Từ thảm họa lũ quét ở Sa Ná: Ì ạch di dân vùng nguy cơ thiên tai
Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bản Thái bình yên bao đời nay bên con suối Son bị lũ cuốn trôi, bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) chỉ còn là đống đổ nát, cùng nhiều mất mát, đau thương về tính mạng con người. Năm nào, những thảm cảnh như thế cũng xảy ra, rồi sau đó những giải pháp về bố trí tái định cư lại được đưa ra bàn bạc.
Sau 7 năm thực hiện Quyết định 1776 ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, kết quả đến đâu và đã có bao nhiêu khu tái định cư được thành lập… mà sao năm nào cũng có những nỗi đau như Sa Ná?
Vết thương khó lành
Tháng 6/2018, một cơn lũ lớn quét qua xóm Chu Va 12, xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu), nhấn chìm tất cả chỉ trong tích tắc, đã có 3 người chết, 3 người mất tích, 5 người khác bị thương sau trận lũ kinh hoàng.
Cảnh tan hoang ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) sau trận lũ quét ngày 3/8. (Ảnh: Hữu Dụng)
Hơn 1 năm sau, ở bản Sa Ná những ngày này, có những người chỉ sau vài phút đã không còn một người thân nào bên cạnh. Nỗi đau ấy, vết thương ấy sẽ mãi mãi không thể nào lành lặn với nhiều người, nhiều gia đình… Và với nhiều người, câu hỏi được đặt ra là giá như vấn đề cảnh báo lũ ống, lũ quét được quan tâm hơn, việc di dời người dân khỏi những điểm có nguy cơ bị lũ tàn phá được thực hiện triệt để thì chắc chắn sẽ bớt những câu chuyện đau lòng.
Cho đến giờ người dân khu tái định cư Mớ Khoắc, xã Hạ Bì (Kim Bôi, Hòa Bình) vẫn còn nhớ như in trận mưa lũ lịch sử tháng 10/2017, khu đồi của xóm xuất hiện vết trượt dài hàng trăm mét, nhiều chỗ sâu hoắm, đất đá chảy xuống đánh vỡ tường rào, nhà cửa, chuồng trại của dân…
Ngay sau hiện tượng đó, một khu tái định cư nằm gần đường 12B được khảo sát xây dựng, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, điện, nước, ruộng cấy. 24 hộ xóm Mớ Khoắc cùng 5 hộ dân ở xóm khác đã tập trung về đây, mỗi hộ được cấp hơn 200m2 đất để xây nhà ở. Nỗi lo sạt lở không còn nữa, người dân yên tâm sản xuất.
Được biết, để đảm bảo an toàn cho người dân vùng nguy cơ cao thiên tai, năm 2018, tỉnh Hòa Bình đã triển khai 13 khu tái định cư (TĐC) bố trí ổn định dân cư tập trung do bị ảnh hưởng thiên tai năm 2017. Đến nay, các khu TĐC đã hoàn thành, bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống lâu dài cho 489 hộ dân. Tỉnh cũng bố trí chuyển dân theo hình thức xen ghép cho 84 hộ dân…
Tuy nhiên, không phải khu dân cư nào cũng sớm được quan tâm, hỗ trợ như ở Mớ Khoắc, bởi qua rà soát của ngành chức năng, toàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn 423 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 3.905 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng, cần phải có phương án bố trí, ổn định dân cư theo Quyết định 1776.
Thống kê của Bộ NNPTNT đến hết năm 2018, các tỉnh phía Bắc mới triển khai thực hiện 188 dự án đầu tư bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất núi, sạt lở đất bờ sông, bờ biển, ngập lụt…) theo kế hoạch, để di dời sắp xếp ổn định cho 23.023 hộ, với tổng nguồn vốn được phê duyệt là 7217 tỷ đồng.
Khó trăm bề
Là một trong những địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 5 dự án tiếp tục triển khai sắp xếp lại dân cư; năm 2018 đề nghị 11 dự án sắp xếp lại dân cư mới. Nhu cầu kinh phí của 11 dự án này và 5 dự án dở dang khoảng 240 tỷ đồng – một con số lớn với tỉnh nghèo như Lai Châu.
Dù UBND tỉnh đã có 5 văn bản gửi Chính phủ, các ngành chức năng nhưng trong bối cảnh nguồn kinh phí của Trung ương rất hạn chế, tỉnh phải huy động hết nguồn lực dự phòng của các huyện, dự phòng của tỉnh, Trung ương hỗ trợ khẩn cấp nhưng cũng chỉ được một nửa nguồn kinh phí cần có này.
Trong khi đó, ở nhiều địa phương, dù người dân đã được bố trí tái định cư nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi ở mới. Theo báo cáo của UBND huyện Đà Bắc (Hòa Bình), trên địa bàn huyện hiện có 5 khu TĐC là: Lau Bai, xã Vầy Nưa; xóm Túp, xã Tiền Phong; xóm Kế, xã Mường Chiềng; xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng và khu TĐC Bưa Cốc, xã Suối Nánh.
Ngoài ra còn các khu TĐC xen ghép ở các xã với diện tích khoảng 17ha cho 478 hộ dân. Tuy nhiên, cả 5 khu TĐC tập trung và 478 hộ ở các khu TĐC xen ghép đều chưa được trích đo chi tiết từng hộ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Thậm chí, có những dự án TĐC trên địa bàn huyện Đà Bắc từ những năm 2012 đến nay vẫn chưa có “sổ đỏ”.
Tại tỉnh Sơn La, theo mục tiêu đề ra tại Dự án “Rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020″, đến năm 2020 cần bố trí, sắp xếp, ổn định di dân ra khỏi vùng thiên tai 217 điểm, 3.299 hộ, 16.074 nhân khẩu. Thế nhưng, đến nay số hộ đã di chuyển đến điểm bố trí mới chỉ có 269 hộ/958 hộ, với 9,5ha đất ở, đạt 28% kế hoạch. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu kinh phí và công tác vận động, tuyên truyền người dân đi ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT), chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai ở một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của di dân thực tế. Một số dự án kéo dài, chưa đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất, đời sống của người dân nhất là đất ở, đất sản xuất. Nhiều điểm dân cư ở khu vực có nguy cơ cao chưa được di dời đến nơi an toàn.
Được biết, trong giai đoạn 2018 – 2020, các tỉnh phía Bắc đề xuất cần tiếp tục hoàn thành 188 dự án với mục tiêu bố trí, sắp xếp ổn định cho 23.023 hộ ở các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lũ, lụt… đến nơi định cơ nơi an toàn.
Tổng vốn nhu cầu thực hiện là 4.793 tỷ đồng, trong đó đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ là 4.213 tỷ đồng. Trên thực tế, nguồn vốn mới bố trí được 1.649 tỷ đồng (đạt 22,8% so với mục tiêu được duyệt), chỉ có 4.880 hộ được chuyển đến nơi ở mới, con số quá nhỏ bé so với 23.023 hộ đang trong vùng có nguy cơ cao về thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 6/8, bão số 3 và mưa lũ đã làm 10 người chết (Thanh Hóa 5, Bắc Kạn 1, Điện Biên 1, Lào Cai 1, Sơn La 1, Phú Thọ 1); 11 người mất tích; 91 nhà bị thiệt hại hoàn toàn cùng nhiều thiệt hại nghiêm trọng khác. Riêng tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn còn 10 người mất tích, các lực lượng đang khẩn trương tìm kiếm. Hiện có hơn 200 cán bộ chiến sỹ, y tế… tiếp cận được bản Sa Ná giúp đỡ dân bản khắc phục hậu quả thiên tai.
P.V
Theo Danviet
Tìm thấy xác bé trai 10 tuổi ở Sa Ná mất tích trên sông cách nhà 3 km
Lực lượng tìm kiếm vừa tìm thấy thi thể bé trai 10 tuổi ở bản Sa Ná trên sông Luồng, nâng tổng số người tử vong do mưa lũ những ngày qua ở huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) lên con số 4, hiện 8 người khác vẫn đang mất tích.
Video ghi lại cảnh bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) thời điểm xảy ra lũ ống, lũ quét nhấn chìm cả bản làng
Chiều ngày 6-8, ông Hà Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm 1 thi thể người dân ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) bị lũ cuốn mất tích sáng ngày 3-8.
Theo đó, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể bé trai Hà Văn Q. (10 tuổi, ngụ bản Sa Ná), con của anh Hà Văn Vân - người sống sót duy nhất trong gia đình có 6 người mất tích. Thi thể cháu Q. được tìm thấy trên sông Luồng, đoạn qua địa bàn bản Bo (xã Na Mèo), cách bản Na Sá khoảng 3 km.
Cảnh hoang tàn, đổ nát ở bản Sa Ná khi cơn lũ quét qua sáng ngày 3-8
Hiện thi thể cháu Q. đang được lực lượng chức năng đưa về bản để gia đình lo hậu sự.
Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Quan Sơn, lực lượng chức năng đã tìm thấy được thi thể 4 người mất tích (2 người ở bản Sa Ná, xã Na Mèo và 2 người ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy), hiện vẫn còn 8 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, bão số 3 đã làm 6 người chết (huyện Mường Lát 2 người; huyện Quan Sơn 4 người); mất tích 9 người (huyện Mường Lát 1 người, huyện Quan Sơn 8 người); bị thương 5 người trên địa bàn huyện Quan Sơn.
Người dân chuẩn bị hòm để lo hậu sự cho nạn nhân
Có 76 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 66 nhà bị thiệt hại rất nặng, 312 nhà bị thiệt hại một phần, 1.242 nhà bị ngập, phải di dời khẩn cấp 59 hộ. 14 điểm trường bị ảnh hưởng, 1 trạm y tế xã bị ngập; 2 nhà văn hóa thôn/bản bị sập hoàn toàn và 3 nhà bị hư hỏng do sạt lở. 136,1 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 930,62 ha lúa bị ngập...
Mưa lớn đã làm sạt lở taluy dương, sa bồi với khối lượng khoảng 168.000m3 tại hơn 340 vị trí, gây tắc 97 vị trí trên các tuyến Quốc lộ 15C, 16, 217, 47 thuộc địa bàn 4 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Nhiều tuyến đường tỉnh trên địa bàn các huyện miền núi cũng bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Chị Hà Thị Tiếng (28 tuổi) khóc nghẹn trên căn nhà của gia đình giờ chỉ còn là bãi đất trống
Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ, tỉnh Thanh Hóa đã cấp hỗ trợ 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 519 thùng nước uống. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 hỗ trợ 200 triệu đồng tiền mặt, 1 tấn lương khô, 1.345 thùng mì tôm; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 5 tấn gạo...
Tuấn Minh
Theo nld.com.vn
[Video] Bản Sa Ná thời điểm bị trận "đại hồng thủy" quét qua nhấn chìm bản làng Một đoạn video được người dân bản Sa Ná ở Thanh Hóa ghi lại thời điểm cơn "đại hồng thủy" quét qua bản làng mới thấy được sự khủng khiếp của thiên nhiên, chỉ trong phút chốc, nhiều ngôi nhà ở Sa Ná đã chìm trong lũ dữ. Cảnh tang thương ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh...