Từ giã “phu trầm” và con đường gian nan trở thành nông dân triệu đô
Dắt chúng tôi đi giữa bát ngát vườn tiêu, nông dân Trần Lộc kể lại quãng đời lập nghiệp đầy gian truân để thành “nông dân triệu đô” hôm nay. Ông bảo: “Dù giàu bao nhiêu, tài sản nhiều bao nhiêu tôi cũng không bao giờ quên những ngày lấy nghề phu trầm làm kế sinh nhai. Đó là dấu ấn theo suốt cuộc đời tôi”.
Đời phu trầm không chỉ là tiền đề để có được tài sản triệu đô ngày hôm nay, mà còn hình thành trong ông bản tính chịu khó, cần cù vượt qua mọi trở ngại khó khăn trong cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Những ngày phu trầm đầy nguy hiểm
Trước lúc làm phu trầm, chàng thanh niên Trần Lộc (SN 1966) là một quân nhân phục vụ tại chiến trường Lào. Năm 1987, anh xuất ngũ trở về quê Thừa Thiên – Huế lập gia đình và sống với những mảnh ruộng lúa mà mất mùa nhiều hơn được mùa.
Và rồi những chuyến băng rừng theo trai làng đi tìm trầm cứ triền miên, hầu hết những cánh rừng Quảng Nam đều ghi dấu chân Trần Lộc. Những cám dỗ từ trầm cũng mang lại hiểm nguy khôn lường, đói khổ chỉ là chuyện thường, có những trai làng ra đi mãi mãi không về.
“Nhiều lúc hành trang trên vai cạn kiệt, tiền trong túi không còn, tôi và những phu trầm khác phải lần mò giữa rừng sâu, múc nước suối uống, hái rau rừng ăn. Đi có khi hàng tháng trời trong thiếu thốn và đói khát như thế, nhưng lắm lúc trở về vẫn tay trắng. Chuyến phu trầm đầu tiên trở về với thân xác bơ phờ, mệt mỏi, vợ con nhìn xót thương bảo: Đừng đi nữa… Nhưng nghề trầm lạ lắm, đã mang vào thân thì khó dứt ra được” – ông nói về những ám ảnh của nghề.
Nông dân Trần Lộc giữa bát ngát vườn tiêu, nơi cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng /năm. ảnh: Hồ Văn
Quần nát những cánh rừng đại ngàn của Quảng Nam, mà thu nhập mang lại cũng chỉ đủ trang trải cho gia đình. Tích lũy không được là bao nên năm 1994, Trần Lộc quyết định một chuyến đi xa, tới những cánh rừng cung đường 7 của Nghệ An, nơi được cho là nhiều trầm, cũng là nơi mà nhiều phu trầm mãi mãi bỏ xác lại.
7 tháng mùa trầm đó, đế giày của ông mòn theo những cánh rừng Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và qua cả đất Lào. Muỗi rừng, vắt rừng, rắn độc và cả những trận sốt rét thừa chết thiếu sống luôn đồng hành cùng những phu trầm.
Trần Lộc kể: “Những chuyến đi ở rừng Nghệ An thường phải có người địa phương dẫn đường và mang theo súng. Sợ nhất là gặp mẽo (hay còn gọi là phỉ), chưa thấy bóng người họ đã bắn. Có những lần nghe tiếng súng vọng lại từ xa, vài hôm sau biết tin nhiều bạn trầm mất tích. Có những chuyến gặp phỉ chạy tán loạn, lạc cả tuần mới tìm thấy nhau. Đó là chưa kể, những đoàn phu trầm giết nhau, cướp bóc của nhau… vì cám dỗ từ trầm”.
Video đang HOT
Nếm trải gian nan, mạng sống nguy hiểm từng ngày theo những chuyến săn trầm nên Trần Lộc quyết định giã từ nghề phu trầm, tìm kế sinh nhai khác. Cơ hội đến trong một lần có người cậu ruột từ Xuyên Mộc về thăm quê khuyên Trần Lộc vào cùng ông lập nghiệp. “Nghe cậu tôi bảo ở đó có nhiều đất, dễ làm ăn nếu cần cù chịu khó nên tôi quyết định đưa gia đình theo cậu vào Nam”- ông Lộc quyết định.
Tích tiểu thành đại
Năm 1995, Trần Lộc và vợ con đặt chân vào xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lập nghiệp.
Với hơn hai cây vàng có được từ nghề phu trầm, Trần Lộc quyết định mua 8 sào đất để trồng cà phê. Trồng được ba mùa, ông quyết định phá bỏ cà phê trồng tiêu vì như ông cho biết “thị trường tiêu được giá và ổn định hơn cà phê”. “Hồi đó, vừa làm vườn nhà, tôi vừa tranh thủ đi làm mướn khi có người thuê. Tiền bán tiêu từng mùa, cộng với tiền thu nhập làm mướn, tôi mua thêm đất mở rộng vườn nhà. “Cứ tích tiểu thành đại, đến năm 2007, tôi đã có 15ha đất. Ngoài trồng tiêu, tôi còn trồng thêm điều, khoai mì, cao su, tràm…”- ông Lộc cho biết.
Để giảm chi phí, tăng thu nhập, nông dân Trần Lộc tự mua ống cao su, van phun nước… mày mò chế tạo hệ thống béc phun tự động để tưới cây. Ông cũng tự mua các chế phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi để chế phân hữu cơ vi sinh bón cho các vườn cây. Từ một nông dân chưa qua học hành, tự mày mò để trở thành một kỹ sư “chân đất” nên chỉ một mình ông cùng vợ và 3 con có thể chăm sóc cả 15ha vườn cây của nhà. Nhờ đó, chi phí giảm, thu nhập tăng mà chất lượng nông sản của ông cũng được các thương lái yên tâm thu mua với giá cao.
Cần cù, chịu khó và không ngừng học hỏi các kỹ thuật trong nông nghiệp nên mùa nào ông cũng bội thu từ các vườn tiêu, vườn điều, cao su và khoai mì. Nhẩm tính với chúng tôi, nông dân Trần Lộc cho biết: “Với 6ha tiêu, mỗi năm cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng; 6ha điều cho thu nhập 200 triệu đồng/năm; vườn cao su 60 triệu đồng/năm… đó là chưa kể vườn tràm đang tuổi lớn chưa thu hoạch”.
Ngoài thu nhập khủng đó, ông Lộc tiết lộ, theo giá thị trường hiện nay, 15ha đất “nếu bán” sẽ có giá khoảng 20 tỷ đồng chưa kể tài sản trên đất. Trò chuyện với ông, chúng tôi chia sẻ: “Với tài sản và thu nhập đó, bây giờ ông đã là đại gia nông dân, nông dân triệu đô rồi”. Ông cười cho biết: “Với nông dân chúng tôi, đất đai là tài sản quý giá như máu, cho dù giàu thế nào cũng không thể bán. Tâm nguyện của tôi là vẫn tiếp tục làm nông, làm giàu bằng chính sức lao động của mình, đó cũng là cách để các con tôi nhìn vào noi theo”.
Niềm tự hào từ những người con
Cần cù, chịu khó vươn lên làm giàu, nông dân Trần Lộc đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý như: Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2005-2009; Đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2010, 2011-2015 và nay là danh hiệu Nông dân xuất sắc năm 2017…
Trở thành “nông dân triệu đô”, nhưng ông Lộc không bao giờ quên những người nông dân nghèo quanh mình. Theo Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, ông Lộc đã hào phóng giúp đỡ ba hộ dân trong xã vay 80 triệu đồng không lãi để làm vốn sản xuất. Thuê lao động làm công với lương 10 triệu đồng/tháng, mỗi mùa thu hoạch ông tạo việc làm cho 60 lao động nhàn rỗi với 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, ông thường xuyên đóng góp cho Quỹ khuyến học địa phương, ủng hộ Quỹ vì người nghèo mỗi năm không dưới 30 triệu đồng.
Từ những đóng góp cho cộng đồng, ông được tín nhiệm làm giám đốc HTX Lộc Sinh – nơi quy tụ 25 xã viên nông dân để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau trong công việc. Ông cho biết, HTX sẽ tiến tới việc tìm đầu ra và làm thương hiệu cho chính nông sản của mình.
Nhưng như ông tâm sự, tài sản giàu có bây giờ chưa hẳn là cái ông vui, mà tự hào nhất là các con đang trên đường thành đạt. “Con trai đầu của tôi không may bị di chứng của bệnh động kinh, không theo học thành tài. Hai đứa em của nó thì đứa em gái đang là sinh viên Đại học Y TP.HCM, em trai đang theo học Đại học Y tại Cần Thơ. Các con là tài sản quý giá của vợ chồng tôi, tài sản triệu đô cũng không sánh bằng” – ông Lộc vui sướng khi nói về các con. /.
Theo Danviet
"Phù thủy" có biệt tài biến hoa tươi thành hoa bất tử
Tôi không hề biết đến ông, không hẹn trước, chỉ tình cờ lạc vào vườn nhà ông để rồi bị thuyết phục hoàn toàn trước câu chuyện về hành trình đi tìm sự bất tử cho hoa của ông. Ông là Nguyễn Công Hóa ở làng hoa Vạn Thành (Đà Lạt, Lâm Đồng), nghệ nhân ướp hoa tươi thành công đầu tiên ở Việt Nam.
Cuộc thử nghiệm thất bại
Xuất thân từ vùng đất Bình Định, nên không khó hiểu khi ông là võ sư của môn phái Vovinam. Nhưng từ võ sư đến nghệ nhân hoa thì quả thực nghĩ mãi tôi cũng không tìm thấy mối liên hệ nào. Mặc cho tôi im lặng với vô vàn câu hỏi hoài nghi của mình, ông rót chén trà nóng mời tôi rồi lẳng lặng vào nhà mang ra vô số hộp hoa hồng với đủ loại màu sắc, đoạn ông mới trầm ngâm nói: "Để có được những sắc màu tinh tế và đa dạng này, tôi đã mất tới 7 năm rưỡi mày mò, tự nghiên cứu. Nếu không phải là người kiên trì, chắc chắn tôi không thể theo đuổi được ước mơ này".
Ông Hóa hướng dẫn khách mua cách cắm và bảo quản hoa tươi ướp. Ảnh: Tố Loan
Cuối năm 2011, ông Nguyễn Công Hóa còn có một đột phá khác khi nghiên cứu thành công kỹ thuật đột biến sắc tố hoa hồng, tác động làm biến đổi màu hoa ngay cả khi hoa đang trồng trong vườn với quy trình chỉ trong 4 ngày. Khách hàng chỉ cần vào vườn chọn những cành hoa ưng ý rồi cho biết màu ưa thích, 4 ngày sau ông sẽ cung cấp hoa đúng yêu cầu. Không chỉ vậy, ông Hóa cũng đã nghiên cứu ướp tươi thành công 1 bông hoa có 2, 3 màu sắc khác nhau và hiện đang nghiên cứu quy trình ướp tươi hoa nhưng không can thiệp màu mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên của hoa.
Ông Hóa lên Đà Lạt năm 1977, lúc đó ông cũng bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề trồng hoa. Như bao nông dân khác, ông cũng trải qua vất vả, hứng chịu trọn vẹn mọi rủi ro của nghề này. "Những năm được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, không biết bao lần tôi cay đắng nhìn những nhành hoa mình nâng niu chăm bẵm bị trả giá rẻ mạt mà vẫn phải chấp nhận bán. Tôi thấy nông dân cực quá, thương mình, thương anh em cùng nghề mà không biết phải làm sao" - ông Hóa kể lại.
Năm 2000, một người bạn ở Pháp về thăm và kể cho ông nghe chuyện bên đó họ ướp hoa tươi lâu, bền màu, giá thành cao hơn hoa tươi rất nhiều. "Lúc đó, tôi không nghĩ đến chuyện làm giàu, chỉ mong mình cũng làm được điều đó để công sức của mình cũng như bao nông dân khác được đền đáp xứng đáng. Tôi ngỏ ý đề nghị bạn gửi về cho tôi 1 bông". Sau 1 tháng, cầm bông hoa hồng tươi bạn gửi về, ông vừa thích thú, vừa tò mò. Ông mang bông hoa đi hỏi các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước nhưng không ai biết, ông lên mạng tìm hiểu cũng không tự trả lời được những thắc mắc của mình. Đánh liều, ông lên chợ Kim Biên (Sài Gòn) mua đủ loại hóa chất về thử nghiệm. Nhưng bao lần nhúng tay là bấy nhiêu lần bỏ đi. Cứ như thế, qua bao ngày tháng thất bại, tiền bạc và hoa cứ theo nhau xuống sông xuống bể, điều duy nhất ở lại với ông là lòng kiên trì, sự nhẫn nại.
Trời không phụ lòng người. Ông dần tìm hiểu được những hóa chất để dành ướp hoa, nhưng éo le là tất cả đều bán ở nước ngoài, ông lại nhờ bạn bè mua gửi về. Có hóa chất trong tay nhưng không có công thức pha chế, thứ "tiên dược" đắt đỏ ấy cuối cùng cũng cạn dần theo những lần thất bại. Khi ấy, nợ của ông đã lên tới con số kỷ lục lúc bấy giờ: 200 triệu đồng. Đến năm 2003, sau vô số lần pha chế và thử nghiệm, 1 bông hoa của ông tươi tắn tới 20 ngày. "Lúc đó, tôi mừng không kể xiết, nghĩ là thành công tới rồi. Tôi mang hoa khoe bạn bè, ai cũng gật gù, rồi họ lại đồng ý cho tôi vay thêm 50 triệu đồng" - ông kể.
Ông mang tất cả vốn liếng có được mua thuốc, pha chế, rồi ướp 3.000 bông hoa. Nhưng dường như thành công vẫn đang muốn chơi trò đuổi bắt với ông. Chưa đầy 1 tháng sau, 3.000 bông hoa của ông hỏng sạch.
Thất bại nhiều lần đến mức ông không còn cảm giác buồn hay thất vọng nữa, chỉ biết tiếp tục đổ tiền mua thuốc, ngắt hoa, thử nghiệm... Nhưng đến cuối năm 2005, ông cho ra lò 200 bông hồng ướp, để được tới 8 tháng. "Đến lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm" - ông nhớ lại.
Ướp hoa nhưng vẫn giữ nguyên sắc màu
Cầm trên tay hộp hoa hồng nhỏ xinh được xuất sang thị trường Nhật Bản, tôi không thể giấu giếm sự "tính toán" của mình. Tôi hỏi: "Chú ơi, hộp quà nhỏ xíu này mà có giá trăm ngàn thì mắc quá"? Ông Hóa cười: "Cô biết để ướp được một lứa hoa cần bao nhiêu ngày không?". Rồi ông tự trả lời: 18 ngày và 8 loại thuốc khác nhau. Tất cả các loại thuốc ướp đều phải nhập từ nước ngoài, chưa kể hoa hồng nguyên liệu. Hoa phải chọn đúng lúc hé nụ tầm xuân, đang độ đẹp nhất thì cắt bông, 100 bông mới chọn được 25-30 bông đủ tiêu chuẩn về độ đồng đều, chất lượng. Lựa hoa xong lại phải qua khâu tẩy sạch thuốc bảo vệ thực vật trên hoa, nếu không làm sạch hoặc chỉ sai sót trong tỷ lệ pha chế 1-2% thôi cũng đủ để bỏ đi cả lứa.
Đến lúc này, thay vì thích thú và tò mò, tôi chuyển sang khâm phục ông hoàn toàn, nhất là khi ông kể thêm câu chuyện về hành trình hoàn thiện công nghệ ướp hoa của mình. Đó là 1 năm sau khi có thành quả ban đầu, ông nhận ra phải qua các khâu tẩy, nhuộm, sấy nên cấu trúc và tế bào bị phá vỡ khiến hoa mau hư hơn vì khô cứng, dễ vỡ. Ông lại mày mò nghiên cứu và bỏ công đi học nghề nhuộm hết 6 tháng trời để biết công thức pha màu. Cuối cùng, ông tìm ra quy trình ướp tươi giúp hoa được mềm mại hơn. Lúc này ông mới tạm hài lòng.
Không chỉ hoa hồng, ông còn tìm ra quy trình ướp cho nhiều loại hoa khác như cẩm chướng, bibi, cẩm tú cầu, salem, cúc, đồng tiền... Hoa có thể được xử lý với hàng chục màu khác nhau. Sản phẩm hoa tươi ướp của ông Hóa đã có mặt trên khắp thị trường trong nước, xuất sang cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Dubai, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Singapore...
Bằng hoa tươi ướp, ông Hóa còn sáng tạo ra cả ngàn bức tranh hoa lớn nhỏ, giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 20 triệu đồng/bức. Dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2010, hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Hóa cùng với 3 họa sĩ, nghệ nhân khác đã mất hơn 3 tháng trời để cho ra đời một bức tranh hoa tươi ướp lớn kỷ lục với kích thước 2,4 x 1,75m, gồm 1.000 đóa hồng tươi ướp, kinh phí làm bức tranh lên đến 100 triệu đồng.
Mọi người gọi ông là "phù thủy", còn ông tự nhận mình là nông dân - một nhà nông chân chính yêu công việc, khát khao làm giàu và sống trọn vẹn với đam mê của mình. Câu nói mà ông ưa thích là: "Hãy làm những việc bình thường với lòng say mê công việc phi thường".
40 triệu đồng cho giải nhất Giải báo chí toàn quốc Tự hào NDVN Ngày 13.3.2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2016-2017 và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức thực hiện. Theo Thể lệ đã được công bố, giải báo chí lần này có nhiều giải thưởng hấp dẫn với giải nhất lên đến 40 triệu đồng. Các tác giả có tác phẩm dự thi, xin vui lòng gửi về địa chỉ: Báo Nông thôn Ngày nay, lô E2 khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ e-mail: lehan8780@gmail.com hoặc hoivatamnong@gmail.com. Chi tiết Thể lệ xin vui lòng xem trực tiếp trên Báo điện tử Dân Việt tại địa chỉ: http://danviet.vn/nha-nong/the-le-giai-bao-chi-toan-quoc-tu-hao-nong-dan-viet-nam-2016-2017-752801.html
Theo Danviet