Tứ đại đặc sản “thối, hôi, ghê, gớm” ở Mường La
Huyện Mường La (Sơn La) vốn nổi tiếng với những “kỳ hoa dị thảo”, nhưng đến Mường La mà chưa được thưởng thức “kỳ quặc món” thì coi như chưa biết về Mường La.
“Kỳ quặc món” là tên gọi tắt của 4 món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái mạn Mường La. Đó là: Thịt thối, bọ xít rừng, nòng nọc và chuột núi. 4 món ăn này không đơn thuần chỉ là sự thể hiện cho văn hoá vùng miền mà còn thể hiện đẳng cấp của gia chủ. Khách quý đến, gia chủ mới kỳ công làm 4 món ăn này để thết đãi. Tuy nhiên, với khách lạ thì “kỳ quặc món” thực sự là những món ăn kinh hoàng để đời.
Nhất thối
Có thể xác định cái “lõi” của tứ đại đặc sản Mường La từ xưa tới nay chỉ có được ở Ngọc Chiến và Hua Trai. Nhưng các già làng trưởng bản ở Hua Trai xua tay bảo rằng, trước kia thì Hua Trai là nhất về những món ăn dân tộc lẫn những thảo dược hầm nhừ với thức ăn. Nhưng rồi, cũng giống như bản sắc dân tộc bị mai một nên Hua Trai dần mất đi tứ đại đặc sản, chỉ còn Ngọc Chiến vẫn giữ nguyên.
Vượt qua những con đèo dốc khúc lên xuống, hết ù tai đến mờ mắt chúng tôi mới đến được Ngọc Chiến. Con suối Nậm Chiến đoạn ứ nước thì xanh rì màu lá, đoạn thác chảy thì trắng xoá như làn tóc mây ầm ầm đổ thác vượt gềnh. Ông Trưởng bản Khua Vai tên là Quàng Văn Toàn chèo lái con thuyền độc mộc trên suối Nậm Chiến vớt rêu về đổi món.
Món thịt thối.
Ông Toàn bảo, món rêu này mang về để trộn với thịt thối thì ngon phải biết. Trong bữa ăn tối, thịt thối đúng là thối thật! Khi ông Toàn đem bát thịt ấy ra, khách lạ ai cũng bịt mũi kêu oai oái. Ông Toàn và những người bản địa cười ha hả bảo: “Nó giống sầu riêng, ngửi thối chứ ăn thì tuyệt ngon”. Chúng tôi lấy hết can đảm gói miếng thịt thối vào giữa lá sung, bịt mũi và nhai. Quả thật, mùi thối tự nhiên không còn, vị bùi và ngọt toả lan đầu lưỡi.
Ông Toàn cho hay: “Trong tứ đại đặc sản của người dân tộc Thái ở Mường La, món thịt thối được đặt lên ngôi vị hàng đầu. Chế biến món ăn này vừa tốn công lại mất thời gian hơn tất cả các món khác”.
Quả thực, như lời ông Toàn thì lợn hoặc bò sau khi được xẻ thịt sẽ chọn những phần ngon nhất đem phơi nắng. Qua một vài nắng, miếng thịt tự nhiên khô lại, thịt tiếp tục được tẩm với nước của một loại rau thơm cho ngấm vào bên trong sau đó đem bỏ vào chum và rắc lên đó một ít muối.
Thịt được ủ kín, vì không được ướp với nhiều muối nên thịt sẽ phân huỷ, phần thịt ngon bị chín bởi ánh nắng sẽ không tan mà đóng cục. Khi ủ thịt được khoảng 10 ngày, người ta mở ra và cho vào đó một ít thảo dược. Nếu có khách quý, món thịt thối sẽ được lấy ra nấu chín cùng rêu suối, cơm nguội và ăn kèm với lá sung.
Video đang HOT
Bọ xít rừng là món ăn rất bổ dưỡng.
Nhì hôi
Món ăn thứ hai cũng rùng rợn mùi không kém so với thịt thối, đó là bọ xít. Nghe việc ăn bọ xít, người nào đã từng ăn thì chép miệng bảo bình thường. Tuy nhiên, đây không phải là món bọ xít thông thường mà là bọ xít rừng. Ông Toàn cho hay: “Bọ xít rừng hôi hơn nhiều so với bọ xít nhà. Bọ xít rừng cũng hiếm hơn nên giá cả đắt đỏ nhưng ăn lại ngon và bổ hơn. Bọ xít rừng còn có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau”.
Nghe ông Toàn kể, để có được một đĩa bọ xít rừng, ông phải đặt hàng mấy thanh niên trong bản vào sâu trong lõi rừng lùng sục. Bọ xít rừng không giống bọ xít nhà, chúng không sống trên những cây nhãn khi cây đơm hoa mà sống rải rác ở khắp nơi, thậm chí chúng “làm tổ” ngay trong những hốc đá. Vì thế, tìm được chúng đã khó, bắt được chúng còn khó hơn và giá bọ xít rừng thuộc loại cao, khoảng 400.000đ/kg.
Bọ xít rừng được chế biến rất đơn giản, ngâm qua nước gạo đã pha ớt để khử bớt mùi hôi. Sau đó đảo đều trên chảo lửa cùng lá chanh. Tuy vậy, mùi của bọ xít rừng vẫn rất hôi, nên người ta phải ăn kèm với một loại lá thơm đặc trưng của vùng Mường La là “húng đá”. Ông Toàn cho hay: “Bọ xít rừng có thể chữa bệnh dạ dày và chảy máu dạ dày, đồng thời chữa được viêm họng và thúc đẩy tiêu hoá rất công hiệu”.
Thịt “ếch sữa” không lột da.
Tam ghê
Món thứ 3 được ông Toàn giới thiệu là “nòng nọc” trông ghê gớm không kém những món khác. Trong bát canh có đủ loại rau rừng, những con ếch vừa mới sinh ra 4 chân co quắp ôm chặt cọng rau hay nhánh măng ngọt. Đây là loại ếch con hay còn gọi là ếch sữa nên thịt và mùi vị khá tanh, không thơm ngon như ếch đồng.
Hơn nữa, món “nòng nọc” không được lột da nên đối với người lạ khi chạm tới món ăn này đã là một thử thách “nổi da gà”. Tuy nhiên, theo những người dân tộc Thái bản địa thì món “nòng nọc” là sạch sẽ và nhiều dinh dưỡng nhất. Vì thế, phụ nữ Thái sau khi sinh thường được tẩm bổ bằng món “nòng nọc” này.
Chuột núi được giữ lại lá gan để đồ xôi.
Tứ gớm
Đây là món cuối cùng trong tứ đại đặc sản của “kỳ quặc món” ở Mường La, món ăn được chế biến từ thịt của chuột núi. Thịt chuột núi không được chế biến như chuột đồng mà người miền xuôi hay làm. Ông Quàng Văn Toàn sau khi thui chuột trên than hồng cho da chuột vàng rộm, mới đem dao mổ bỏ phần ruột, chỉ giữ lại lá gan.
Sau đó, những gia vị cần thiết được chế biến rất tỉ mỉ từ rau mùi, rau răm, thảo dược, đậu xanh… được giã nhuyễn và nhồi vào phía trong con chuột giống như đầu bếp nhồi thịt vào trong quả mướp đắng.
Chuột được thui một lần nữa cho ra mỡ, sau đó mới đưa vào một nồi đất để đồ xôi, và người dân tộc Thái gọi đó là “xôi chuột”. Món xôi này cũng giống như xôi chim, tuy có phần lạ nhưng rất ngon và không đem lại cảm giác ngấy.
Ông Quàng Văn Toàn cho biết: “Trong một bữa tiệc tiếp đãi khách quý mà thiếu một trong tứ đại đặc sản của “kỳ quặc món” thì coi như chủ nhà có lỗi. Còn nếu khách vì bất kỳ lý do gì mà từ chối không ăn thì cũng coi như đã phụ lòng gia chủ. Tuy nhiên, cho đến nay ở xã Ngọc Chiến này, không còn nhiều gia đình giữ được nét văn hoá độc đáo ấy nữa.
“Kỳ quặc món” không chỉ thể hiện là văn hoá vật chất mà còn là nét văn hoá tinh thần của người dân bản địa chúng tôi. Việc chế biến những món ăn cầu kỳ này cũng thể hiện cho sự khéo léo, tài tình và một phong cách ẩm thực tinh tế của người dân tộc Thái ở Ngọc Chiến”.
Theo vietbao
Đau lòng "bản chờ chồng" vì ma túy
Cuối ngày, khi hoàng hôn gọi mặt trời xuống núi, màn đêm dần bao phủ lên bản Pú Cang xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chủ nhân của những ngôi nhà lục tục từ trên nương rẫy trở về, nhưng không thấy bóng dáng đàn ông mà chỉ toàn phụ nữ.
Các chị sau hàng chục giờ lao động trên nương, về nhà lại tiếp tục bắt tay vào những công việc gia đình cho đến tận nửa đêm... Sự khắc khổ, buồn bã hiện rõ trên từng khuôn mặt phụ nữ người Mông. Cả bản không nghe thấy một tiếng cười. Không khí hoang vắng, ảm đạm ngự trị trong các ngôi nhà...
Già làng Sùng A Chinh, Bản Pú Cang, xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải kể lại: Ngày trước bản này cũng đông vui lắm, nhưng từ khi ma túy về bản, bọn đàn ông, thanh niên đã không nghe theo lời người già nên rủ nhau chơi bời nghiện ngập, buôn bán ma túy. Giờ nhiều người bị bắt đi tù rồi, ở đây hầu hết chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em. Bản bây giờ nghèo lắm, chính vì vậy mà nhiều người còn gọi Pú Cang là "Bản chờ chồng"
Ở cái bản này, chịu cơ cực nhất có lẽ là chị Giàng Thì Pàng... Hơn 5 năm nay, ngày nào cũng vậy, chị Pàng một mình lên nương rẫy rồi trở về nhà với những công việc quen thuộc. Chồng lĩnh án tù vì tội buôn bán ma túy nên mọi công việc trong gia đình một mình chị phải gánh vác. Cuộc sống hàng ngày thiếu thốn, nhưng khổ nhất là lũ trẻ không được đi học và thiếu sự dạy dỗ, che chở của người cha... Lời tâm sự của chị Pàng xen lẫn những giọt nước mắt: Từ năm 2007 đến nay chồng mình bị bắt đi tù vì mua bán ma túy, 4 mẹ con sống khổ lắm, gà lợn không có ai trông bị bắt trộm hết. Ngày trước có ít gỗ để làm nhà mới, giờ cũng phải bán hết để cho các con ăn rồi...
Còn chị Mùa Thị Cha thuộc diện nghèo nhất bản cũng là một phụ nữ phải sống trong hiu quạnh chờ chồng cải tạo trong trại giam vì buôn bán ma túy từ năm 2004. Túp lều của 2 mẹ con không có lấy một vật gì đáng giá, khi trời mưa nước hắt đầy nhà nhưng cũng không có ai sửa giúp, cảnh thiếu đói thì diễn ra quanh năm. Chị Cha cũng chỉ mong muốn chồng mình cải tạo tốt để sớm trở về cùng làm ăn cho các con đỡ khổ... Đây chỉ là hai trong số hàng chục người phụ nữ Mông đang chờ chồng mãn hạn tù về với gia đình, về với bản...
Tại bản Pú Cang, việc sửa chữa nhà đáng ra của cánh đàn ông, nhưng ở đây chị em phụ nữ phải trèo lên cả nóc và trần nhà, một việc có thể coi là cấm kỵ đối với phụ nữ người Mông... Cũng ở Pú Cang, dễ dàng bắt gặp cảnh chị em phụ nữ làm những công việc nặng nhọc nhất... Còn trẻ con trong bản thì hầu hết không được tới trường... Có thể thấy hệ lụy từ ma túy đã dẫn tới tình trạng nghèo đói, bệnh tật và thất học ở nơi đây
Do nằm giáp ranh với xã Ngọc Chiến huyện Mường La (Sơn La) nên nhiều năm nay Pú Cang đã trở thành cái rốn ma túy không riêng của xã Nậm Khắt mà còn của cả huyện Mù Cang Chải. Hiện cả bản có hơn 10 trường hợp đang cải tạo trong trại giam chỉ vì ma túy. Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, bản Pú Cang có gần 30 trường hợp nghiện ma túy.
Điều đáng nói, trong 98 hộ của bản Pú Cang, có tới 89 hộ nghèo và thiếu đói từ 5 đến 6 tháng trong năm. Nhiều gia đình cả vợ và chồng bị bắt vì ma túy, bỏ lại đàn con không nơi nương tựa. Cảnh con không cha, vợ không chồng đã không còn là chuyện lạ ở nơi này. Hiện cả bản chỉ có khoảng 30% là thanh niên, còn lại là phụ nữ, người già và trẻ em...cũng chỉ vì ma túy
Ông Chang Thế Sửu, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt lo lắng: Không riêng gì Pú Cang mà hiện nay các bản Làng Sang và Páo Khắt của xã Nậm Khắt, mỗi bản cũng có trên chục trường hợp đi tù vì ma túy. Tệ nạn ma túy đã làm cho cuộc sống người dân nơi đây mãi trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu. Và người chịu thiệt thòi nhất chính là chị em phụ nữ người dân tộc khi phải một mình gánh trên vai mọi lo toan cuộc sống.
Hiện nay, xã Nậm Khắt đang được đầu tư xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 32 sang huyện Mường La (tỉnh Sơn La). Đây là thời cơ để Nậm Khắt hội nhập và phát triển song cũng là điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động...Nếu không sớm có những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy thì có lẽ xã Nậm Khắt sẽ ngày càng xuất hiện thêm nhiều "bản chờ chồng" như ở Pú Cang này...
Theo Dantri
HN: Lại xuất hiện bọ xít hút máu người Đang chuẩn bị đi ngủ, anh Hoàng bất ngờ phát hiện một con bọ xít, vòi chích dài, cứng và nhọn đang bám ngay trên đùi trái mình. Lo sợ, anh Hoàng đã đập chết con bọ xít thì thấy xuất hiện nhiều máu bết ra sàn nhà giống máu người. Anh Bùi Minh Hoàng, ở ngõ 199, Hồ Tùng Mậu, huyện Từ...