Từ chủ quan đến hoảng loạn
Trong tuần lễ giao dịch cuối cùng của tháng 2-2020, thị trường cổ phiếu (CP) Mỹ chứng kiến mức giảm điểm tồi tệ với hơn 3.400 tỷ USD đã bay hơi khỏi các CP trong rổ chỉ số S&P 500 của Mỹ. Nhiều thị trường châu Âu và châu Á cũng đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần trong sắc đỏ.
Các chỉ số chứng khoán CAC-40 của Pháp và DAX của Đức tiếp tục giảm tiếp hơn 4% trong ngày giao dịch cuối tuần. CP chìm trong “biển đỏ” (sea of red) là bình luận phổ biến trên các trang tin tài chính.
Chứng khoán toàn cầu lao dốc
Chỉ một tuần trước đó, nếu tôi nói với ai đó là CP sẽ rớt hơn 5% trong tuần này, người ta sẽ cười tôi. Vào ngày 20-2, chỉ gần một tuần trước, khi tôi đăng một bài cảnh báo của Goldman Sachs về khả năng thị trường sẽ điều chỉnh, có thể đến 10% khi công bố lợi nhuận quý I-2020 không đạt mục tiêu lên Facebook cá nhân, một người bạn đã vào cười “nghe lời mấy ông này thì từ 2009 tới giờ không có cái gì ăn”. Goldman Sachs không hề thấy trước đợt giảm giá mạnh như lần này, họ chỉ cảnh báo cho khả năng thị trường sẽ điều chỉnh vì lợi nhuận công ty sẽ không thể đạt mục tiêu. Nhưng đợt sụt giảm đến nhanh hơn dự đoán của họ.
Ngay trước tuần lễ giảm giá mạnh bắt đầu, Bloomberg công bố một báo cáo về số hợp đồng quyền chọn mua so với số hợp đồng quyền chọn bán S&P 500, cho thấy tình hình thị trường vẫn thiên về quyền chọn mua, và số vị thế bán S&P 500 qua quỹ ETF cũng thấp nhất trong lịch sử. Bloomberg nhận xét: thị trường kỳ vọng tăng điểm mạnh chưa từng có. Đây là những tín hiệu chỉ một ngày trước khi đợt giảm giá vào thứ sáu 21-2 của CP Mỹ bắt đầu.
CP bắt đầu giảm nhanh trong ngày thứ sáu 21-2 khi tin tức về số trường hợp lây nhiễm ngoài Trung Quốc đang bắt đầu tăng nhanh, và vào buổi chiều hôm đó giờ Anh, tôi bắt đầu bán CP ở Anh và Mỹ mà mình nắm giữ khi tôi cảm giác tốc độ giảm giá bắt đầu vượt kiểm soát. Khi báo với nhóm bạn mà tôi vẫn trao đổi tin tức thị trường cùng nhau, một người bạn đang làm ở một quỹ đầu tư ở Mỹ vẫn cười “mày nhát thế, mới chỉ là điều chỉnh thôi”. Bạn chỉ vào chỉ số Hoảng sợ và tham lam (Fear & Greed Index) trên CNBC, lúc đó chỉ khoảng 46, tức chỉ ở mức hơi hoảng sợ một chút và nói “chắc chỉ điều chỉnh thêm một chút vào ngày thứ hai, rồi mọi thứ sẽ ổn định lại thôi”.
Rất tiếc, tuần sau đó chính là tuần lễ 24 đến 28-2 mà thị trường toàn cầu chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Hoảng sợ và tham lam cuối tuần này ở mức 10 điểm, nghĩa là cực kỳ hoảng sợ (Extreme Fear). Đến lúc này, không ai biết điều gì sẽ xảy ra nữa sau khi đã có hơn 2.900 người mắc bệnh ở Hàn Quốc và gần 900 người mắc bệnh ở Ý.
Cả thế giới bàng hoàng
Những công ty công nghệ như Microsoft, Apple cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, mà cụ thể là không có đầu vào cho một khâu sản xuất trọng yếu nào đó nên số sản phẩm sản xuất ra sẽ sụt giảm. Sự sụt giảm mạnh của thị trường hàng không và du lịch toàn cầu cũng sẽ tác động đến lợi nhuận các công ty niêm yết ở Mỹ bằng nhiều cách khác nhau. Và hơn hết, người Mỹ đang sợ rằng chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ, xương sống quan trọng để người ta tin rằng kinh tế Mỹ vẫn hoạt động ổn trong mùa dịch bệnh, cũng sẽ bắt đầu đi xuống.
Sự sợ hãi đang lan rộng vì tính bất định của dịch bệnh coronavirus. Người ta bây giờ không còn biết chắc nước nào sẽ không bị dịch. Một đồng nghiệp người Hàn Quốc giải thích cho tôi biết anh bắt đầu yêu cầu vợ mình không đến các tiệm ăn châu Á. Lý do vì sao đến bây giờ anh mới hoảng sợ? Đó là vì người Hàn Quốc có thể bay đến rất nhiều quốc gia với hộ chiếu của mình. Người Trung Quốc thì không thể như thế và người Trung Quốc đã bị cách ly bởi các chính sách cứng rắn của chính quyền Trung Quốc ở nhiều thành phố. Tương tự như vậy là với những người đến từ Ý. Một đồng nghiệp người Anh của tôi lo lắng: chính quyền Ý họ không thể kiểm soát chặt chẽ như Trung Quốc. Vì vậy ông lo lắng dịch bệnh sẽ từ Ý lan ra các nước châu Âu lục địa và Anh.
Một người bạn làm chủ quán ăn châu Á của tôi bắt đầu lo lắng. Cô đi mua nước rửa tay để khắp nơi trong quán ăn. Chỉ một tuần trước đó, cô chẳng mấy quan tâm và chỉ nhắc sơ mọi người về chuyện rửa tay. Đồng nghiệp người Anh và châu Âu của tôi bắt đầu lo ngại và nghĩ tới chuyện cho con nghỉ học đã tăng lên. Nhiều người trong số họ đã hủy các chuyến đi diễn thuyết và hội thảo vào tháng 4. Tiếp đó có thể họ sẽ hủy các chuyến đi nghỉ hè của gia đình, một trong những mức chi tiêu lớn nhất trong năm của người Anh. Tôi có thể cảm nhận được rõ ràng sự hoảng loạn tăng lên một cách nhanh chóng chỉ trong một tuần. Và rõ ràng nhất là chỉ trong một ngày tôi nhận được 2email từ trường đại học liên quan đến các hướng dẫn và thông tin về dịch cúm.
Video đang HOT
Những diễn biến này cho thấy sự đình trệ của nền kinh tế đã bắt đầu ở các khu vực tưởng như ít bị ảnh hưởng bởi dịch cúm đã bắt đầu. Chỉ hơn một tuần trước, người ta nghĩ rằng những tác động này sẽ chủ yếu ở dạng tác động gián tiếp qua sự gián đoạn kênh phân phối từ Trung Quốc. Đến hôm nay, người ta đang sợ nó tác động trực tiếp lên niềm tin tiêu dùng và đầu tư của ngay các nền kinh tế chủ chốt khác ở xa châu Á, tâm điểm của dịch cúm.
Hy vọng vào các can thiệp của chính phủ
Đa số các chỉ số chứng khoán chủ chốt đều kết thúc tuần giao dịch 28-2 trong sắc đỏ, ngoại trừ đợt quật khởi muộn màng vào cuối ngày của các CP trên thị trường Nasdaq chỉ đủ để chỉ số này tăng 0,89 điểm (tăng 0,01%). Giữa sắc đỏ của các chỉ số chính, sắc xanh của Nasdaq dường như là tia hy vọng le lói duy nhất rằng sẽ bắt đầu có lực “bắt dao rơi” vào tuần sau trên thị trường CP.
Giá vàng quốc tế giảm mạnh từ mức trên 1.650USD/ounce xuống còn 1.585USD/ounce vào cuối tuần (thấp nhất là 1.562USD/ounce) là một tín hiệu khác. Nó không có nghĩa là thị trường đã lạc quan trở lại và rời bỏ tài khoản trú ẩn an toàn là vàng. Thay vào đó, vàng giảm giá được lý giải là do nhiều nhà đầu tư phải bán vàng để lấy tiền bù vào tài khoản ký quỹ (margin account) để giữ vị thế CP mua lên của họ. Điều đó nghĩa là còn rất nhiều tiền vẫn đang kiên trì ở lại thị trường CP và nhiều người vẫn cố đợi thị trường đổi chiều.
Ngọn gió nào sẽ làm thay đổi tâm lý hoảng loạn trên thị trường? Đầu tiên có lẽ là từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Bank of America vừa đưa ra dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất thêm đến 0,5% trong cuộc họp tháng 3 tới đây. Ngoài ra, có thể chính phủ Trump sẽ tìm kiếm một số giải pháp hỗ trợ thuế tạm thời cho doanh nghiệp hoặc cá nhân. Những kỳ vọng này làm sống lại hy vọng ổn định thị trường, chặn đà giảm giá.
Tuy nhiên, như GS. Trần Ngọc Thơ có nhận định, không có chính sách tiền tệ nào có thể chống lại nỗi khiếp sợ. Đây chỉ là những kỳ vọng mang lại ổn định tạm thời cho thị trường Mỹ. Tác động kinh tế của virus corona lớn đến thế nào thì phải đợi xem số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận quý I-2020 thì mới có thể thấy rõ hơn một chút. Hơn nữa, những kỳ vọng về can thiệp chính sách của Mỹ chỉ mới là ở mức độ phán đoán và gây sức ép chính sách mà thôi. Nhà làm chính sách can thiệp tới đâu là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Yếu tố bất định – không thể đoán trước – của các nền kinh tế sẽ còn tiếp tục, ngay cả sau khi dịch cúm có dấu hiệu lắng dịu. Trạng thái tham lam và sợ hãi sẽ tiếp tục giằng co trong mỗi nhà đầu tư trong tháng 3-2020.
TS. HỒ QUỐC TUẤN
Theo saigondautu.com.vn
Thị trường chứng khoán chờ đợi các gói kích cầu
Đại dịch Covid-19 được nhận định sẽ tác động không nhỏ đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, trước mắt là tác động đến CPI và tăng trưởng GDP quý I.
Khó khăn cũng như thiệt hại của ngành du lịch và nhiều ngành khác do dịch Covid-19 có thể lớn hơn nhiều so với dịch SARS năm 2003 hay dịch cúm A/H1N1 năm 2009
Cân nhắc các yếu tố
Covid-19 tác động tiêu cực đến triển vọng vĩ mô của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Đây là yếu tố khiến không ít ngân hàng trung ương như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian gần đây.
Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 theo dự báo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng như nhiều chuyên gia sẽ gặp nhiều thách thức, khó có thể đạt mức tăng trưởng như kế hoạch. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), GPP quý I/2020 ước tăng 5,2%, giảm 1,4% so với kế hoạch của Chính phủ.
Lường trước những khả năng có thể xảy ra, bản thân Ngân hàng Nhà nước đã sớm đưa ra giải pháp khuyến khích/yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thông qua việc giảm nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và Vĩ mô, KBSV cho rằng, khó có khả năng khối ngân hàng thương mại sẽ tung ra các gói kích thích quy mô lớn, hay mạnh tay đưa ra các chính sách giúp hạ lãi suất, vì 3 lý do chính.
Thứ nhất, lạm phát trong các tháng đầu năm dự báo duy trì ở mức cao (dự báo bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,8%) vì nền giá thịt lợn cao và giá nhiều nhu yếu phẩm tăng mạnh do hoạt động tích trữ của người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Mặc dù lạm phát được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm, nhưng bối cảnh vĩ mô phức tạp hiện tại đòi hỏi một chính sách tiền tệ thận trọng để tránh các hệ quả tiêu cực như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008 - 2009.
Thứ hai, quy mô tín dụng trong nền kinh tế đang ở mức cao (ước tính cuối năm 2019 bằng 130 - 140% GDP), trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam chưa thực sự vững chắc so với các nền kinh tế phát triển trong khu vực. Các tổ chức tài chính trên thế giới đã nhiều lần đưa ra khuyến nghị Việt Nam giảm phụ thuộc tăng trưởng kinh tế vào tín dụng. Một gói kích thích kinh tế mạnh tay ở thời điểm hiện tại nhằm bơm tín dụng ra nền kinh tế sẽ đi ngược với mục tiêu trên.
Thứ ba, nửa cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một loạt chính sách như hạ lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay ngắn hạn ở lĩnh vực ưu tiên, nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất. Trong bối cảnh các chính sách trên cần có thời gian để có tác động rõ nét đến hoạt động của các ngân hàng cũng như mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, việc đưa ra các chính sách mới ở thời điểm nay có thể không thực sự phù hợp.
Tình hình dịch cúm kéo dài sẽ khiến các tập đoàn kinh tế khó hoạt động đồng bộ trở lại, từ đó ảnh hưởng dây chuyền lên chuỗi cung ứng toàn cầu và nhiều nước đã phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, chính sách của Việt Nam ưu tiên mục tiêu giữ ổn định kinh tế nhiều hơn là tăng trưởng.
CPI tháng 1/2020 có diễn biến bất thường khi tăng 1,23% - cao nhất so với cùng kỳ trong 7 năm. Vì vậy, việc lựa chọn chính sách tiền tệ nới lỏng có thể tạo nên tác dụng ngược, gây sức ép mất giá lên tiền đồng, tỷ giá bị ảnh hưởng, giá cả hàng hóa tăng lên càng tạo thêm tâm lý thiếu hụt hàng hóa..., từ đó dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn.
Một số ngân hàng đã phát tín hiệu hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng điều này cũng khó trở thành xu hướng, vì nếu hạ quá mức sẽ ảnh hưởng đến lãi suất huy động. Việc lãi suất tiền gửi quá thấp sẽ dẫn đến tâm lý rút tiền của người dân và tích trữ các tài sản an toàn như vàng, nhất là khi giá vàng gần đây có xu hướng tăng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ nên hỗ trợ các ngân hàng tái cơ cấu các khoản nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp đang bị thiệt hại do dịch cúm gây ra. Có thể khởi động các gói kích cầu, nhưng chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực nhất định và cần kiểm soát chặt dòng tiền. Ngoài các gói kích thích kinh tế có giới hạn, Nhà nước nên sử dụng thêm những biện pháp như giảm thuế, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới...
Việc chạy đua kích thích kinh tế nếu không kiểm soát tốt sẽ giống như nỗi lo hạ lãi suất mà nhiều nước đang thực hiện có thể dẫn đến cuộc chiến tiền tệ. Lãi suất nhiều nơi trên thế giới tiệm cận mức 0%, thậm chí ở mức âm, nên việc hạ thêm lãi suất sẽ không có nhiều ý nghĩa và điều đó không bình thường đối với các nền kinh tế vẫn phát triển tốt. Chính sách nếu đi đúng hướng cũng cần thời gian dài để đưa nền kinh tế vào quỹ đạo, còn trước mắt chỉ có thể hạn chế tác động từ dịch bệnh.
TTCK kỳ vọng có gói kích cầu
Cùng với nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) đã và đang chịu tác động từ tình hình dịch Covid-19. Khối nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua ròng trên thị trường cổ phiếu trong tháng 1/2020 khoảng 1.950 tỷ đồng đã bán ra khoảng 1.000 tỷ đồng trong hai tuần đầu tháng 2. Các tín hiệu kỹ thuật đang cho thấy thị trường chung có xu thế diễn biến dưới mức trung bình, VN-Index dao động dưới các đường trung bình động quan trọng...
Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, ông Khanh cho rằng, dòng vốn FDI hiện đang lựa chọn Việt Nam là thị trường tiềm năng và trong tương lai sẽ còn hấp dẫn hơn nếu Việt Nam chứng tỏ được bản lĩnh kiểm soát dịch cúm và ổn định tỷ giá, lạm phát. Nhiều dòng vốn FDI từ các tập đoàn lớn sẽ chuyển sang Việt Nam như một điểm dự phòng khi gặp những sự cố tương tự tại Trung Quốc.
Trên TTCK, hai nhóm ngành lớn trên thị trường tài chính hiện tại là ngân hàng và bất động sản vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt chỉ số. Trong đó, bị ảnh hưởng gián tiếp từ dịch cúm khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp vay nợ gặp khó khăn, nhưng nhóm ngân hàng vẫn trụ vững nhờ yếu tố nội tại. Thị trường chứng khoán hiện đang ở vùng giá hấp dẫn, nên nguy cơ giảm sâu khó xảy ra và khi dịch Covid-19 qua đi, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào thị trường. Các gói hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường hồi phục tốt hơn.
"Hiện đã có một số nước triển khai gói kích cầu nhằm đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam có thể không là ngoại lệ, cho dù Chính phủ chưa hạ mục tiêu tăng trưởng GDP và Ngân hàng Nhà nước chưa xem xét gói kích cầu. Nếu như dịch sớm qua đi và gói kích thích nào đó được bổ sung tức thời sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc khôi phục kinh doanh", ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán chia sẻ quan điểm.
Với TTCK, trước mắt có lẽ chưa hưởng lợi nhiều từ yếu tố này, nhưng sẽ lan tỏa nhiều hơn trong nửa sau của năm 2020. TTCK hiện tại vẫn đang được nhìn nhận sẽ tiếp tục gặp khó khăn, ít nhất trong nửa đầu năm, dù kịch bản giảm sâu đã được loại trừ.
Khó có thể định lượng cụ thể và chính xác sự ảnh hưởng của dịch tới tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 cũng như 6 tháng đầu năm, nhưng các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế, từ đó tác động tích cực đến TTCK là điều giới đầu tư đang kỳ vọng sớm được triển khai, nhất là trong bối cảnh không biết khi nào dịch Covid-19 mới kết thúc.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Chứng khoán Mỹ đi ngang khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại Phiên ngày thứ Hai, các giao dịch khá trầm lắng, biên độ giao động các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ gần như là một đường thẳng trong phần lớn phiên giao dịch. Ảnh minh họa. Phiên giao dịch đầu tuần này, các chỉ số chứng khoán Mỹ ít biến động, mức tăng của một số cổ phiếu không thể kéo lại...