Từ “tâm dịch” New York: “Mỗi cuộc khủng hoảng là một bài kiểm tra”
Trong mỗi khủng hoảng, những điều tốt nhất và những điều tệ nhất trong mỗi con người đều bộc lộ ra. Bị bất ngờ bị kéo ra khỏi vỏ bọc an toàn, chúng ta không còn thời gian cho những hình ảnh hoàn hảo.
Nguyễn Siêu, chàng trai Việt tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Vassar, hiện đang làm truyền thông cho một hãng phim lớn tại Mỹ có bài chia sẻ góc nhìn của bản thân khi là người trực tiếp sống ở thành phố New York, một trung tâm của đại dịch toàn cầu:
Tác giả bài viết Nguyễn Siêu, chàng trai Việt đang sống và làm việc tại thành phố New York, Mỹ – một trong những trung tâm của đại dịch Covid-19.
Khi quyết định chuyển tới thành phố New York, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được một ngày mình sẽ sống tại trung tâm của một đại dịch toàn cầu. Thành phố đã đóng cửa được 24 ngày. Ai đi siêu thị mua đồ ăn phải xếp hàng dài trên vỉa hè. Những kệ bày bán giấy vệ sinh ở các cửa hàng tạp hoá vẫn trống trơn.
Đường phố không còn nhiều xe cộ, tới mức qua đường cũng chẳng cần nhìn đèn giao thông nữa. Có một nỗi sợ hãi vô hình bao trùm khắp mọi ngóc ngách, khi số người chết vì Covid-19 đã gấp hơn ba lần cuộc khủng bố ngày 11/9/2001.
Chỉ vài tuần trước, nhiều nhà lãnh đạo vẫn còn coi nhẹ bệnh dịch này, nhưng ngày hôm nay, không một ai có thể phủ nhận đây là một cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng thấy.
Mỗi người đối mặt với khủng hoảng theo một cách khác nhau. Từ những ngày đầu của tháng 3, khi bệnh nhân đầu tiên dương tính với Covid-19 được xác nhận tại New York, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi đã kêu gọi cách ly xã hội ( social distancing).
Nhiều người bắt đầu xin làm việc tại nhà, hạn chế đi lại và huỷ mọi cuộc gặp gỡ, thậm chí trước khi công ty chúng tôi yêu cầu tất cả nhân viên làm việc từ xa.
Ngược lại, nhiều người lại cười cợt và nghĩ rằng đây là sự lo xa thái quá. Họ vẫn vui vẻ đi bar, đi ăn uống, mặc kệ mối đe doạ ngày một gia tăng. Điều này không khó hiểu vì tâm lý người Mỹ luôn sùng bái sự tự do và bài trừ nỗi sợ hãi.
Cá nhân tôi có lo lắng không? Có chứ. Tôi vẫn phải đi mua đồ ăn, đi hiệu thuốc, mỗi ngày thức dậy đều không biết mình sẽ ra sao, tới khi nào thì đến lượt mình, nếu bị bệnh thì sẽ phải làm gì để chữa trị.
Lo lắng là vậy, nhưng tôi chọn cách không hoảng loạn. Tôi không coi khủng hoảng này là tận cùng của thế giới, là dấu chấm hết cho nhân loại.
Tôi coi mỗi khủng hoảng là một bài kiểm tra…
Mọi người cứ nghĩ mà xem, tất cả chúng ta đều đã từng trải qua rất nhiều bài kiểm tra trong cuộc sống. Ở trên ghế nhà trường, chúng ta luôn có những bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra học kỳ, kỳ thi đầu vào, kỳ thi tốt nghiệp.
Ở môi trường làm việc, để được cân nhắc tăng lương, thăng chức, chúng ta được thử thách bằng những bài thi kỹ năng. Chúng ta phải vượt qua kỳ thi lái xe để có bằng lái. Mỗi cuộc phỏng vấn việc làm, phỏng vấn du học, phỏng vấn visa, phỏng vấn thuê nhà, đều là một bài kiểm tra.
Những bài kiểm tra này chưa bao giờ trải hoa hồng và là điều chúng ta yêu thích nhất trong cuộc sống, nhưng chính vì khó mà chúng quan trọng. Nhiệm vụ của chúng là rà soát những kiến thức và kỹ năng chúng ta đã tiếp thu được trong cuộc sống cho tới thời điểm đó để đánh giá xem chúng ta đã sẵn sàng để bước tiếp hay chưa, bất kể đó là nấc thang mới trong con đường học vấn, hay bước tiến mới trong con đường sự nghiệp.
Video đang HOT
Mỗi một bài kiểm tra là cánh cửa để mở ra một lối đi mới, một cơ hội mới để chúng ta tiếp tục theo đuổi mục tiêu sống của mình. Cuộc khủng hoảng Covid-19 này vốn dĩ cũng chỉ là một bài kiểm tra mà tất cả nhân loại phải vượt qua.
Trước nhất, đây là một bài kiểm tra sức bền cá nhân và khả năng thích ứng với thay đổi. Cuộc sống đang diễn ra bình thường bỗng dưng lật nhào, tất cả xã hội đóng băng mọi hoạt động nội trong 24 tiếng. Những người có thể nhanh chóng thích nghi với những biến đổi trong cuộc sống sẽ có lợi hơn rất nhiều những ai bảo thủ, cố chấp, khăng khăng sống theo thời gian biểu của riêng mình.
Heraclitus đã từng nói, “Hằng số duy nhất trong cuộc sống là sự thay đổi”. Kỹ năng thích nghi vì thế là vô cùng cần thiết không chỉ trong đại dịch này, mà còn trong quãng đường đời phía trước.
Thứ hai, đây là bài kiểm tra cách chúng ta chăm sóc bản thân. Cuộc sống bận rộn thường ngày đã khiến con người hiện đại quên đi tầm quan trọng vô biên của những hoạt động cơ bản nhất: rửa tay, giữ vệ sinh cơ thể, ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch.
Chúng ta mải chạy theo đồng tiền, chạy theo những mục tiêu kinh tế và những mối quan hệ xã hội mà quên đi mất mối quan hệ sơ đẳng nhất: mối quan hệ với chính cơ thể của mình.
Những người biết trân trọng cơ thể và chăm sóc sức khoẻ của chính mình sẽ có ưu thế trong cuộc khủng hoàng này hơn so với những người cẩu thả, lười nhác.
Thứ ba, đây là bài kiểm tra tính kiên nhẫn. Từ bé, tôi đã được dạy, “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao”. Cuộc khủng hoảng lần này thử thách tính kiên nhẫn của mọi cá nhân vì chúng ta đang quen với việc muốn làm gì có thể bắt đầu ngay, muốn cái gì có thể đi mua ngay, muốn gặp ai có thể tới nhà họ.
Khi tất cả thế giới phải ngưng lại để ngăn chặn sự lây lan của virus, chúng ta phải học cách kiên nhẫn đợi chờ, phải học cách chấp nhận những khoảng lặng thời gian. Ai ai cũng mong ngóng được đi làm, được ra ngoài trở lại, nhưng nhẫn nhịn là lựa chọn duy nhất để nhân loại bước ra khỏi đại dịch này.
Thứ tư, đây là bài kiểm tra sự bình tĩnh, đặc biệt khi sóng gió ập đến làm xáo trộn cuộc sống vốn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Câu khẩu hiệu nổi tiếng “Keep calm and carry on” (“Bình tĩnh và tiếp tục sống”) được hàng triệu người sử dụng trên Instagram, áp phích dán trên tường nhà, đồ trang trí trên tủ bếp, được in trên áo, trên thảm, trên hình xăm, v…v… Giương khẩu hiệu là thế, đã đến lúc chúng ta thực hành.
Hoảng loạn không mang lại hiệu quả gì, mà bình tĩnh đợi chờ, bình tĩnh cách ly, bình tĩnh vượt qua khủng hoảng mới là câu trả lời. Vốn là một người nhạy cảm và dễ bị tác động bởi chính cảm xúc của mình, bảy năm tự lập tại Mỹ đã dạy cho tôi một bài học lớn: hiện thực luôn dễ bị bóp méo bởi cảm xúc, nhưng khi ta bình tĩnh, mọi thứ sẽ trở nên sáng rõ hơn rất nhiều.
Thứ năm, đây là bài kiểm tra sự thấu cảm của mỗi người đối với xã hội, xem chúng ta có thật sự quan tâm tới những người xung quanh hay không. Cách ly xã hội không hề dễ. Để hạn chế sự lây lan của virus, chúng ta phải nhốt mình trong nhà, hy sinh thời gian hàn huyên với bạn bè, với người yêu, với những mối quan hệ xã hội thường mang cho chúng ta sự vui vẻ, nụ cười.
Nhưng cách ly xã hội cốt là để bảo vệ sự sống của những người già, những người có bệnh lý nền, nhóm người dễ bị tổn thương nếu bị virus tấn công. Tạm thời hy sinh sự vui chơi cá nhân trong thời gian này là để chúng ta bảo vệ chính ông bà, bố mẹ của mình, bạn bè mình, gia đình của họ và của những người khác trong cộng đồng mà chúng ta chung sống.
Chúng ta có thể chồn chân, có thể chán nản, nhưng chính những người biết hy sinh, biết nhẫn nhịn cho lợi ích chung là chìa khoá để đại dịch trôi qua nhanh hơn.
Thứ sáu, đây là bài kiểm tra kỹ năng sàng lọc tin tức. Trong thời đại khủng hoảng, có rất nhiều tin giả mạo được lan truyền trên mạng xã hội, qua tin nhắn, từ miệng người này qua người khác.
Nào là bài thuốc A có thể ngăn ngừa sự lây lan của virus, cách chữa bệnh B là tốt nhất để vượt qua dịch bệnh, tất cả đều không được công nhận bởi bất cứ nhà khoa học nào.
Một người đàn ông tại bang Arizona, Mỹ, đã chết vì uống chloroquine trong thuốc dọn bể cá vì nghe nói chất này có thể phòng chữa Covid-19.
Kỹ năng đọc hiểu, lý luận vì thể trở nên cực kỳ quan trọng trong thời đại thông tin thật giả lẫn lộn. Chúng ta phải kiểm tra nguồn mọi thông tin, học cách nhận biết tin giả, đối chiếu giữa nhiều nguồn tin khác nhau để xác minh tính chính xác của chúng. Những người vượt qua bài kiểm tra này sẽ chiến đấu với đại dịch một cách thông minh hơn.
Thứ bảy, đây là bài kiểm tra hiệu suất làm việc của mỗi lao động trong xã hội. Làm việc từ nhà là không hề đơn giản. Tôi đã ở nhà được một tháng, và có thể nói làm việc trong chính phòng ngủ của mình là một thử thách lớn đối với khả năng tập trung.
Tuy nhiên, mọi thử thách đều ẩn chứa trong nó cơ hội: cơ hội vươn lên để chứng minh rằng mình tháo vát, mình thích ứng dễ dàng, tinh thần của mình không bị lung lay bởi tình thế khó khăn mà vẫn kiên định cho ra những sản phẩm tốt. Tôi vẫn tin những người giỏi nhất sẽ chứng tỏ được bản thân mình trong những hoàn cảnh tối tăm nhất.
Trong nghệ thuật, rất nhiều tác phẩm hội hoạ, văn học, điện ảnh kinh điển đều được sinh ra từ những quãng thời gian khó khăn, u tối. Việt Nam ta có câu thành ngữ, “Cái khó ló cái khôn,” thực sự rất hữu ích trong bối cảnh hiện tại.
Khi chúng ta bị kéo khỏi những vỏ bọc an toàn
Tới hôm nay, tôi đã ở nhà cách ly được hơn một tháng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn vò đầu bứt tóc vì thèm được ra ngoài, được gặp bè bạn, được du lịch những nơi mình muốn.
Tôi chưa bao giờ tin rằng mình là một người hướng ngoại, nhưng cuộc khủng hoảng này đã khiến tôi chấp nhận sự thật này. Một cách nào đó, nó là cũng là một bài kiểm tra tính cách cá nhân.
Tôi có thêm thời gian để ngẫm lại về bản thân mình, về tính cách của mình, về những nhu cầu trong cuộc sống, mình muốn gì, mình cần gì, điều gì làm mình vui, và cũng thông qua đó, hàn gắn mối quan hệ với chính bản ngã của mình.
Cách ly ở nhà, tôi nhận ra mình thật biết ơn những mối quan hệ mình có với người khác. Tôi học cách trân trọng những cái nắm tay, những nụ hôn, những khoảnh khắc dù là nhỏ nhất khi gặp gỡ bạn bè, những cái ôm với bố mẹ, những lần được nấu ăn cùng bà, những buổi xây lều trại bằng chăn cùng em gái, những bữa trưa ăn cùng đồng nghiệp tại công ty.
Tôi nói cuộc khủng hoảng này là một bài kiểm tra, nhưng nó cũng là một bài học, dạy tất cả chúng ta không bao giờ được coi nhẹ những điều tưởng chừng như rất nhỏ bé, đơn giản ấy của cuộc sống thường nhật.
Trong mỗi khủng hoảng, những điều tốt nhất và những điều tệ nhất trong mỗi con người đều bộc lộ ra. Khi chúng ta bất ngờ bị kéo ra khỏi vỏ bọc an toàn, chúng ta không còn có thời gian cho những nụ cười giả tạo, những cảm xúc nông cạn, những hình ảnh hoàn hảo mà chúng ta cố gắng nhào nặn lên. Chúng ta cho tất cả mọi người thấy con người thật của mình, nguyên bản, trực giác, chân chất.
Đây là quãng thời gian để chúng ta tự nhìn lại bản thân, học cách thấu hiểu và thương yêu bản thân, tìm trong chính nội tâm của mình nguồn sức mạnh vô biên để vượt qua khủng hoảng.
Hãy nghĩ một cách tích cực, rằng khi đại dịch Covid-19 qua đi, và chắc chắn nó sẽ qua đi, chúng ta sẽ có thêm rất, rất nhiều kỹ năng quý báu.
Chúng ta sẽ biết chăm sóc bản thân mình một cách tốt hơn. Chúng ta sẽ trở nên kiên nhẫn hơn, bình tĩnh hơn, biết quan tâm tới người khác hơn. Chúng ta sẽ tháo vát hơn, sáng suốt hơn, biết cách thích ứng dễ dàng hơn với những biến thiên của số phận.
Tất cả những kỹ năng này là hành trang để chúng ta đối mặt với những chướng ngại vật, những phép thử tiếp theo trong cuộc đời dài trước mắt.
Cuộc sống vốn dĩ cũng chỉ là một lớp học, và mỗi ngày trôi qua chúng ta cùng nhau học cách làm người.
Nguyễn Siêu
Cứ hai phút một người Mỹ chết vì Covid-19
Mỹ ghi nhận kỷ lục 700 người chết một ngày vì nhiễm nCoV hôm 31/3, nâng tổng số người chết ở quốc gia này lên 3.700, vượt Trung Quốc.
Một nhóm nhân viên y tế đưa thi thể một nạn nhân Covid-19 lên xe đông lạnh tại bệnh viện Brooklyn, New York, hom 31/3. Ảnh: AP.
Chính phủ Mỹ hiện gấp rút xây dựng hàng trăm bệnh viện dã chiến để giảm bớt căng thẳng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, khi nước này lần đầu tiên công bố có 700 ca tử vong chỉ trong ngày 31/3. Như vậy có nghĩa cứ hai phút lại có một người chết vì căn bệnh truyền nhiễm.
Gần một nửa các ca tử vong được ghi nhận tại tâm dịch New York. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã phải cầu xin sự tiếp viện từ chính quyền Trump, bởi theo ông điều tồi tệ nhất có thể đến trong vài tuần nữa.
"Đây chính là lúc mà chúng ta cần chuẩn bị cho tuần tới khi dự đoán số ca nhiễm và tử vong sẽ tăng lên rất nhiều. Điều tôi đề nghị rất rõ ràng, đó là cần triển khai thêm lực lượng quân y tới đây", ông de Blasio nói tại trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King ở Queens, nơi đang được sử dụng làm bệnh viện dã chiến.
Ông De Blasio, một thành viên đảng Dân chủ, cho biết đã yêu cầu Nhà Trắng tiếp viện 1.000 y tá, 300 chuyên gia trị liệu hô hấp và 150 bác sĩ đến ngày 5/4 nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền Trump.
Với số liệu mới công bố, Mỹ hiện có 3.700 người chết vì Covid-19, cao hơn số người thiệt mạng vì những vụ tấn công vào ngày 11/9/2001. Số ca nhiễm cũng tăng thêm 21.000 so với ngày 30/3, lên 184.000 ca.
Các chuyên gia y tế Nhà Trắng ước tính 100.000 đến 200.000 người có thể chết vì căn bệnh về đường hô hấp tại Mỹ trong năm nay, dù các thành phố lớn đã ra lệnh người dân phải ở trong nhà trừ trường hợp đi mua nhu yếu phẩm.
Công binh Lục quân Hoa Kỳ (USACE) đang tìm kiếm các khách sạn, khu ký túc xá, trung tâm hội nghị và những không gian mở rộng rãi để xây dựng thêm 341 bệnh viện tạm thời. USACE cũng đã cùng với các quan chức bang New York chuyển đổi trung tâm hội nghị Jacob Javits ở thành phố New York thành bệnh viện có sức chứa 1.000 giường trong một tuần.
Tại Los Angeles, bang California, trung tâm hội nghị lớn của thành phố cũng đã được lực lượng Vệ binh quốc gia chuyển thành trạm y tế liên bang, thị trưởng Gil Garcetti nói trên Twitter. Tại California, bang đông dân nhất, số ca nhiễm đã tăng lên nhanh chóng trong vài ngày qua. Hôm 31/3, bang này ghi nhận 7.400 ca nhiễm và hơn 150 người chết.
Covid-19 cũng tấn công các bác sĩ, y tá và những nhân viên y tế khác, những người đang quá tải và thiếu thiết bị cũng như đồ bảo hộ y tế.
Số ca tử vong ở Mỹ hiện đứng sau Italy và Tây Ban Nha, nơi ghi nhận lần lượt hơn 12.500 và 8.464 ca tử vong. Trong khi đó, Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát, ghi nhận 3.305 người chết vì dịch bệnh. Trên toàn thế giới, có hơn 800.000 người nhiễm và hơn 40.000 ca tử vong.
Hướng Dương
Số người chết ở Mỹ vượt Trung Quốc, ông Trump cảnh báo 'hai tuần đau thương' Tổng thống Donald Trump hôm 31/3 cảnh báo về hai tuần "rất đau đớn" đối với nước Mỹ khi mà số người thiệt mạng do Covid-19 ở nước này đã vượt Trung Quốc. Mỹ hiện ghi nhận 186.046 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 3.807 người thiệt mạng. Số ca thiệt mạng vì nCoV ở Mỹ đã chính thức vượt...