Từ đâu lại có ‘Việt trạm dừng’, ‘Hiền sân bay’?
“ Hiền sân bay” là biệt danh mà cư dân mạng dùng khi nhắc đến nữ Đại úy Lê Thị Hiền (công an quận Đống Đa, Hà Nội), người đã đại náo sân bay Tân Sơn Nhất cách đây ba tháng.
Tương tự, “ Việt trạm dừng”, tức Thượng úy Nguyễn Xô Việt ( công an thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên), người có hành động ném xúc xích và tát vào mặt nhân viên trạm dừng nghỉ hôm 10-11.
Cả hai cán bộ công an nêu trên được dư luận chỉ mặt đặt tên bởi cùng có những hành vi kém văn minh, thiếu chuẩn mực, nếu không muốn nói là thiếu văn hóa nơi công cộng, làm nhiều người choáng bởi những hành vi ấy vượt quá ngưỡng của những hành xử bình thường. Trong khi họ đều là những cán bộ công an – một đại diện của bộ mặt công quyền và thuộc diện những người có ăn có học, được xã hội tôn trọng bởi nghề nghiệp của chính họ.
Dễ dàng nhận thấy hai vụ việc có nhiều điểm chung: Người có hành vi phản cảm là cán bộ công an, nơi xảy ra vụ việc là nơi công cộng và trước mặt trẻ em (chính là con của hai cán bộ trên), thời điểm xảy ra vụ việc là ngoài giờ thi hành công vụ, hành vi phản cảm là xúc phạm người khác, thách thức, ngông nghênh, thậm chí động tay động chân đánh người. Thêm một điểm chung nữa là tất cả đều được quay lại bằng camera giám sát nên… hết đường chối!
Chính vì có những điểm chung như thế nên dễ hiểu là vụ anh Việt làm người ta nhớ ngay đến vụ bà Hiền trước đó với những bình luận tương đồng: Không chấp nhận những con người bạo lực, có hành xử coi thường thiên hạ như thế đứng trong hàng ngũ công an nhân dân (CAND).
Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác một tháng đối với Thượng úy Nguyễn Xô Việt, cán bộ Công an thị xã Phổ Yên.
Vấn đề cần mổ xẻ là tại sao họ, những người công tác trong một ngành rất đặc thù, đại diện cho pháp luật, thay mặt Nhà nước thực thi pháp luật, lại có những hành xử giẫm lên những chuẩn mực ứng xử nơi công cộng và pháp luật như vậy? Phải chăng đó xuất phát từ kiểu suy nghĩ mình là số một, ta là cán bộ nắm quyền lực trong tay, hay từ lý do nào khác, không loại trừ cả lý do từ vị trí nghề nghiệp? Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh xử lý tình huống của người cán bộ CAND ở những người này được thực hiện thế nào mà khi xảy ra chuyện, người thì sấn sổ “mày đánh tao đi”, người thì ném đồ, xông tới tát vào mặt người khác…?
Ngành công an là một ngành luôn có những tiếp xúc, va chạm với người dân, cho nên việc giữ gìn hình ảnh đặc biệt quan trọng. Việc giữ gìn hình ảnh ấy không chỉ khi anh đang mặc trên người sắc phục công an, thi hành nhiệm vụ mà còn ngay cả trong đời thường.
Chính vì lẽ đó mà năm 2017, bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư 27 quy định về quy tắc ứng xử của CAND, trong đó có phần ứng xử nơi công cộng. Nhưng rất rõ ràng là hành vi của Thượng úy Nguyễn Xô Việt hay Đại úy Lê Thị Hiền đã trở thành một vết mực đen bôi lên hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ CAND mà toàn ngành công an đang dày công xây dựng. Để tẩy đi vết mực đen ấy, cần phải xử nghiêm để làm răn cho những trường hợp khác. Và với những trường hợp đã rõ như thế, quy trình xử lý cần phải nhanh. Có như thế mới thể hiện rõ được quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của ngành.
THANH HOA
Theo PLO
Video đang HOT
Uy tín và 2 sỹ quan hành xử vô văn hoá, côn đồ : Ngành công an chọn bên nào?
Đến lúc ngành công an phải lựa chọn giữa uy tín của ngành hay nhẹ tay với 2 sỹ quan công an hành xử vô văn hóa, côn đồ.
Ngày 11/8, Đại úy Lê Thị Hiền bay từ TP.HCM về Hà Nội. Sau khi gửi 4 kiện hành lý đủ tiêu chuẩn miễn cước, nữ công an yêu cầu cho gửi thêm 1 vali 8 kg. Tuy nhiên, nhân viên làm thủ tục từ chối, đề nghị bà Hiền xách tay.
Khi yêu cầu vô lý của mình không được thỏa mãn, Đại úy Lê Thị Hiền liền lên tiếng chửi bới, thóa mạ nhân viên làm thủ tục tại sân bay.
Đại úy Lê Thị Hiền gây rối tại sân bay.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) từng chia sẻ trên truyền thông rằng, thái độ, hành vi của Đại úy Lê Thị Hiền không thể chấp nhận được và có thể cho ra khỏi ngành.
Thế nhưng, Đại úy Lê Thị Hiền chỉ bị lập biên bản xử phạt 200.000 đồng về hành vi gây mất trật tự, bị cấm bay 12 tháng. Tiếp đến, Công an Hà Nội ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với nữ đại úy để xem xét hình phạt thích hợp.
Tuy nhiên, theo thông tin tại cuộc họp báo của Chính phủ diễn ra chiều 5/11, tức là gần 2 tháng sau vụ "đại náo" ở sân bay, quyết định xử phạt Đại úy Lê Thị Hiền vẫn chỉ đang nằm ở quá trình "dự kiến".
Khi vụ việc của Đại úy Lê Thị Hiền chưa kịp lắng xuống, ngày 11/11, dư luận lại bức xúc khi trên mạng xã hội lan truyền video ghi lại cảnh Thượng úy Nguyễn Việt Xô - cán bộ Công an Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) lao vào đánh nhân viên bán hàng, ném xúc xích vào mặt thu ngân tại một trạm dừng nghỉ.
Lý do khiến Thượng úy Nguyễn Việt Xô hành động như trên là vì con trai anh tự ý lấy xúc xích ăn liền mang đi mà chưa thanh toán tiền và bị nhân viên cửa hàng nhắc nhở.
Là Thượng úy công an mà ông Nguyễn Việt Xô lại ngang nhiên có hành động xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác.
Là người hiểu rõ pháp luật và bảo vệ pháp luật, vậy mà Thượng úy Nguyễn Việt Xô lại ngang nhiên vị phạm pháp luật.
Hành động vô văn hoá, chợ búa, vi phạm pháp luật của Thượng úy Nguyễn Việt Xô khiến công chúng hết sức phẫn nộ. Công an Thái Nguyên lập tức đưa ra quyết định tạm đình chỉ đối với Thượng úy Nguyễn Việt Xô.
Tuy nhiên, qua vụ việc Đại úy Lê Thị Hiền trước đó, họ có quyền đặt câu hỏi: Liệu những người vi phạm pháp luật này có được xử lý một cách nghiêm minh?
Hình ảnh Thượng úy Nguyễn Việt Xô đánh nhân viên bán hàng tại một trạm nghỉ.
Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng úy Nguyễn Việt Xô Là là cán bộ công an, chắc chắn họ được học một cách rất kỹ lưỡng và đầy đủ 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề và 10 điều kỷ luật đối với Công an nhân dân.
Một trong những điều đầu tiên của họ khi bước chân vào ngành công an có lẽ là trịnh trọng đưa ra lời thề: Kính trọng, lễ phép với nhân dân, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Họ cũng biết 1 trong 10 điều kỷ luật của lực lượng công an nhân dân là: Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện, có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật, không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân.
Thế nhưng, hành động của họ đi ngược hoàn toàn với những lời dạy của Bác Hồ, những lời thề mà họ từng trịnh trọng tuyên bố. Họ ngạo mạn, coi thường người dân. Họ tự cho mình những đặc quyền đặc lợi được đứng trên người khác.
Hành động của họ không chỉ vi phạm đạo đức của người chiến sỹ công an nhân dân mà còn vi phạm pháp luật.
Những người làm thủ tục ở sân bay hay nhân viên bán hàng ở trạm nghỉ đều hành động theo đúng quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của họ. Họ không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật. Lẽ ra, họ phải được bảo vệ.
Ấy thế mà những người nắm rõ pháp luật, đang bảo vệ và thực thi pháp luật lại chính là những người vi phạm pháp luật.
Với chức vụ đang mang trên mình, họ lẽ ra hơn ai hết phải là người tuân thủ pháp luật nhất, phải bảo vệ người dân nhưng họ lại dựa vào đó, cho mình cái quyền làm trái lại pháp luật, vi phạm đạo đức.
Hơn thế nữa, họ ngang nhiên thực hiện những hành động vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức đấy ở nơi công cộng. Ngay trước sự chứng kiến của hàng trăm con người. Họ tự cho mình cái quyền đứng trên người khác, hay họ nghĩ, khi trút bỏ bộ quân phục, họ không còn nghĩa vụ phải đúng phận sự của mình?
Đáng nói hơn, Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng úy Nguyễn Việt Xô còn thực hiện những hành động vi phạm pháp luật ấy ngay trước mặt những đứa con nhỏ của mình.
Những hành động phản cảm, vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức của những chiến sĩ công an nhân dân thường xuyên diễn ra như vậy có khiến lãnh đạo ngành suy nghĩ?
Đại úy Lê Thị Hiền sẽ dạy gì cho con sau những hành động náo loạn của mình?
Thượng úy Nguyễn Việt Xô khi thấy con mình hành động sai (lấy đồ mà không chịu trả tiền) lẽ ra phải cúi đầu xin lỗi người bán hàng và dạy dỗ con tử tế nhưng anh ta lại còn hành hung những người bán hàng.
Anh ta ngang nhiên khuyến khích con trai mình đi vào con đường vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Anh ta hành động như một kẻ cướp, kẻ côn đồ chứ không phải là một người đứng trong hàng ngũ công an nhân dân.
Vụ việc của Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng úy Nguyễn Việt Xô đương nhiên chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".
Đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng có lẽ, đến lúc lực lượng công an nên thẳng thắn nhìn vào những thiếu sót trong việc công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo và xử lý cán bộ vi phạm.
Những hành động phản cảm, vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức của những chiến sĩ công an nhân dân thường xuyên diễn ra như vậy có khiến lãnh đạo ngành suy nghĩ?
Khi nói về những trường hợp như của bà Hiền, ông Xô, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phải chua xót thốt lên: "Nó như một thứ u nhọt phải cắt, đừng để dây dưa hay xử lý nội bộ".
Dư luận mong mỏi, lực lượng công an phải xử lý mạnh mẽ và dứt điểm sự việc. Có như thế, lực lượng công an mới lấy lại được uy tín và niềm tin trong người dân.
Còn nếu như lực lượng công an tiếp tục bao che, hoặc nương tay với hai trường hợp này, niềm tin của người dân sẽ bị lung lay.
MỘC LAN
Theo vtc.vn
Chưa kỷ luật đại úy Lê Thị Hiền: Vài hôm nữa... "Công an thành phố Hà Nội cần xử lý rốt ráo, nghiêm khắc đối với vi phạm của đại úy Lê Thị Hiền" Công an quận Đống Đa đã gửi đề xuất kỷ luật, giáng cấp bậc đối với đại úy Lê Thị Hiền từ ngày 23/8, đồng thời đình chỉ công tác 1 tháng để kiểm điểm, làm rõ sự việc. Tuy...