: Cha mày, ổng nhớ thằng út Tường lắm rồi, mỗi lần nhớ là ổng mở hình lên coi. Tôi nghe mà lặng người, thương cha mẹ đứt cả ruột. Giờ chỉ trông các chuyến xe đồng hương giúp mọi người về quê", chàng trai 24 tuổi tâm sự.
Hơn 3 tháng qua, nhiều người không được ăn bữa cơm gia đình . Ảnh NVCC
Giống như anh Tường, chị Lê Thị Mỹ Hạnh, 28 tuổi, quê Tiền Giang, đang sống tại chung cư Chương Dương Home, TP. Thủ Đức, TP.HCM, cũng sốt ruột không kém về vấn đề về quê sau ngày 30.9. Chị Hạnh đã tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 cách đây 2 tuần hơn. Ứng dụng khai báo sức khỏe của chị cũng chuyển "màu xanh". Hiện tại, chị Hạnh không mong gì hơn ngoài việc trông chuyến xe đồng hương hoạt động trở lại để về quê thăm gia đình.
"Thẻ xanh" của chị Mỹ Hạnh . Ảnh NVCC
"Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhớ quê da diết mà không thể về, trước đó muốn về là xách xe chạy, giờ thì chịu. Khi tôi hoàn thành 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 nên cảm thấy yên tâm được phần nào. Hiện tại, tôi đã quen với làm việc trực tuyến nên rất mong dịch ổn định để được về quê thăm ba, mẹ vì cũng gần 4 tháng rồi chưa được gặp mặt họ", chị Hạnh nói.
Số ca tử vong do Covid-19 liên tục giảm tại TP.HCM và nhiều tỉnh
Mong đi làm kiếm tiền rồi mới về quê
Trong khi đó, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, 23 tuổi, làm truyền thông tại số 311 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM, mong muốn được di chuyển bình thường sau ngày 30.9 để kiếm tiền rồi đợi sang năm hẳn về quê cho yên tâm.
Ánh làm công việc truyền thông, chuyên đi quay đường phố, ẩm thực Sài Gòn nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc cũng như nguồn thu nhập chính cũng "đóng băng", hiện tại Ánh dựa vào số tiền ít ỏi từ những bài cộng tác các báo mạng. Cô nàng 9X này hy vọng, đầu tháng 10, TP.HCM mở cửa trở lại, ưu tiên những người đã tiêm vắc xin được đi làm, cô sẽ làm việc để kiếm tiền bù đắp lại những tháng ngày mất thu nhập.
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ muốn ra đường đi làm để có tiền, cuối năm về quê sau . Ảnh TẤN ĐẠT
"Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 rồi, nhưng cũng không có ý định về quê. Thật sự, tôi nhớ nhà lắm nhưng 3 tháng này không có thu nhập thì về quê cũng không vui tí nào. Với lại, tôi lo lắng rằng về quê thăm nhà khoảng 2 tuần thì có dễ lên lại thành phố trong tháng hay không? Nên chỉ mong, hết tuần này tôi được đến cơ quan đi làm, gặp được đồng nghiệp. Cố gắng cày 3 tháng cuối năm, mong có tiền rồi về quê sau, lúc đó dịch cũng ổn định hơn rất nhiều", Ngọc Ánh tính toán.
Nên về quê trong điều kiện nào?
Tại buổi "live stream", đối thoại trực tiếp với người dân vào giữa tháng 9, ông Lê Hòa Bình Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ: "Nếu bà con cô bác muốn về quê thì thành phố sẵn sàng, nhưng có người đưa đi phải có người đón về. Nếu địa phương đồng ý tiếp nhận, đủ năng lực xét nghiệm, cách ly thì thành phố sẵn sàng hỗ trợ.Tuy nhiên, trong thời gian này chúng tôi mong người dân tạm thời hạn chế di chuyển hoặc người dân có thể liên hệ với hội đồng hương của mỗi tỉnh để đăng ký, các tỉnh sẽ hỗ trợ thêm. Còn nếu không có người đưa đi và đón về thì người dân không được qua chốt kiểm soát...".
Người dân nên về quê trên những chuyến xe do hội đồng hương tổ chức . Ảnh LÊ NAM
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên chuyên ngành tai - mũi - họng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, khuyến cáo mọi người cần lưu ý thời gian tạo miễn dịch của mũi hai vắc xin ngừa Covid-19.
"Trong khi tiêm mũi vắc xin thứ hai mới có vài ngày mà di chuyển đi làm hoặc về quê thì khả năng bị lây nhiễm Covid-19 rất cao. Trung bình mất khoảng 2-4 tuần để liều vắc xin thứ hai có được miễn dịch sau khi tiêm. Nếu đạt được thời gian ấy, kết hợp với việc đảm bảo nguyên tắc 5K thì mọi người thoải mái di chuyển", tiến sĩ, bác sĩ Minh nói.
Bác sĩ Minh hy vọng mọi người luôn thực hiện 5K dù đã tiêm hai mũi vắc xin . Ảnh ẢNH: LÊ NAM
Bác sĩ Minh khuyên đối với trường hợp đã tiêm hai mũi vắc xin muốn về quê thì nên đi theo những chuyến xe đồng hương tổ chức, nghiêm túc thực hiện quy định cách ly. Số lượng hành khách trên xe chỉ từ 30% đến 50%. Mọi người phải luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên...
Mọi người phải đãm bảo giãn cách . Ảnh LÊ NAM
Tiến sĩ, bác sĩ Minh còn căn dặn: "Khi tiêm mũi 2 vắc xin ngừa Covid-19 đủ thời gian miễn dịch thì khả năng lây nhiễm rất ít nhưng mọi người vẫn đảm bảo chế độ giãn cách. Nếu không sẽ bị nhiễm mặc dù có triệu chứng nhẹ nhưng chúng vẫn có khả năng lây lan cho người khác".
Đằng sau việc Bến Tre trở thành tỉnh phòng, chống dịch tốt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long: Xét nghiệm mẫu gộp! Ngày 22/9, tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả của tỉnh Bến Tre trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch rất hiệu quả. Tính đến chiều 21/9, Bến Tre đạt trạng...