Từ chối học hàm giáo sư…
Một nhóm trí thức trong số 16 người bị trượt chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2019 đã gửi đơn lên cấp có thẩm quyền, bày tỏ sự ấm ức đồng thời cho rằng việc xét chọn của Hội đồng GS Nhà nước không công bằng.
Ảnh minh họa
Ở chiều ngược lại, trong số 75 người đạt đủ phiếu tín nhiệm để công nhận chức danh GS năm 2019, một vị đã gửi đơn xin rút, không muốn được công nhận học hàm này.
Ứng viên này sinh năm 1974, đang là cán bộ quản lý cấp phòng của một trường ĐH ở Hà Nội, thuộc lĩnh vực liên ngành Khoa học trái đất – Mỏ. Đáng nói, người xin đề nghị không phong GS cho mình là ứng viên được Hội đồng liên ngành đánh giá tốt về chuyên môn, đã được bổ nhiệm chức danh PGS cách nay đúng 10 năm. Năm nay, hồ sơ phong GS của ứng viên này rất sáng sủa về nhiều mặt…
Chưa hiểu lý do thực sự vì sao vị PGS trên xin rút khỏi danh sách ứng viên GS song có thể nói đó là chuyện lạ. Lạ vì hồ sơ khoa học được đánh giá rất chất lượng, lạ bởi “đi ngược gió” – trong lúc bao nhiêu người mong mỏi có danh vị, thậm chí bị trượt khi xét chọn đã kiện cáo ì xèo, đằng này ứng viên kia đã từ chối sự vẻ vang.
Dù là bởi lý do gì đi nữa, trường hợp từ chối kể trên hẳn khiến nhiều người phải soi lại mình, nhất là những kẻ học đòi, sính bằng cấp, trọng danh vị. Học hàm GS là cao quý, chắc chắn giúp cho người ta hanh thông sự nghiệp, mà người ta còn từ chối, vậy thì những trường hợp mua bằng cấp, chạy học vị hòng chui sâu, leo cao hãy nhìn vào đó mà tự vấn, mà xấu hổ…
Thực tế, có những bậc thức giả không học vị, chẳng học hàm mà cực giỏi, có nhiều cống hiến xuất sắc cho đời sống. Cũng có cả những người là “PGS, GS nhân dân”, tức là được quần chúng nhân dân yêu quý mà phong tặng. Điển hình như thầy Hoàng Ngọc Hiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông có học vị tiến sĩ, làm thầy của bao nhân sĩ trí thức, lắm học trò tưởng ông là GS và cung kính gọi như thế. Khi biết sự thật, có người từng đề nghị làm hồ sơ chức danh PGS cho ông nhưng ông từ chối, bảo chỉ vậy là đủ rồi… Quả là càng giản dị, càng mộc mạc càng đáng kính.
Nhưng tìm đâu ra nhiều gương sáng như thế. Vẫn còn rất, rất nhiều người đã thực hiện nhiều chiêu bài trí trá để tiến thân, làm giàu. Mới đây, một sĩ quan hàm thượng tá, cấp trưởng phòng thuộc Công an tỉnh Lai Châu bị tước danh hiệu Công an nhân dân do sử dụng bằng cấp giả; hay như trường hợp của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật: Trần Thị Ngọc Thảo) chưa có bằng cấp ba, đã lấy bằng và tên tuổi của chị gái để từng bước leo lên ghế trưởng Phòng Quản trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sự việc vỡ lở sau nhiều năm và mới đây nhiều quan chức liên đới vụ này bị kỷ luật…
Video đang HOT
Từ đó thấy rằng thực tế cuộc sống đa chiều kích hôm nay tựu trung một điều: Thực lực và thực học mới đem lại kết quả và đóng góp thực chất, còn danh vị chỉ là thứ yếu, điều cần phải tránh đó là hữu danh vô thực.
Cát Tường
Theo nld.com.vn
Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư lại 'dậy sóng'
Theo nhiều nhà khoa học, quy định mới về xét công nhận giáo sư, phó giáo sư tuy có nhiều tiến bộ nhưng đã bị Hội đồng Giáo sư nhà nước hiểu máy móc và áp dụng sai lệch, khiến nhiều người giỏi bị loại.
Hội đồng Giáo sư nhà nước trong phiên họp công bố danh sách những ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2019 - Ảnh: Huy Huy
Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước (GSNN) cũng thừa nhận có nội dung trong quy định mới thiếu tường minh nên các thành viên hội đồng đã phải bỏ phiếu để thống nhất cách hiểu.
Điểm cao top 6 nhưng vẫn... "trượt"
Sau khi Hội đồng GSNN công bố danh sách những ứng viên (ƯV) được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2019, trong cộng đồng khoa học dấy lên những bàn tán. Theo danh sách này, trừ 2 hội đồng ngành khoa học an ninh và quân sự, cả nước có 75 ƯV GS đạt đủ số phiếu tín nhiệm (gồm cả 1 ƯV đề nghị xét ở dạng đặc biệt), 349 ƯV PGS.
Trong khi đó, số ƯV GS mà các hội đồng ngành/liên ngành trước đó đã thông qua và đề xuất lên hội đồng nhà nước để xét là 82, số ƯV PGS là 358. Như vậy, tổng cộng có 16 người "trượt" (gồm 7 ƯV GS, 9 ƯV PGS).
Điều đáng nói là trong số 7 ƯV "trượt" GS, một số người có tổng điểm công trình khoa học cũng như tổng điểm nghiên cứu khoa học rất cao, không chỉ gấp nhiều lần so với mức điểm quy định mà còn cao so với ngay cả trong chính ngành mà ƯV được xét. Tiêu biểu là 2 ƯV "trượt" ở ngành vật lý. Ngành này có 11 ƯV GS, thì ƯV có tổng điểm công trình khoa học cao nhất là 70,51, cao nhì là 70,20, cao gần gấp đôi các ƯV thấp nhất cùng trong ngành, cao gấp 3,5 lần tiêu chuẩn cứng. Nhưng cả 2 ƯV này đều "trượt". Đây cũng là 2 ƯV nằm trong top 6 ƯV có tổng điểm công trình khoa học cao nhất trong số 82 ƯV GS trong đợt xét năm nay.
Với 2 ƯV "trượt" GS của ngành y cũng có 1 ƯV tổng điểm công trình khoa học cao thứ 2 trong số 10 ƯV GS của ngành này.
Vì thế, sau khi Hội đồng GSNN công bố danh sách nói trên, ngay lập tức đã có một trong số các ƯV "trượt" GS lên tiếng với cộng đồng các nhà khoa học, bày tỏ sự bất bình vì "những ƯV không được xét công nhận chưa thấy công bố lý do vì sao không được xét công nhận. Không có lý do chính thức sẽ tạo ra khó khăn trong khiếu nại và khởi kiện quyết định của Hội đồng GSNN".
Mấy ngày sau, trên mạng xã hội cũng lan truyền một văn bản được cho là "tâm thư" của một nhóm nhà khoa học trẻ gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đó bày tỏ những ấm ức về kết quả xét GS, PGS năm 2019. Bức "tâm thư" nêu hiện tượng "có một số ƯV được hội đồng cơ sở, hội đồng ngành đánh giá điểm khoa học cao và có lý lịch khoa học ưu tú với nhiều công trình được công bố quốc tế; các giải thưởng khoa học danh giá trong và ngoài nước, sở hữu nhiều bằng độc quyền sáng chế... nhưng lại bị loại (trượt) khỏi danh sách được đề nghị xét phong GS, PGS"; đồng thời cho rằng "điều này khiến cộng đồng các nhà khoa học và dư luận xã hội đặt câu hỏi lớn về tính minh bạch, công bằng của quy trình xét duyệt".
Hội đồng GSNN không có quyền "hiểu theo cách của mình" !
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GSNN, đã giải thích nguyên nhân của 16 ƯV GS, PGS bị "trượt" chủ yếu là do thiếu tiêu chuẩn về đào tạo nên không được đưa vào diện bỏ phiếu tín nhiệm (chỉ trừ một trường hợp ƯV GS ngành vật lý bị "trượt" là do không đủ số phiếu khi các thành viên Hội đồng GSNN bỏ phiếu tín nhiệm).
Ông Tuấn nói: "Trước khi bỏ phiếu tín nhiệm ƯV, Hội đồng GSNN đã thảo luận về quy chế để thống nhất việc xét. Sau đó cả 32/32 thành viên hội đồng đều đồng ý, nếu ƯV GS không hướng dẫn được tiến sĩ nào, ƯV PGS không hướng dẫn được thạc sĩ nào, thì đều không đưa vào bỏ phiếu. Thiếu 1 thì được "bù". Chỉ được thiếu chứ không được không có".
Không được phép ra văn bản hướng dẫn quyết định của Thủ tướng
Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GSNN, cũng thừa nhận đúng là có việc hiểu khác nhau về cụm từ "không hướng dẫn đủ" trong cộng đồng các nhà khoa học. Đó cũng là lý do một số hội đồng ngành/liên ngành thông qua hồ sơ của các ƯV mà về đào tạo là chưa hướng dẫn được tiến sĩ hay thạc sĩ nào. Phạm vi của quy định "không hướng dẫn đủ" trong QĐ 37 đúng là có dải khá rộng, cho phép các hội đồng "vận dụng" ở trong ngưỡng từ thấp nhất đến cao nhất. Ngưỡng thấp nhất là ngưỡng có thể đạt, nên một số hội đồng ngành vẫn chấp nhận. Nhưng khi Hội đồng GSNN họp phiên 3 (để xét vòng cuối đợt xét GS, PGS năm 2019) thì "vận dụng" theo hướng "nâng cao chất lượng ƯV", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quán triệt là phải lấy ở ngưỡng cao chứ không lấy ở ngưỡng thấp. Nên mới có chuyện 15 ƯV không được đưa vào diện được xét ở vòng cuối này dù họ đã được các hội đồng ngành thông qua.
Ông Tuấn cũng thông tin thêm, trước phiên họp thứ 3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu việc xét GS, PGS phải thực hiện nghiêm QĐ 37. "Cái khó là QĐ 37 có một số khái niệm vận dụng trong một khoảng rất rộng, mà Hội đồng GSNN không có quyền ra một văn bản hướng dẫn thực hiện QĐ này để đưa ra khái niệm, vì như vậy là trái với quy định việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật", ông Tuấn nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khoản 7 điều 5 (tiêu chuẩn chức danh GS) của Quyết định (QĐ) 37 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2018 quy định, ƯV GS phải hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh (NCS) được cấp bằng tiến sĩ; ƯV "không hướng dẫn đủ" NCS thì được thay thế bằng bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích... Trong điều này cũng giải thích: "Hướng dẫn chính 1 NCS được thay thế bằng 3 bài báo khoa học hoặc công trình khoa học".
Tại khoản 6 điều 6 (tiêu chuẩn chức danh PGS) cũng yêu cầu ƯV phải hướng dẫn xong ít nhất 2 học viên cao học (được cấp bằng thạc sĩ) hoặc ít nhất 1 NCS đã được cấp bằng tiến sĩ. Đồng thời cũng cho cơ chế "bù" bằng công trình khoa học quy đổi, ví dụ thiếu 1 thạc sĩ thì được "bù" bằng 1 bài báo hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế, hoặc 1 giải pháp hữu ích...
Nhưng quanh câu chuyện hiểu thế nào là "không đủ" thì trong cộng đồng khoa học đã có cuộc tranh luận trước khi các hội đồng ngành/liên ngành bắt đầu việc xét và phỏng vấn ƯV.
PGS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, lập luận: "Nếu phải có hướng dẫn thì quy định phải viết là "ƯV hướng dẫn không đủ NCS". "Không hướng dẫn đủ" không có nghĩa là phải có hướng dẫn".
Còn GS Phùng Hồ Hải, thành viên Hội đồng GS ngành toán, thì nhận định nếu muốn văn bản nói rằng chỉ thiếu 1 NCS mới được bù thì cần phải viết "hướng dẫn không đủ" hoặc "hướng dẫn chưa đủ" chứ không phải là "không hướng dẫn đủ".
"Tôi nghĩ, đã trở thành văn bản thì nó độc lập với thực thể xung quanh, kể cả với những người ban hành văn bản. Ở đây văn bản do Thủ tướng Chính phủ ra thì Hội đồng GSNN cũng không có quyền "hiểu theo cách của mình" mà phải hiểu đúng theo cái mà người ta gọi là "lẽ thường". Dân gian hay nói "án tại hồ sơ" là vậy", GS Hải cho biết.
GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, thông báo ông cùng một số GS đã khẩn trương tư vấn trực tiếp cho Thường trực Hội đồng GSNN, và đã đạt được ý kiến thống nhất như sau: "Cứ thực hiện đúng QĐ 37. Cụ thể, "không đủ" tức là thiếu hoặc chưa có. Khi đó được bù bằng các bài tạp chí quốc tế uy tín (theo các điều 5, điều 6 của QĐ 37). Mặc dù được quy định như "cách hiểu trên", nhưng GS, PGS là chức danh của giảng viên, do đó các ƯV vẫn có nhiệm vụ tham gia đào tạo, không chỉ thuần túy nghiên cứu. Không lo thay thế như vậy là buông bỏ hoàn toàn nhiệm vụ đào tạo, vì thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm nhận xét, đánh giá nhiệm vụ giao cho giảng viên (theo điều 5 và phụ lục 2, mẫu 2, QĐ 37). Trong nghị quyết phiên họp của Hội đồng GSNN sẽ ban hành vào đầu tuần tới, các nội dung này sẽ được tích hợp vào để thông báo cho các hội đồng, làm cơ sở triển khai thống nhất".
GS Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm, cách hiểu này là xu thế phát triển đổi mới chung, ủng hộ các ƯV có năng lực công bố quốc tế, nhưng hoàn toàn không xem nhẹ nhiệm vụ đào tạo. ( còn tiếp)
Theo thanhnien
Tiêu chuẩn cứng xét GS, PGS: Vì sao phải giữ? GS.TSKH Trần Duy Quý khẳng định, không thể bỏ qua các tiêu chuẩn cứng xét công nhận GS, PGS để đảm bảo chất lượng đội ngũ này. Theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) phải dựa trên 5 tiêu chuẩn cứng là có công bố...