Từ bỏ giấc mơ thạc sĩ, cử nhân hạng ưu Đại học Quốc gia TP HCM nhận “trái đắng” ở Úc
Cử nhân tốt nghiệp Đại học Quốc gia HCM hạng ưu, vào làm việc tại Viettel ở vị trí đãi ngộ, sang Úc học thạc sĩ để rồi vào tù vì cần sa.
Tôi đã bắt đầu kỳ đầu tiên của loạt ký sự này bằng hình ảnh những người Việt trong nhà tù nổi tiếng Fulham của Úc. Là người đa cảm lỡ bước, chứng kiến cảnh gần hai trăm người Việt ăn cái tết dân tộc ở tù Tây mà lòng dậy sóng. Nhưng đau không phải là che giấu. Muốn chiến thắng nỗi đau, phải đưa nó ra trước ánh sáng, nhìn nhận sửa chữa và cảnh báo cho những người khác. Để từ đó người Việt bớt đi tù trong giấc mộng đổi đời nơi viễn xứ. Xin nhấn mạnh, bớt vào tù không có nghĩa là trở nên ma mãnh hơn, “chăn mèo” tốt hơn. Vì với cần sa, càng dấn sâu càng thành công thì cái giá phải trả càng thảm.
Một người Việt trồng cần bị bắt năm 2019. Nguồn: Cảnh sát WA
Một số người cũng “thành công” trở về Việt Nam rửa tiền, sống như không ai biết quá khứ của mình. Thế nhưng dấu chân tội lỗi hay cái bóng ma của họ vẫn in đậm trên con đường ma mị. Bóng ma đó luôn chờ chực dìm họ xuống đêm tối cuộc đời theo lời nguyền của thứ cây này.
Những đêm lạnh viễn xứ
Tốt nghiệp Đại học Quốc gia HCM hạng ưu. Vào làm việc tại Viettel ở vị trí đãi ngộ. Sang Úc học thạc sĩ để rồi vào tù vì cần sa. Câu chuyện của một chàng trai Sài Gòn cao lớn, đẹp trai ở trong tù khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Tôi nói chuyện nhiều với B vì kiến thức của em khá rộng, tâm tính tốt, thế nhưng lại chôn vùi cuộc đời vào đây trong một giấc mơ lạc loài của bộ phận nhỏ người Việt.
Trong những đêm trắng suy nghĩ lối thoát cuộc đời, B kể từ bé tất cả mọi thứ đã đều tốt đẹp với em. Em đi học chuyên cần, điểm số đạt loại ưu của trường đại học Monash. Cũng chỉ một năm nữa là em hoàn thành giấc mơ du học của mình.
B đem lòng thương cô gái nhỏ nhắn người miền Trung. Cả hai làm thêm ở chợ Footscray, tiểu bang Victoria. Thu nhập từ làm thêm của cả hai đều rất khá, ngoài trang trải chi phí ăn học đắt đỏ ở Úc, họ còn có tiền gửi về giúp đỡ gia đình tại Việt Nam. Khi tình yêu đến độ chín muồi, cô gái khuyên: “Anh thấy đó, người quê em bên ni là con trai ai cũng giàu có. Học hành để rồi làm gì sau này vất vả anh ơi! Em muốn cuộc sống hai đứa thật hạnh phúc tại Úc”.
Lời nói lúc yêu có sức mạnh ghê gớm, lay chuyển cả giấc mơ ban đầu là học tập của B. Nó hiểu người yêu muốn nó “làm lớn”- đi trồng cần. Điều này nghe rất dữ ở Việt Nam nhưng sang đây đúng thật nó là giấc mơ đổi đời vì hàng ngày dân Việt nhìn thấy sự thành công của người trồng cần rất nhiều, có thể tiếp xúc họ mọi nơi ở Úc.
Đời du học sinh với tương lai thạc sĩ bằng quốc tế chấm dứt, chuyển qua thân phận một tù nhân
Thời gian ngắn sau, B bắt đầu học nghề với một người đàn ông gốc Hà Tĩnh. Làm nửa năm mà chẳng mang lại mấy thu nhập vì người này chỉ trả số tiền ít ỏi do không đạt năng suất. Cho đến khi cướp tấn công, đánh cả hai gục bằng cây xà beng trong một đêm mưa tầm tã. Nay thỉnh thoảng trở trời B còn đau nhói nơi lồng ngực vì tên cướp thúc mạnh cán xà beng vào.
Chia tay ông chủ này, B tìm đến ông chủ lớn hơn. Chính ông chủ này đã thoát án ngoạn mục trong vụ tố tụng nổi tiếng trong giới chăn mèo từ án ma túy trở thành án ăn cắp vặt mà tôi đã nhắc trong kỳ 3 loạt ký sự này.
Mình B chạy 3 căn nhà cần cùng lúc trong một khu vực khép kín tại vùng nông thôn Shepparton cách trung tâm Melbourne 200 km. Một ngày nọ mẹ cậu vừa mừng vừa lo khi nhận được 500 triệu VND cậu gửi từ Úc. Nhưng đó là lần cuối cùng cậu gửi tiền cho mẹ. Sau đó một tháng người mẹ ấy bặt tin con cho đến lúc đón tin dữ vì cậu bị bắt tội trồng cần sa.
Đời du học sinh với tương lai thạc sĩ bằng quốc tế chấm dứt, chuyển qua thân phận của một tù nhân. Tất cả là bởi lòng tham.
Cô gái khóc lên khóc xuống, tuần nào cũng vào thăm cậu đều đặn. Ông chủ an toàn nên bỏ tiền cho cậu chạy luật sư để bảo lãnh tại ngoại hầu tra. Phiên tòa bảo lãnh thất bại. Cậu chuyển về nhà tù Fulham cùng tôi trong nỗi thất vọng tột độ. Cũng từ đó cô người yêu ít viếng thăm do nhà tù ở xa. Nghe đâu khi biết tin cậu không thể tại ngoại hầu tra và đối mặt với việc bị trục xuất khỏi Úc sau khi mãn hạn tù, cô cũng đến thăm cậu thưa dần rồi không đến nữa.
Chúng tôi thường động viên nhau vượt qua cảnh đày ải về tinh thần trong tù. Cậu nói: “Mình sai rồi anh ạ! Ước gì em được làm lại nhưng nhìn vào hoàn cảnh của anh cũng tệ hơn nữa! Đúng là “Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người…”
C, chàng trai trẻ người miền Tây Nam bộ cũng là du học sinh. Điều đặc biệt là cả hai vợ chồng được visa thường trú. Câu chuyện của cậu khiến tôi đau đáu. Cả hai vợ chồng cậu thật hạnh phúc khi mua được căn nhà ở vùng Epping. Đó lại chính là gia sản do bố mẹ cả hai bên tích góp từ Việt Nam. Dù ở lại dưới diện thu hút định cư lao động có tay nghề thế nhưng họ vẫn làm những công việc rất bình thường. Cậu thì đi làm nông dân mùa vụ. Cô vợ nhỉnh hơn tí là làm quản lý cho một cơ sở làm móng. Sau khi có 2 đứa con, họ trăn trở để mở riêng một cơ sở làm móng, giấc mơ làm ông bà chủ. Người “thắp sáng” cho ước mơ đó chính là người bạn cũng dân miền Tây qua Úc trồng cần. Biết ý định của C, anh ta bàn với vợ chồng C để lại căn nhà họ đang ở cho anh ta trồng cần sa. Tiền trả trước đủ để hai vợ chồng C gây dựng một tiệm làm móng. Gia đình C và người thuê nhà trồng cần đổi chỗ cho nhau để cả hai xây dựng ước mơ của mình.
Thế nhưng chỉ vài hôm sau cảnh sát ập đến bắt C trước sự chứng kiến của đứa con nhỏ dại. Đây là trường hợp oan đau đớn nhất mà tôi chứng kiến khi tòa phán quyết C là chủ mưu cũng là người gây án. Lý do là vì căn nhà của C (vừa đổi cho người bạn) chính là do cậu đứng tên. C không biết cách làm hợp đồng ma cho thuê tránh tội. Hơn thế nữa trong garage căn nhà cũ của người bạn mà cậu vừa chuyển đến ở vẫn còn 6 cây cần. Chứng cứ rành rành. Tình ngay lý gian.
Người bạn lặn luôn khi biết cậu bị bắt. Vợ cậu lại phải nhờ gia đình ở Việt Nam vay thêm 50 ngàn AUD thuê luật sư. Thế nhưng chứng cứ quá rõ ràng, tòa vẫn phán quyết cậu có tội,. Mức án lại vô cùng nặng do các cáo buộc cậu là trùm cần sa.
Hai trong số tám người liên quan đến một vụ trồng cần lớn bị phát hiện ở Adelaide vào cuối năm 2020. Sang Úc với thị thực du học hoặc học nghề, cuối cùng họ phải nhục nhã che mặt để khỏi lộ mặt ra với người khác như thế này. Nhiều người sau khi mãn hạn tù thì bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Úc. Nguồn ảnh: news.com.au
Video đang HOT
C luôn não nề trong những ngày tù. Một giấc mơ làm cuộc đời dậy sóng. Cứ đêm đến là cậu gạch đi một ngày trên tổng số một ngàn đêm có lẻ lặp lại như thế.
Cậu nói trong ngấn lệ:” Mộng không thành, nhà bị thu, thêm nợ nần. Bộ di trú gửi thư vào báo hủy luôn visa thường trú nhân buộc trục xuất em khỏi Úc sau khi mãn hạn tù. Nhiều lúc em muốn chết quách đi anh ạ. Không nghĩ đến con cái còn nhỏ dại em muốn tự tử cho xong. Đó có lẽ là lựa chọn của em chứ cái khổ đau của tù tội nó hành hạ kinh khủng.”
D vừa ra tù thì vợ cậu vào tù, với cùng một lý do. Đứa con mới một tuổi của họ cũng phải theo mẹ vào tù, vì ở ngoài không ai chăm sóc được.
Nếu trường hợp của C đáng thương xót do quyết định sai lầm thì trường hợp của D gốc Hà Tĩnh ở một dạng khác. Cả hai vợ chồng D có học thức. Bản thân D là cán bộ nghiên cứu thuộc một trường đại học lớn ở TP Hồ Chí Minh. Cả hai gác bỏ sự nghiệp nghèo ở Việt Nam, cùng nhau qua Úc đổi đời. Không lâu sau khi đến D đã nhận trồng cần và làm được một năm.
Sau khi bị bắt, tòa khép án D 20 tháng tù. Lúc này bản thân D cũng đã gửi về Việt Nam số tiền lớn. Những tưởng êm đẹp nhưng khi sắp mãn hạn tù thì D lại nhận được tin dữ vợ cũng bị bắt với tội danh tương tự. Không hiểu sao khi D đã bị bắt, vợ D lại không sợ mà tiếp tục tham gia trồng cần. Hàng ngày vẫn liên lạc với vợ qua điện thoại, lẽ dĩ nhiên D thừa biết vợ mình lao vào con đường cụt này, nhưng D không can ngăn, điều mà cậu nên làm. Con của họ mới hơn một tuổi cũng phải vào tù theo mẹ vì không ai có thể nuôi nấng thay ở Úc.
Khi vợ bị bắt, cứ trông cho đến cuối tuần là cậu lại gọi video call để nhìn mặt vợ con. Đi Úc để đổi đời thế nhưng cả gia đình đối mặt với với đêm lạnh viễn xứ không một người đến thăm.
Người có thói quen đi bộ mỗi ngày vài tiếng trong tù là ông H. Sau khi về Fulham, ông sợ bệnh gút tái phát trong tù vì ngay trong những ngày xử án, ông đã phải di chuyển với tình trạng đau đớn trên xe lăn. Có lẽ sự sa sút về tình thần khiến bệnh trầm trọng hơn.
Chúng tôi gọi ông H là người tù thế giới vì ông đã từng đi tù ở các nước mà ông nhập cư để lao động. Tất cả việc làm của ông đều phi pháp. Ở Hàn Quốc bị trục xuất. Ở Anh trồng cần bị bắt rồi qua Úc lại xộ khám với cùng tội danh. Ông sống gần trọn cuộc đời với những đêm lạnh viễn xứ, đổi lại vợ con khấm khá, chưng diện, xa hoa. Người ta đồn ầm về việc vợ ông có bồ, thế nhưng ông nói với tôi một cách đơn giản, đầy phóng khoáng:”Mình đi xa thế này, lại ở tù thoát đâu được vợ bồ bịch. Mình cũng thế, xa nhà là phải đi kiếm gái chơi thôi chú mi”!
Lời nói thì tỏ ra chín chắn và đường hoàng nhưng sự lựa chọn của ông lại là những đêm lạnh trong tù hết từ nước này đến nước khác.
Là người Việt ở nhà tù Fulham vào quãng 2017-2019 thì không ai không biết đến ông Ch vì ông hay chửi đổng. Ông quê Đồng Tháp sang Úc, vượt biên trên chuyến tàu vô định để tìm chân trời mới.
Ông vượt biên đi tìm lẽ sống nhưng thất bại vì không có tiền. Gần 70 tuổi, ông trồng cần trong chính ngôi nhà mà vợ con đang ở, những tưởng mang lại cho họ những kỳ nghỉ dài tại Việt Nam. Thế nhưng chỉ sau vài vụ cần sa, cảnh sát đã dẫn ông Ch đi trước sự ngỡ ngàng của các con. Căn nhà trả góp gần 20 năm mới xong nay lại bị tịch thu. Về già lại lâm cảnh tứ cố vô thân, ông như kẻ cuồng điên sau khi bị bắt.
Vào tù tâm trí điên loạn, cũng vì thế mà nhiều căn bệnh ập đến khiến ba bữa ông lại được an dưỡng tại bệnh viện với cái còng chân và nhân viên công lực túc trực kế bên.
Đời chăn mèo cũng một số kiếm tiền thành công nhưng bước vào nhà tù cũng rất gần. Có khi hôm nay gặp họ đang ném tiền trên casino, ăn chơi xả láng trong vòng tay các kiều nữ tại club nhưng mai lại thấy họ ở trong tù. Không ai có thể chắc được rằng họ sẽ bình yên ngay cả khi đã may mắn trở về Việt Nam với cả núi tiền. Hầu hết dân chăn mèo càng thành công thì càng quỷ quyệt thất đức. Ôm vỏ bọc thành công trở về nhưng hiểm họa họ để lại vẫn kéo dài vì phần thiện lương khó lòng khôi phục sau cái đầu chỉ biết quỷ kế.
Cũng chính là tôi. Vào năm 2015, ngay cả khi ngủ trên một đống tiền, tôi vẫn cảm thấy cuộc sống vô nghĩa và kiệt quệ về mặt tâm hồn trước những toan tính. Sống trong âm mưu khiến tôi sợ hãi. Không sợ âm mưu người khác mà sợ ngay âm mưu chính mình. Những lần như thế tôi ước ao cuộc sống bình an cho dù nghèo hơn, tại quê hương mình.
Những công nhân trồng cần thường phải sống trong điều kiện tồi tệ như thế này trong những ngôi nhà cần sa. Trong ảnh là một ngôi nhà cần sa tại Mỹ đã bị cảnh sát đột kích. Ảnh minh họa. Nguồn: vvng.com
Lời nguyền
“Thứ cây này có linh hồn, nó sẽ kéo tất cả dân chơi trong đó có “dân chăn mèo” như tôi như tôi xuống và nhấn chìm vào bóng tối cuộc đời…”
Trích Đường xanh viễn xứ – Tô Giang
Phần lớn dân chăn mèo chỉ giải trí với casino và các night club. Nhiều người đi biền biệt hàng chục năm lại luôn sống chui rúc trong các căn nhà ma để chìm vào nghiện ngập. Cuối cùng trở về, tiền không có tật lại mang.
Ảnh trên là hình ảnh cuối cùng của tôi trên con đường ma mị trước cái chết của một “dân chăn mèo” đa cảm. Tôi đặt tên cho bức ảnh này là “cuộc khiêu vũ trên con đường ma mị” vì tôi đã có nhiều trải nghiệm hoan hỉ, hạnh phúc và đau khổ tột cùng của đời người. Tôi cũng lạc quan và cho rằng cái chết của mình trong vai trò “chăn mèo” cũng là sự bắt đầu để tìm lại giá trị đích thực của lẽ sống mà mình hướng tới.
Ngôi nhà tại Úc, nơi tôi bị bắt vào năm 2017. Nguồn: Google maps.
Tại địa chỉ xxx Lindrum, Frankston, Victoria, vào 8h tối ngày 8/8/2017, trên đúng lối ra vào này tôi đã phải tra tay vào chiếc còng số 8. Lúc ấy xe cảnh sát đến rất đông nháy đèn lập lòe cả khu phố, trên đầu là chiếc trực thăng quần thảo rọi đèn sáng quắc xuống dưới. Ánh đèn pin mạnh chiếu thẳng vào mắt mình làm tôi lóa. Tôi nhắm nghiền mắt. Ánh đèn làm tôi nhớ lại sân khấu rực rỡ của 3 kỳ Liên hoan phát thanh – truyền hình liên tiếp. Tôi đã đứng đó, đưa tay nhận giải Vàng cho tác phẩm của mình.
Thế nhưng!
Đôi bàn tay ấy nay đang nắm chặt nắm đấm rồi run lên trong chiếc còng thép lạnh ngắt!
Nhà tù MAP ((Melbourne Assessment Prison). Nơi khủng khiếp nhất đối với đời một dân chăn mèo ở tiểu bang Victoria – Australia. Đây là nhà tù phân loại đánh số tù nhân để chuyển đi các nhà tù khác. Khi cuộc sống đang tự do bỗng chốc bị nhốt vào cái hộp khổng lồ này, nhiều tù nhân đập đầu vào tường vì bị sốc. Nguồn: Slattery.com.au
Anh Chính – người khổ hạnh 8 lần vào tù và anh Danh crazy (khùng) thuộc thế hệ đầu tiên trồng cần được học nghề từ người Ý mà tôi đã đề cập trong kỳ đầu loạt ký sự này. Rất nhiều trùm cần sa Ý mặc dầu nhiều tiền nhưng rơi vào tình trạng bấn loạn. Không một ai ngóc đầu nổi. Người thành công nhất thì cuối cuộc đời sống trong cô quạnh.
Trên thực tế tôi cũng đã từng tiếp xúc với một cựu trùm gốc Ý khi hỏi thuê căn nhà ông đang ở để trồng cần.
Đó là ông Philipp sống một mình ở vùng Thomastown. Hàng ngày ông lên casino Crown để giải khuây tuổi già và tìm bạn gái. Ông cặp kè với một người phụ nữ Việt Nam cũng là tín đồ của đỏ đen.
Vào năm 2016 ông trạc 65 tuổi nhưng vẫn rất hoạt bát và tỏ rõ là kẻ ăn chơi. Mái tóc bồng bềnh chải ngược bằng gôm ra phía sau làm cái trán cao của ông càng rộng. Mắt xanh, mũi cao, ông vẫn là người đàn ông sở hữu nhiều chất manly. Một nét đẹp cổ điển Ý. Thế nhưng trong sâu thẳm của người đàn ông này là sự trống trải và không còn lẽ sống. Chỉ là những thú vui qua ngày.
Ông Philipp trước cũng có gia đình nhưng tan vỡ. Người vợ mất sớm, con cái cũng rời bỏ ông sống lang bạt. Mình ông sống cô đơn trong căn hộ xây đúng theo kiến trúc Ý cổ kính. Về già nhưng cái thói tiêu tiền vẫn như là trùm cần sa ngày nào. Tiền núi rồi cũng hết, ông phải buôn lẻ cần sa kiếm tiền sống. Không đủ trang trải, ông đành cho thuê lại căn hộ để trồng cần. Đến nay mang tiếng rửa tay gác kiếm nhưng rủi ro vẫn thường trực trong từng giấc ngủ. Có lần ông than ngắn thở dài với tôi về cái mạt vận cuối đời của một người làm cần sa như lời nguyền của thứ cây mê hoặc đó.
Đó là câu chuyện của người Ý.
Còn với người Việt.
H người Kỳ Anh- Hà Tĩnh. Một dân chăn mèo có số má trong giới. Vì quá nhiều tiền nên cũng lắm tình. H gục xuống sau một nhát dao chí mạng trong cơn cuồng ghen của chồng một trong những người tình.
Là một người trồng cần, tự làm không thuê mướn chủ tớ băng nhóm, anh C được nhiều người quý mến với tư chất hiền lành. Anh cũng như bao đồng hương khác sang đây để đổi vận. Khi bắt đầu có tiền thì anh lại ra đi trong một ngày Melbourne trở gió. Một cái chết bất đắc kỳ tử khiến ai cũng xót thương. Nhiều người nói anh làm vất vả mấy ngày gặt không ngủ lại thêm hồi hộp lo sợ nên nhồi máu cơ tim. Vụ này cộng đồng người Việt, du học sinh ở Victoria phải quyên góp để đưa thi thể anh về với vợ con.
Trùm cần sa nhưng khi bị bệnh nan y thì ông phải bán đi chính căn chung cư đang ở để chữa chạy. Cô em gái trước đó đã đứng tên hộ cho những bất động sản ông mua ở Việt Nam điềm nhiên như chúng vốn là của cô.
Ở thành phố Vinh trong giới đi Úc trồng cần trở về nhiều người biết đến ông D. Khi ông chia tay vợ, tiền ông gửi về rất nhiều, cho hết vào bất động sản và để cô em gái ở Sài Gòn đứng tên hộ. Đang đà lên thì ông bị ung thư phải trở về Việt Nam chữa trị. Đau lâu ốm dài, kể cả căn chung cư mà ông mua ở cũng phải bán đi chữa bệnh. Thế nhưng mấy miếng đất cô em gái đứng tên hộ vẫn được cô giữ nguyên. Ông ra đi trong uất ức.
Sau này cô em gái đó cũng sang Úc tập tành làm cần sa. Làm ăn không được, cô về quê mướn thầy lập đàn cúng người anh trai đã (bị) để lại di sản lớn cho mình. Số tiền lễ vào năm 2014 đã là 250 triệu VND. Thế nhưng cô vẫn lận đận mưu sinh mãi. Cô con gái của cô sang Úc du học rồi cũng làm cần sa, cuối cùng người chồng bị bắt và trục xuất về Việt Nam. Hai mẹ con không có cuộc sống khá ở Úc mà chỉ gây thù chuốc oán với người này đến người khác.
Rất nhiều, kể không thể hết về sự một giấc mơ viễn xứ không bình yên mà tôi được biết. Lên voi xuống chó, cuộc sống họ ở Úc nói riêng và ở hải ngoại nói chung vẫn chung một mẫu số của quy luật vay trả của cuộc đời.
Giấc mơ đổi đời với cần sa là giấc mơ kỳ dị, chắc chắn giấc mơ đó sẽ trở thành ác mộng.
Nhà tù nổi tiếng Fulham của Úc gần biển nên gió thường thổi mạnh. Khi ở đây, trong tĩnh mịch của đêm tôi vẫn dỏng tai lên nghe tiếng gió thổi vào bờ rào thép cao sừng sững tạo nên những âm thanh ghê rợn. Thứ âm thanh đó thật khó diễn tả nhưng nó làm ta nổi gai ốc như là tiếng vọng từ những con tàu trong lòng đại dương. Những con tàu bỏ xác vẫn ai oán cho những phận đời mịt mờ với những đêm lạnh viễn xứ.
Tan vỡ giấc mộng làm giàu! Bị dẫn độ, trục xuất, nhiều người đã cúi đầu xấu hổ trước ánh mắt hiếu kỳ của mọi người. Có những người mãi vẫn không ngóc nổi đầu dậy để lạc quan trước thực tế tuyệt đẹp của cuộc sống. Nguồn: news.com.au
“Ngày tôi trở về lặng lẽ, khác xa với sự chào đón của những lần trước. Không tiền. Tình tan vỡ. Mẹ tôi nhìn tôi với anh mắt vô hồn. Tôi tiến đến ôm lấy bà trong nghẹn ngào. Trong vẻ thất thần bà nói, con đã về rồi à? Bà nói mà không một chút biểu cảm hạnh phúc sum họp vô biên đang có. Thay vào đó biểu hiện của bà như thể tôi mới đi ngày hôm qua.
Vâng! Chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua” (trích Đường xanh viễn xứ.).
Giấc mơ đổi đời với cần sa là giấc mơ kỳ dị, giấc mơ không bình yên. Ngồi lên lưng hổ ngao du trong rừng sâu chỉ là tâm lý tự trấn an khi đã nhúng chàm, nhưng không ai biết ngày nào sẽ bị chính con hổ ăn thịt. Những ai đang có ước mơ đổi đời nơi viễn xứ với kiếp “chăn mèo” xin đừng nhìn vào những gia đình nhiều tiền khi con cái đi xa. Sự cám dỗ của đồng tiền khiến nhiều người quên đi tội lỗi mà mặc định cứ có tiền là thành công. Nhưng luật nhân quả không trừ một ai. Bất hạnh có thể hôm nay chưa đến nhưng khi đến là nó dồn dập và tước hết lấy hết để ta bơ vơ không thể ngước mặt nhìn đời.
Lời nguyền đêm tối của thứ cây ảo giác cũng ứng nghiệm với cả tôi. Ngày ra đi vợ con đưa tiễn ngậm ngùi. Nay tôi trở về trong ngôi nhà trống tênh, ngồi gõ lại những bước hành trình giông gió để cuộc đời này đừng ai lỡ bước lên con đường ma mị đó.
Anh: Cử nhân thất nghiệp đổ xô đi học thạc sĩ
Các trường đại học Anh như UCL, Cambridge và Edinburgh cho biết, số lượng sinh viên đăng ký cao học sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2020 tăng từ 10 - 20%.
Tân cử nhân học thạc sĩ vì không tìm được việc làm.
Trên khắp đất nước, hàng nghìn sinh viên đăng ký học thạc sĩ vì không tìm được việc làm hoặc công việc trong thời kì dịch Covid-19 không phù hợp.
1/3 trong 2.000 sinh viên được hỏi cho biết sẽ thay đổi kế hoạch nghề nghiệp sau đại dịch. 2/3 có kế hoạch học cao học để chuyển đổi lộ trình công việc. Gần 1/2 bày tỏ chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường việc làm vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng.
Ông Dan Barcroft, Trưởng bộ phận tuyển sinh tại Trường Đại học Sheffield, cho biết, chương trình sau đại học đặc biệt phổ biến với những sinh viên chưa tốt nghiệp, dự định tiếp tục học tại trường. Năm nay, số lượng đơn đăng ký cao học của trường tăng 35%.
"Người trẻ đang chọn phương án tiếp tục học tập trong thời điểm kinh tế bất ổn", ông Barcroft đánh giá.
Nữ sinh Mairi McWilliams đang theo học chương trình cử nhân Luật tại Trường Đại học Tây Scotland. Nhưng em đã nộp đơn học thạc sĩ tại Trường ĐH Strathclyde vì không thể tìm việc trong các công ty luật.
"Quyết định này tương đối khó khăn bởi tôi cảm thấy mình đã nỗ lực hoàn thành bậc đại học suốt những năm qua. Vậy mà giờ tôi đành đi học thạc sĩ chỉ vì không kiếm được việc làm", nữ sinh chia sẻ.
Bà Mary Curnock Cook, chuyên gia về tuyển sinh sau đại học đánh giá sự gia tăng này đến từ nỗi lo sợ, mất niềm tin vào thị trường việc làm sau đại học. Năm 2020, số lượng hồ sơ xin việc của tân cử nhân đã tồn đọng tương đối lớn. Việc không được nhận những công việc phù hợp khiến các em căng thẳng, áp lực, muốn kéo dài thời gian học.
"Sinh viên mệt mỏi khi phải nộp hàng chục đơn đăng ký nhưng thậm chí không được hồi đáp. Ngược lại, các nhà tuyển dụng cũng đang mất điểm trong mắt thanh thiếu niên vì đối xử thiếu lịch sự", bà Curnock Cook nhận xét.
Nữ chuyên gia cho biết thêm, mặc dù học thạc sĩ là khoản đầu tư đáng giá vì bằng cấp này được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, được nhận mức lương cao hơn bình thường. Tuy nhiên, các em không nên vội đưa ra quyết định, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bởi vì các khoản vay học phí sau đại học tương đối lớn.
Lily Patrick, đại diện Hội Sinh viên tại Trường Đại học Leicester, cho biết nhiều sinh viên không có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, làm việc nhóm trong thời gian diễn ra đại dịch.
"Mọi người đang thiếu sự tự tin và sự sẵn sàng lao mình vào một công việc nào đó. Học thạc sĩ không chỉ để chúng tôi trau dồi kỹ năng mà còn là cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhiều nhà tuyển dụng cũng tìm kiếm ở ứng viên những kỹ năng mềm có sẵn thay vì mất thời gian đào tạo", Lily nhận xét.
Năm 2020, các nhà tuyển dụng hàng đầu đã cắt giảm gần 1/2 vị trí tuyển dụng, dù một số lĩnh vực đã phục hồi cùng năm. Các ngành gần như không tuyển dụng thêm như du lịch, khách sạn, dịch vụ bán lẻ.
Bằng cấp sau đại học thường phản ánh một năm khủng hoảng của tân cử nhân các trường đại học. Khảo sát năm 2009 của Trường Đại học NUS cho thấy gần 1/3 sinh viên cân nhắc học thạc sĩ để hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lời nguyền trong hũ xương gà 2.300 năm Hũ gốm chứa xương của một con gà đã mổ nhiều khả năng được dùng thực hiện một lời nguyền cổ đại nhằm giết 55 người ở Athens. Hũ gốm dưới chân tòa nhà ở quảng trường tại Athens. Ảnh: Athenian Agora. Các nhà khảo cổ học phát hiện hũ gốm cùng với một đồng xu bên dưới sàn cửa hàng của thợ...