Từ hôm nay (10/4), xử phạt phụ huynh, học sinh không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông
Học sinh Hà Nội không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường sẽ bị hạ hạnh kiểm phê bình trước lớp, toàn trường. Nếu tái phạm nhiều lần có thể bị buộc thôi học 1 tuần. Thủ trưởng đơn vị có học sinh vi phạm phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở GD-ĐT.
Sau 3 ngày tiến hành nhắc nhở, tăng cường ý thức phụ huynh, học sinh, bắt đầu từ 10/4, cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội sẽ đồng loạt xử lý phụ huynh, học sinh không đội mũ bảo hiểm (MBH).
Trao đổi với Dân trí chiều 9/4, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống bày tỏ sự trăn trở trước con số mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị tai nạn giao thông, trong đó quá nửa không đội MBH.
“Phạt học sinh vi phạm không phải để tăng một cái phí nào cả mà ở đây tất cả đều tập trung vào đảm bảo sự an toàn tính mạng cho các con. Việc cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, truyền thông, các bậc cha mẹ học sinh, cơ quan đoàn thể địa phương và cơ quan chức năng cùng quyết tâm vào làm việc này là hoàn toàn đúng đắn, rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn được nữa” – Phó giám đốc Nguyễn Hiệp Thống nói.
Cũng theo ông Thống, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ về việc xử phạt đối với hành vi không đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Sau này Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ việc trẻ từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH.
Ngay từ năm học 2012-2013, ngành Giáo dục Hà Nội đã ký quy chế phối hợp số 20 giữa giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, giám đốc Công an TP Hà Nội, giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Bí thư Thành đoàn về việc phối hợp giáo dục pháp luật, an toàn giao thông giai đoạn 2013-2018 trong đó có nội dung yêu cầu học sinh khi tham gia giao thông phải đội MBH.
Từ khi thực hiện đến nay thì tỉ lệ học sinh đội MBH theo thống kê của một số tổ chức khách quan làm (chẳng hạn như tổ chức Quỹ Phòng chống thương vong châu Á) đã trên 70-80%. Hầu hết các bậc cha mẹ phụ huynh đã thực hiện tốt việc đội MBH cho con em mình.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá: Hiện nay ở Hà Nội số trẻ ở độ tuổi yêu cầu phải đội mũ bảo hiểm khoảng 1,1-1,2 triệu em/1,6 triệu học sinh (trừ hơn 400.000 trẻ học ở bậc mầm non). Thực tế khi ta đi ngoài đường vẫn còn nhìn thấy học sinh, phụ huynh không đội MBH thì chúng ta phải tiếp tục giáo dục tuyên truyền. Nhưng chỉ cần trong tổng số hơn 1 triệu học sinh mà có 1% không thực hiện thì chúng ta đã có 10.000 học sinh Hà Nội vi phạm.
“Chúng tôi rất tha thiết mong các bậc cha mẹ phụ huynh đồng hành với ngành Giáo dục Hà Nội. Tại sao có những phụ huynh trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm, kính mắt, áo chống nắng… cho mình mà để con đầu trần? Khi ngã xe, phụ huynh có thể chống chân, đỡ tay để giảm thiểu va đập, nhưng con trẻ thì sao? Nếu không có mũ bảo hiểm, con có thể bị va đập vùng đầu dẫn đến thương tích cao. Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ vừa đảm bảo an toàn tính mạng mà còn giúp học sinh có ý thức chấp hành luật pháp. Đây là việc làm nhân văn, cần thực hiện” – ông Thống bày tỏ.
Video đang HOT
Xử lý nghiêm học sinh vi phạm, quy trách nhiệm cho trường
Thực hiện nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm, ông Thống cho biết, ngày 15/1/2013, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 240/KH-SGD&ĐT trong đó có quy định rất rõ việc xử lý cán bộ giáo viên, học sinh vi phạm. Gần đây, ngày 1/4/2015, Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản 4945 nhắc lại.
Trong các văn bản này quy định rất rõ trách nhiệm của các nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, đặc biệt là nội dung ký cam kết. Các bậc cha mẹ học sinh phải ký cam kết với nhà trường về việc con em mình khi tham gia giao thông.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với các đơn vị trường học để xảy ra mất an ninh chính trị, trật tự an toàn trường học; để xảy ra tình trạng cán bộ, giáo viên, HS-SV vi phạm pháp luật – không có biện xử lý kịp thời; không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Đối cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên thì căn cứ mức độ lỗi vi phạm và số lần vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật công chức hiện hành và quy định của ngành.
Học sinh vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm sẽ bị hạ hạnh kiểm.
Riêng đối với học sinh sinh viên nếu vi phạm lần 1: Hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lôi; Phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2: Hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ; Trả về gia đình giáo dục trong 03 ngày để tự kiểm điểm; thông báo tới địa phương nơi cư trú.
Đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần: Xếp loại hạnh kiểm yếu; Cảnh cáo trước toàn trường; ghi học bạ; Buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
“Một nhà trường, một đơn vị, tập thể mà để học sinh điềm nhiên vi phạm pháp luật thì phải hạ đánh giá thi đua. Càng gắn trách nhiệm thì nhà trường sẽ phải quyết tâm để thực hiện. Việc làm này là khó khăn, nhưng không thể không thực hiện” – Phó giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
Ông Thống cũng cho rằng, việc học sinh vi phạm quy định đội MBH dù ở đâu thì cũng có phần trách nhiệm của nhà trường bởi việc tuyên truyền, giáo dục chưa ngấm vào học sinh nên dẫn đến vi phạm pháp luật, phối hợp chưa tốt với gia đình, chưa phát huy được Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc ráo riết nhắc nhở…
Ý thức của phụ huynh, học sinh là yếu tố quan trọng để thực hiện tốt quy định đội MBH, nhà trường không thể theo chân các em được. Có thể khi đến trường thì các em đội MBH, còn ra khỏi trường có thể treo mà không đội. Nếu cứ quy trách nhiệm cho các trường thì có tạo sức ép hay không?
Trước câu hỏi này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội bày tỏ: “Vì câu chuyện này mà cơ quan chức năng mới phối hợp để xử phạt hành chính. Nếu chỉ có trách nhiệm của nhà trường thì không phải, nhà trường phải làm nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, tổ chức ký cam kết. Nếu học sinh đi xe đạp điện không đội MBH thì mời phụ huynh để nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng cam kết”.
Các trường tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở Sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn số 4945 yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho học sinh, các trường ở địa bàn thành phố Hà Nội đều tiến hành yêu cầu phụ huynh ký cam kết lần hai trong việc thực hiện (đầu năm học các trường đều đã yêu cầu phụ huynh ký cam kết). Bên cạnh đó, thành lập các đội sao đỏ tự kiểm tra, nhắc nhở học sinh, cha mẹ học sinh khi đưa đón con vi phạm quy định tại cổng trường đầu giờ học. Cô Nguyễn Thị Thuận – Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng cho biết: Sau khi tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cùng với sự hoạt động không biết mệt mỏi của đội sao đỏ thì hiện nay học sinh, phụ huynh của trường đã ý thức được việc đội MBH. Tuy nhiên việc này có được duy trì liên tục hay không phụ thuộc vào rất lớn ý thức của phụ huynh và học sinh. Còn ở trường tiểu học Hoàng Diệu, ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở cũng như sử dụng đội cờ đỏ, Ban giám hiệu còn gắn trách nhiệm đối với từng giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên có trách nhiệm giám sát học sinh, phụ huynh để phát hiện vi phạm và nhắc nhở. Giải pháp tối ưu mà nhà trường đưa ra đó là sử dụng sổ liên lạc điện tử để nhắc nhở những phụ huynh vi phạm và đề nghị chấp hành đúng bản cam kết mà đã ký.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Cha mẹ "quên" bảo vệ con!
Quy định buộc phụ huynh phải đội mũ bảo hiểm cho con em khi đi xe máy có hiệu lực từ ngày 1/4, nhưng đến hôm nay 8/4, nhiều phụ huynh vẫn ngơ ngác "không biết có quy định này".
Chị Hương có con đang học ở trường tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội) tỏ ra khá ngạc nhiên khi được hỏi về quy định mới. "Chị bận công việc nên ít khi có thời gian đọc báo đài, nên không nắm rõ những quy định mới, cũng không thấy mọi người xung quanh bàn tán mấy", chị phân trần.
Bên cạnh đó có nhiều phụ huynh dù biết nhưng vẫn không đội mũ cho con em mình vì... chưa thấy bị phạt. Có người còn cho rằng quy định ra rồi "để đấy" thôi nên vẫn chần chừ chưa mua mũ cho con.
Các cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sớm nhập các loại mũ trẻ em về "đón" quy định mới song sức mua không mấy tăng. Anh Tú, chủ một cửa hàng mũ bảo hiểm trên đường Cầu Giấy cho biết: "Dù có quy định mới nhưng lượng người mua mũ cũng không tăng, đa phần phụ huynh vẫn còn đang nghe ngóng xem quy định mới này được thực hiện đến đâu".
Ghi nhận tại các cổng trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô, có một thực tế là cha mẹ, ông bà thì đội mũ bảo hiểm đầy đủ nhưng trẻ nhỏ thường đầu trần hoặc chỉ đội mũ vải. Thực tế này cho thấy các bậc phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của chiếc mũ bảo hiểm trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ khi tham giao giao thông.
Bên cạnh đó, hiện tượng học sinh THCS, THPT đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm cũng rất phổ biến trên đường.
Một vài hình ảnh PV Dân trí ghi nhận sáng nay:
"Quên" đội mũ bảo vệ trẻ nhỏ.
Xe đạp điện đầu trần là chuyện thường!
Bên cạnh đó, có những bậc ông bà, cha mẹ giúp con tuân thủ quy định và biết tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông.
Tại các cửa hàng bán MBH, mặt hàng mũ cho trẻ nhỏ chưa đông khách.
Gia Chính
Theo Dantri
Xử phạt hành vi không đội MBH cho trẻ em đi xe máy, xe đạp điện Tư 10/4, Cảnh sát giao thông trên toàn quốc sẽ đồng loạt tiến hành xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe gắn máy, xe đạp điện. Sáng 6/4, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông bắt đầu thực hiện kế hoạch hành động quốc gia đội mũ bảo...