Từ nhóm “đàn em Lê Văn Luyện”: Phải xem lại giáo dục trẻ tại gia đình
Trở lại Điện Nam Trung (H.Điện Bàn, Quảng Nam) những ngày này, đi đâu cũng nghe bàn tán về việc công an xã này phát hiện nhóm vị thành niên lập blog tự xưng là nhóm “Sống về đêm” và là “đàn em Lê Văn Luyện”.
Học theo… kẻ sát nhân
Như Thanh Niên đã thông tin, một nhóm gồm 7 người tuổi còn rất trẻ là Đặng Quang Vũ (1997), Võ Như Lộc (1996), Võ Như Tiêu Lanh (1996), Nguyễn Mã Nhật Trung (1996), Võ Như Đông (1997), Lê Công Sơn (1996) – tất cả cùng trú tại Điện Nam Trung và Lê Văn Hậu (1997, trú Điện Nam Bắc) đã lập blog, lấy tên là “Sống về đêm”, tự xưng là “đàn em của Lê Văn Luyện”.
Nhóm này còn chung tiền mỗi người từ 50.000 – 100.000 đồng để mua máy về chế tạo hung khí hết sức nguy hiểm. Toàn bộ máy móc được để tại nhà Hậu, mỗi khi mẹ Hậu đi vắng, nhóm tập trung để sản xuất hung khí. Những hung khí này còn được nhóm sử dụng để thực hiện những màn trình diễn rất đáng sợ như: kề những chiếc dao bén ngọt vào cổ mình, chụp hình lại và tung lên blog với mục đích “chiêu quân”, gọi đàn em gia nhập nhóm.
Hành vi của nhóm này đã được một công an viên của xã Điện Nam Trung phát hiện trên mạng. Công an viên này lập tức tìm hiểu, buộc thành viên khai ra mật khẩu. Mọi người choáng váng với những hình ảnh cực kỳ rùng rợn từ blog. Công an đã thu hồi rất nhiều hung khí của nhóm đã được chế tạo và để sẵn ở một quán cà phê tại Quảng Lăng 2.
Thêm một “điểm chung” của những thiếu niên này, đó là tất cả đều mê phim hành động. Khi công an điều tra đặt câu hỏi vì sao chế tạo nhiều hung khí và tạo blog để kêu gọi người tham gia, hầu hết đều vô tư trả lời, do xem phim hành động xã hội đen nhiều, nên rất muốn trở thành xã hội đen và hành động như trong phim ảnh.
Cha mẹ thiếu quan tâm
Theo ông Ngô Quang Thắng, do các em đều ở độ tuổi vị thành niên và vụ việc sớm được phát hiện, chưa để xảy ra những hành động gây hậu quả, nên quyết định trả các em về gia đình giáo dục. Riêng Đặng Quang Vũ, do nhiều lần phạm tội và gia đình giáo dục vẫn không có cải thiện, nên công an xã đang lập hồ sơ, đưa vào trại giáo dưỡng.
Khi Công an xã Điện Nam Trung mời gia đình của 7 em trong nhóm nói trên đến làm việc, chỉ có cha mẹ của em Lê Công Sơn (thành viên duy nhất của nhóm còn đang đi học – PV) cảm thấy bàng hoàng trước việc cậu con trai hiền lành của mình là một trong 7 thành viên quậy phá này. Các phụ huynh còn lại đều tỏ ra bình thản, vì đây không phải là lần đầu họ được mời đến trụ sở công an xã. Họ đã quá quen với việc được mời lên nghe “báo cáo” về hành vi của con mình.
Video đang HOT
Đặng Quang Vũ (14 tuổi), người đứng đầu nhóm, vốn sinh ra trong gia đình khá giả, nhưng tính cách nghịch ngợm, là học sinh cá biệt và nghỉ học từ năm lớp 8. Vũ từng tham gia nhóm trộm cắp có quy mô (trộm 8 xe máy và hàng loạt xe đạp), được phát hiện từ tháng 6.2011. Nhưng do còn ở độ tuổi vị thành niên nên sau khi bị bắt giữ, Vũ được gia đình bảo lãnh và cho được giáo dục tại nhà.
Những em còn lại, trừ Sơn chưa có tiền án tiền sự, thì tất cả đều có hoàn cảnh gia đình gần giống như nhau: cha mẹ không ở chung hoặc ly dị, mải mê làm ăn không để ý đến việc giáo dục con cái.
Ông Ngô Quang Thắng – Phó công an xã Điện Nam Trung chia sẻ, rất may mắn là vụ việc được phát hiện sớm, nếu không sẽ có rất nhiều vụ việc khó lường, bởi hung khí đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và “tiêu chí” hoạt động của nhóm quá rõ ràng.
Những hình ảnh trong blog “Sống về đêm” – Ảnh: Công an xã Điện Nam Trung cung cấp
Theo Thanh Niên
Vụ tự xưng đàn em Lê Văn Luyện: Nhận khinh ghét để nổi tiếng
Dù đó là ý tưởng của một số cá nhân, nhưng suy cho cùng chính là sản phẩm của xã hội, hay nói cách khác xã hội phải chịu trách nhiệm về điều này.
Vụ thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang sắp sửa khép lại khi mà tới đây hung thủ sẽ bị mang ra xét xử. Nhưng dường như dư chấn kinh hoàng của vụ thảm án vẫn còn đọng lại rất rõ, rất sâu trong xã hội, đặc biệt là đời sống của những người Việt trẻ.
Trong thế giới ảo, khi mà không ít người thể hiện sự căm hận với tội ác tột cùng của Luyện thì cũng có hàng loạt game mới dùng Lê Văn Luyện làm hình ảnh đại diện, trở thành "cảm hứng" cho một loạt các ca khúc, những bài thơ... .
Gần đây nhất, ở Điện Bàn (Quảng Nam) xuất hiện một nhóm thanh niên mua máy mài tự chế vũ khí là mã tấu và túyp sắt để "hoạt động" và tự xưng là đàn em của Lê Văn Luyện.
Lê Văn Luyện trở thành "hiện tượng mới" trong thế giới của một bộ phận người Việt trẻ.
Nhóm thanh niên tự xưng là em của Lê Văn Luyện ở Điện Bàn, Quảng Nam
Trong hoàn cảnh đó, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có được nhận được những bình luận và lý giải sắc xảo của nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam) về vấn đề này.
Người trẻ chấp nhận sự khinh ghét để được nổi tiếng
Nói về "dư chấn" Lê Văn Luyện trong thế giới của bộ phận người Việt trẻ hiện nay, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng: Dư chấn này thể hiện cách hành xử lệch lạc, chống lại những chuẩn mực chung về đạo đức và giá trị sống của cả một xã hội.
Điều này không khó hiểu bởi nhìn chung những người trẻ đều có tâm lý chơi chội, thích gây sự chú ý, thích được nổi tiếng. Do đó, ở mức độ thái quá, một bộ phận không nhỏ sẵn sàng đưa ra những chiêu thức, những "sự sáng tạo" riêng để được "nể phục" cho dù có thể vấp phải sự khinh ghét của xã hội.
Điều đáng nói ở đây là sự "lệch chuẩn" này thông thường chỉ xảy ra ở thế giới ảo (game, thơ, nhạc...), ở phát ngôn hàng ngày theo kiểu "vãi Luyện", ở cái cách tôn thờ thần tượng,...nhưng nay lại phát triển lên mức "mài gương, sắm giáo", tôn thờ bạo lực, thích đề cao mình theo hướng độc đáo, dị thường thì đó thực sự là một lời thách thức cộng đồng. Vì lúc này, nó không phải là tâm lý thông thường mà là một thứ bệnh hoạn, một cách sống và suy nghĩ đã bị băng hoại về mặt giá trị.
Ở đây không phải một cá nhân, mà là một nhóm. Có ai chắc rằng, đó là nhóm thanh niên duy nhất sùng bái cái ác, cái xấu (Lê Văn Luyện). Những người tôn sùng Lê Văn Luyện là những người có tâm hồn méo mó, lý tưởng sống lệch lạc. Họ không đi theo những giá trị Chân - Thiện - Mỹ thông thường mà bám vào cái ác, cái xấu, thách thức với giá trị tốt đẹp của cả một xã hội.
Việc tôn thờ cái xấu, tôn thờ giá trị ngoại lai, phản lại những giá trị hiện tồn trong giới trẻ là hiện tượng u nhọt của bất kì xã hội, chế độ nào. Do dó, cuộc chiến giữa cái Thiện và cái Ác, cái Tốt với cái Xấu là cuộc chiến không bao giờ kết thúc. Vấn đề ở chỗ, làm sao để hạn chế được cái xấu, khiến nó không lây lan.
Truyền thông gián tiếp làm cái ác, cái xấu ngày càng phát triển
Lý giả việc vì sao cái Ác, cái Xấu ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của một bộ phận người trẻ nước ta hiện nay, ông Bình cho rằng: Dù đó là ý tưởng, hành động của một số cá nhân, nhưng suy cho cùng chính là sản phẩm của xã hội, hay nói cách khác xã hội phải chịu trách nhiệm về điều này.
Vì nói "trắng" ra là trong xã hội của ta hiện nay giá trị sống tốt đẹp chưa phải giá trị trung tâm, âm hưởng chủ đạo. Đây là điều hiển nhiên và là u nhọt của xã hội đang trong thời kỳ chuyển đổi, với hàng loạt những giá trị bị đứt gãy trong suy nghĩ và hành vi ứng xử của người trẻ.
Ông Bình khẳng định: Muốn tăng cái Đẹp, giảm cái Xấu, cái Ác thì thế hệ trẻ cần được giáo dục ngay trong gia đình. Ở tầm vĩ mô, cần đẩy mạnh việc xây dựng một xã hội lành mạnh, hình thành lối sống tốt đẹp như một áp lực của đời sống cộng đồng.
Ông nhấn mạnh, truyền thông chính là một trong những nguyên nhân gián tiếp, vô tình làm cho cái Ác, cái Xấu ngày càng phát triển mạnh hơn. Xã hội ta không thiếu những tấm gương tốt để giáo dục, như trường hợp người lái tàu trên chuyến tàu Thống Nhất Bắc Nam đã hi sinh cánh tay của mình để cứu 300 hành khách là một ví dụ điển hình. Hay gần đây nhất là vụ một thai phụ đã không nề hà nguy hiểm để cứu một em nhỏ. Những tấm gương như thế được tuyên truyền ít hơn nhiều so với những thông tin mà người ta thường quen gọi là "Cướp, giết, hiếp" trên báo chí.
Khi mà giá trị cốt lõi bị đảo lộn, giá trị trung tâm không được tôn thờ thì một bộ phận người trẻ ngày càng quậy phá và "sáng tạo" ra những giá trị lệch lạc là chuyện thường tình.
Theo Giáo Dục VN
Giáo dục nhóm tự xưng "đàn em của Lê Văn Luyện" Ngày 18.11, lực lượng Công an H.Điện Bàn (Quảng Nam) đã xử lý, ngăn chặn hoạt động của một nhóm thiếu niên từ 14 - 16 tuổi tự xưng là nhóm "Sống về đêm", thu giữ 5 mã tấu và 3 tuýp sắt. ảnh minh họa Nhóm gồm Đặng Quang Vũ (14 tuổi), Nguyễn Mã Nhật Trung (15 tuổi), Lê Công Sơn (15...