Tủ quần áo mùa đông ‘ai thiếu đến lấy’ ven đường Hà Nội
“Đối với nhiều người đó chỉ là một manh áo cũ bỏ đi, nhưng với người nghèo đó là món quà của trái tim, tình người giúp họ vượt qua khó khăn”, người phụ trách tủ quần áo chia sẻ.
Hai ngày nay, trên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) xuất hiện một quầy hàng miễn phí dành cho người nghèo. Mặt hàng là những bộ quần áo cũ, được treo hoặc xếp ngăn nắp trong chiếc tủ tôn xanh.
Trên nóc tủ dựng tấm biển nhỏ với nội dung: “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy”, cùng số điện thoại của những người phụ trách. Quầy hàng khiến ai đi qua cũng ngoái lại nhìn bởi sự mới lạ, ít có tại Hà Nội.
Thi thoảng, những người bán hàng rong đi ngang qua, dừng xe hàng bên vỉa hè, họ tranh thủ vào lựa cho mình và người thân các món đồ trong tủ. Chọn xong, họ lặng lẽ xếp gọn đồ lại rồi nhanh chóng rời đi.
Nhiều người đi đường thấy tủ quần áo cũng đem đồ cũ của gia đình đến đặt cạnh hoặc tự treo, xếp gọn vào trong tủ. Cứ như thế, tủ quần áo cứ vơi rồi lại đầy.
Tủ quần áo trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là quầy quần áo cho người nghèo đầu tiên tại Hà Nội. Trước đó gần một tuần, quầy quần áo đầu tiên được đặt ở đường Quán Sứ dưới dạng một giá treo hai tầng nhỏ gọn. Đây là hoạt động do nhóm “Áo quần từ thiện” lên ý tưởng và thực hiện.
Cô Nguyễn Thị Na Na lựa chọn áo quần từ quầy hàng miễn phí cho người nghèo trên đường Quán Sứ. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, chị Hoàng Thị Xuân (26 tuổi, người phụ trách tủ quần áo) cho biết ý tưởng tủ quần áo cho người nghèo xuất phát từ thực tế nhiều người có quần áo cũ còn tốt, chỉ hơi lỗi mốt lại vứt đi. Trong khi, nhiều người vô gia cư, người lao động nghèo không có áo quần mặc lúc trời lạnh.
Video đang HOT
Tình cờ thấy hoạt động này được triển khai tại TP.HCM nên nhóm chị Xuân học theo và triển khai tại Hà Nội vào thời điểm thời tiết miền Bắc trở lạnh.
Nhóm chị Xuân hy vọng tủ quần áo này sẽ mang đến những bộ đồ lành lặn mà nhiều người không dùng nữa cho những người không có điều kiện. Ngoài ra, nhóm mong muốn hoạt động này giúp lan tỏa hành động đẹp, từ đó, mọi người sẽ cố gắng giúp đỡ người khác hơn.
Chị Xuân cho hay những người đến nhận quần áo thường là người vô gia cư, người bán hàng rong hay những người đi đường có hoàn cảnh khó khăn. Khi được nhận áo quần miễn phí từ tủ quần áo cho người nghèo, họ rất vui và bày tỏ lòng cảm kích đến người phụ trách, người cho.
“Giá như gian hàng này đặt ở bệnh viện thì tốt biết mấy. Trong bệnh viện nhiều người cần quần áo lắm, đặc biệt là đồ mùa đông. Những bệnh nhân và người nhà thiếu áo quần nhưng không có tiền mua vì quá trình trị bệnh lâu dài khiến họ cạn kiệt tài chính”, cô Na bộc bạch.
Chị Xuân chia sẻ về những hoạt động từ thiện của nhóm “Áo quần từ thiện”. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Hy vọng của cô Na cũng chính là điều nhóm “Áo quần từ thiện” muốn thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để duy trì và triển khai thêm các quầy hàng quần áo miễn phí, họ gặp không ít khó khăn.
Trong đó, có 3 khó khăn chính là lựa chọn địa điểm đặt tủ quần áo phù hợp, hoạt động này có thể gây lấn chiếm vỉa hè và việc quản lý tủ quần áo khó khăn khi các thành viên nhóm đều bận đi làm.
Dù phải đối diện với những khó khăn trong việc thực hiện dự án, nhóm “Áo quần từ thiện” hy vọng sẽ duy trì và triển khai thêm các tủ quần áo mới ở nhiều địa điểm tại Hà Nội cũng như các địa phương khác để giúp đỡ mọi người.
(Theo Zing News)
Người đàn ông hơn 30 năm trang điểm miễn phí cho người chết
Hơn 30 năm qua, ông Trần Ngọc Anh vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, đi khắp nẻo đường Sài Gòn để làm công việc làm đẹp miễn phí cho người xấu số vừa qua đời. Ông chia sẻ đơn giản: "Mỗi ngày không tập cho đi thì cả đời không biết cho là gì".
Ông Trần Ngọc Anh (56 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) không còn nhớ mình đã chăm sóc chu đáo lúc nguy, tử cho bao nhiêu người. Ông đến với họ để an ủi, chăm sóc, hướng dẫn giúp người bệnh có một cái nhìn đúng về sự sống và cái chết, biết quý giá những giây phút cuối đời để từ đó họ có thể an lòng, thanh thản ra đi trong tình người ấm áp yêu thương và bình an.
Cái duyên đến với công việc này của ông Anh cũng khá bất ngờ. Ông kể, vào năm 22 tuổi, trong một lần nằm viện do tai nạn giao thông, ông kết bạn và trở thành thân thuộc với một cụ ông 77 tuổi nằm giường kế bên.
Khi được ra viện, trong một lần đến thăm người bạn già, ông Trần Ngọc Anh nhận biết rằng người bạn này sẽ không còn sống được lâu nữa. Vậy là ông thường xuyên lui tới để trò chuyện, an ủi bạn. Rồi khi người bạn nằm xuống, ông xin gia đình cho phép được chăm sóc bạn lần cuối. Đó là lần đầu trong đời ông Trần Ngọc Anh vuốt mắt, nắn tay chân, sửa sang thế nằm, tắm rửa, trang điểm cho người đã chết.
Với các thao tác xuất phát từ tấm chân tình và quan sát được trước đó, ông như một chuyên gia làm đẹp chuyên nghiệp. Khuôn mặt của người xấu số hồng hào tự nhiên, ngời sáng nhờ lớp phấn mỏng, mang phong thái thanh thản của một người đang say ngủ, áo quần được nâng sửa thẳng thắn.
Từ ngày đó, ông gắn bó với "nghề" này không kể ngày đêm. Ban đầu chỉ quanh quẩn trong khu xóm, lâu dần, ông được mời giúp ở những nơi xa hơn. Có người chết ở bệnh viện, có người an nghỉ tại nhà riêng; có người trẻ, người già; cũng có người thân thể không còn nguyên vẹn hoặc người lở loét, bốc mùi... do nằm một chỗ lâu năm. Có cả những trường hợp thi thể biến dạng vì tai nạn giao thông hoặc nhiễm căn bệnh thế kỷ hay những bệnh truyền nhiễm không ai dám tiếp xúc... Nhưng ông xem tất cả họ như người thân, chăm sóc cho người chết rất tận tâm và đáng quý hơn, mọi việc ông làm đều miễn phí!
Nhiều năm trôi qua, ông Trần Ngọc Anh không nhớ mình đã phục vụ cho bao nhiêu người chết. Phần lớn ông giúp trong thành phố nhưng nhiều khi đi từ thiện hay có việc ra các tỉnh thành khác, thấy những người đau yếu, "gần đất xa trời", ông cũng dừng chân giúp đỡ. Nhiều trường hợp do xa xôi không kịp đến nơi, ông hướng dẫn người nhà qua điện thoại.
Ông Anh bên bộ đồ chuyên dùng để trang điểm cho người chết.
"Nhiều người xấu số bị gia đình bỏ rơi hoặc không người thân, số khác vì thương người thân nên cứ ngất lên ngất xuống và phần nhiều là họ không biết làm gì để lo cho thân nhân phút cuối đời. Tôi biết nên giúp và có lẽ tôi cũng được ơn nên không ghê sợ hay cảm thấy bất tiện gì với nhiều trường hợp bệnh nặng, lây nhiễm. Cũng có lúc tôi muốn buông xuôi nhưng rồi lại tự nhủ mỗi ngày không tập cho đi thì cả đời không biết cho là gì", ông Anh tâm sự.
Nhiều đêm, công việc của ông cứ liên tục từ tối đến sáng, bên này chưa xong bên kia đã gọi giục. Có không ít năm, ông đón giao thừa khi còn đang ngồi trò chuyện cạnh người gần từ giã cõi đời. Không ít lần, ông làm việc với cái bụng trống không, mệt lả nhưng vẫn vui vẻ đến lúc hoàn tất mới chịu ngưng tay.
Lật giở từng trang trong những cuốn bưu ảnh dày cộm, ông kể về từng hoàn cảnh được ghi lại kỹ càng. Ông nhớ rõ tên tuổi, địa chỉ cùng những ấn tượng để lại của từng người được ông chăm sóc. Giúp nhiều nhưng ông không nhận của ai tiền bạc hay quà cáp, ngược lại ông còn giúp gia đình nghèo lo ma chay chu tất.
Ngoài việc làm đẹp miễn phí cho người xấu số, ông Anh thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện trên cả nước.
Từ năm 1997 cho đến nay, gia đình ông Anh còn là nơi cưu mang hàng chục sĩ tử từ các tỉnh lân cận đến TPHCM dự thi đại học; ông còn là một đầu mối từ thiện giúp trẻ em và người dân vùng sâu vùng xa có quần áo, tập vở, thuốc men và nhu yếu phẩm.
Trung Kiên
Theo Dantri
Chiếc xe đặc biệt của ông cụ gần 80 tuổi, người Đà Nẵng nào nhìn thấy trên phố cũng ấm lòng! Với mong muốn giúp đỡ người nghèo được mặc những bộ quần áo lành lặn, ông cụ 77 tuổi ở Đà Nẵng đã cùng "chiếc xe ân tình" của mình hằng ngày đi qua những tuyến phố như một chiếc cầu nối, gắn kết tình thương yêu giữa người cho và người nhận. Thời gian gần đây, trên các tuyến đường ở Đà...