Tự Long chính thức lên tiếng vụ phong tặng NSND
Tự Long khẳng định “cái gì cũng có giá trị của nó – sự thật không bao giờ thay đổi”.
- Cánh báo chí mấy ngày qua than rằng gặp anh khó quá, anh đang tìm mọi cách để “trốn” họ?
- Cũng chẳng giấu gì bạn mấy ngày qua có nhiều tờ báo gọi điện muốn tôi chia sẻ thông tin về việc phong tặng danh hiệu NSND nhưng tôi chưa nhận lời trả lời ai cả mà thường nói một câu vui rằng: “Khi quyết định chưa được công bố một cách chính thức thì những người trong cuộc như tôi chưa có gì để bình luận và chia sẻ ý kiến cả”.
Thôi cũng lên tiếng một lần duy nhất với bạn về những gì liên quan đến cá nhân tôi, đến nghề nghiệp của tôi (xin phép cho tôi không bình luận về các trường hợp là đồng nghiệp được xét tặng danh hiệu lần này) và hy vọng mọi người sẽ hiểu đúng bản chất sự việc.
Nghệ sĩ Tự Long.
- Cứ mỗi lần đến lượt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong giới nghệ thuật lại nóng lên như chảo lửa. Năm nay cũng không ngoại lệ và anh trở thành một trong những nhân vật được “mổ xẻ” nhiều nhất. Anh nói gì về điều này?
- Đầu tiên tôi muốn nói rằng danh hiệu là một trong những điều cao quý mà bất kỳ một nghệ sĩ nào cũng mong muốn dù là nhân dân hay ưu tú. Mỗi kỳ xét duyệt bao giờ cũng có những ý kiến trái chiều, người được thì không sao, người không được (dư luận, ý kiến bạn đọc) phản ứng thuận chiều, trái chiều. Đó là điều hết sức bình thường.
- Có ý kiến cho rằng, thành tích giúp Tự Long được ghi nhận ở lĩnh vực chèo. Tuy nhiên, hiếm có khán giả nào nhớ những vở chèo Tự Long diễn, những nhân vật anh đã nhập vai?
- Khán giả (à, tôi nghĩ không phải khán giả mà chỉ một vài người viết thôi) bảo rằng không biết đến tôi với các vở diễn chèo đấy bởi vì họ chưa biết thôi chứ đảm bảo lên mạng tìm sẽ thấy có rất nhiều bài viết về các vở chèo mà tôi đã diễn và đoạt giải.
Nói riêng về chèo, trước khi tôi là NSƯT tôi đã có đến 9 huy chương (trong đó 8 HCV và 1 HCB). Còn sau NSƯT, nhờ vào sự phấn đấu không mệt mỏi, yêu nghề hết mình, tôi tham gia với nhiều loại hình nghệ thuật khác và cũng may sự cố gắng được đền đáp.
Video đang HOT
Trong vòng 3 năm (từ 2012 đến 2015) tôi đã may mắn nhận được 3 HCV và 1 HCB. Nếu một nghệ sĩ bình thường thì khó làm được điều ấy. Bởi họ phải chờ. Trước đây 5 năm mới có một hội diễn nhưng bây giờ 3 năm có một đợt hội diễn và ít nhất 3 năm đấy nếu tham gia một loại hình sân khấu chắc tôi cũng chỉ được 1 HCV (đấy là diễn vai chính).
Có nhiều người hoàn toàn bất ngờ và đặt câu hỏi là tại sao tôi lại được nhiều huy chương như vậy liệu có phải tôi làm cách này hay cách khác không? Tôi xin khẳng định là tôi không làm gì cả, tôi cũng chẳng chạy chọt gì, tất cả là do tôi nỗ lực không mệt mỏi và nhận về thành quả.
Tôi tham gia nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trong đó những loại hình chính thống như Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc hay Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc hay Liên hoan sân khấu chèo toàn quân thì bằng sự phấn đấu của mình tôi có được thành tích vượt bậc đó.
- Lâu nay nhiều người hiểu rằng việc xét tặng danh hiệu từ NSƯT lên NSND là phải sau 5 năm công tác cộng với những thành tựu như đoạt nhiều huy chương vàng trong nghề nghiệp. Chính điều này khiến một bộ phận khán giả “nghi ngờ” anh mới được phong NSƯT vào năm 2012 và chỉ sau 3 năm được được đề xuất là NSND là hơi sớm, thưa anh?
- Đúng, mọi người (trong đó có cả nhiều nghệ sĩ) lâu nay vẫn nhầm lẫn quy định trước kia là sau NSƯT 5 năm mới được xét NSND nhưng nghị định 89 mới đã thay đổi, bỏ quy định này. Theo đó, chỉ cần người nghệ sĩ có đủ 20 năm công tác, sau danh hiệu NSƯT có đủ 2 HCV là được xét NSND.
Với cá nhân tôi, sau khi nhận NSƯT vào năm 2012 tôi đã nhận HCV Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc với vai diễn Đại Ma Vương Hula trong vở kịch Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ của nhóm hài Xuân Bắc – Tự Long.
Tháng 10/2013 tôi được HCV vai Chu Văn An trong vở chèo Người thầy của muôn đời trong Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013. Đến tháng 8/2014 tôi được HCV vai Nguyễn Chí Thanh trong vở chèo Nguyễn Chí Thanh – Sáng trong như ngọc một con người tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2014).
Và mới đây nhất, tháng 7/2015 tôi được Huy chương Bạc trong Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc.
Ngoài ra, tôi đã gắn bó 11 năm cùng các nghệ sĩ Chí Trung, Minh Hằng, Xuân Bắc, Công Lý, Quang Thắng trong chương trình Gặp nhau cuối năm… Bên cạnh đó tôi xuất hiện trên truyền hình rất nhiều với chuyên mục Chém chuối cuối tuần, dẫn các gameshow… Những hoạt động đó của tôi đều là mang lại những niềm vui cho cộng đồng, xã hội.
Có thể khán giả biết đến tôi nhiều hơn thông qua những chương trình tôi vừa kể ở trên so với loại hình nghệ thuật chèo mà tôi theo đuổi. Nhưng thực sự những cống hiến của tôi cho Nhà hát Chèo quân đội, cho nghệ thuật chèo thì không hề nhỏ.
Tự Long – Xuân Bắc.
- Anh hoàn toàn vô tư và trong sáng trong việc xét duyệt danh hiệu NSND lần này chứ?
- Vâng, tôi không cố ăn thua hay chạy chọt gì. Với danh hiệu NSND tôi rất vô tư bởi tôi nghĩ nếu tôi được thì đó không chỉ là vinh dự cho tôi, cho Nhà hát chèo quân đội của tôi, cho gia đình, cho bạn bè mà còn là cả sự phấn đấu của tôi thời gian qua.
Cuộc sống này, cái gì cũng có giá trị của nó – hãy trả đúng vị trí cho nó. Danh hiệu là điều vô cùng cao quý nhưng phải bằng thực lực của mình và khả năng của mình, đây là quá trình làm nghề có sự tâm huyết và nỗ lực của bản thân chứ không phải muốn mà được.
Đây cũng không phải là câu chuyện chúng ta thích thì cho nhau mà là sự công nhận của bạn bè, đồng nghiệp của dư luận của xã hội, thông qua sự cống hiến được trả lời bằng thành tích mà người nghệ sĩ theo đuổi. Tôi đã làm hết sức mình và không ngừng phấn đấu.
Tôi không có ý định giải thích, phân bua giãi bày hay có ý định đòi hỏi, tôi phải thế này, tôi phải thế kia. Tôi nghĩ rằng cái gì cũng có giá của nó – sự thật không bao giờ thay đổi bạn ạ!
Theo Sơn Hà/Vietnamnet
Danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Tự Long có thể sẽ bị xét lại?
Việc các nghệ sĩ lớn tuổi có nhiều cống hiến bị trượt khỏi danh sách được xét tặng danh hiệu NSND năm 2015, còn NSƯT Tự Long có tên gây nhiều tranh cãi.
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, những ý kiến của công chúng sẽ là kênh tham khảo để Hội đồng cấp trên xem xét lại kỹ càng hơn.
Tự Long cũng thấy khó xử
Ngay khi kỳ họp thứ ba của 25 thành viên Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 tại Hà Nội vừa kết thúc vào sáng 9/7, trên các phương tiện truyền thông lẫn các diễn đàn xã hội đã dấy lên nhiều luồng thông tin trái chiều. Trong đó, việc các nghệ sĩ lớn tuổi có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật của nước nhà trong nhiều năm qua như NSƯT Minh Vượng, NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Út Bạch Lan... bị trượt khỏi danh sách NSND đã khiến không ít người bất ngờ. Đặc biệt, chuyện nghệ sĩ Tự Long, người vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 2012 lại có mặt trong danh sách NSND trình lên cấp Nhà nước, vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Những ý kiến trái chiều về việc Tự Long được xét danh hiệu NSND sẽ được Hội đồng cấp Nhà nước tham khảo để xem xét lại. Ảnh: TL
Nhiều người phân tích rằng, theo quy định về việc xét tặng danh hiệu NSND ban hành từ năm 2003, các nghệ sĩ phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (riêng đối với nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên) đã được tặng danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên và có ít nhất 2 giải thưởng Vàng tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế... và các hội văn học nghệ thuật Trung ương kể từ khi được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Tự Long năm nay mới 42 tuổi, so về tuổi nghề chưa đủ 20 năm hoạt động nghệ thuật liên tục. Tự Long cũng mới được Nhà nước phong tặng NSƯT từ năm 2012, tính đến nay mới chỉ được 3 năm chứ chưa đủ 5 năm. Ngoài ra, dù là diễn viên chèo nhưng Tự Long lại được biết đến nhiều với vai trò diễn viên hài qua các chương trình Táo quân, Gặp nhau cuối tuần...
Trao đổi với Tự Long vấn đề này, anh cho biết: ở thời điểm này anh không biết phải nói gì vì đang ở thời điểm nhạy cảm. Bản thân anh cũng thấy mình khó xử khi các bậc tiền bối không được xét tặng danh hiệu NSND. Tự Long cho biết, anh sẽ chia sẻ cụ thể hơn những suy nghĩ của mình sau đợt trao tặng danh hiệu NSND - NSƯT kết thúc.
Chí Trung buồn nhưng vẫn mừng cho Tự Long
NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ, anh thấy việc xét tặng các danh hiệu NSND - NSƯT vẫn còn nhiều cảm tính, kiểu "yêu thì dễ, ghét lại khó". Có những người chưa đủ tiêu chuẩn 5 năm sau khi được phong tặng NSƯT, người là nghệ sĩ trở về từ nước ngoài nhưng chỉ hoạt động với tư cách cá nhân là chính... vậy mà cũng được xét tặng NSND và NSƯT. Cá nhân anh dù xét về huy chương là đủ, xét về sức ảnh hưởng với khán giả và cống hiến với sân khấu nhà hát cũng không thua kém ai... vậy mà lại bị bỏ qua. Nhiều người khuyên anh nên gửi đơn lên Bộ trưởng, Chủ tịch nước... để xin được xem xét, nhưng anh không làm. Ngay cả việc điền hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cũng là do Nhà hát của anh tự điền rồi gửi lên chứ không phải đích thân anh tự làm.
Bày tỏ suy nghĩ về việc Tự Long được phong tặng NSND mà mình không được, NSƯT Chí Trung vui vẻ cho biết, anh rất mừng cho Tự Long vì Tự Long là một người em mà anh rất quý. Tự Long có những nét duyên dáng rất riêng trên sân khấu. "Danh hiệu không phải là miếng cơm chia cho nhiều người khiến mọi người phải đi giành giật, giằng xé, xin xỏ... mà danh hiệu là sự ghi nhận dành cho tất cả mọi người. Hỏi tôi có mừng cho Tự Long không, tôi bảo rất mừng, vì việc Long được xét tặng NSND không ảnh hưởng gì đến tôi. Còn hỏi tôi có buồn không, tôi cũng trả lời thật lòng là có. Tự Long giống như học trò đời thứ ba, thứ tư của tôi vậy mà học trò được, còn thầy thì trượt. Kiểu như người ta đến nhà mà bắt tay con, còn cha thì không. Buồn lắm", NSƯT Chí Trung tâm sự.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đồng thời là Ủy viên của Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp Nhà nước chia sẻ, việc Tự Long được nằm trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND cấp Nhà nước trước hết là do Hội đồng cấp dưới, nhất là Hội đồng Bộ Quốc phòng đưa lên. Đưa lên nhưng khi hội đồng các cấp trên xem xét thì bản thân Tự Long cũng phải đạt được các tiêu chí đã được đề ra trước đó. Trong thời gian qua, Tự Long đã đạt được một số huy chương Vàng trong các hội thi. Thứ nhất là, hội thi ở Hải Phòng với vai nhà giáo Chu Văn An trong vở chèo do NSND, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng. Với vai diễn này, Tự Long được đánh giá cao. Tiếp theo, trong cuộc liên hoan nghệ thuật lực lượng vũ trang tổ chức ở Nam Định, Tự Long cũng đã thể hiện rất thành công vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, Tự Long được đánh giá là một trong những nghệ sĩ trẻ của "làng" chèo, đóng được nhiều vai, làm chủ được sân khấu truyền thống. Trên lĩnh vực sân khấu hài, Tự Long cũng tham gia tích cực nhóm hài Xuân Bắc - Tự Long với rất nhiều vở diễn dành cho trẻ em hàng năm. Trước đó, Tự Long cũng đạt được một số thành tích trong các cuộc thi sân khấu kịch tổ chức tại Huế. Tuy nhiên, NSND Lê Tiến Thọ cũng cho rằng, những phản ánh của độc giả và báo chí sẽ là một kênh tham khảo để Hội đồng cấp Nhà nước có cơ sở xem xét.
NSND Lê Tiến Thọ cho biết: "Hội đồng càng cao sẽ có cái nhìn càng rộng hơn, so sánh sẽ kỹ càng hơn... Nhiều trường hợp cũng sẽ bị rơi rụng khi Hội đồng xem xét lại thấy chưa xứng đáng. Với những ý kiến của độc giả, của công chúng và truyền thông, tôi tin Bộ VH-TT&DL cùng với Ban thi đua khen thưởng của Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp lại để đệ trình lên Hội đồng xét duyệt trước khi trình Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu NSND - NSƯT cao quý này".
Theo Khánh Toàn/Gia Đình Xã Hội
10 điều khán giả ít biết về Tự Long Từ đời tư, vị trí chức vụ cho đến sở thích của "Long chèo" đều lần lượt được hé lộ. 1. Tự Long tên đầy đủ là Vũ Tự Long, sinh năm 1973 (năm nay 42 tuổi). Anh là nghệ sĩ hài, nghệ sĩ chèo, diễn viên điện ảnh. Khán giả biết đến anh chủ yếu qua các chương trình Gặp nhau cuối...