Từ chức phó TGĐ để trở thành người ‘nghèo’, tôi lại ‘giàu có’ hơn
Ngày tôi từ bỏ công việc phó tổng giám đốc một tập đoàn bán lẻ, ai cũng… kinh ngạc rồi “phán”: “Dở hơi, người ta leo lên không được, đằng này…”.
Quyết định “trời ơi” ấy đến thật chớp nhoáng sau một cuộc trò chuyện với nhóc tì 13 tuổi của tôi. Hôm ấy, cô giáo chủ nhiệm gửi cho tôi tấm hình cu cậu tham gia chương trình chạy bộ gây quỹ từ thiện ở trường. Dù đã hết học kỳ I, nhưng tôi và cô giáo vẫn chỉ biết nhau theo cách rất công nghệ, qua những tin nhắn Viber như thế. “Lớp con có mấy bạn lạ quá ha!”, tôi tỏ vẻ hiểu biết, nhưng thằng bé nhìn tôi… lắc đầu: “Tụi nó học với con từ tiểu học đó mẹ. Mẹ có bao giờ đón con đâu mà biết đứa nào với đứa nào”.
Đêm đó, tôi nằm mãi không ngủ được, không hiểu mình đã làm gì với con. Cơm ngon ngày ba bữa, quần áo, giày dép hiệu, mốt mới nhất, xe hơi đưa rước đến trường, smartphone đời mới… con tôi có đủ cả. Nhưng hình như nó đâu cần những thứ đó. Rồi tôi nhớ có lần ăn bánh mẹ mua về, nó nói nho nhỏ như trách móc: “Lâu lắm rồi mẹ không làm bánh flan, sữa bắp, yaourt phô mai cho con”. Tôi nghe rồi cho qua, vì nghĩ mình bận kiếm tiền, mình có quyền… không lăn vào bếp chứ! Có lần tôi mắng suốt ngày ôm iPad, cậu trả lời: “Vậy ba mẹ có chơi với con không?”. Ừ thì… khó quá bỏ qua đi con!
Có lần con nói, con thích sống như bố mẹ ngày xưa, bố được đi câu cá với ông nội, còn mẹ suốt ngày được ông ngoại chở đi sở thú, được vô đìa bắt cá với trẻ con trong xóm; buổi sáng cả nhà cùng ăn cơm nguội với cá kho khế, thịt đông dưa chua thần thánh của bà ngoại… Tôi chỉ trả lời bâng quơ: “Mỗi thời mỗi khác chứ con”, rồi bỏ lửng mơ ước của con, vì mẹ… bận.
Ảnh minh họa.
Bao năm qua tôi miệt mài với công việc để khoán con cho người giúp việc và tài xế. Bao năm qua tôi đã làm gì để mỗi ngày trở về nhà như… cái xác khô, chỉ đủ năng lượng ôm thằng nhóc và “chúc con ngủ ngon”. Tôi đã bận gì mà bạn bè của con, tôi chưa một lần trò chuyện… Rồi sau này lớn lên, con trai tôi sẽ có gì để nhớ? Lớn lên, những ký ức nào sẽ giúp con nương tựa khi đối mặt với khó khăn? Đêm đó, những câu chuyện của hai mẹ con cứ lần lượt ùa về, và tôi bật dậy lúc nửa đêm để làm đơn xin một công việc ít áp lực và nhàn hơn.
Video đang HOT
Lương tháng sau đấy ít hơn rất nhiều, các khoản thưởng dĩ nhiên giảm không phanh, bổng lộc mất hết… Thu nhập tôi chỉ bằng một phần tám trước kia. Tôi phải ghi sổ chi tiêu để khắc phục thói quen “thích là mua” trước đó, đắn đo trước một món đồ trước đây “thích là nhích”. Và tôi biết, trong mắt nhiều người, tôi giống như kẻ thất bại.
Nhưng bây giờ, sau gần hai năm, tôi đã thấy chưa có quyết định nào sáng suốt hơn quyết định ấy. Mỗi chiều tan học, cảm giác được thằng con ngồi sau xe máy, ôm eo, tám đủ chuyện từ trường lớp đến chuyện: “Nhỏ Thảo thích con mẹ ạ, mà con thấy nó dữ quá”, đến chuyện “cô cho mỗi bạn Vinh mang điện thoại vào lớp để bạn nói chuyện với mẹ, vì cha mẹ bạn đã chia tay, tội bạn ghê á mẹ”, hay lời rủ rê đầy tốn kém “chiều nay mẹ con mình đi ăn cơm bụi đi”…
Tôi được làm bạn với con, biết con đang nghĩ gì, hiểu con đang cần gì, điều mà trước đây tôi chưa từng nghĩ là có thể khiến mình vui đến thế. Bữa cơm gia đình cũng ấm áp hơn khi tôi “đầu tư” những món ăn chồng con và cả bản thân yêu thích thay vì những món “tiện lợi” trước kia. Mẹ con tôi cũng “ city tour” liên tục, con đã biết bưu điện thành phố có ông lão chuyên viết thư giùm người khác, ngôi chùa cổ Sài Gòn mà Tổng thống Mỹ ghé thăm hay muốn đón xe buýt thì phải dò lịch trình ra sao. Có những chiều tôi chở con dọc dòng Kênh Tẻ, để con biết giữa thành phố này cũng có những phận người lênh đênh trên sông nước… – những điều mà con và chính tôi không thể cảm nhận nếu chưa trải nghiệm…
Tết đến nơi rồi, lương thưởng không đủ cho con đi Tây đi Tàu thì mẹ con tôi “city tour” tiếp. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ chơi nhiều với bố mẹ sẽ dễ thành công hơn. Nhưng hình như trong chuyện này, tôi thấy mình mới là người mẹ thành công.
Mai Thùy Văn
Theo phunuonline.com.vn
Vợ như gái 18 trên... 'phây'
Liệu tôi có nên viết vào trang của cô ấy, để ngăn bớt đám ong bướm vớ vẩn kia không?
Thưa chị Hạnh Dung,
Phụ nữ bây giờ show hình ảnh và viết "tút" hài hước, nghịch ngợm trên "phây" là bình thường, chị đừng đánh giá tôi thiếu hiểu biết ghen. Nhưng cô ấy - vợ tôi - rất quá đáng. Nàng say mê chụp hình, post lên. Ban đầu bạn bè khen ngợi, nhưng sau có cả đám đàn ông con trai đủ lứa tuổi "còm" vào, lời lẽ ngày càng sống sượng. Giờ thì cô ấy lậm rồi, hình ảnh đưa lên ngày càng như gái 18, đôi mươi - rất "ảo".
Ảnh minh họa
Khi tôi nói đó chỉ là ảo, cô ấy bảo "kệ em, sống sao có nhiều niềm vui là được, mắc mớ chi anh phê phán". Không lẽ bây giờ đời sống gia đình cứ "rút vào chuyện cá nhân" như vậy? Làm sao cho cô ấy thức tỉnh, biết những lời đường mật của đám đàn ông không quen kia chẳng giúp gì cho cuộc sống thật của cô ấy?
Liệu tôi có nên viết vào trang của cô ấy, để ngăn bớt đám ong bướm vớ vẩn kia không?
Lê Nam (TP.HCM)
Anh Lê Nam thân mến,
Chúng ta đều biết cả rồi - mà cả vợ anh cũng biết đó chỉ là nơi giao lưu và "sống ảo" - dù có thể bắt đầu từ những câu chuyện có thật. Bây giờ mọi người đều biết, phải có "văn hóa online", vì nơi đó có đủ loại người.
Thử một cuộc tranh cãi và bị "ném đá" một cách hỗn xược mà xem, ai cũng thấy đau đớn tức giận và bị tổn thương. Nhiều người hủy kết bạn, chửi thẳng cánh, nhiều người bỏ "phây" vì không chịu nổi. Cho nên, mạng là ảo nhưng tác động của nó lên đời sống tinh thần con người là có thật. Đấy là chưa nói đến những chuyện thù hận từ mạng mà hẹn nhau ra phố đánh lộn. Cho nên, Hạnh Dung nghĩ, anh nên có lời khuyên chân thành, để vợ đừng quá sung sướng vì những lời khen tặng đường mật lẳng lơ "không có gì thành sự thật".
Nhưng điều Hạnh Dung thấy đáng lo ngại hơn là cuộc sống của nhiều gia đình đang dần trở nên đơn điệu, ít dần những quan tâm, lo lắng, chăm sóc nhau của các cặp vợ chồng. Nhiều người thấy đời thật chỉ là lo toan nặng nề, ít niềm vui hoặc có được niềm vui thật sự rất khó. Trong khi đó, trên mạng nhiều chuyện phong phú hơn, "tha hồ nói chuyện, tha hồ chia sẻ, dù là không có thật". Nhiều chuyến tham quan du lịch, ta có thể thấy nhiều chị em chỉ quan tâm chọn cảnh nào hay, cảnh nào lạ, đẹp, để chụp ảnh đưa Facebook - còn quan trọng hơn là tham quan hay tắm biển, thể thao.
Niềm vui và ích lợi của mạng xã hội nói chung không thể phủ nhận, nhưng phải biết cả mặt trái của nó để tránh rủi ro. Anh nên nói chuyện, giao tiếp với vợ, tạo niềm vui cho gia đình nhiều hơn, cho vợ thấy sự an lành của gia đình cũng là một hạnh phúc phải gìn giữ và gia đình là quan trọng, đừng coi nó là nhàm chán. Anh nên nói cho vợ rõ, chuyện hôn nhân, tình cảm không phải là thứ để đùa bỡn hay giải trí; cũng không là chuyện nên phơi bày giữa chốn công cộng mà mình không thể biết nó sẽ đem lại những gì. Tuy nhiên, anh không nên xuất hiện trên trang của vợ, nếu ở đó toàn lời xưng tụng nhảm nhí, nhất là có thể khiến vợ cảm thấy tổn thương.
Hãy cố gắng làm cho cuộc sống thật của vợ chồng có nhiều niềm vui, ý nghĩa, giúp vợ có thêm hiểu biết, để không sa vào tìm kiếm và say sưa những lời dối trá rẻ tiền.
Hạnh Dung
Theo phunuonline.com.vn
Em vẫn tin, rồi một ngày ta tìm thấy nhau giữa biển người Một ngày nào đó, mình có thể tìm thấy nhau giữa bao nhiêu người ngoài kia không? Em vẫn thế, vẫn thư thả với cô đơn ngày ngày, vẫn làm bạn với những chơi vơi. Một ngày nào đó, mình có thể tìm thấy nhau giữa bao nhiêu người ngoài kia không? Em vẫn thế, vẫn thư thả với cô đơn ngày ngày,...