Từ tố giác của cựu bí thư, cựu chủ tịch và nhiều lãnh đạo Bình Thuận bị truy tố
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đứng đơn tố giác về sai phạm tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, kết quả là cựu Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ của tỉnh này bị truy tố.
Như Thanh Niên đã đưa tin, Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng 16 bị can khác, do có sai phạm liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương. ẢNH: T.N
Cựu Bí thư Tỉnh ủy đứng đơn tố giác sai phạm
Theo hồ sơ vụ án, ông Đinh Trung, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, chính là người đứng đơn tố giác về những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai, thực hiện dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Trả lời trên báo chí, ông Trung cho biết, nhiều năm kiên trì đấu tranh với sai phạm tại dự án nêu trên, từng không ít lần được “gợi ý mua chuộc”, thậm chí có người không hài lòng vì cho rằng ông “vạch lá tìm sâu”.
Tại bản cáo trạng vừa ban hành, Viện KSND tối cao cho biết, các nội dung tố giác của ông Trung về sai phạm dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết đều đã được xem xét, giải quyết trong vụ án. Đối với các nội dung khác không liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.
Từ tố giác của cựu bí thư: Cựu chủ tịch và nhiều lãnh đạo Bình Thuận bị truy tố
Kết quả điều tra cho thấy, Công ty CP Rạng Đông (trụ sở tại TP.Phan Thiết, Bình Thuận) là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Năm 2015, quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp này được tỉnh Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết và cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích hơn 363.000 m 2 từ đất thể dục thể thao sang đất đô thị.
Lẽ ra, việc xác định giá đất phải tách riêng đất quy hoạch nhà cao tầng với các loại đất khác, thế nhưng các bị can trong vụ án đã không thực hiện mà gộp chung các loại đất thành một, từ đó “chốt” mức giá là hơn 2,57 triệu đồng/m 2, tương đương hơn 936 tỉ đồng.
Hành vi của các bị can đã trực tiếp gây thiệt hại cho ngân sách số tiền hơn 308 tỉ đồng, phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Công ty CP Rạng Đông được hưởng lợi toàn bộ số tiền này.
Trong 17 bị can bị truy tố, ngoài cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương, hàng loạt cựu lãnh đạo, cán bộ của Bình Thuận cũng vướng lao lý. Điển hình như Nguyễn Ngọc, cựu Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Phong, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở TN-MT; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Xuân Phong, cựu Phó cục trưởng Cục thuế; Đỗ Ngọc Điệp, cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết…
Các bị can đều bị truy tố về cùng một tội danh, quy định tại khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.
Lực lượng công an và kiểm sát tiến hành khám xét nhà riêng cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương. ẢNH: T.N
Cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận khai gì?
Viện KSND tối cao đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất, bị can Lê Tiến Phương chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai thực hiện dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Bị can biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại dự án, được báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất cũng như dự thảo phương án giá đất…
Thế nhưng, bị can vẫn thống nhất với kết quả tư vấn và phương án xác định giá đất không phù hợp, từ đó ký ban hành quyết định phê duyệt giá đất trái quy định pháp luật.
Tại cơ quan điều tra, ông Lê Tiến Phương được xác định thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai phạm.
Bị cáo cho rằng nguyên nhân vụ án xuất phát từ mong muốn đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất, sớm thu tiền sử dụng đất cho ngân sách để dự án sớm triển khai thực hiện, tạo điểm nhấn cho du lịch của thành phố, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Ngoài ra, phương án giá đất tại dự án cũng đã làm đi làm lại nhiều lần, bị can không muốn đùn đẩy trách nhiệm phê duyệt giá đất cho người kế nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh.
Không chỉ ông Phương, cựu Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc cũng thành khẩn thừa nhận hành vi. Bị can khai nguyên nhân sai phạm là do áp lực công việc, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo phải sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất, sớm thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước để dự án sớm triển khai.
Tương tự, các bị can là cựu cán bộ thuộc văn phòng, hội đồng thẩm định giá đất và sở ngành có liên quan đều thành khẩn khai báo, cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ sức ép chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
Trong số hơn 308 tỉ đồng ngân sách bị thiệt hại, đến nay Công ty CP Rạng Đông đã nộp 90 tỉ đồng. Các bị can nộp tổng cộng 150 triệu đồng. Phía công ty thẩm định giá cũng nộp gần 180 triệu đồng.
Ngoài ra, quá trình làm việc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Rạng Đông đã có cam kết về việc sẽ tham gia khắc phục hậu quả, nộp bổ sung số tiền sử dụng đất theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và các đồng phạm đã "nhúng chàm" như thế nào?
Chiều 26/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND cùng cấp đã tiến hành khám xét nhà của cựu Chủ tịch UBND tỉnh và một số cựu lãnh đạo sở, ngành tỉnh Bình Thuận.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương (nhiệm kỳ 2011-2016) và các bị can: Xà Dương Thắng, Nguyễn Xuân Phong, bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam do liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Cựu Chủ tịch UBND Bình Thuận Lê Tiến Phương.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng và bị Thủ tướng Chính phủ xóa tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận 2 nhiệm kỳ trên do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Theo đó, ông Lê Tiến Phương cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 - 2015; chịu trách nhiệm chính của người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký các văn bản vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở (liên quan dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết).
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết là một trong 9 dự án mà Bộ Công an tiến hành xác minh, điều tra theo đơn tố giác tội phạm của công dân Bình Thuận. Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận trong đó có ông Lê Tiến Phương đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, phát sinh nhiều đơn, thư tố cáo kéo dài, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét nhà bị can Lê Tiến Phương.
Ông Lê Tiến Phương là người ký quyết định, phê duyệt đồ án chi tiết quy hoạch xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (phường Phú Thủy) do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư và các quyết định quan trọng khác về dự án này. Quyết định cho phép chủ đầu tư (khi đó là Công ty TNHH MTV Golf và CLB Golf Phan Thiết, thuộc Tập đoàn Rạng Đông) thực hiện khu đô thị, đất ở kết hợp thương mại, dịch vụ, tổng diện tích khu đô thị này được duyệt là hơn 62 ha.
Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu sai phạm tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can, chiều ngày 26/4, CQĐT Bộ Công an cùng đại diện VKSND đã thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của ông Lê Tiến Phương trên đường Nguyễn Tương, phường Phú Thuỷ, TP Phan Thiết và khám xét nhà của các bị can khác là Nguyễn Xuân Phong (nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Thuận) trên đường Hùng Vương, TP Phan Thiết và nhà của bị can Xà Dương Thắng (cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận) trên đường Tuyên Quang, TP Phan Thiết.
Cơ quan CSĐT khám xét nhà ông Xà Dương Thắng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận.
Liên quan đến vụ việc, trước đó ngày 23/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Trong đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 trường hợp, gồm: Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Xà Dương Thắng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận; Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết; Hồ Như Hải, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá và Lê Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp thuộc Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời Cơ quan CSĐT cũng ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 1 trường hợp: Nguyễn Xuân Phong, nguyên Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Thuận.
Ra Lệnh khám xét chỗ ở đối với 6 bị can, gồm: Lê Tiến Phương, Xà Dương Thắng, Đỗ Ngọc Điệp; Hồ Như Hải; Lê Anh Huy; Nguyễn Xuân Phong.
Được biết 12 trường hợp khởi tố, hiện có 6 bị can đang chấp hành án phạt tù trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, tỉnh Bình Thuận.
Các ông Lê Tiến Phương, Xà Dương Thắng, Đỗ Ngọc Điệp; Hồ Như Hải; Lê Anh Huy; Nguyễn Xuân Phong có liên quan vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Khu Đô thị du lịch biển Phan Thiết (phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)
Cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát mong có "cơ chế đặc biệt" để khắc phục hậu quả Ngày 26/11, sau hơn 3 tuần làm việc, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo khác về các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB) giai đoạn 1 kết thúc phần...