Từ nhân viên nhà máy tới CEO của Chanel: Hành trình cảm hứng của người phụ nữ Ấn Độ “cầm đầu” một đế chế thời trang
Trang nhất các tạp chí thời trang thế giới những ngày qua gọi tên Leena Nair, CEO mới được bổ nhiệm của Chanel.
Đằng sau một cuộc chuyển giao quyền lực là những câu chuyện vô tiền khoáng hậu thu hút tâm điểm của làng thời trang quốc tế.
Thế giới thời trang, đặc biệt là ngành hàng thời trang cao cấp, xoay vần quanh những người đàn ông da trắng – đa phần, hoặc đôi khi những người đàn bà toát lên uy quyền cùng vẻ ngoài thời thượng mà những bộ cánh họ khoác lên người luôn là tâm điểm của chú ý. Còn đặc điểm gì chung cho những con người đang dẫn dắt ngành thời trang thế giới? Phần đông họ là những người da trắng, kế nghiệp những di sản thời trang đình đám từ các quốc gia phương Tây.
Thay đổi được những đế chế thời trang như các thành trì khuôn mẫu kiên cố không phải điều đơn giản; những nhà mốt thời trang hàng trăm năm vẫn giữ nguyên những tiêu chuẩn khắt khe, trong cả việc chọn con người. Lịch sử của các thương hiệu hàng đầu thế giới vốn vẫn chuộng các cô nàng người mẫu da sáng, chân dài, mắt xanh thường ít có đất diễn cho các người mẫu da màu, chưa nói tới một CEO hay một vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Chanel đã thay đổi định kiến ấy khi mới đây đưa quyết định bổ nhiệm Leena Nair làm CEO mới. Leena Nair có gì khiến giới thời trang sửng sốt như vậy? và quyết định bổ nhiệm mới này của Chanel tại sao lại khiến công chúng tán dương đến thế?
Leena Nair là một phụ nữ.
Leena Nair là một phụ nữ da màu gốc Ấn Độ.
Leena Nair là một phụ nữ Ấn Độ và là một “kẻ ngoại đạo” của ngành thời trang xa xỉ.
Tất cả những điều đó khiến câu chuyện của Leena Nair càng trở nên nổi bật trong làng thời trang thế giới. Trên trang Twitter của mình, bà không giấu được niềm vui mừng và tự hào.
“Tôi thấy tự hào và khiêm nhường khi được bổ nhiệm vai trò Giám đốc điều hành toàn cầu của Chanel, một công ty đáng ngưỡng mộ và nổi tiếng”
Đó là một niềm tự hào chính đáng, không chỉ với Leena Nair. Người dân Ấn Độ có quyền tự hào về bà – đất nước với những CEO thống trị các ngành tài chính, công nghệ nhưng chưa có ai dấn thân vào ngành thời trang. Những người phụ nữ da màu có quyền tự hào về bà – người phụ nữ của rất nhiều lần đầu tiên. Những người đang nỗ lực để bước chân vào ngành thời trang – vốn được coi là nơi không dành cho những kẻ ngoại đạo vốn không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về thời trang, có thể coi bà như một tấm gương để học hỏi.
Người phụ nữ của những lần đầu tiên
Video đang HOT
Sự nghiệp của Leena Nair được biết đến trước đó với vai trò là giám đốc nhân sự cấp cao của công ty Unilever. Tuy nhiên, để hiểu được những nỗ lực vươn lên của một người phụ nữ như Leena Nair, hãy quay lại những năm 1990s khi bà còn là một sinh viên đại học. Không ai biết rằng, Leena Nair từng là sinh viên ngành kỹ thuật. Bà theo học ngành kỹ thuật điện tử và viễn thông tại Walchand College, Ấn Độ. Sau đó, bà tiếp tục theo học ngành MBA tập trung về mảng nhân sự. Ngay sau khi tốt nghiệp, bà đã làm việc tại nhiều nhà máy khác nhau tại Kolkata, Ambattur, Tamil Nadu và Taloja. Leena Nair cũng là người phụ nữ đầu tiên làm ca đêm khi còn Hindustan Unilever Limited (HUL) và là người phụ nữ đầu tiên trong hội đồng quản trị.
“Tôi đã học được nhiều bài học, về nhà máy và dây chuyền sản xuất, hệ thống quản lý, và tầm quan trọng của nghị lực. Nó đã giúp tôi có được vị thế như ngày hôm nay. Mỗi khi ai đó nói với tôi “cái này không làm được bởi vì trước đây chưa ai làm cả” thường khiến tôi hào hứng đáp lại “chưa ai làm nó bao giờ? tuyệt! vậy cậu thử chia sẻ xem, chúng ta có thể làm nó như thế nào?”
Ba thập kỷ gắn bó với Hindustan Unilever Limited kể từ khi còn là một thực tập sinh quản trị vào mùa hè năm 1992, Leena đã gia nhập vào công ty ở thời điểm chỉ có 2% nhân viên là nữ giới. Năm 2013, Leena Nair chuyển tới làm việc tại trụ sở chính của Unilever tại London với vị trí phó chủ tịch chịu trách nhiệm phát triển tổ chức toàn cầu. Vào năm 2016, Ở độ tuổi 47, bà trở thành người “phụ nữ đầu tiên và người châu Á đầu tiên, cũng là người trẻ nhất” đảm nhiệm vị trí giám đốc nhân sự của Unilever (CHRO), vượt qua hơn 150,000 nhân sự khác. Bà cũng là người phụ nữ gốc Ấn thứ hai tiếp quản vị trí CEO của một công ty toàn cầu – trước đó là CEO của Pepsico, bà Indra Nooyi.
Từ giảng đường đại học tới Unilever và cả cho đến khi bước chân vào Chanel, Leena Nair dường như đã quá quen với môi trường nơi nam giới luôn thống lĩnh. Để chứng tỏ năng lực, những người phụ nữ luôn phải gồng mình gấp đôi vì cái bóng của định kiến quá lớn. Thành công của bà ở thời điểm hiện tại khi trở thành CEO của Chanel không phải một điều may mắn hay tình cờ; đó là kết quả của một sự nỗ lực vượt bậc. Bà từng kể:
“Có khoảng 3,000 nam sinh và 18 nữ sinh ở trường kỹ thuật tôi từng học. Bốn năm đó đã khiến tôi trở nên vững vàng hơn, kiên cường hơn và tôi đã học được cách tìm cho mình con đường riêng giữa thế giới được nam giới thống trị.”
Con đường ấy đã theo chân bà Leena Nair từ Unilever tới bậc thềm nhà mốt Chanel.
Theo thông báo được Chanel đưa ra, bà Leena Nair sẽ bắt đầu làm việc tại Chanel từ cuối tháng 01/2022 tại London. Trước Leena, hai người phụ nữ khác từng đảm nhiệm vị trí CEO của Chanel là Francoise Montenay và Maureen Chiquet (CEO Chanel từ 2007 đến 2016).
Sự thay đổi trên được đưa ra vào thời điểm ngành hàng thời trang đang chứng kiến những sự chuyển dịch hậu đại dịch. Chanel cho biết, việc bổ nhiệm Leena “sẽ giúp đảm bảo sự thành công lâu dài cho công ty.” Tại Chanel, Leena Nair sẽ quản lý khoảng 27,000 nhân viên của Chanel trên toàn cầu.
Trong một bài phỏng vấn trên Harper’s Bazaar, bà đã từng nói.
“Là người phụ nữ đầu tiên trong tất cả mọi công việc tôi từng làm có nghĩa rằng tôi phải hiểu rõ ràng về công việc vốn dĩ được tạo ra cho một ai đó chứ không phải mình. Tôi luôn nói rằng, “Chúng ta ở trong cùng một cơn bão nhưng không ngồi cùng thuyền.” Những kinh nghiệm tích lũy được khiến tôi nhận ra mong muốn của bản thân trong việc tạo nên một môi trường công việc cho bất cứ ai, đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân.”
Phát triển một công ty vững mạnh là điều mà mọi CEO sẽ phải làm. Nhưng “sứ mệnh” của bà Leena Nair không chỉ dừng lại ở đó. Sự xuất hiện của bà tại Chanel sẽ xóa tan những định kiến về phụ nữ nói chung và phụ nữ da màu nói riêng, thu hẹp dần khoảng cách của bất bình đẳng trong môi trường công sở thông qua các chính sách bà đã từng áp dụng rất thành công tại Unilever và trở thành một hình mẫu để nhiều người phụ nữ khác trên thế giới noi theo.
Bà Leena Nair đang đứng trước bậc thềm của Chanel và hàng triệu phụ nữ khác cũng đang đứng trước bậc thềm của niềm tự hào và hy vọng cho một hành trình dài phía trước.
Trò "móc ví" của Hermès: Khách hàng Trung Quốc chửi "rác rưởi", biểu tình trước cửa hàng
Với người Trung Quốc thì để mua được một chiếc túi Hermès sao mà khó khăn cách trở chẳng kém đi thỉnh kinh Tây Thiên.
Peihuo: Độc chiêu của Hermès
Mới tháng 7 vừa qua, dân tình tại Bắc Kinh xôn xao trước hình ảnh một quý ông kiên nhẫn biểu tình đứng trước cửa tiệm Hermès. Dưới chân anh ta là 3 chiếc shopping bag màu cam quen thuộc, còn trên tay lại lăm lăm băng rôn chất đầy căm phẫn trong từng từ ngữ: "Hermès rác rưởi. Peihuo mà không có túi."
Ngay khi hình ảnh được lan truyền trên Internet xứ Trung, netizen đã đồng loạt bình luận tán thưởng hành động của nhân vật biểu tình. "Cuối cùng cũng có người dám làm điều này!", đó là nội dung xúc tích của bình luận nhận được nhiều lượt thích nhất trên mạng xã hội Xiaohongshu.
Không mấy ai, đặc biệt là cánh đàn ông, dám ngang nhiên biểu tình trước một cửa tiệm thời trang cao cấp như quý ông này đã làm.
Vậy peihuo là gì?
Có thể hiểu nôm na thì đây là một luật ngầm trong cách thức phân phối hàng hiệu của các nhà mốt xa xỉ. Ví dụ để có thể mua được một trong bộ ba huyền thoại của Hermès - tức Birkin, Kelly và Constance - có giá dao động từ 10.000 USD đến 500.000 USD (227 triệu đến 11 tỷ động), thì trước đó khách hàng phải chủ động mua những món "nho nhỏ" để tích điểm trước khi đề cập nhu cầu với nhân viên cửa hàng. Và những món nho nhỏ đó có thể là khăn lụa, giày dép hay quần áo.
Thực tế thì chính sách này chưa bao giờ được các nhà mốt như Hermès và Chanel thẳng thắn công nhận. Trước khi hình thành nét văn hóa "peihuo" tại Trung Quốc, chính sách này đã được áp dụng rất thành công tại cả Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên nhà mốt nào cũng chối đây đẩy khi được báo giới hỏi về phương thức mua hàng kiểu tích điểm.
Hermès có cuộc chơi và luật lệ riêng mà muốn trở thành khách hàng, ai ai cũng phải răm rắp tuân thủ.
Và một trong những lý do khiến thị trường hàng hiệu lớn nhất châu Á điên đảo với "peihuo" là bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tình trạng giãn cách khiến tiến độ sản xuất xa xỉ phẩm giảm sút. Để bù lại, các nhà mốt đều đồng loạt tăng giá và đẻ ra cả tá chính sách để khiến sản phẩm càng khan hiếm và được thèm khát hơn. Chẳng hạn mới đây dân tình cũng ngớ người trước màn "thiết quân luật" của Chanel tại Hàn Quốc.
Quay trở lại với Hermès, người tiêu dùng Trung Quốc ca thán rằng chuyện mua hàng hiệu từ ông lớn này chưa bao giờ khó khăn trắc trở đến thế. Không thể bôn ba du lịch vì đại dịch, họ đành phải mua hàng từ các store nội địa và chính tình trạng này giúp nhà mốt càng được đằng chân lân đằng đầu . Để mua được túi hiệu, giờ đây khách hàng phải móc ví nhiều hơn, năng nổ tích điểm hơn mới được ghi nhận.
Với người Trung Quốc thì để mua được một chiếc túi Hermès sao mà khó khăn cách trở chẳng kém đi thỉnh kinh Tây Thiên.
Chưa kể nguyên do Hermès chăm móc ví khách Trung Quốc là bởi doanh thu tại đây ngày càng tăng cao. Chẳng hạn trong năm ngoái thì tăng trưởng doanh thu của Hermès là châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) là 14,4%. Thị trường này cũng chiếm đến 46% tổng doanh số của nhà mốt. Trong khi đó tại Pháp, quê hương của Hermès, doanh thu lại sụt mạnh đến 28,6%. Điều này thúc đẩy thương hiệu phải nghĩ cách lấy miền xuôi nuôi miền ngược . "Peihuo" chính là giải pháp.
Bị khách hàng chửi thế liệu Hermès có "rén"?
Miro Li, nhà sáng lập công ty tư vấn tiếp thị và thương hiệu Double V có trụ sở tại Thâm Quyến, không nghĩ rằng cơn thịnh nộ của giới khách hàng với "peihuo" sẽ khiến uy tín của nhà mốt giảm sút. "Hermès chỉ nhắm đến một nhóm khách hàng hết sức chọn lọc . Thế nên nhận thức của công chúng không xi nhê gì đến thương hiệu", ông cho biết.
Bên cạnh đó thì sự tồn tại của "peihuo" cũng thuộc dạng thoắt ẩn thoắt hiện. Nhiều người ca thán đã đành, nhưng cũng có những khách hàng chia sẻ rằng họ chưa phải dùng luật ngầm này bao giờ - có lẽ bởi họ chi đủ mạnh để không bao giờ phải nghe nhân viên Hermès khước từ.
Có nhiều người không phải chịu đựng "peihuo", cơ bản là do họ đã chủ động mua quá nhiều.
Một số cá nhân uy tín trong địa hạt xa xỉ phẩm thì khẳng định với tờ Sixth Tone rằng "peihuo" có thật rành rành. Các cửa hàng cao cấp có quy chế giới hạn số túi xách dự trữ, thế nên nhân viên phải tìm cách tống hàng tồn càng nhanh càng tốt. Cũng có số liệu cụ thể rằng Hermès chỉ xuất xưởng 120.000 chiếc Birkin và Kelly hàng năm, đồng thời tung ra hàng loạt item khác ít được chú ý hơn để làm bàn đạp cho khách hàng sản phẩm cao cấp nhất. Các cá nhân này cũng ủng hộ "peihuo" vì lý do đồ tốt phải hiếm .
"Đầu têu" cho các thương hiệu khác
Cũng từ chính sách "peihuo" vô cùng thành công của Hermès mà giờ đây các thương hiệu tầm trung hoặc mới nổi, thậm chí cánh reseller cũng áp dụng triệt để.
Chúng ta có thể kể đến câu chuyện của Chen, một tay buôn hàng hiệu tại châu Âu. Năm ngoái là thời điểm những chiếc Triomphe Canvas của Celine cháy hàng, thế nên Chen nghĩ ra cách nhập kho thêm nhiều mẫu túi hiệu khác kém hấp dẫn hơn, gạ khách hàng bỏ tiền mua chúng rồi mới nhả ra túi Celine.
Thị trường đồ hiệu second-hand có thể là lối thoát tuyệt vời khỏi "peihuo".
Hiện dân tình xứ Trung vẫn xôn xao cách để lách ải "peihuo" mà vẫn mua được túi xịn. Có khá nhiều lời gợi ý như: Cố gắng trở thành khách hàng thường xuyên, ngó nghiêng quầy đồ gia dụng trước khi mở lời hỏi mua túi. Phục sức thanh tao và đắt tiền, tự tin bước vào cửa tiệm để gây ấn tượng với nhân viên Hermès cũng là một gợi ý được tán đồng. Thị trường đồ hiệu second-hand cũng là một lối thoát khỏi "peihuo".
Còn với những ai có chấp niệm với những chiếc túi mới toanh thì "peihuo" xem ra là kiếp nạn khó tránh. Chen, tay bán hàng cực phách cũng khuyên: "Thật bệnh hoạn nếu mua túi từ mấy thương hiệu mà có tâm lý rằng người bán thì cao sang như thánh, người mua thì khổ cực như nô tì. Cũng chỉ là đi mua túi thôi mà!"
Loạt túi hiệu tiền tỷ của Tiên Nguyễn Bộ sưu tập túi đồ sộ của hot girl Tiên Nguyễn bao gồm nhiều thiết kế da cá sấu từ những nhà mốt tên tuổi như Hermes, Chanel, Dolce & Gabbana... Là một trong những rich kid nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, Tiên Nguyễn - con gái vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn và cựu diễn viên Thủy Tiên - luôn xuất...