Từ không chiến Việt Nam – Hoa Kỳ đến hòa giải và hợp tác phát triển
Chiều 3/10, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình gặp mặt, giao lưu giữa các cựu phi công Việt Nam – Hoa Kỳ.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh phòng không – Không quân phát biểu tại buổi gặp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tham dự có Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng đoàn cựu phi công Việt Nam; ông Charlie Tutt, Trưởng đoàn cựu phi công Hoa Kỳ; đại diện Quân chủng Phòng không – Không quân ( Bộ Quốc phòng Việt Nam), các cựu phi công Hoa Kỳ và Việt Nam từng tham chiến.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết: Đây là lần gặp mặt chính thức lần thứ ba giữa các cựu phi công Việt Nam – Hoa Kỳ. Lần gặp mặt đầu tiên vào ngày 13/4/2010 tại Hà Nội. Lần thứ hai vào tháng 9/2017 tại San Diago, bang California, Hoa Kỳ.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhấn mạnh, cuộc gặp mặt lần này không chỉ dừng lại ở việc làm sáng tỏ một số thắc mắc vẫn theo đuổi mỗi phi công sau các trận không chiến cách đây gần nửa thế kỷ, mà còn thể hiện sự mong muốn góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước tương xứng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, gác lại quá khứ – hướng tới tương lai, xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện, với mục tiêu “Từ không chiến đến hòa giải và hợp tác phát triển” và lan tỏa tư tưởng này trong khuôn khổ ngoại giao nhân dân. Nội dung này không chỉ có ý nghĩa với các cựu chiến binh mà còn là xu thế tất yếu trong mối quan hệ đang ngày càng phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Video đang HOT
Các đại biểu tham dự buổi gặp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cuộc gặp mặt có sự tham gia của nhiều cựu phi công Việt Nam và Hoa Kỳ từng tham chiến, diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đã bước sang trang mới theo hướng hợp tác toàn diện. Các cựu phi công có mặt lần này đã từng đụng độ nhau trên bầu trời Việt Nam hơn 40 năm trước, có người từng bắn rơi máy bay đối phương, có người từng bị đối phương bắn rơi. Tại cuộc gặp mặt, các cựu phi công đã cùng trao đổi, chia sẻ những trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống mới của nhau.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho rằng, có thể coi những cuộc giao lưu, gặp mặt giữa cựu phi công Việt Nam và cựu phi công Hoa Kỳ từng tham chiến là những cuộc gặp mặt lịch sử, mang ý nghĩa nhân văn.
Trong lịch sử, không quân Hoa Kỳ đã từng tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai và các cuộc chiến tranh cục bộ sau này trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các phi công của nhiều nước như Đức, Italy, Nhật…từng là đối thủ, sau này là đồng minh của Hoa Kỳ, song gần như không có cuộc gặp gỡ nào diễn ra giữa phi công của các nước này ở quy mô như cuộc gặp gỡ của cựu phi công Việt Nam – Hoa Kỳ.
Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, ông Charlie Tutt, Trưởng đoàn cựu phi công Hoa Kỳ khẳng định, sau những cuộc gặp mặt, giao lưu, cựu phi công Việt Nam và Hoa Kỳ đánh giá cao về nhau, tin tưởng và trân trọng nhau hơn.
Mỗi cuộc gặp gỡ năm sau số lượng các cựu phi công Việt Nam và Hoa Kỳ quan tâm đến sự kiện và có mặt càng đông hơn, chứng tỏ ý nghĩa của các cuộc gặp gỡ và góp phần minh chứng cho sự phát triển tốt đẹp, toàn diện giữa quan hệ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
Hiền Hạnh
Theo TTXVN
Máy soi trị giá 200.000 USD tại Nội Bài được sử dụng như thế nào?
Máy soi vận hành nhằm ngăn chặn từ xa khả năng vận chuyển bất hợp pháp các vật liệu nguy hiểm, thông qua đó ngăn chặn hoạt động khủng bố, buôn lậu.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài vận hành máy soi. Ảnh: N.Linh
Trong khuôn khổ Chương trình Kiểm soát xuất khẩu, Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho Tổng cục Hải quan một máy soi nhằm tăng cường năng lực giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hệ thống máy soi trị giá 200.000 USD đã chính thức được Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội tiếp nhận và vận hành tại khu vực kho hàng của sân bay quốc tế Nội Bài ngày 24/9.
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan Hà Nội là đơn vị được Tổng cục Hải quan giao trực tiếp quản lý và sử dụng máy soi. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Trần Quốc Định cho biết, hệ thống máy soi hiện đại có thể soi chiếu từ trên xuống, từ ngang sang, cho phép công chức soi chiếu xác định được chi tiết hàng hóa bên trong kiện hàng, nhận biết được hàng cấm như: Ma túy, hàng vi phạm bản quyền mà không cần phải mở hàng hóa ra.
Tính ưu việt của hệ thống máy soi mới là có khả năng soi chiếu hàng hóa quá khổ (kiện hành lý lớn).
Chia sẻ về cơ chế vận hành máy soi này, ông Định cho biết, song song việc bàn giao máy soi, phía Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ Việt Nam khóa đào tạo phân tích hình ảnh máy soi để đảm bảo phát hiện hàng hóa cấm, hàng hóa nguy hiểm.
Về lựa chọn những hàng hóa để soi chiếu, ông Định cho biết, "Không phải tất cả hàng hóa đều phải đưa qua máy soi, như vậy sẽ làm chậm thông quan. Yếu tố quan trọng lựa chọn dựa trên phân tích thông tin trước khi hàng đến".
Hải quan Hà Nội đã xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin trước khi hàng đến (emanifest). Theo đó các chuyến bay trước khi đến sân bay quốc tế Nội Bài ba tiếng (chuyến dài) và nửa tiếng (chuyến bay ngắn) là phải cung cấp thông tin emanifest.
Phòng Quản lý rủi ro (Cục Hải quan Hà Nội) sẽ phân tích để chỉ ra hàng hóa có nguy cơ tiềm ẩn để yêu cầu kho hàng đưa hàng vào soi chiếu, hệ thống này kết nối trực tiếp giữa Hải quan và kho hàng, nếu không có vấn đề gì thì hàng hóa được thông quan ngay.
Ngoài ra, để đảm bảo việc vận hành máy soi đúng quy định, cơ quan Hải quan sẽ có quy chế về việc vận hành, bảo trì để hệ thống trang thiết bị hiện đại được sử dụng hiệu quả nhất, đảm bảo công tác quản lý hải quan cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN.
N.Linh
Theo baohaiquan
TT Donald Trump: Chúng tôi sẽ không quên tiếng nói của Chủ tịch Trần Đại Quang cho một Việt Nam đầy tự hào và độc lập trên trường quốc tế "Tôi cám ơn ông về cam kết của cá nhân ông nhằm làm sâu sắc thêm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam", điện chia buồn của Tổng thống Donald Trump có đoạn viết. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước CHXCN Việt Nam Trần Đại Quang trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2017 của ông...