Tự nguyện giao cảnh sát súng, pháo hoa nổ nhặt được bên đường
Trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận nhiều vũ khí, pháo hoa nổ do người dân tự giao nộp.
Ngày 17/1, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông trực thuộc đơn vị vừa tiếp nhận một số vũ khí, vật liệu nổ và pháo do người dân tự nguyện giao nộp.
Theo đó, trong lúc tuần tra, kiểm soát trên QL12A, tổ tuần tra CSGT do Thiếu tá Trương Chí Dũng thuộc phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình làm tổ trưởng đã tiếp nhận 2 khẩu súng cồn tự chế và 1 thanh kiếm do một người dân nhặt được.
Người tự nguyện giao nộp là anh Hồ Văn Tương (SN 1995), trú ở bản Ka – Vi, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Anh Tương giao súng cồn tự chế và kiếm cho lực lượng CSGT. (Ảnh: Thanh Hải)
Anh Tương cho biết, số vũ khí này là do trong một lần đi rẫy, anh Tương tình cờ nhặt được. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ, chiến sỹ CSGT, anh Tương đã tự nguyện đến giao nộp cho cơ quan chức năng.
Trước đó, tổ tuần tra, kiểm soát tuyến đường QL12A thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã tiếp nhận 3 hộp pháo hoa nổ có trọng lượng khoảng 4kg từ tài xế Hoàng Văn Thống (SN 1986) trú ở thôn 5 Phú Cường, xã Phú Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Video đang HOT
3 hộp pháo nổ anh Thống nộp cho lực lượng CSGT.
Số pháo nói trên là do anh Thống trong quá trình lái xe nhặt được ở trên đường, sau đó tự nguyện đem đến giao nộp cho lực lượng chức năng.
Hiện số vật liệu nổ cùng vũ khí này đã được phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình bàn giao đơn vị có thẩm quyền để tiến hành tiêu huỷ.
Người dân được sử dụng loại pháo hoa nào dịp Tết Nguyên đán?
Bộ Công an hướng dẫn người dân cách phân biệt pháo hoa nổ và pháo hoa được phép sử dụng trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật.
Từ 11/1/2021, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP (Nghị định 137) về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Theo Bộ Công an, Nghị định 137 quy định nhiều điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo.
Việc sử dụng pháo phải tuân thủ những điều kiện, quy định ra sao, các loại pháo nào được phép sử dụng đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.
Bộ Công an cho biết, pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ (điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 quy định).
Đối với loại pháo này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 137.
Phân biệt pháo hoa nổ và pháo hoa.
Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trường hợp nếu đốt pháo tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ (điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 quy định). Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 137 cũng đã nghiêm cấm việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Do đó, người dân cần phân biệt rõ giữa pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng cần lưu ý về điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa. Nghị định 137 quy định rõ: Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được phép thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường; bảo đảm kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, phương tiện phù hợp, người quản lý, người phục vụ có liên quan phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm chất lượng, quy chuẩn và các điều kiện khác theo quy định...
Các hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Mức tiền phạt thấp nhất là 500.000 đồng, mức tối đa là 40.000.000 đồng, cụ thể:
- Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
- Sử dụng các loại pháo mà không được phép bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
- Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Bên cạnh bị phạt tiền, toàn bộ số pháo là tang vật sẽ bị tịch thu theo quy định.
Đặc biệt, nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra. Các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể sẽ bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015...
Cháy lớn ở Công viên Khủng Long Ninh Bình Sáng nay (21/7) một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại Công viên Khủng Long, TP. Ninh Bình đúng lúc lãnh đạo phường sở tại đang tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy. Lao động đưa tin, khoảng 7h30 sáng cùng ngày, một số nhân viên tại đây phát hiện có khói bốc lên từ khu vực kho chứa hàng kèm theo...