Tự mình phải biết thương lấy mình
Cô bạn gái của tôi mới đây lên cơn ghen lồng lộn khi phát hiện chồng ngoại tình. Cô ấy đòi triệu tập cả bố mẹ, anh em, gia đình nội ngoại. Trong cuộc họp gia đình, cô chẳng giữ nổi bình tĩnh mà xa xả tố tội chồng, khóc lóc kêu than số chẳng ra gì, hết lòng vì chồng con, gia đình như vậy mà chồng còn nảy nòi thói hư tật xấu.
Trong cơn ghen vật vã trông cô thật thảm hại với mái tóc nhuộm nâu màu đã bạc thếch sang vàng, chân đen lộ quá nửa đầu, những lọn tóc xơ lấm tấm trên vầng trán rịn mồ hôi, vết chân chim hằn rõ nơi khóe mắt đặc biệt mỗi lúc cơn ấm ức lên tới cao trào ép nước mắt ứa ra.
Cuộc họp gia đình có bố mẹ, anh em dâu rể, những người thường ngày không ở chung nhà, nhưng trông cô chẳng vì thế mà lịch sự hơn. Bộ đồ giản dị vẫn mặc thường ngày, điểm khác duy nhất là tạp dề không đeo trước ngực. Hai mắt thâm quầng lộ rõ sự mệt mỏi, thiếu sức sống.
Theo những gì cô kể lể thì anh chồng đúng là bội bạc, và cô thì chẳng còn có thể chê ở điểm nào. Vợ chồng lấy nhau từ tay trắng. “Phi thương bất phú”, cô liều mình bỏ công việc lương ba cọc ba đồng ra đời lăn lộn kinh doanh. Bắt đầu là một sạp hàng nho nhỏ ở chợ. Gặp thời cơ thuận lợi lại thêm tính tình chăm chỉ, biết tích góp nên nhà bắt đầu có của ăn của để. Vốn lớn hơn cô tính mở rộng làm ăn, nâng cấp lên cửa hàng. Khi mọi việc đã đi vào ổn định mới bàn giao cho chồng tiếp quản, bản thân rút về lo nội trợ, chăm con. Cơm nước cô lo ngày ba bữa, đưa đón con cái đi học, chúng tắm rửa, ăn uống cũng một bàn tay đảm đang của cô lo. Cô quan niệm, phụ nữ là phải biết hậu thuẫn cho chồng. Đàn bà khôn ngoan cách mấy cũng vẫn chỉ là đàn bà, công to việc lớn nên giao lại đàn ông. Ve vuốt cái sĩ của chồng, hết lòng cung phụng chồng mới là cách giữ chồng hoàn hảo nhất!
Ngẫm ra cô ấy đúng là đức hạnh vẹn toàn. Chẳng thế mà khi bố chồng bắt đầu mở lời khuyên con dâu bình tĩnh soi xét mọi vấn đề, hôn nhân trục trặc chắc chắn do lỗi của cả hai, thì cô gào lên: “Con xin bố, con chẳng có lỗi gì. Chồng con mới là người có lỗi!”.
Trong cơn gào khóc vì bị phản bội cô quên mất tuổi thanh xuân, nét trẻ trung của mình đã bị đánh cắp sau chuỗi ngày lăn lộn gây dựng kinh tế. Thời điểm “rút về hậu phương” lẽ ra cô phải có thời gian hơn để chăm chút cho bản thân, lấy lại sắc vóc, nhưng trái lại, cô càng trở nên lam lũ, thậm chí bận bịu hơn với những việc không tên.
Video đang HOT
Thoắt cái ngẩng đầu lên đã thấy cuộc hôn nhân của mình chệch lái. Ngoài ba mươi chồng vẫn phong độ, lại đĩnh đạc hơn với công việc giao tế, kinh doanh, trong khi cô chớm tuổi băm đã trở nên già cỗi, quanh quẩn trong bốn bức tường. Thời điểm duy nhất cô ra ngoài là lúc đi chợ và đưa đón các con tới lớp. Hạn chế giao tiếp càng khiến cô xuề xòa hơn. Thế mà cô rất bận, bận đến nỗi không đủ thời gian nhận ra tiếng chép miệng thở dài của chồng mỗi khi ngắm vợ trước giờ đi ngủ.
Rất khó để những thành viên trong gia đình tụ họp hôm ấy nói cho cô hiểu cô “có lỗi” ở đâu. Cô làm vợ, làm mẹ trọn vẹn thế. Chỉ có mỗi điều cô không hiểu: Tự mình phải biết thương lấy mình, chẳng ai có thể làm điều đó tốt hơn mình đâu. Đừng để đến lúc xảy ra chuyện, có hối cũng chẳng bao giờ lấy lại được.
Theo VNE
Xa thương, gần thường
Chị nhìn qua chồng, thấy anh đang vô tư say giấc, lại nhớ cái câu ngày xưa mẹ hay nói "gần nhau thì thấy bình thường, xa nhau mới thấy tình thương dạt dào", quả là chẳng sai.
Anh chị cưới nhau sau bốn năm yêu đương mặn nồng. Không phải mối tình sinh viên nào cũng kết thúc có hậu như hai người, ngày nên duyên cả hai đều đắm chìm trong hạnh phúc.
Chị bằng lòng khi ở bên anh. Anh không phải là người tài giỏi hay có vẻ ngoài cuốn hút, nhưng lại là người thương chị hết mực. Với chị, như vậy là quá đủ. Tiền bạc cố gắng thì sẽ làm ra, còn tình cảm không phải cứ cố là thành.
Khi chị vừa sinh con bé đầu lòng, công việc gặp trục trặc buộc anh nghỉ làm. Anh vật vờ thất nghiệp rồi làm bán thời gian với những công việc thời vụ. Chị phải nghỉ dạy để buôn bán kiếm tiền, chăm lo cho gia đình.
Lúc con bé chưa được một tuổi, anh vui mừng thông báo được nhận vào làm đúng chuyên môn ở một công ty nọ, lương khá cao. Có điều, anh phải vào công tác tận trụ sở đóng ở trong Nam.
Chị khóc sưng mắt nhưng không thể giữ chồng khư khư ở nhà vì những ích kỷ đàn bà. Anh vỗ về chị, cố gắng vì cuộc sống sau này của con cái. Chị chấp nhận sống cảnh xa chồng, vợ một nơi chồng một nẻo. Mỗi năm, anh về nhà vào dịp giỗ bố hoặc Tết. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng. Thời gian bên nhau cứ tính bằng giây bằng phút.
Hai mẹ con sống trong căn nhà thuê cũ kỹ, mùa mưa nước ngập vào phòng. Mỗi khi nghe tin trời bão, anh lại đứng ngồi không yên. Anh nhờ người này, người kia ghé qua xem hai mẹ con chị như thế nào. Chị hiểu nỗi lòng anh nên càng thương anh hơn.
Có bận, nhớ anh quá, chị lấy áo quần anh ra mặc để tìm một chút hơi của chồng. Con bé lên hai đã biết nhớ bố, thấy chị mặc đồ của anh, nó reo lên, mẹ đóng vai bố kìa. Chị ôm con, mắt rưng rưng chẳng nói nên lời.
Anh nhớ vợ con, nhiều lần gọi điện nghe chị khóc cũng không cầm được nước mắt. Mỗi tối, vợ chồng con cái ôm điện thoại nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Hai người lại động viên nhau, cố gắng thêm một thời gian nữa để anh kiếm vốn cứng cáp, sẽ về quê làm ăn.
Anh đi làm ăn xa như vậy được năm năm. Khi chị mang thai đứa thứ hai, cũng là lúc công ty anh mở chi nhánh ở ngoài này.
Hôm anh thông báo sẽ về hẳn, chị cứ đi ra đi vào, bồn chồn cứ như con gái chưa chồng hồi hộp chờ hẹn của bạn trai. Chị dọn dẹp nhà cửa, sắm thêm vài bộ quần áo, sắm lại cái bộ ga nệm mới, nhà cửa tươm tất chờ anh.
Bao năm qua, hai vợ chồng xa cách quá lâu. Chị mở tiệc mừng anh về, mời cả hai bên gia đình nội ngoại. Mấy anh chồng và chị dâu cứ đùa, anh về, chị trẻ ra thêm vài tuổi. Chị bẽn lẽn ngượng ngùng, bắt gặp ánh mắt nồng nàn anh dành cho mình như thuở mới yêu.
Thế mà, anh ở nhà chưa được một tháng, chị đã cảm thấy bức bối, khó chịu. Anh sống một mình, quen với nếp ăn ở bừa bộn, lại không giúp vợ việc nhà chỉ nằm khểnh xem tivi. Chẳng như ngày trước, mỗi lần có dịp về thăm vợ con, anh đều bảo chị ngồi yên, để anh làm hết tất thảy.
Chị càm ràm một hồi, ngày mai đã thấy anh đưa về một người giúp việc. Anh mở rộng quen biết để làm ăn nên đi sớm, về muộn. Cơm canh nhiều bữa nguội tanh, chị ngồi bên mâm cơm đợi mà lòng dạ bứt rứt. Chẳng thà, cứ như ngày trước, hai mẹ con ăn cơm, vắng người có buồn nhưng không có cảm giác bất an chờ đợi như thế này. Để đến lúc về, anh chân nọ đá chân kia, rồi nằm vạ vật ở bất cứ nơi nào có thể.
Lâu lắm, kể từ lúc về nhà, anh chẳng nói một câu nhớ nhung yêu thương gì với chị. Nhiều lúc nhìn anh bây giờ, chị lại thấy nhớ anh của thời gian trước, anh của những ngày xa chị.
Chị bần thần, quen xa chồng, quen yêu chồng qua những nhớ nhung xa cách, giờ gần nhau lại thấy thường đến chán là sao.
Theo VNE