Từ Thanos tới Deadpool: 6 nhân vật Marvel “mượn đỡ” từ DC Comics
Dưới đây là 6 nhân vật mà Marvel rất có thể đã mượn ý tưởng từ thành công trước đó của DC Comics.
Trải qua quãng thời gian dài phát triển, hai hãng truyện tranh lớn nhất thế giới hiện nay là Marvel Comics và DC Comics đã tạo nên dấu ấn của riêng mình trong lòng độc giả. Có một vài nhân vật của Marvel đã bị nghi ngờ “mượn đỡ” từ nhà hàng xóm vì nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên, như The Lizard và Killer Croc hay ngược lại, một số nhân vật của DC Comics có nét “hao hao” bên Marvel như Aquaman giống Namor. Dưới đây là một số nhân vật Marvel đã lấy ý tưởng từ DC Comics.
1. Deadpool – Deathstroke
Deadpool thời gian gần đây đã thành “lính đánh thuê quốc dân”, được cả thế giới yêu quý vì thành công của bộ phim chuyển thể cùng tên, kinh phí làm phim thì thấp nhưng được cái chất. Tuy nhiên khởi nguồn của Deadpool lại từ hình tượng của một nhân vật DC là Deathstroke. Lần ra mắt đầu tiên của Deadpool là trong tập New Mutants #98 (2/1991) và của Deathstroke từ năm 1980 trong The New Teen Titans (vol. 1) #2.
Rất dễ để nhận ra cả hai đều là những lính đánh thuê thiện nghệ, đeo mặt nạ, sử dụng thành thạo vũ khí. Tên thật của Deadpool là Wade Wilson là cách giễu nhại tên thật của Deathstroke là Slade Wilson. Theo thời gian, những tác giả của Deadpool đã cố gắng đưa nhân vật này thoát khỏi cái bóng của một kẻ copy khi phát triển tính cách điên khùng và nhái phong cách Spider-Man. Deadpool sinh ra như một trò đùa, hội tụ đủ thói hư tật xấu trên đời trong một bản tính điên khùng, và bỗng cả thế giới thích điều đó. Trong khi đó, Deathstroke vẫn nguyên dạng là một lính đánh thuê tanh máu và nguy hiểm.
2. Quicksilver – The Flash/ Quicksilver (Max Mecury)
Lần xuất hiện đầu tiên của The Flash là vào năm 1940 trong Flash Comics #1, trong khi Quicksilver được ra mắt vào 3/1964 tại X – Men #4. Tia sét là biểu tượng tương đồng rõ ràng, nhưng giống như nhiều nhân vật trong danh sách này, chúng ta coi đây là “sự trùng hợp không thể tránh khỏi”. Điều này nghĩa là, không sớm thì muộn ý tưởng về một nhân vật chạy siêu nhanh cũng sẽ được ai đó cụ thể hoá thành một nhân vật, tương tự những khả năng như siêu sức mạnh, tàng hình, biết bay.
Điểm khác biệt rõ ràng nhất là nếu như The Flash có được sức mạnh từ một tai nạn, thì Quicksilver được sinh ra đã là một dị nhân (con trai của Magneto). Marvel có hẳn 24 năm để xây dựng nhân vật của mình làm sao không bị kiện, và có vẻ lí do trên là quá đủ.
3. The Avengers – Justice League (hoặc ít nhất là chuyện trùng ý tưởng)
Vào năm 1960, trong ấn bản của The Brave and the Bold #28, Justice League được rời kệ từ nhà xuất bản “National Periodical Publications” hay sau này còn được biết tới với cái tên DC Comics. Trong một ván golf năm 1961, nhà xuất bản Jack Liebowitz của DC đã bày tỏ sự lạc quan của mình về bộ Justice League với chủ của Timely Comics (tiền thân của Marvel Comics) là Martin Goodman. Nhận ra tiềm năng của bộ truyện bên nhà hàng xóm, Goodman đã về bàn với biên tập của mình là Stan Lee để thành lập một đội siêu anh hùng bên Marvel.
Goodman chỉ đạo Lee, cùng với Jack Kirby sáng tạo nên Fantastic Four. Tuy nhiên, họ cũng hình thành nên The Avengers được coi là đối trọng lớn nhất với Justice League của DC Comics vào năm 1963. Mặc dù The Avengers được biết tới rộng rãi hơn nhiều vào thời gian gần đây nhờ sức hút của loạt phim chuyển thể, nhưng Justice League cũng không hề kém cạnh khi phần 1 của loạt phim chuyển thể sẽ ra mắt vào năm sau hứa hẹn sẽ là một bom tấn không thể bỏ qua.
4. Hawkeye – Green Arrow
Green Arrow xuất hiện trong ấn phẩm tháng 11 năm 1941 của More Fun Comics #73, trong khi đó Clint Barton/ Hawkeye được ra mắt “bà con lối xóm” như một phản diện trong Tales of Suspense #57 tháng 9/1964 và sau này gia nhập The Avengers vào năm 1965. Cả hai đều sử dụng vũ khí lỗi thời là cung tên, cùng những mũi tên được nâng cấp và cả hai đều thuộc những đội siêu anh hùng như The Avengers và Justice League.
Đây cũng có thể coi là một sự trùng lặp ý tưởng nữa, vì trong khi Hawkeye ban đầu được xây dựng như một kẻ xấu và diện đồ màu tím hường, thì Green Arrow như cái tên, xanh từ đầu tới chân, và cuối cùng thì ý nghĩ sẽ phải có ai đó nghĩ ra một siêu anh hùng cầm cung tên là quá phổ biến.
Video đang HOT
5. Sandman – Clayface
Sandman lần đầu “chạm ngõ” người đọc Marvel vào năm 1963 trong The Amazing Spider-Man #4. Trước đó 23 năm, Basil Karlo hay còn được gọi là Clayface đã xuất hiện trong Detective Comics #40. Cả hai đều là những ác nhân “xấu xấu bẩn bẩn” có khả năng “biến hình” từ những vật liệu thiên nhiên như đất sét hay cát. Sự thật là Clayface mãi tới năm 1961 mới có khả năng biến đổi cơ thể, nhưng cũng vẫn là sớm hơn 2 năm trước khi Sandman ra đời với năng lực tương tự.
6. Thanos – Darkseid
Darkseid xuất hiện lần đầu trong Superman’s Pal, Jimmy Olsen #134 vào năm 1970. 3 năm sau, Thanos của Marvel được giới thiệu tới độc giả trong Iron Man #55. Cả hai nhân vật bá đạo này đều là những á thần, siêu ác nhân nắm trong tay quyền sinh quyền sát của cả vũ trụ. Lại nhắc lại lúc này Jack Kirby đã chuyển từ Marvel sang DC làm việc và tạo nên bộ New Gods đình đám. Jim Starlin, tác giả của Thanos ban đầu định xây dựng đứa con cưng của mình theo kiểu ngồi ghế dựa như Metron từ bộ New Gods của Kirby. Tuy nhiên Roy Thomas, lúc đó là biên tập tại Marvel đã nói với Jim Starlin rằng: “Nếu anh có ý định chôm chỉa gì từ New Gods, ít nhất phải lấy “hàng xịn” như Darkseid ấy chứ”.
6 nhân vật trên không phải là tất cả mọi nhân vật được nghi ngờ là Marvel đã mượn ý tưởng từ DC Comics. Tuy nhiên, khi vào tay của từng tác giả mỗi nhân vật lại phát triển tính cách và con đường riêng của mình. Deadpool đã rất khác so với Deathstroke, hay Thanos đã đứng độc lập như một nhân vật “không đụng hàng” của Marvel. Cuối cùng thì, những tranh cãi không dứt về việc ai “mượn” của ai, hay đấy có phải là trùng hợp không, cho thấy sức hấp dẫn của thể loại truyện tranh và phim chuyển thể đối với công chúng vẫn còn rất lớn.
Theo Ngọc King / Trí Thức Trẻ
Deadpool: "Anh khả ái, anh ngang trái nhưng phim anh hốt bạc thoải mái"
Hãy cùng nhau giải mã sức hấp dẫn phòng vé của bựa phẩm "Deadpool".
Tháng Hai được coi là tháng ế ẩm của phim rạp. Thêm vào đó, Deadpool lại còn "được" gắn mác R, hứa hẹn nhiều cảnh văng tục nói bậy, máu me, cảnh nóng... Ra mắt vào dịp Valentine, Deadpool lại càng có vẻ như không phải là bộ phim lí tưởng để các cặp tình nhân "dung dăng dung dẻ" vào rạp. Vì vậy nhiều người đã đánh giá bộ phim không tới một nửa những gì nó đã và đang làm được tại rạp. Tuy nhiên, Deadpool đã biến bất lợi thành lợi thế và "càn quét" khắp các rạp chiếu.
"Anh khả ái, anh ngang trái nhưng phim anh hốt bạc thoải mái"
Chỉ sau 4 ngày ra mắt, Deadpool đã thu về 150 triệu đô la, trở thành bộ phim dán nhãn R có doanh thu tuần đầu ra mắt "khủng nhất" trong lịch sử. Cú ra mắt của Deadpool đập tan nhiều kỉ lục khác: bộ phim tháng Hai có doanh thu cuối tuần cao nhất trong lịch sử, doanh thu mở màn của một bộ phim vào mùa đông (thường là mùa ế khách) cao nhất trong lịch sử, bộ phim có doanh thu mở màn lớn nhất trong lịch sử của hãng Fox...
Tất cả những kỉ lục này được xác lập đi kèm với sự ngạc nhiên của tất cả. Làm thế nào mà những nhà dự đoán đã bỏ qua bộ phim này? Dưới đây là một số lí do có thể giải thích cho "vụ mùa" bội thu của Deadpool:
Quá trình marketing mẫu mực
Nhiều người thậm chí còn so sánh quá trình marketing cho Deadpool với một vài bom xịt gần đây của Fox. Ngay khi đoạn test footage (phim chiếu thử) được ai đó tung lên mạng (mà Ryan Reynolds khẳng định 70% là anh ấy không làm điều đó); dưới sức ép của fan, hãng sản xuất của Fantastic Four đã thực hiện một chiến dịch marketing "chuẩn của chuẩn". Từ những poster hài hước, chế theo tinh thần của những bộ phim kinh điển tới trailer máu me, thông điệp của Deadpool được gửi đến rõ ràng: đây là một bộ phim siêu anh hùng kiểu mới, giải trí và thoả mãn. Tất nhiên, không ai có thể cưỡng lại một poster "lừa đảo" kiểu phim tình cảm lãng mạn của anh Wade Wilson mà không ra rạp để xem nó thế nào.
Chiều lòng người hâm mộ
Sự thành công của Deadpool cho thấy tác dụng của việc nhà sản xuất biết lắng nghe tiếng nói của người hâm mộ. Từ bộ trang phục cho tới cách đi đứng, nói năng, chiến đấu, Deadpool hiện lên bằng xương bằng thịt từ những trang truyện có tuổi đời hơn 20 năm. Thông điệp gửi gắm của phim không đao to búa lớn, các cảnh hành động diễn ra mượt mà, khả năng "phá vỡ bức tường thứ 4" để chém gió với khán giả, tất cả những gì người hâm mộ kì vọng đều đã có trên màn ảnh. Thêm vào đó, những trò đùa và "chi tiết ẩn" (easter eggs) được truyền tai nhau, không ngạc nhiên khi nhiều fan đã xem đi xem lại bộ phim nhiều lần với tâm trạng phấn khích.
Siêu phẩm bị coi thường
Twitter của phim Deadpool follow đúng một tài khoản duy nhất là... Hello Kitty
Không ai có thể lường trước được độ "hot" của "hotboy" bựa này tại các rạp chiếu. Một phần có thể là do tất cả đã đánh giá quá thấp Deadpool và đồng bọn. Sự thật là, các chuyên gia đã "quên mất" Deadpool một năm về trước, kể cả khi bộ phim này có một quá trình marketing tốt đến thế.
Họ để Deadpool nằm ngoài các dự đoán về bom tấn cuối năm 2015 và đầu năm 2016, tương tự như những San Andreas, Pitch Perfect 2 hay Straight Outta Compton. Nhắc mới nhớ, ai đó cũng đã trở tay không kịp khi Jurassic World phá vỡ kỉ lục tuần mở màn với 80 triệu đô la (phải tới Star Wars: The Force Awakens kỉ lục này mới bị san phẳng).
Tại sao mọi dự đoán gần như đều "làm lơ" Deadpool như vậy? Tương tự như Pitch Perfect 2, những chuyên gia đã bỏ qua sự "thiếu đói" của người hâm mộ. Deadpool cũng như một số trường hợp khác, không chỉ làm vừa lòng fan, mà còn đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của khán giả hâm mộ.
Phim chuyển thể truyện tranh gắn mác R là "của hiếm"
Thói thường càng hiếm càng được kiếm, trong bối cảnh phim chuyển thể từ truyện tranh đang phát triển và tập trung vào mảng đại chúng để dễ bề quảng bá, thì phân khúc "nặng đô" như phim gắn mác R lại gần như bị bỏ ngỏ.
Các chuyên gia đã sai lầm khi tin rằng một bộ phim gắn mác R như Deadpool thuộc dạng "kén cá chọn canh". Cho tới giờ, chỉ có một số đếm được trên đầu ngón tay những phim dán nhãn đỏ ra mắt mà ăn khách, như 300, Kingsman: The Secret Service, Kick-Ass hay 2 Guns. Những phim chuyển thể truyện tranh theo kiểu tăm tối "hardcore" mà ăn khách thì lại càng hiếm có khó tìm hơn nữa, kể tới một vài như Blade: Trinity (bom tấn hiếm hoi mà Ryan Reynolds không làm lỗ), Watchmen hay The Punisher... Deadpool đã gần như bước vào sân chơi không có đối thủ, với đầy đủ tiềm năng sáng tạo mà nó mang giữ. Khán giả tò mò ra rạp để xem xem bộ phim sẽ vẫy vùng như thế nào với bao nhiêu là tự do: tha hồ máu me, chửi bậy, đùa nhây, hài tục...
Ryan Reynolds
"Soái ca" aka trai hư của phim, Ryan Reynolds là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy các chị em ra rạp. Cựu đèn lồng xanh vẫn nổi tiếng đẹp trai, hài hước, quyến rũ và lịch thiệp nhưng có lẽ không phải là một ngôi sao biết kiếm tiền cho các hãng phim. Green Lantern có mở màn "khả ái" 53 triệu đô la đầy hứa hẹn nhưng nhanh chóng trở thành bom xịt "đắng" nhất của Ryan khi tiêu hết 200 triệu đô la tiền làm phim nhưng lời về vẻn vẹn gần 20 triệu. Đấy là chưa kể nhiều phim gần đây như R.I.P.D, Self/less, Safe House...
Ryan Reynolds trong vai Deadpool với "X - Men Origins: Wolverine" - bộ phim mà vai Deadpool đã được làm đúng cho tới khi nhân vật này bị đưa đi phẫu thuật.
Ryan Reynolds đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình dựng phim, sau đó là chiến dịch marketing của Deadpool, rồi cuối cùng xuất hiện hoàn toàn thuyết phục trong bộ đồ đỏ. Nói đây là vai diễn cuộc đời của tài tử người Canada quả không sai, vì thế chẳng có lí do gì người ta không ra rạp xem thử màn thể hiện tuyệt vời của anh chàng này.
Bộ phim có nhiều ý kiến trái chiều
Một trong những khán giả đầu tiên được may mắn xem Deadpool sớm và phản ứng của họ trên Twitter
Làn sóng đầu tiên về cảm nhận phim từ những người may mắn được xem Deadpool sớm nhất hành tinh đã lan truyền khắp Twitter như một cơn bão. Để có thể thu hút những khán giả lớn tuổi, những người vốn không mấy hiểu về nhân vật và cũng không mấy khi đọc truyện tranh, Deadpool đã "tô hồng" bảng phiếu bé ngoan của mình bằng những bình luận tích cực và đầy phấn khích.
Tính đến thời điểm sau 4 ngày ra rạp, số điểm IMDb mà Deadpool nhận được là 8.7, trang Rotten Tomatoes hào phóng chấm Deadpool với 84% đánh giá "fresh" và rất nhiều bình luận tích cực trên trang bình phim Metacritic. Với những người chuyên nhìn điểm để xem phim, đây như những lời mời gọi không thể chối từ.
Tuy nhiên,Deadpool cũng không nằm ngoài vòng những tranh cãi, khi có nhiều ý kiến tỏ ra không hài lòng về độ bạo lực và việc sử dụng những từ chửi tục mà họ cho là lạm dụng. Với những người xem đòi hỏi ở một nội dung chi tiết hoặc không hiểu hết được những trò đùa đôi khi bạn phải thật chắc kiến thức điện ảnh và văn hoá đại chúng Mỹ mới có thể hiểu được, không ngạc nhiên khi Deadpool bị "vùi dập".
Thật khó để khán giả đại chúng Việt Nam có thể hiểu được những câu đùa cợt đầy ẩn ý của phim, cũng như chấp nhận rằng đây là một bộ phim giải trí đơn thuần. Mới đây trên các trang mạng xã hội, nhất là Facebook đã nổi lên những tranh cãi liệu Deadpool có xứng đáng với những lời đồn thổi về một tuyệt phẩm, hay đơn giản chỉ là một bộ phim nhảm được thổi phồng quá mức. Quyết định nằm ở phía người xem. Người hâm mộ trên các fanpage - những người đã đọc truyện tranh và chờ đợi nhiều năm, họ có lí do để yêu mến nhân vật mà mình dõi theo từ khi còn là một Deadpool vô danh tại Việt Nam. Tuy nhiên những khán giả còn lại, họ cũng có lí do của riêng mình khi không cảm nhận được tinh thần của bộ phim. Dù gì đi nữa, luồn tranh cãi nảy lửa đã và đang khiến nhiều người tò mò và càng có thêm lí do để ra rạp "xem có gì hay mà cãi nhau to thế".
Đối thủ phòng vé mờ nhạt
Như đã nói, tháng Hai vốn là tháng "bị kì thị" khi không nhiều phim chọn thời điểm này để ra mắt. Cuối tuần vừa qua chỉ có 2 cái tên đáng chú ý ra rạp là How to Be Single và Zoolander No.2, cả hai đều chỉ đặt ra ngưỡng kì vọng cho tuần đầu công chiếu là 20 triệu đô la. Trong khi Single thu về hơn 20 triệu đô dịp cuối tuàn và nhận được những phản hồi khá, thì Zoolander No.2 của Ben Stiller bị vùi dập không thương tiếc với những nhận xét tiêu cực. Lựa chọn sáng suốt: Deadpool.
Deadpool 1 còn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, phần 2 đã đang trong quá trình thành hình. Thành công phòng vé của Deadpool cho thấy sự táo bạo của nhà sản xuất, khả năng hiểu thấu nhân vật cũng như biết lắng nghe đòi hỏi từ phía khán giả. Liệu sau Deadpool, dòng phim siêu anh hùng gắn mác R có phát triển không, còn tuỳ vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên cho đến giờ, bộ phim siêu anh hùng về một nhân vật phản anh hùng đang chứng tỏ mình đi đúng hướng xét riêng mặt thương mại.
Phim hiện đang được trình chiếu trên toàn quốc.
Theo Ngọc King / Trí Thức Trẻ
7 khoảnh khắc bá đạo trong trailer 18+ "Deadpool" mà bạn có thể bỏ lỡ Trailer của "Deadpool" được ra mắt sau nhiều mong đợi của khán giả, và nó đã đáp ứng đúng như những gì người ta kì vọng: hài hước, thô tục và đầy xỏ xiên. Trailer của Deadpool mới được ra mắt, nó đã nhanh chóng được lan truyền và chia sẻ khắp các ngóc ngách của mạng xã hội. Ngôi sao của bộ...