Tự sự đau đớn của người có vợ trúng 5 vé độc đắc
Tại khu chợ sầm uất nằm trên đường Hồ Học Lãm (P. An Lạc, Q. Bình Tân, TP.HCM) giữa những ồn ào náo nhiệt, ông Lê Văn Thiệt (52 tuổi, quê An Giang), lặng lẽ kiên nhẫn mời khách để kiếm từng cuốc xe ôm. Nhìn khuôn mặt nhăn nheo, bộ quần áo lem luốc, thân hình khắc khổ của người đàn ông này, chẳng ai có thể biết được đó từng là một tỷ phú có trong tay cả chục tỉ đồng.
Nghe tin vợ rơi vào cảnh “khố rách áo ôm” cũng buồn
Tâm sự cùng người viết, ông Thiệt bảo: “Tui giờ cũng đã già rồi, không con cái nên cũng chẳng ước ao gì nữa cả. Nhiều lúc giữa thành phố xa lạ, mình cũng nhớ ngôi nhà xưa lắm nhưng giờ có về quê thì cũng chẳng muốn ghé qua. Hôm nghe tin từ người bà con cho biết, từ ngày tui đi, bà Tư ăn chơi còn dữ dội hơn nữa, chẳng mấy chốc mà tài sản trong nhà đã bị bà ấy đưa đi cầm cố hết. Giờ bà ấy già rồi và còn thê thảm hơn tôi nữa, ngày nào cũng đi bán vé số dạo. Mọi chuyện dẫu có tiếc nuối thì cũng đã muộn màng rồi”.
Sắp phá sản thì trúng số
Mở đầu cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, ông đã tặc lưỡi chua xót: “Trời cho” là “trò chơi” mà. Cái gì không phải của mình thì chẳng thể giữ được đâu cô ạ!”. Rồi ông Thiệt kể, vốn sinh ra trong gia đình cũng có chút của ăn của để nên năm 25 tuổi đã lập gia đình. Của hồi môn được kha khá nên đôi vợ chồng trẻ dọn ra ở riêng và xây xăn nhà ba tầng tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nhà mặt tiền nên chàng trai trẻ bàn với vợ tận dụng lợi thế đó để kinh doanh. Trong thâm tâm ông Thiệt cũng muốn chứng tỏ với gia đình hai bên cái tài làm ăn của mình.
Để làm ăn lớn, ông Thiệt mang cuốn sổ đỏ đến ngân hàng huyện cầm cố để vay vốn làm ăn. Có tiền trong tay, ông đặt mua bốn cái bàn bida chở về nhà, lại sắm thêm mấy bộ bàn ghế nhựa và xe nước mía, lòng đầy hớn hở vì nghĩ mình sắp thành ông chủ.
Theo ông mẩm tính, lúc bấy giờ thanh niên trong huyện đang nghiện trò bida nên chắc chẳng bao lâu mình sẽ nhanh chóng lấy lại vốn rồi kiếm được bộn tiền lời lãi. Nghe hết những kế hoạch của chồng, người vợ Nguyễn Thị Bé Tư (SN 1962) gật đầu cái rụp đồng ý ngay. Từ ngày bắt tay vào kinh doanh, hai vợ chồng ông cũng không gặp khó khăn gì lớn, mọi việc khá suôn sẻ và nhẹ nhàng. Hằng ngày, ông Thiệt chỉ việc ngồi trông xe cho khách, thỉnh thoảng chạy lăng xăng giúp vợ bưng vài ly nước hay lấy đôi ba gói thuốc khi khách yêu cầu. Về khoản chi thu tiền nong, ông giao cho vợ quản lý vì suy nghĩ “đàn bà mà không giữ tiền được thì làm sao giữ được chồng”.
Không ngờ chính vì lòng tin đó mà trong phút chốc ông mất tất cả vợ lẫn gia sản. Một đêm nọ, đang say giấc nồng thì ông bị vợ đánh thức dậy và thông báo sắp phá sản và muốn “đường ai nấy đi”.
Nghe vợ nói ông Thiệt tỉnh hẳn ngủ như có ai đó vừa dội cho một xô nước lạnh vào mặt. bà Tư cầm cuốn vở dày cộm, bên trong ghi chi chít những cái tên của thanh nhiên trong huyện. Lúc này, ông Thiệt mới té ngửa khi biết bấy lâu nay, vợ mình cho các thanh niên này đánh chịu, tiền thu vào chẳng có đồng nào. Bà Tư lại có tính phóng khoáng, thích được nịnh nọt nên chỉ cần được tâng bốc, khen ngợi, bà lại nổi hứng cho ghi chịu, biết thế nên đám trai làng ngày nào cũng lui tới thường xuyên.
Ông Lê Văn Thiệt hàng ngày vẫn chạy xe ôm đế kiếm tiền trang trải cuộc sống
Tuy vậy, ông Thiệt vẫn cố găng níu giữ hôn nhân bằng cách bán căn nhà mặt phố để trả tiền ngân hàng. Phần tiền bán nhà còn dư, vợ chồng mưa một căn nhà nhỏ trong hẻm để lấy chỗ chui ra chui vào rồi tìm kế làm ăn. Vì không còn mặt bằng rộng rãi như trước nên bốn cái bàn bida cũng được ông Thiệt bán đi, để lại chiếc xe nước mía cho vợ làm ăn. Mỗi sáng, bà Tư lại nặng nhọc đẩy ra đầu hẻm kiếm từng đồng bạc lẻ. Còn ông Thiệt, từ ông chủ nay bỗng đổi nghề xe ôm, hàng xóm ai thuê gì thì ông chở kiếm đồng ra đồng vào đắp đổi qua ngày.
Video đang HOT
“Đang ở nhà cao cửa rộng, tự dưng chui vào cái nhà chật ních nên mâu thuẫn giữa hai vợ chồng mỗi ngày càng căng thẳng hơn. Bà xã tui không chịu nổi cực khổ như vậy nên suốt ngày cứ cằn nhằn, đòi chia tay để không phải khổ nữa” – ông Thiệt cay đắng nhớ lại.
Được tiền thì mất vợ
Kể đến đây, ông Thiệt bỗng òa khóc nức nở như đứa trẻ. Đưa chiếc khẩu trang cũ mèm lau những giọt lệ trong đôi mắt đỏ ngầu, ông bảo: “Năm 2009, đang lúc bế tắc nhất thì bà xã tui trúng liền 5 tờ vé số. Cứ tưởng trời cao soi xét, thấy mình khổ nên cho đổi đời, nào ngờ giờ đây tiền cũng không còn đồng nào mà vợ chồng phải “tan đàn xẻ nghé” thế này”.
Ông Thiệt kể, chiều hôm ấy đang ngồi “ngáp ruồi” vì trời sắp tối rồi mà chẳng có cuốc xe ôm nào “mở hàng” thì nhận được điện thoại vợ. Ông mệt mỏi bấm máy nghe, trong đầu nghĩ thế nào bà Tư cũng sẽ tuôn một tràng xối xả bài ca: “Có tiền không thì đem về mua gạo thổi cơm” nhưng không ngờ giọng vợ mình hôm ấy ngọt đến lạ lùng. Nghe vợ bảo về nhà gấp vì vừa trúng 5 tờ vé số độc đắc, ông Thiệt bỗng run lên lập cập, hớt hải chạy xe về nhà.
Lúc này, trong căn nhà nhỏ chật hẹp vốn neo người đã tấp nập họ hàng, bà con kéo tới. Bà Tư bảo với ông, đang ngồi bán nước mía thì có thằng cu Tèo được mẹ đẩy xe lăn đến năn nỉ mua mấy tờ vé số. Thấy thương hoàn cảnh cháu bé nên sau một hồi lựa chọn con số ưng ý, bà rút ra 5 tấm vé rồi bỏ vào hộc tiền lẻ. Lúc chiều, đang đẩy xe về chuẩn bị nấu cơm thì mẹ con Tèo chặn lại, mừng rỡ thông báo bà Tư đã trúng giải đặc biệt của Công Ty xổ số kiến thiết Cần Thơ.
Ông Thiệt chấp nhận sống tha hương để quên đi nỗi buồn tan nát gia đình vì vé số
“Khỏi phải nói cảm giác lúc đó, đúng là sướng không thể tả. Xởi lởi trời cho, ki bo trời phạt, ngay đêm đó vợ chồng tôi chở nhau đi mua gạo, mì tôm phân phát cho những người đến chung vui, đồ ăn thức uống cũng dọn ra linh đình. Nhà chật nên hôm sau tui còn cất rạp như đám cưới ấy, mở tiệc, hát hò rộn ràng cũng 2 ngày 2 đêm” – ông Thiệt phấn khởi hồi tưởng. Vì vé số là do vợ mua nên số tiền lãnh giải bà được tự quyền quyết định.
Ông Thiệt cho biết, từ khi trúng số bà Tư liền sắm sửa quần áo là áo lụa, mua xe ua cộ. Cái xe nước mía cũng bị bà cho vào xó bếp, không làm gì ngoài chuyện tô son điểm phấn. Vì vợ chồng không có con nên mỗi chiều bà Tư lại cưỡi xe chạy nhong nhong đi chơi đây đó. Hàng xóm ngày xưa thường gọi bà là “Tư nước mía” nhưng mỗi lần thấy ông Thiệt đi ngang, họ lại xì xầm nhưng cố tình để ông nghe được kiểu “Bà Tư nay đổi tên thành Tư Xả Láng mất rồi ông Thiệt ơi”.
Lại nói về ông Thiệt, mang tiếng là vợ chồng vừa trúng số nhưng ông cũng chẳng thay đổi gì. Thân hình thì ngày càng héo hon hơn vì ngày còn nghèo, hai vợ chồng còn rau cháo cùng nhau mỗi bữa cơm nhưng nay đến giờ cơm cũng chẳng thấy bà Tưng ngó ngàng đến. Buồn bã nên ngày nào ông cũng làm bạn với vài xị rượu ngoài bờ sông, đến tối thì lủi thủi về nhà ngủ một mình. Giọng trầm buồn, ông bảo: “Nhìn cảnh gia đình như vậy tủi thân lắm cô ạ, sống cùng nhà mà cứ như người dưng xa lạ, ngày nào bả cũng đi biền biệt, có hôm thì rủ bạn bè đi du lịch cả tuần mà chẳng nói tui tiếng nào”.
Biết tình cảm vợ chồng đã không còn được mặn nồng như xưa nên ông Thiệt nói chuyện “đường ai nấy đi” với vợ. Bà Tư cũng chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, liền gật đầu đồng ý. Ông bà cũng chẳng cần dắt nhau ra tòa mà cứ lẳng lặng tìm con đường riêng cho mình. Buồn bã, chán nản nên ông Thiệt bỏ lại nhà cửa cho bà Tư, rồi với một ba lô quần áo và chiếc xe máy cũ mèm, ông quyết định rời xa mảnh đất có quá nhiều kỷ niệm đau buồn. Vì tình nghĩa vợ chồng bấy lâu nay, bà Tư cũng gửi cho chồng 50 triệu để làm “lộ phí”. “Mọi thứ với tui lúc ấy đều như sụp đỏ. Tui chạy xe máy lên Sài Gòn mà nước mắt cứ giàn dụa. Giá như bà ấy ngẫm ra được mọi chuyện cùng tui làm ăn như ngày xưa thì hay biết chừng nào”.
Giữa Sài thành rộng lớn, không một người thân thích để giúp đỡ nhưng một mình ông Thiệt vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau. Dừng chân tại một con hẻm nhỏ trong đường Hồ Học Lãm, ông thuê một căn gác nhỏ che nắng mưa qua ngày. Hằng ngày, cứ 4h sáng, người đàn ông khắc khổ ấy lại dậy sớm, một mình lục đục thổi cơm rồi leo lên chiếc xe máy cũ chạy ra chợ kiếm từng cuốc xe. Ấy vậy mà cũng đã gần 4 năm trôi qua, cuộc sống của ông tuy phải bươn trải mưu sinh vất vả nhưng tâm hồn thì đã thanh thản hơn xưa rất nhiều.
Theo Phi Yến
Trúng liền 4 giải độc đắc nhờ mua chịu vé số ế
Tới khu vực chợ Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hỏi người dân về Bôn "ba gác" thì ai cũng biết cả. Bởi 20 năm qua, hình ảnh người đàn ông có khuôn mặt đen nhẻm trên chiếc xe ba gác đã quá quen thuộc trên các con đường ngõ ngách ở khu vực này. Hơn 2 năm nay, Bôn "ba gác" lại càng nổi tiếng hơn khi trúng 10 tờ vé số độc đắc và giải an ủi rồi tặng luôn cho người bán vé số 1 tờ vé trúng giải đặc biệt, trị giá 1,5 tỉ đồng.
Thưởng cho người bán vé số 1,5 tỉ đồng vì trung thực
Theo lời anh Bôn, ngay khi biết mình trúng số, để trả ơn cho "thần may mắn" của mình, anh rút ngay một tờ vé trúng độc đắc, kèm 200.000 đồng đưa cho chị Lành và nói: "Tôi trả nợ tiền vé cho cô, tặng thêm cô tờ vé. Anh em mình có phước thì chia nhau cùng hưởng". Hành động đẹp của anh Bôn, khiến hàng chục người có mặt tại đây ai cũng võ tay tán dương và nể phục. Sau đó cũng có những ý kiến cho rằng, anh tặng cho người bán vé số quá nhiều, chỉ cần một chiếc vé an ủi cũng là đủ. Nhưng cho đến nay, anh Bôn vẫn không hối hận với quyết định của mình và cho rằng, nếu chị Lành không thành thật mà giấu biến mấy tờ vé số đi thì chắc gì anh đã được đổi đời. Anh tặng số tiền đó để muốn tôn vinh sự trung thực.
Mua chịu vé số ế trúng luôn 10 tờ!
Ngỏ ý muốn gặp anh Bôn trò chuyện, một anh xế ba gác nhiệt tình dẫn chúng tôi tới khu vực chân cầu An Thạnh (huyện Bến Lức), nơi "tỷ phú xổ số" đang sinh sống. Chỉ tay về phía ngôi nhà sơn màu xanh nhìn rất nổi bật so với xung quanh, anh này bảo đó là nhà của anh Đỗ Ngọc Tuấn - tên thật của Bôn "ba gác" (46 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức).
Nói chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới được sửa sang, anh Bôn vẫn còn chưa quên được cảm giác phấn khích khi bỗng nhiên thành tỷ phú. Đó là vào một buổi chiều muộn ngày 15/11/2011, khi đang ngồi ủ rũ vì cả ngày dài nắng không kiếm được chuyến xe chở hàng nào, thấy điện thoại reo lên ngỡ là có khách gọi khiến anh mừng húm. Nhưng nụ cười trên môi chưa tròn thì anh lại trở lại mặt đất vì số hiện lên là "Lành vé số", người đàn bà bán vé số dạo quen thuộc hay mời anh mua. Đang chán nản, anh chẳng buồn bắt máy dù biết kiểu gì thì cô Lành cũng gọi lại ca điệp khúc nài nỉ mua vé số "chống ế". Chuông điện thoại liên tục réo, cuối cùng anh miễn cưỡng nghe máy và không biết trời xui quỷ khiến thế nào, nghe chị Lành kêu than, anh nhận mua luôn 20 tờ vé số còn lại.
Chị Lành cùng mẹ và các cháu trước căn nhà mới xây ở Hồng Ngự - Đồng Tháp. Ảnh: Thốt Nốt
Gần 10 phút sau, đang hì hục vác mấy thanh sắt để giao cho khách hàng, chuông điện thoại của anh một lần nữa lại reo lên. Lại là tên của chị Lành, anh Bôn bực mình bấm nghe, trong bụng thầm nghĩ mới nói cho thiếu xong mà lại đòi tiền ngay vậy. Đúng như lời anh nói, bên kia giọng người phụ nữ run run nói "anh cầm 200.000 ngàn đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua thiếu trúng độc đắc rồi nè". "Thôi đừng có xạo. Muốn lấy tiền vé cứ nói đại đi. Để giao hàng xong tui lấy tiền người ta rồi đem lại trả", tắt máy anh tiếp tục vác cho hết đống sắt chất đầy trên xe.
Nhận tiền công của khách hàng và may mắn được ông khách sộp bo thêm cho 300 ngàn đồng, anh mừng quá vì có tiền trả nợ vé số mới mua nên chạy xe một mạch tới quán Cây Mai để trả tiền cho chị Lành. Mới tới cửa quán, chưa kịp xuống xe đã có cả chục người chạy lại cười nói chúc mừng anh thành tỷ phú. Nghĩ họ hùa nhau đùa mình anh còn nói giỡn lại: "Cứ đùa hoài! Nếu trúng tui bao cả xóm đi du lịch Châu Đốc (An Giang)". Chưa nói dứt lời thì chị Lành tiến lại gần, nhìn anh vui vẻ rồi mở cái túi nhỏ lấy ra xấp vé số: "Tui trả anh không thiếu tờ nào nha, lốc này có 10 tờ số đuôi 07 đều trúng hết. Có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi".
Vẫn bán tính bán nghi, anh cầm sấp vé với dãy số 191207 của đài Bến Tre (Công ty xổ số kiến thiết Bến Tre), nhìn vào tờ giấy kết quả còn chưa ráo mực photo và khi hai con số đó trùng nhau thì anh như không thể tin vào mắt mình. Để kiểm chứng thêm, anh Bôn run run bấm điện thoại nhắn tin tra kết quả qua tổng đài. Tin nhắn kết quả trả lại vẫn trùng khớp với dãy số ấy khiến anh bật khóc vì quá sung sướng.
Tiếp xúc với phóng viên, chị Phạm Thị Lành cho hay: "Hôm ấy cầm trong tay hơn 10 tấm vé số có đuôi 07 mà mình hứa bán cho anh Bôn, có nhiều người bảo tôi cách để chia vé số trúng giải đó nhưng tôi nhất quyết không chịu. Cùng là những người lao động nghèo khó, mỗi lần bán ế, tôi gọi điện hỏi và anh ấy đều mua ủng hộ. Không lẽ giờ anh ấy trúng số, mình lại giấu? Tiền thì ai mà không ham, nhất là người đang nghèo khổ nợ nần chồng chất như tôi. Nhưng lương tâm không cho phép làm như vậy. hơn nữa, mình phải giữ chữ tín chứ không sau này ai có thể tin nổi mình nữa".
Thành tỷ phú vẫn mưu sinh bằng xế ba gác
Khác với những người bỗng nhiên thành tỷ phú từ vé số thường tiêu xài hoang phí hay đổ hết tiền vào cờ bạc, ăn chơi trác táng mà PV từng gặp, sau hơn 2 năm trúng số, trong tay có tới hơn 6 tỷ đồng nhưng anh Đỗ Ngọc Tuấn vẫn là "Bôn ba gác" bình dị không khác gì so với lúc chưa thành đại gia. Vẫn tấm áo sờn vai đã ngả màu mưa nắng, chiếc mũ tai bèo nhàu nhĩ cùng với chiếc xe ba gác từ thủa hàn vi, hàng ngày chăm chỉ chở hàng khi có ai gọi tới.
Khốn khó không ngại khổ, giàu sang không ngại cực, anh Bôn cho biết sau khi trúng số vẫn ngày ngày chạy xe ba gác chở hàng thuê ngoài đầu chợ. "Quen rồi, nghỉ sao được, nhớ mọi người sớm tối cùng nhau, những bạn hàng thân thiết chịu không có nổi. Nhiều khi anh em, bạn bè cứ trọc ghẹo: "Sao không nghỉ ở nhà đi, tỉ phú mà còn đi giành bạc lẻ làm gì!". Thế nhưng, tôi nghĩ nghề của mình sao mà bỏ được. Mà ở nhà không làm gì cũng buồn bực chân tay", anh Bôn bộc bạch.
Anh "Bôn ba gác" may mắn trúng 4 tờ vé số giải đặc biệt trị giá gần 6 tỉ đồng. Ảnh: Phạm Dũng
Trải lòng về quãng thời gian cơ cực trước khi trúng số, anh Bôn chân thật nói: "Từ nhỏ gia đình đã nghèo khó, khi lấy vợ lại càng trăm bề lo tính, cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng vì những món nợ nần. Số tiền ít ỏi tôi chạy xe thuê và đồng lương công nhân bèo bọt của vợ chỉ vừa đủ giúp vợ chồng không đến nỗi đói khát và chăm lo cho cậu con trai của mình".
Anh kể, vốn đã nghèo lại gặp phải cái eo, tai họa ập đến trong một lần mình chở sắt cho một cửa hàng vật liệu xây dựng. Do sơ ý, miếng tôn sắc như dao đã cắt gần như đứt lìa cánh tay trái khiến anh phải nằm viện mấy tháng trời. Nếu không nhờ sự cưu mang, giúp đỡ tận tình của người chị ruột thì có lẽ cánh tay anh đã phải cắt bỏ. "Tiền viện phí, thuốc men gần 50 triệu đồng đều một tay chị tôi lo. Khi tay lành, hai vợ chồng phải lo cơm từng bữa, nhiều khi còn phải nhịn đói phần cơm cho con".
Tưởng như sau tai nạn kinh hoàng ấy, anh không thể gượng dậy nổi, thế nhưng người xưa có câu "ở hiền thì gặp lành", khi ông trời thương cho anh phước lộc đổi đời. Có tiền, anh không thể quên thuở hàn vì những người đã hết lòng cưu mang mình lúc cùng cực nhất, nên trích một số tiền giúp cho người thân trang trải cuộc sống, sửa sang mái nhà. Riêng hàng xóm cũng được thơm lây, nhất là những người già neo đơn đều được anh tận tình giúp đỡ bằng vật chất. Vì theo anh, lộc trời thì không nên hưởng một mình mà cần cho mọi người ít nhiều cùng chung. Số tiền còn lại, anh cũng không dám tiêu pha hoang phí, đem gửi ngân hàng, mỗi tháng chỉ rút phần lãi lo cho gia đình.
Không giấu nổi tâm trạng của mình, người vợ gắn bó với anh từ thủa hàn vi thổ lộ: "Cùng nhau trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả, nhiều khi tưởng không thể gượng dậy nổi nhưng hai vợ chồng thường động viên nhau cùng cố gắng. Ngày anh chạy về nói trúng số, mình còn không dám tin, nhưng khi thấy ảnh mang tiền về, hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc. Khóc vì những cơ cực những ngày qua, vì mình sắp được mở mặt với mọi người, vì tương lai của cả gia đình". Nhưng với chị vui nhất không phải là cầm trong tay số tiền quá lớn, mà vui nhất là chồng mình không như người khác mang "của thiên trả địa".
Khi nghe câu chuyện của anh Bôn, có một chi tiết cũng khiến người không khỏi nhạc nhiên vì anh mua vé số chỉ qua một giao kèo miệng từ chị Phạm Thị Lành (32 tuổi, quê ở xã Long Khánh A, H. Hồng Ngự, T.Đồng Tháp). Thế nhưng, khi đứng trước một khối tài sản quá lớn, người đàn bà bán vé số vẫn không nổi lòng tham mà trả toàn bộ số vé trúng thưởng cho anh. Câu chuyện tưởng như cổ tích ấy lại được anh cùng chị "Lành vé số" thật thà viết nên bằng cả niềm tin của những người nghèo khó với nhau.
Theo Minh Tuấn
Trúng số, "đốt tiền" trả thù quá khứ nghèo khổ Từ một anh thợ sửa chữa đồng hồ kiếm ăn theo ngày, phút chốc Hiền giàu lên nhanh chóng nhờ trúng số. Sẵn tiền trong tay, anh thợ sửa đồng hồ có một tuổi thơ nghèo khổ bỗng thay đổi tính nết đến mức những người thân không còn nhận ra. Vì quá ham vui, chạy theo những ảo giác "đại gia", chẳng...