Từ chối làm bị hại trong vụ án lừa đảo bạc tỉ
Sau nhiều lần hoãn xử, ngày 30.12, TAND TP.HCM kết thúc phiên tòa xét xử Trần Phước Toàn (nguyên kế toán viên của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.10), bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Như Thanh Niên đã đưa tin, đây là vụ án lạ vì các bên trong vụ án đều từ chối làm bị hại.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BBTGPMB) Q.10 là đơn vị trực thuộc UBND Q.10, có chức năng thu nhận, quản lý và chi trả tiền bồi thường theo quy định cho các đơn vị, cá nhân có công trình giải tỏa trên địa bàn Q.10. Từ ngày 1.8.2005, Toàn được nhận vào làm chuyên viên nghiệp vụ kế toán, đảm nhiệm công việc kế toán viên, kế toán tổng hợp, kế toán thanh toán và lưu trữ hồ sơ kế toán.
Bị cáo Toàn 18 lần giả mạo chứng từ rút trót lọt hơn 9,3 tỉ đồng tại ngân hàng – Ảnh: Quang Hiển
Trong quá trình quản lý, tiền bồi thường mà người dân chưa nhận thì BBTGPMB Q.10 sẽ gửi vào ngân hàng có kỳ hạn. Khi nào người dân nhận thì sẽ nhận được cả tiền gốc và lãi.
Video đang HOT
Ngân hàng nhận giữ tiền mà khi xảy ra hậu quả thì không chịu trách nhiệm, vậy thì ngân hàng tồn tại để làm gì và ai dám gửi tiền vào ngân hàng?
Công tố viên đại diện Viện KSND TP.HCM tại phiên tòa
Từ tháng 7.2008, BBTGPMB Q.10 liên hệ với Ngân hàng Sacombank chi nhánh Q.10 làm thủ tục gửi tiền bồi thường theo hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng. Ông Nguyễn Phú Sỹ, Trưởng BBTGPMB Q.10, chủ tài khoản, giao Toàn liên hệ nộp, rút tiền, làm thủ tục để ký, thanh lý các hợp đồng tiền gửi. Theo quy định trong hợp đồng, khi BBTGPMB Q.10 có yêu cầu rút tiền thì sử dụng mẫu “Giấy đề nghị thanh lý hợp đồng” do chủ tài khoản là ông Sỹ ký tên, đóng dấu, có xác định cá nhân (họ tên, CMND) để rút tiền. Cán bộ ngân hàng kiểm tra, chữ ký chủ tài khoản, dấu tròn, hợp đồng, số tiền gửi, lãi phát sinh, xác định người nhận tiền…, sau đó lập giấy lĩnh tiền mặt hoặc phiếu chuyển khoản tất toán hợp đồng. Tất cả số tiền gửi vào ngân hàng đều được theo dõi bằng các hợp đồng, số tài khoản tiền gửi khác nhau.
Nhưng từ ngày 15.12.2008 đến 26.4.2010, Toàn 18 lần tự làm giấy đề nghị thanh lý hợp đồng, giả chữ ký của chủ tài khoản, lén lấy dấu của BBTGPMB Q.10 đóng rồi trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục thanh lý, rút tổng cộng 9.392.326.185 đồng. Sau đó, Toàn đã nộp lại hơn 2,6 tỉ đồng, còn chiếm đoạt hơn 6,7 tỉ đồng.
Ngân hàng chỉ quản lý tiền còn chủ sở hữu là BBTGPMB Q.10. Mất tiền là mất của chủ sở hữu tài sản nên đơn vị này mới là người bị hại
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Sacombank chi nhánh Q.10
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Sacombank cho rằng ngân hàng làm nhiệm vụ nhận tiền gửi và trả lãi, “Như vậy, ngân hàng chỉ quản lý tiền, còn chủ sở hữu là BBTGPMB Q.10. Mất tiền là mất của chủ sở hữu tài sản nên đơn vị này mới là bị hại”. Cũng theo vị luật sư này, nhân viên ngân hàng đã làm đúng trách nhiệm, nhưng do hành vi Toàn sử dụng con dấu thật, giả chữ ký một cách tinh vi nên không phát hiện được. Nếu BBTGPMB Q.10 thấy ngân hàng làm tắc trách thì có thể kiện bằng vụ kiện dân sự. Do ngân hàng không phải là bị hại nên từ chối nhận bồi thường.
Tranh luận lại, vị công tố phân tích BBTQLMB Q.10 có hợp đồng gửi tiền với ngân hàng, đã giao toàn bộ số tiền này cho ngân hàng quản lý. BBTGPMB Q.10 không còn quản lý nữa. Vì ngân hàng chi trả không đúng đối tượng, rủi ro do lỗi của ngân hàng nên ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, vị công tố đặt vấn đề: “Ngân hàng nhận giữ tiền mà khi xảy ra hậu quả thì không chịu trách nhiệm, vậy ngân hàng tồn tại để làm gì và ai dám gửi tiền vào ngân hàng?”.
Sau khi nghị án, HĐXX xác định chính ngân hàng là bị hại. Theo HĐXX, số tiền Toàn chiếm đoạt do ngân hàng đang quản lý. Ngân hàng trực tiếp chi tiền cho Toàn. Căn cứ theo các điều luật truy tố thì bị hại là ngân hàng. Việc ngân hàng từ chối nhận bồi thường, từ chối tư cách bị hại là không đúng pháp luật. Từ lập luận này, HĐXX tuyên buộc Toàn phải trả lại số tiền chiếm đoạt cho ngân hàng. Còn tranh chấp hợp đồng gửi tiết kiệm giữa ngân hàng và BBTGPMB Q.10 không thuộc trách nhiệm giải quyết trong vụ án này nên HĐXX tách ra, dành cho các bên quyền khởi kiện dân sự.
Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên phạt Toàn mức án 20 năm tù. Trước đó, vị công tố đề nghị tuyên phạt Toàn tù chung thân, nhưng HĐXX nhận định Toàn có nhiều tình tiết giảm nhẹ, lần đầu phạm tội, gia đình đã nộp một phần tiền khắc phục hậu quả… để giảm cho Toàn một phần hình phạt.
Theo Thanh Niên