‘Tụ điểm mại dâm đặt camera theo dõi đoàn kiểm tra’
Bên cạnh sự tinh vi của các tụ điểm mại dâm, theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, các đoàn kiểm tra còn gặp khó khăn do sự thiếu nhiệt tình của chính quyền địa phương.
- Ông đánh giá thế nào về thực trạng nạn mại dâm tại thành phố?
- Tôi khẳng định tệ nạn này đang trở nên bức xúc và có chiều hướng xấu. Thành phố tiếp nhận, không phải du khách nào cũng qua Việt Nam để tham quan, ngắm cảnh… mà có một phần là để thỏa mãn nhu cầu tình dục bởi số tiền họ bỏ ra để mua dâm ở TP HCM vẫn rẻ hơn các nước khác. Thực tế, những kẻ xấu trong nước cấu kết với những du khách này xây dựng các cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình “nhạy cảm”, đặc biệt là khu vực đường Ngô Văn Năm (quận 1). Khách đến đây chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc… khách Việt tới đều bị mời ra ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM. Ảnh: Tá Lâm.
Bên cạnh đó, gần đây một bộ phận công nhân là người nhập cư thất nghiệp đã bị kẻ xấu đã lợi dụng, lôi kéo vào quán cà phê đèn mờ, hớt tóc thanh nữ, mát xa ôm… để kích dục cho khách.
Video đang HOT
Từ đầu năm 2011 đến nay, TP HCM đã chỉ đạo rất ráo riết truy quét tệ nạn mại dâm nhưng do gặp nhiều khó khăn nên kết quả vẫn “bắt cóc bỏ dĩa”. Hy vọng, trong thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ có những sửa đổi Pháp lệnh phòng chống mại dâm sẽ giúp cho công tác này “dễ thở” hơn.
- Cụ thể TP HCM đã gặp những khó khăn gì?
- Khó khăn lớn nhất là sự đối phó tinh vi của tội phạm mại dâm. Thậm chí chúng có thể đặt camera ở gốc cây nào đó cách cơ sở kinh doanh cả trăm thước để theo dõi chúng tôi đi kiểm tra. Do đó các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhảy cảm” đủ thời gian để xóa dấu vết kích dục, mại dâm khi Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội thành phố đến.
Cái khó thứ hai là sự thiếu nhiệt tình hợp tác của một số địa phương, làm khó thủ tục. Đến khi giải quyết xong việc này thì điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm “ngửi thấy hơi”, kịp thời xóa hết dấu vết. Đến kiểm tra cũng như không, chỉ phạt mấy lỗi nhỏ như là âm thanh ánh sáng, không ký hợp đồng lao động, kinh doanh không đúng ngành nghề…
Tiếp nữa là pháp luật chưa quy định xử phạt mại dâm đồng giới và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa các cấp thành phố với các quận huyện chưa chặt chẽ. Ví dụ, một cơ sở kinh doanh dịch vụ massage trá hình khi bị quận xử phạt, cơ sở này lên Sở Kế hoạch đầu tư đăng ký tên chủ kinh doanh khác lại tiếp tục hoạt động, nhưng thực chất là chủ cũ điều hành.
Nữ nhân viên quán cà phê “ôm” đang mơn trớn khách. Ảnh: C.L.
- Trong Pháp lệnh phòng chống mại dâm hiện nay chưa có quy định xử lý mại dâm đồng tính. Sở LĐTB&XH cũng đã đề nghị sửa luật, thay đổi cụm từ “giao cấu” thành “thỏa mãn khoái lạc tình dục” để xử phạt. Ông đánh giá như thế nào về đề nghị này?
- Pháp lệnh phòng chống mại dâm ban hành năm 2003 chưa lường hết được những biến tướng phức tạp của tệ nạn này. Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội đã dẫn đến tệ nạn mại dâm đồng tính, mại dâm nam. Do đó, những người làm luật trước đây chưa tính đến khả năng này.
Năm 2003, khi xây dựng Pháp lệnh, họ xác định phải có từ “giao cấu”, tức là giữa nam và nữ có quan hệ tình dục với nhau thì mới gọi là tệ nạn mại dâm. Nhưng bây giờ, nam với nam họ quan hệ tình dục giống như nam với nữ thì đành chịu. Nếu kiến nghị của Sở LĐTB&XH được chấp thuận thì sẽ giúp cho cơ quan chức năng có thêm công cụ để điều chỉnh các hành vi vi phạm này trên địa bàn TP HCM. Chắc chắn sẽ góp phần kéo giảm tệ nạn mại dâm.
- Theo kết quả nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến nhiều cô gái bước vào nghề mại dâm là do thu nhập cao (nữ là 10,6 triệu và nam là 6,55 triệu). Ông nghĩ gì về kết quả nghiên cứu của Bộ LĐTB&XH này?
- Đó là một kết luận đúng. Có cô gái hành nghề mại dâm còn nói, họ đi một đêm bằng một công nhân làm trong một tháng. Nhưng theo tôi, quan trọng ở chỗ suy nghĩ, ý thức của mỗi người. Nếu chúng ta nhìn lại, những người làm nghề này vì họ muốn nhàn rỗi nhưng có thu nhập cao và họ bất kể danh dự cá nhân, danh dự gia đình.
UBND xã Tân Xuân (huyện Hóc Môn, TP HCM) treo biển cảnh báo tệ nạn mại dâm trên quốc lộ 22. Ảnh: Tá Lâm.
Qua đây, tôi cũng muốn phê phán bộ phim “Hoa nắng” vừa qua đã gây bức xúc cho xã hội. Đây là bộ phim kích thích sự ăn chơi, lối sống trụy lạc, phần nào đó sẽ lôi kéo những cô gái lao vào con đường tệ nạn mại dâm.
- Trong kế hoạch phòng chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011-2015 vừa được UBND TP HCM ban hành có khẳng định, trong 5 năm tới sẽ chuyển hóa cơ bản 54 phường, xã đang nhức nhối tệ nạn mại dâm. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của kế hoạch này?
- Nếu luật pháp được hoàn chỉnh hơn, sự quyết liệt đồng bộ từ thành phố đến các quận huyện và phường xã thì TP HCM sẽ cơ bản xóa được tệ nạn mại dâm như trong kế hoạch của UBND thành phố. “Cơ bản” tức là địa bàn đó không còn người hoạt động mại dâm tại địa bàn đó nữa chứ không thể kiểm soát được người mại dâm từ các tỉnh khác đến.
Theo VNExpress