Từ “tao đi lấy dao” đến cái tát tai giáo viên giữa cuộc họp
Sự chấp nhận bạo lực một cách vui vẻ như thế vô tình tác động tới tiềm thức của xã hội.
Ảnh minh họa
Trong môi trường giáo dục, thỉnh thoảng lại rộ lên hiện tượng “ăn miếng, trả miếng” giữa phụ huynh và giáo viên.
Dư luận hẳn chưa quên việc một phụ huynh là luật sư ở trường tiểu học Bình Chánh- Long An bắt cô giáo quỳ gối chỉ vì trước đó cô giáo bắt con mình quỳ gối. Gần đây nhất là cô ở cơ sở Mầm non Sen Hồng, Điện Thắng Trung, Quảng Nam bị phụ huynh đánh ngất xủi, thủng màng nhĩ. Hay sự việc xảy ra ở Trường mầm non Việt Lào, Nghệ An. Chỉ vì nghi ngờ con bị bạo hành, một phụ huynh đã thằng tay đánh cô giáo tới mức động thai. Mới đây nhất là chuyện tát nhau giữa cuộc họp ở Trung tâm dạy năng khiếu ở Đà Nẵng.
Câu chuyện ở Đà Nẵng xảy ra ở một trung tâm đào tạo nghệ thuật cho trẻ, tức là bên cạnh quan hệ “dạy – học” còn có quan hệ “cung ứng dịch vụ”. Ở đó “khách hàng” thấy chẳng vừa lòng nên thẳng tay phản ứng bằng cú tát. “Nhà cung cấp dịch vụ” ở đây, là chủ trung tâm, tất nhiên cũng không thể “nhịn yên” như những thầy cô giáo trong các trường học, nên đã nhất quyết đâm đơn tố cáo.
Ứng xử bằng bạo lực dội vào môi trường giáo dục từ những nếp nghĩ, thói quen và các hành xử ngoài xã hội. Chỉ một câu nói vui, bạn bè quay sang đâm nhau tử vong. Vì lợi ích kinh tế, những người thân trong gia đình cũng sẵn sàng triệt hạ nhau. Mới đây nhất, trong sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch tại SEA Games 2019, hòa vào sự phấn khích chung, có những bức ảnh chế với mục đích vui vẻ, nhưng ngẫm ra thì có cái gì đó không ổn. Đó là bức hình chú mèo vung tay với câu nói “Tao đi lấy dao”, khi minh họa cho hình ảnh huấn luyện viên bức xúc mà phản ứng với trọng tài. Sự chấp nhận bạo lực một cách vui vẻ như thế vô tình tác động tới tiềm thức của xã hội.
Những phản ứng nóng nảy của phụ huynh có thể xuất phát một phần nguyên nhân từ cái sai của phía bên kia. Nếu cô giáo không sử dụng sai phương pháp sư phạm, không “tự nhận” sẽ quỳ thì chắc hẳn cô cũng không bị quỳ gối suốt 45 phút. Trong câu chuyện Đà Nẵng là trung tâm quản lý trẻ không đến nơi đến chốn, do đó họ cũng cần xem lại trước kiểu phản ứng quá khích của khách hàng. Không hiếm những phiên toà mở ra để xử lý sai phạm trong giáo dục.
Xung đột và hành xử bằng bạo lực đã xảy ra, và cũng không hiếm những vụ hoà giải, xin lỗi giữa phụ huynh và giáo viên hay nhà trường sau khi mọi sự đã lắng lại, các bên nhìn ra trách nhiệm của mình. Dù thế nào đi nữa thì hành xử bằng cách tát nhau, kể cả là ở dịch vụ giáo dục có mua – bán là không thể chấp nhận.
Không hiểu em bé đi học nghệ thuật có mẹ tát người điều hành kia sẽ nghĩ gì khi nghe chuyện, xem clip? Kể cả em chưa đủ tuổi để hiểu cho đúng đắn, thì những hành vi như vậy sẽ in dấu vào tiềm thức và “nhắc nhở vô thức” trong tương lai lúc nào không biết. Đây mới là di hại của thái độ vui quá cũng xuê xoa với bạo lực, tức quá thì hành xử bạo lực….Người lớn muốn không để vòng luẩn quẩn đó tái diễn thì phải biết dừng lại.
Huyền Anh
Theo vietnamnet
Bỏ biên chế trọn đời cũng không ảnh hưởng đến tâm huyết của người giáo viên
Nhiều giáo viên khẳng định: Chuyện bỏ biên chế là cần thiết và cũng là điều cần phải chấp nhận. Điều này không ảnh hưởng đến tâm huyết của người giáo viên.
Bỏ biến chế trọn đời là cần thiết, chúng tôi cũng phải chấp nhận
Theo Luật Viên chức sửa đổi: Từ ngày 01/7/2020, giáo viên trúng tuyển viên chức đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Như vậy, đồng nghĩa giáo viên mới được tuyển dụng sẽ không còn là viên chức suốt đời.
Video đang HOT
Trước thông tin này, điều bất ngờ là đa số giáo viên ủng hộ việc bỏ biên chế suốt đời và khẳng định điều này sẽ không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Mỹ (Đông Anh, Hà Nội): Việc bỏ chế độ biên chế suốt đời là điều nên làm vì tránh được sự trì trệ trong môi trường giáo dục hiện nay.
Cô Mỹ chia sẻ: "Có một thực trạng cần phải thừa nhận là có nhiều giáo viên đi dạy với tâm lý: Đỗ vào viên chức là ung dung làm đến cuối đời không lo bị đuổi. Điều này khiến cho sự cống hiến của họ bị trì trệ.
Bản thân tôi là một giáo viên hợp đồng. Tôi cũng nhận thấy có nhiều giáo viên được vào biên chế cũng không làm được việc bằng giáo viên hợp đồng.
Thường giáo viên hợp đồng họ phải cố gắng gấp 3-4 lần so với giáo viên biên chế. Ngay như trường tôi các đầu việc thường được giao cho giáo viên hợp đồng".
Cô Mỹ lý giải nguyên nhân của tình trạng trên: "Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên hợp đồng phải làm nhiều hơn so với giáo viên đã biên chế.
Thứ nhất, giáo viên biên chế thường có suy nghĩ đã vào được biên chế là không phải lo lắng gì, ung dung làm việc đến khi về hưu. Cho nên sức sáng tạo và đặc biệt là sự nhiệt huyết đã không còn như thời đầu.
Ngược lại người làm hợp đồng luôn phải xác định cố gắng gấp 2-3 lần để họ có cơ hội được giữ lại hợp đồng hoặc có cơ hội vào biên chế.
Thứ hai, do cơ chế hợp đồng - biên chế mà trong các trường cũng có sự phân biệt đối với 2 đối tượng này. Thường giáo viên hợp đồng sẽ không được đối xử bình đẳng như giáo viên biên chế.
Tôi lấy ví ngay cả chế độ thai sản. Trong khi một số nơi giáo viên biên chế được nghỉ đúng chế độ thì giáo viên hợp đồng nghỉ 3-4 tháng đã phải đi làm".
Giáo viên lạc quan trước thông tin bỏ biên chế suốt đời (Ảnh:V.N)
Từ những lý do trên, cô Nguyễn Thị Mỹ ủng hộ chủ trương bỏ viên chức suốt đời:
"Bỏ chế độ biên chế suốt đời sẽ tạo động lực và sự cố gắng cho giáo viên. Bên cạnh đó điều này cũng sẽ giúp môi trường giáo dục bình đẳng hơn, công bằng hơn".
Nhiều giáo viên hợp đồng ủng hộ việc bỏ chế độ biên chế suốt đời. Trong khi đó một số giáo viên đã vào biên chế cũng cho rằng: Đây là việc làm cần thiết và không ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn.
Khi được hỏi: Việc bỏ chế độ biên chế suốt đời các thầy cô có tâm tư như thế nào?
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Phó hiệu trường trường cấp 2 thị trấn Mường Khương nói: "Chúng tôi chẳng quan tâm gì. Tôi nghĩ là nó sẽ có ảnh hưởng nhất thời. Tuy nhiên đối với những giáo viên đã vào biên chế trước ngày 1/7/2020 sẽ không có ảnh hưởng nhiều".
Theo cô Thủy, khó khăn ở đây chính là việc thu hút giáo viên miền xuôi lên miền ngược giảng dạy.
Tuy nhiên hiện nay với chính sách luân chuyển giáo viên, ưu tiên giáo viên là người bản địa thì việc bỏ biên chế không gây ra xáo trộn nhiều lắm.
Bỏ biên chế giáo viên mới có động lực để sáng tạo và tâm huyết với nghề (Ảnh:V.N)
Cô Thủy phân tích: "Việc bỏ chế độ biên chế suốt đời trong ngắn hạn sẽ có đôi chút ảnh hưởng đối với tuyển dụng, luân chuyển giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược.
Nhưng về lâu dài thì chính sách này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến đội ngũ giáo viên đang công tác cũng như giáo dục vùng cao.
Bên cạnh đó hiện nay các tỉnh vùng cao cũng rất chủ động về nguồn giáo viên với các chính sách luân chuyển giáo viên, ưu tiên tuyển dụng giáo viên là người địa phương.
Cho nên tôi nghĩ rằng việc bỏ biên chế suốt đời là một chính sách đúng đắn và có ý nghĩa tích cực đối với ngành giáo dục".
Như vậy có thể thấy đội ngũ giáo viên đón nhận thông tin: Sẽ bỏ chế độ biên chế suốt đời khá bình thản.
Phần lớn đều đánh giá đây là một bước tiến bắt buộc phải chấp nhận nếu muốn ngành giáo dục công bằng và phát triển hơn.
Bỏ biên chế suốt đời - Còn đó những nỗi lo
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, việc bỏ chế độ biên chế suốt đời có những mặt lợi và mặt hại.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nói: "Về mặt lợi việc bỏ chế độ viên chức suốt đời sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức nói chung và giáo viên nói riêng. Khi đó họ cần tính toán để ký hợp đồng với những ai có năng lực.
Về mặt hại nó sẽ khiến cho đội ngũ giáo viên cảm thấy không an lòng chạy đi chỗ này chỗ khác.
Chẳng hạn họ có thể chạy sang trường tư hoặc làm những công việc khác có mức sống cao hơn.
Cho nên việc áp dụng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn.
Chúng ta chưa có đủ điều kiện để đảm bảo mức sống cho giáo viên thì bỏ viên chức sẽ khiến họ mất động lực trong công việc và cảm thấy bất an".
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Điều vướng mắc duy nhất là phải đảm bảo mức lương, nguồn thu nhập đủ sống cho giáo viên hợp đồng.
Thầy Nhĩ phân tích: "Điều kiện tiên quyết làm thế nào để người giáo viên phải có mức lương, mức sống tương đối đầy đủ.
Trước tiên phải đủ ăn sau đó đủ để tích lũy mua nhà, mua xe và khi về hưu người ta còn sống được. Nếu như hiện nay khi hết hợp đồng anh trắng tay thì sẽ sống như thế nào.
Lấy ví dụ đối với các giáo viên vùng cao được điều về từ những vùng thuận lợi. Nếu bây giờ không có những điều kiện ràng buộc và thu hút họ thì người ta bỏ đi hết".
Nhiều giáo viên coi đây là xu thế tất yếu của ngành và chấp nhận điều này (Ảnh:V.N)
Bên cạnh vấn đề về mức lương, nhiều giáo viên băn khoăn: Nếu thực hiện chế độ hợp đồng liệu có xảy ra tình trạng chạy hợp đồng hay không?
Cô giáo N.T.T, giáo viên Sóc Sơn nói: "Việc bỏ biên chế để hạn chế việc chạy biên chế. Vậy nếu giữ chế độ hợp đồng thì có lo lắng về việc chạy hợp đồng không?
Trên thực tế vẫn có tình trạng giáo viên phải chạy hợp đồng từ huyện hoặc nhà trường. Để duy trì hợp đồng đó một số người cũng phải chạy cửa nọ, cửa kia.
Do vậy để chính sách trên được hiệu quả thì phải làm minh bạch từ trên xuống dưới.
Phải có cơ chế, tiêu chí đánh giá năng lực, kỹ năng, chuyên môn, đạo đức của giáo viên rồi mới tiến hành ký hợp đồng.
Có như thế thì chính sách trên mới hiệu quả. Còn chừng nào vẫn có tệ nạn chạy hợp đồng, chạy biên chế thì quyền sinh, quyền sát sẽ vẫn thuộc về tay của một số người".
Như vậy không phải là không có những lo ngại liên quan đến chế độ bỏ biên chế suốt đời.
Với những trăn trở của từ chính những người trong cuộc, hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan hoạch định chính sách sẽ tính toán được các phương án đảm bảo phát huy hiệu quả nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng như làm minh bạch, công bằng nền giáo dục nước nhà.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Chương trình bồi dưỡng thường xuyên các cấp học thay đổi thầy cô cần biết Giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự chọn các mô đun bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, là một trong những nội dung mới của chương trình này. Ngày 1/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT về ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục...