Tư lệnh quân đội Thái Lan sẽ lãnh đạo đất nước ít nhất 15 tháng
Chính quyền quân sự Thái Lan hôm 30.6 cho biết sẽ hoãn bầu cử ít nhất một năm để có thời gian tiến hành cải cách chính trị và bảo vệ cuộc đảo chính quân sự.
Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tư lệnh Prayuth Chan-ocha cho biết quân đội có kế hoạch cầm quyền trong 15 tháng.
Ba tháng đầu của giai đoạn này, chính quyền quân sự sẽ tập trung vào hòa giải trong bối cảnh đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc bởi các phe phái chính trị đối lập nhau. Giai đoạn hai kéo dài 1 năm sẽ tập trung vào việc thành lập nội các mới và tiến hành cải cách hiến pháp. Cuộc bầu cử chỉ có thể được tổ chức khi giai đoạn 2 hoàn thành, tướng Prayuth cho biết.
“Giai đoạn ba là một cuộc tổng tuyển cử theo một hệ thống dân chủ tuyệt đối được tất cả các bên chấp thuận. Luật pháp sẽ được hiện đại hóa để chúng ta có thể có những người tốt và trung thực lên điều hành đất nước”, ông nói thêm.
Quân đội Thái Lan đã lên cầm quyền sau cuộc đảo chính ngày 22/5 bị cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án. Ngay sau đó, tướng Prayuth đã tuyên bố bãi bỏ hiến pháp, thiết quân luật và ban hành lệnh giới nghiêm, ban hành cảnh báo cứng rắn chống lại lực lượng chống đối.
Theo Giáo Dục
Video đang HOT
Bangkok bình thường giữa lúc không bình thường
Cơn mưa rào sáng qua ở Bangkok dường như làm dịu bớt không khí nóng nực mùa hè. Cuộc sống vẫn phải chạy theo guồng quay bình thường trong lúc Thái Lan đang trải qua một giai đoạn không bình thường.
Ngày đầu tuần hôm qua, các trường học đã mở cửa trở lại, dân công sở vẫn đi làm, xe cộ vẫn chạy đông đúc trên đường trong khi lệnh giới nghiêm vào ban đêm vẫn áp đặt. Bangkok ngày thứ tư sau đảo chính hầu như không còn sự hiện diện của quân đội trên đường phố, nhưng chị Noon Sudarat, làm việc tại một đài truyền hình ở Bangkok, cho biết những ngày này mặc áo màu gì ra đường cũng phải cẩn trọng. "Mặc áo đỏ có thể bị hiểu là chống lại quân đội. Tốt nhất là nên mặc màu trắng" - chị Noon than thở.
Lực lượng quân đội đứng gác tại một khu vực có đông du khách của Bangkok. Du khách cũng tranh thủ làm vài tấm ảnh lưu niệm một thời khắc hiếm hoi - Ảnh: Việt Phương
Sống với giới nghiêm
Chị Thúy Hà, giáo viên Trường đại học Chulalongkorn (Bangkok), cho biết dường như mọi người đều đã chuẩn bị cho tình huống như thế này nên cũng không bất ngờ nhiều. Về lệnh giới nghiêm từ 22g, chị cho rằng không ảnh hưởng nhiều lắm với bản thân mình vì bình thường vào giờ đó chị cũng phải về nhà. "Chỉ có điều trước đây tôi thường đi siêu thị vào buổi tối cho vắng, thì bây giờ phải tranh thủ mua hàng trước khi nơi này đóng cửa lúc 20g" - chị Thúy Hà kể.
Với nghệ sĩ kịch Pradit Prasartthong, lệnh giới nghiêm cũng gây trắc trở. Ăn vội đĩa cơm ở quán ven đường để chuẩn bị vào sân khấu tập dượt, anh thở dài: "Tình hình cũng khiến công việc của chúng tôi bị đảo lộn. Các vở diễn bị hủy. Có vở phải chuyển giờ diễn. Ngay cả vở kịch chúng tôi đang tập đây cũng phải dời giờ tập".
Anh Pradit tham gia tập kịch tại một sân khấu gần công viên Lumpini lúc 17g và mọi việc phải kết thúc sớm để mọi người có thể trở về nhà trước giờ giới nghiêm. Đêm thứ bảy tuần trước vở diễn bị lố giờ, anh rất lo lắng và khó khăn lắm mới đón được một taxi.
Một nhân viên văn phòng tên Proudmanee Sangsri tỏ ra khá bình thản khi nói với Tuổi Trẻ: "Cuộc sống của chúng tôi vẫn bình thường thôi. Ít ra tôi không gặp thêm sự bất tiện nào so với thời gian sáu tháng vừa qua khi cả hai phe biểu tình đổ ra đường". Trong hơn nửa năm qua, các cuộc biểu tình đôi khi làm tê liệt giao thông thủ đô, trong đó có thể kể đến chiến dịch "Đóng cửa Bangkok" của lực lượng chống chính phủ.
Anh Watchara Kongphalanon, một nhân viên công sở, nói: "Trước lúc đảo chính, thỉnh thoảng người ta lại nghe những tin xấu phát đi từ khu vực biểu tình, nhưng giờ thì Bangkok yên bình và ổn định. Quân đội đã kiểm soát tình hình nên mọi chuyện sẽ tốt hơn trước. Cuộc sống hơi bất tiện chút nhưng chỉ cần cố sắp xếp để về nhà sớm thôi".
Bầu cử phụ thuộc vào diễn biến tình hình
Sáng qua, lãnh đạo cuộc đảo chính, tổng tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha đã chính thức nhận chiếu chỉ hoàng gia bổ nhiệm ông làm người đứng đầu cơ quan quân quản. Chiếu chỉ này bổ nhiệm ông Prayuth làm chủ tịch Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia (NCPO).
Người biểu tình tiếp tục phản đối đảo chính trước hàng rào quân đội tại tượng đài Chiến thắng chiều 26-5 - Ảnh: Trần Phương
Tướng Prayuth cho biết NCPO sẽ vận hành đất nước để lập lại trật tự và hòa bình, tăng cường thực thi luật pháp. Ông nói Thái Lan đã đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng trong chín năm qua và trong sáu tháng gần đây người dân đã chịu đựng bạo lực. "Đã đến lúc trả lại niềm hạnh phúc và xây dựng ổn định đất nước ở mọi miền" - ông phát biểu.
Cùng ngày, ông Prayuth cũng tuyên bố sẽ lập ra thủ tướng lâm thời và một nội các. Tuy nhiên, ông không nói thời gian cụ thể cho việc chỉ định thủ tướng lâm thời mới và từ chối nói việc ông có làm thủ tướng luôn không. Ông không nói khi nào sẽ có bầu cử vì điều này phụ thuộc vào diễn biến tình hình.
Lệnh giới nghiêm vẫn được áp dụng nhưng những ai có nhu cầu đi lại ban đêm có thể thông báo với chính quyền. Các trạm cung cấp xăng và khí đốt phục vụ giao thông vận tải vẫn có thể hoạt động vào ban đêm. Quân đội cũng thông báo đã bắt giữ 11 người đứng đầu các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở trung tâm Bangkok trong hai ngày 24 và 25-5.
Biểu tình tự phát ở tượng đài Chiến thắng vẫn diễn ra chiều qua với 300-400 người tham gia, bất chấp việc quân đội dọa sẽ đưa những ai vi phạm ra tòa án binh. Tuy nhiên họ cũng nhanh chóng giải tán vào khoảng 18g.
Trong khi đó, tối 25-5, NCPO đã ký lệnh thả cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Nhiều người ra trình diện quân đội sau đảo chính cũng đã được thả. Các lãnh đạo biểu tình chống chính phủ khi xưa thuộc Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), trong đó có ông Suthep Thaugsuban, cũng đã được thả ra sáng qua.
Bangkok kém thú vị về đêm
Tại một khách sạn ngay trung tâm Bangkok, nhân viên phục vụ nói với Tuổi Trẻ rằng nhiều khách đã hủy đặt phòng. "Lẽ ra mùa này khách phải đông lắm. Năm ngoái, khách Việt Nam và cả Trung Quốc, Hong Kong đến khách sạn này rất đông".
Chị Đinh Thị Thùy Dung, một người Việt làm việc tại Công ty Hanjin Shipping ở Singapore, có dịp ghé Bangkok chơi cuối tuần qua lại nói mọi chuyện không thật sự đáng lo như chị hình dung trước khi sang Thái Lan. "Lệnh giới nghiêm ban đêm không làm tôi cảm thấy bất tiện, nhưng rõ là chuyến đi của tôi đã mất đi sự thú vị vì không thể khám phá Bangkok về đêm" - chị Dung cho biết.
Trong khi đó anh Peter, một khách du lịch từ Pháp, cho biết anh và bạn đến Thái Lan trùng với thời điểm ban hành luật giới nghiêm nên hầu như không thể đến các điểm giải trí về đêm như quán bar như lần đến Thái Lan hồi năm ngoái. "Cũng khá chán vì ăn tối xong phải ở trong khách sạn từ 9g tối. Hi vọng lệnh giới nghiêm chấm dứt trước khi tôi trở về vào thứ tư này" - anh bày tỏ. Một số khách du lịch cho biết lệnh giới nghiêm cũng bất tiện nhưng họ vẫn có thể đi mua sắm vào ban ngày.
Theo quan sát của Tuổi Trẻ, tại một số khu dân cư trong các ngõ hẻm, sát giờ giới nghiêm, hàng quán vẫn mở cửa đông đúc, các tiệm bán hàng tiện lợi 7-11 vẫn mở cửa sáng đèn.
Theo Tuổi Trẻ
Mỹ tuyên bố đình chỉ viện trợ quân sự cho Thái Lan sau đảo chính Ngày 23-5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này đã quyết định đình chỉ khoảng tiền 3,5 triệu USD viện trợ quân sự cho Thái Lan sau cuộc đảo chính quân sự hôm 22-5. Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố, nước này đang cân nhắc phần viện trợ...