Tự chủ đại học: Tháo gỡ… điểm nghẽn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) (Luật số 34) có hiệu lực đã giải quyết được nhiều vấn đề đang là điểm nghẽn để phát triển hệ thống GDĐH công lập Việt Nam. Tự chủ ĐH là yếu tố mấu chốt của việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật số 34 lần này. Nhưng trên thực tế vẫn còn có nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa/ INT
Vướng từ nhiều luật chuyên ngành khác
NGƯT. GS.TS Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cho rằng: Luật số 34 là luật chuyên ngành về GDĐH nên sẽ rất khó để có thể giải quyết triệt để, toàn diện những bất cập chỉ nội trong Luật số 34; do các mặt hoạt động của cơ sở GDĐH hiện đang bị nhiều luật chuyên ngành khác điều chỉnh, đòi hỏi phải sửa đổi các luật chuyên ngành có nội dung liên quan.
Việc chậm sửa đổi các luật chuyên ngành liên quan đang là trở ngại; làm suy yếu hiệu quả Luật số 34; và đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cho các ĐH công lập tự chủ, bởi nó tạo những khoảng hở mà các cơ quan chủ quản hiện nay có thể dùng để can thiệp vào công việc, thẩm quyền của hội đồng trường và nhà trường.
“Quyền tự chủ ĐH được xác định trên các phương diện chủ yếu: Tổ chức bộ máy, nhân sự; Hoạt động GD, nghiên cứu khoa học; Tài chính và cơ sở vật chất. Có thể nói, cả 3 phương diện tự chủ này hiện đều vướng các luật chuyên ngành.
Về tổ chức bộ máy, con người có Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động. Về tài chính, tài sản có Luật Quản lý tài sản Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và hàng loạt các văn bản hướng dẫn luật.
Trong thực tế, các luật này và hệ thống văn bản dưới luật chưa được điều chỉnh kịp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW; nên không tạo được hành lang pháp lý đồng bộ cho tự chủ ĐH phát triển. Những quy định trong các luật chưa sửa gây ra nhiều khó khăn về tự chủ trong tuyển dụng, sử dụng và chi trả chế độ cho viên chức, giảng viên, người lao động; cũng như đầu tư xây dựng, xác định loại hình nguồn vốn đầu tư, tài sản trong các cơ sở GDĐH công lập tự chủ.
Vì vậy, cần có sự quyết liệt sửa đổi sớm các văn bản luật có liên quan để có thể tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH phát huy quyền tự chủ theo đúng chỉ đạo của Đảng. Nếu không, không có trường nào dám làm; bởi sờ đâu cũng vướng luật; làm gì cũng có thể bị bắt lỗi!” – GS Lê Vinh Danh cho hay.
Video đang HOT
GS Lê Vinh Danh.
Trao thực quyền cho hội đồng trường
Để hội đồng trường được trao thực quyền quản trị ĐH, theo GS Lê Vinh Danh, việc quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự của cơ sở GDĐH cần được Chính phủ quy định thống nhất, đồng bộ trong các nghị định hướng dẫn một số điều của Luật số 34, Nghị định tự chủ và Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 16/2015/NĐ-CP…
Một trong điều kiện tiên quyết, quan trọng là các quy định này phải không bị giới hạn bởi các cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Trong khuôn khổ thuật ngữ “quy định pháp luật” nhưng không có chỉ dẫn cụ thể “quy định pháp luật nào?” dẫn đến tình trạng khi ban hành các thông tư, quyết định, văn bản chỉ đạo… cơ quan quản lý có thể tự đặt ra những hạn chế đối với quyền tự chủ của cơ sở GDĐH.
GS Lê Vinh Danh cũng nhấn mạnh: Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự phải được khẳng định là một trong những quyền cơ bản nhất của cơ sở GDĐH tự chủ. Khoản 1 Điều 16 Luật số 34 về vai trò, thẩm quyền của hội đồng trường quy định: “Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.
Trên thực tế, có vị trí nhân sự trước đây thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý, nhưng hiện đã được Bộ Nội vụ phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hoàn toàn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đơn cử như: Vị trí kế toán trưởng quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 04/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại kế toán trưởng: “Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại kế toán trưởng.
GS Lê Vinh Danh
Khi hội đồng trường là tổ chức quản trị, việc quyết định các vấn đề tổ chức bộ máy phải do hội đồng trường. Đã giao quyền cho hội đồng trường quyết định mà phải trình phê duyệt/công nhận, thì cơ chế phê duyệt/công nhận sẽ tước đi quyền hạn của hội đồng trường. Theo Luật số 34, hội đồng trường của trường tự chủ hoàn toàn (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) phải có quyền tự bổ nhiệm hiệu trưởng.
Đây chính là phương thức làm giảm sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các cơ sở GDĐH tự chủ, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản. Việc hội đồng trường của trường tự chủ có toàn quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cấp cao; cũng như được toàn quyền quyết định về cơ cấu tổ chức, nhân sự và các nội dung liên quan theo Luật số 34, chính là một trong các nhân tố khuyến khích, thúc đẩy các trường chưa tự chủ mạnh dạn thực hiện tự chủ.
Như vậy, trong thực tế, các quy định tự chủ về tổ chức, nhân sự đã được triển khai, nhưng hiện đang rải rác tại nhiều văn bản, không thống nhất, đồng bộ” – GS Lê Vinh Danh nêu quan điểm.
Khi sửa các nghị định hướng dẫn Luật số 34, Nghị định về tự chủ ĐH, Luật Viên chức, các nghị định và thông tư liên quan, cần quy định thống nhất nội dung giao tự chủ toàn diện về tổ chức bộ máy và nhân sự cho cơ sở GDĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để các cơ sở này không bị ràng buộc bởi cụm từ: “Theo quy định của pháp luật” như các văn bản pháp quy trước đây. – GS Lê Vinh Danh
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Luật Giáo dục Đại học sửa đổi: Nhiều kỳ vọng
Trước khi trình Chính phủ Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học (ĐH) sửa đổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ban soạn thảo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (Luật số 34) tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng.
Một trong những vấn đề được các trường ĐH đặc biệt quan tâm đó là quy định về tự chủ sẽ được hiện thực hóa thế nào tại Nghị định này do có sự liên quan đến các Luật Viên chức, Luật Lao động, Luật Đầu tư công...
Ảnh minh họa.
Thể hiện được quan điểm tiến bộ của Luật 34
Trên thực tế, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật 34 đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia giáo dục, các trường ĐH và những người quan tâm... ngay từ khi công bố hồi tháng 3/2019. Dự thảo gồm 19 điều, quán xuyến toàn bộ các đầu việc (25 đầu việc) mà Luật 34 đề cập được các trường ĐH rất trông đợi bởi từ ngày 1/7/2019, Luật 34 đã chính thức có hiệu lực song lại chưa thể áp dụng vì chưa có Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện.
Mong mỏi của đa số các trường đó là Dự thảo sẽ đi vào chiều sâu, thực chất, qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật 34 trên cơ sở đảm bảo rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu để thực hiện đúng; giảm tối đa sự mập mờ, bất định của cụm từ "theo qui định", nhất là trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa hoàn chỉnh, chồng chéo, nhiều khi còn cản phá và phủ định lẫn nhau.
Theo GS.TS Trần Đức Viên- nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Luật 34 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH. Nên về nguyên tắc, Nghị định sẽ hướng dẫn ngay cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục ĐH. Nhờ thế, Nghị định này sẽ là văn bản pháp lý, thúc đẩy và mở rộng quyền tự chủ trên thực tế cho đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục theo tinh thần NQTW6 và NQTW19 của Đại hội XII, làm thay đổi diện mạo giáo dục ĐH Việt Nam. GS Viên kỳ vọng bằng Luật 34 và Nghị định này, Nhà nước sẽ phải tạo ra động lực, nguồn lực và áp lực để các cơ sở giáo dục ĐH, đều được tự chủ hoạt động và chịu trách nhiệm giải trình, có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực, không phụ thuộc vào qui mô, loại hình, tên gọi (trung ương hay địa phương, công hay tư, trường nghiên cứu hay trường ứng dụng, trường quốc gia hay trường đơn ngành)..., chỉ phụ thuộc vào các tiêu chí về hiệu lực quản lý, hiệu quả công tác và năng suất lao động theo các chỉ số đánh giá kết quả KPI (Key Performance Indicator) mà cơ sở giáo dục ĐH đã cam kết.
Để làm được điều đó, rõ ràng ban soạn thảo cần nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc các ý kiến góp ý rộng rãi của các nhà chuyên môn và trực tiếp các trường ĐH với những kinh nghiệm thực tế thiết thực.
Từ phía nhà trường, GS.TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, Nghị định này không thể đơn giản là văn bản triển khai hay chi tiết hóa Luật số 34 mà phải là một văn bản pháp lý qui định mới hơn nữa về tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH.
"Việc dẫn chiếu Luật số 34, các Luật Viên chức, Luật Lao động, Luật Đầu tư công trong các qui định của Nghị định là cần thiết nhưng nhất thiết phải xem xét các qui định pháp luật trên có phù hợp với tinh thần của NQ TW 6 hay không? Nếu không, chúng ta đang cố gắng đi xây dựng một mô hình quản trị tự chủ, song lại dẫn chiếu những qui định từ những Luật cũ, chưa sửa đổi. Cách dẫn chiếu ấy sẽ làm phá sản mục tiêu tự chủ. Luật số 34 có nhiều điểm tiến bộ. Do đó, Nghị định này cần tiếp thu đầy đủ những điểm tiến bộ trên và mở rộng hơn nữa, cụ thể hơn nữa quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục"- GS.TS Lê Vinh Danh nêu ý kiến.
Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cũng đã có văn bản góp ý đối với Dự thảo Nghị định, trong đó đề cập đến việc Luật số 34 không đề cập tới trường ĐH dân lập cho dù thực tiễn vẫn tồn tại ĐH dân lập. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Ban soạn thảo sớm xin ý kiến Chính phủ về việc đưa nội dung hướng dẫn chuyển đổi mô hình ĐH dân lập vào Nghị định đang chuẩn bị.
Nhiều vấn đề cần bổ sung, chỉnh lý
Tại cuộc họp ngày 15/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu ban soạn thảo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34 tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung rất quan trọng như: Về các vấn đề quy định liên quan đến đào tạo y tế, yêu cầu ban soạn thảo thống nhất với Bộ Y tế để quy định; tiếp thu và chỉnh lý những điểm sau: Tên tiếng Anh của các trường quy định theo hướng đảm bảo thông lệ quốc tế; vấn đề chuyển trường ĐH thành ĐH cần rà soát, chỉnh lý lại các quy định về thành lập trường trong trường theo hướng cân nhắc không quy định các trường này phải đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu tiếp thu việc bỏ quy định về xin ý kiến cơ quan chủ quản đối với việc thành lập trường thuộc trường, chỉnh lý quy định về phụ cấp trách nhiệm của hội đồng trường...
Về vấn đề tự chủ, Bộ GDĐT phải rà soát lại, quy định về tự chủ chuyên môn, không siết các quy định tự chủ về chuyên môn, học thuật; chỉnh lý quy định về tự chủ tài chính (nguồn thu và chi); trong đó thay đổi cách cấp ngân sách, đảm bảo không mâu thuẫn với Nghị định số 16 sửa đổi; chỉnh lý Dự thảo theo hướng cho phép các trường ĐH được tự chủ bộ máy, nhân sự với điều kiện không làm tăng quỹ lương từ nguồn ngân sách. Đặc biệt, Bộ GDĐT xây dựng quy trình hướng dẫn bổ nhiệm hiệu trưởng của các trường thuộc Bộ để làm mẫu cho các bộ ngành khác thực hiện.
Hiện các trường đang rất mong chờ Luật 34 sẽ được thực thi bằng các quy định chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Đặc biệt là các vấn đề đang "nóng" hiện nay như chuyển đổi mô hình trường ĐH và ĐH, tên gọi các trường, quy định thực hiện tự chủ... Mong Nghị định sớm được thông qua với những quan điểm tiến bộ, bắt kịp thời cuộc để các trường có cơ sở để đẩy mạnh tự chủ, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH nước nhà.
Thu Hương
Theo daidoanket
Muốn tự chủ tài chính phải xây dựng trường phổ thông chất lượng cao Muốn đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính thì con đường duy nhất mà các trường đại học phải đi, đó là xây dựng trường phổ thông chất lượng cao. Đó là quan điểm của Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hải Phòng. Tiến sĩ Dương Đức Hùng đưa ra những căn...