‘Tứ bề thọ địch’
Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua được bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nghị sĩ đảng Bảo thủ với 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống. Kế hoạch của một số nghị sĩ Bảo thủ nổi loạn nhằm phế truất bà May đã thất bại.
Thủ tướng Anh Theresa May (phía trước) trong phiên chất vấn tại Hạ viện, trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ở London ngày 12/12/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, nữ chính khách này đã phải đi đến quyết định sẽ từ chức trước khi diễn ra tổng tuyển cử năm 2022.
Nỗi lo lớn nhất hiện nay của Thủ tướng May là liệu có thuyết phục được các nghị sĩ tại Hạ viện bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit hay không. Đây là kịch bản “mơ ước” của Thủ tướng May vì hiện giờ bà vẫn đang đối mặt với những khó khăn bủa vây tứ bề, ở cả bên ngoài lẫn trong nội bộ, từ Liên minh châu Âu (EU), đảng Dân chủ Hợp nhất Bắc Ireland (DUP) và từ một số nghị sĩ Bảo thủ.
EU cho biết sẽ không đàm phán lại những nội dung đã thỏa thuận xong với London. Trong khi đó, DUP mà chính phủ dựa vào sự hậu thuẫn của đảng này tại Hạ viện lại yêu cầu Thủ tướng May đàm phán lại với EU phần kế hoạch dự phòng đối với vấn đề đường biên giới Ireland.
Một nỗi lo nữa cho Thủ tướng May và chính phủ của bà là nguy cơ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện do Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn đang phát động.
Video đang HOT
Với những khó khăn kể trên, con đường đi tới kịch bản thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện còn quá xa. Có lẽ triển vọng này sẽ sáng rõ hơn đôi chút sau cuộc họp sắp tới giữa Thủ tướng May và các lãnh đạo EU, dự kiến diễn ra ngày 13-14/12 tại Brussels.
Hiện nay cả EU và Thủ tướng May đều lên tiếng đang chuẩn bị kế hoạch cho Brexit không đạt được thỏa thuận nào. Và điều này dường như đúng ý với những nghị sĩ theo phái hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ.
Trên thực tế, bế tắc tại Hạ viện từng khiến Thủ tướng May không thể trình thỏa thuận Brexit trước các nghị sĩ tuần này, vẫn còn tồn tại, trong khi cuộc “nội chiến” 40 năm của đảng Bảo thủ với vấn đề châu Âu vẫn chưa được giải quyết. Những người thuộc phe cực hữu trong đảng Bảo thủ có thể sẽ cùng với các đảng đối lập, trong đó có cả các nghị sĩ của DUP, ngăn cản được Thủ tướng May đạt đa số phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà tại Hạ viện. Với thời gian đang gần hết, sức mạnh của Công đảng đối lập chưa thực sự đủ lớn mạnh để lấn lướt, những nghị sĩ thuộc phái hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ có thể nắm giữ được cơ hội “hô mưa gọi bão” tại Hạ viện, và kinh tế Anh tiến gần đến trạng thái “chênh vênh vách đá” cho đến ngày 29/3.
Trong bối cảnh đó, kịch bản Anh “chia tay” EU không đạt được thỏa thuận nào hiện đang nổi lên như một lựa chọn mang tính khả thi cao.
Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon và luật pháp của Anh. Nếu đến ngày đó không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên không kéo dài thêm thời hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào.
Theo kịch bản này thì ngay sau ngày 29/3/2019, London sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác. Ngân hàng Anh ước tính trong trường hợp này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 8%.
Khi đó, tương lai chờ đợi nước Anh và EU sẽ là quan hệ chính trị giữa hai bên trở nên mờ nhạt, quan hệ thương mại hoàn toàn chỉ còn dựa trên những điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Anh sẽ phải chịu thuế của EU như các nước ngoài EU, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn định đời sống và việc làm của người dân Anh. Một số nhà sản xuất tại Anh có thể sẽ phải dịch chuyển sản xuất sang EU để tránh việc phải chờ đợi các linh kiện lắp rắp họ đặt hàng bị tắc nghẽn tại cửa khẩu chờ làm thủ tục hải quan khi vào Anh. Tuy vậy, Anh sẽ không phải tuân theo các quy định của Tòa án Tối cao châu Âu.
Tác động với EU cũng không nhỏ, đầu tiên là EU sẽ không có được khoản tiền 13 tỷ bảng mỗi năm do Anh đóng cho ngân sách EU. Đổi lại, nông dân Anh cũng sẽ mất khoản trợ giá 3 tỷ bảng mỗi năm theo chính sách chung của EU. Vấn đề quyền sống và làm việc của 1,3 triệu công dân Anh tại EU và 3,7 triệu công dân EU tại Anh sẽ không rõ ràng.
Có thể nói, vượt qua được vòng bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng Theresa May đã thực hiện được mong muốn hoàn thành nốt trọng trách đưa nước Anh rời khỏi EU theo đúng ý nguyện của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu 2,5 năm trước. Tuy nhiên, vẫn chưa hề nhìn thấy được chút ánh sáng le lói nào cuối đường hầm cho tương lai nước Anh sau Brexit. Ngoài ra, việc bà May tuyên bố từ chức trước tổng tuyển cử 2022 sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực trong đảng, cạnh tranh ngôi vị lãnh đạo đảng, khiến những chia rẽ sâu sắc trong đảng Bảo thủ sẽ trở nên công khai hơn trong thời gian tới, điều này sẽ dẫn tới những bất lợi vô cùng to lớn trong cuộc chạy đua với Công đảng đối lập trong cuộc tổng tuyển cử 2022. Những gì xảy ra trên chính trường Anh trong mấy tuần qua đủ để thấy một tương lai bất ổn, khó đoán định đang chờ đợi cả nước Anh và đảng Bảo thủ.
Diễm Quỳnh (Phóng viên TTXVN tại Anh )
Theo Tintuc
5 ngày quyết định tương lai Thủ tướng Anh và Thỏa thuận Brexit
5 ngày vận động sự ủng hộ của Nghị viện Anh với Thỏa thuận Brexit sẽ quyết định tương lai của cả Thủ tướng Theresa May và chính thỏa thuận này.
Ngày 4/12, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ bước vào các cuộc tranh luận 5 ngày để vận động sự ủng hộ của Nghị viện với thỏa thuận Brexit sơ bộ mà chính phủ của bà đạt được với Liên minh châu Âu EU ngày 25/11, sau quá trình đàm phán Brexit kéo dài 17 tháng đầy chông gai. Năm ngày tranh luận tại Nghị viện trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/12 tới, được cho là sẽ quyết định số phận chiếc ghế của Thủ tướng, cũng như việc liệu Anh có rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận hay không.
5 ngày vận động sự ủng hộ của Nghị viện Anh với Thỏa thuận Brexit sẽ quyết định tương lai của cả Thủ tướng Theresa May và chính thỏa thuận này. Ảnh: Reuters
Kế hoạch của Thủ tướng Theresa May có mối quan hệ chặt chẽ với Liên minh châu Âu sau khi rời khỏi EU đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nghị sĩ, cho thấy cuộc chiến của bà để đảm bảo sự ủng hộ tại Nghị viện trong một cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/12 tới sẽ rất khó khăn.
Điều đáng lo ngại là thỏa thuận đạt được với Liên minh châu Âu vào tháng 11/2018 đang vấp phải sự chỉ trích của cả lực lượng không ủng hộ EU và ủng hộ EU, cho rằng thỏa thuận này sẽ khiến Anh trở nên yếu thế hơn. Thậm chí cả đối tác trong liên minh của Thủ tướng Anh là Đảng DUP cũng bác bỏ thỏa thuận, trong khi các đảng đối lập cho biết họ không thể ủng hộ thỏa thuận. Trong một thông điệp gửi tới Quốc hội, Thủ tướng Anh đã kêu gọi các nghị sĩ suy nghĩ về quyền lợi của cử tri, thay vì bác bỏ thỏa thuận Brexit.
"Tôi sẽ cố gắng thuyết phục các nghị sĩ và giải thích cho họ rằng tại sao thỏa thuận này lại tốt cho nước Anh, thỏa thuận góp phần bảo vệ việc làm, cuộc sống và an ninh cho chính cử tri Anh. Tuy nhiên, nếu chúng ta không vượt qua được cuộc bỏ phiếu, nước Anh sẽ phải đối mặt với sự chia rẽ và bất ổn"
Nếu Thỏa thuận sơ bộ này được nghị viện Anh thông qua sẽ khiến Anh rời EU vào ngày 29/3 tới theo các điều khoản đã kí với Liên minh châu Âu - sự xoay chuyển trong chính sách ngoại giao và thương mại lớn nhất của nước này trong hơn 40 năm qua. Nếu Thỏa thuận không vượt được qua số phiếu ủng hộ tại Nghị viện, Thủ tướng Anh có thể sẽ kêu gọi cuộc bỏ phiếu thứ 2.
Tuy nhiên việc thất bại tại Nghị viện cũng đồng nghĩa làm gia tăng khả năng nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận - triển vọng có thể khiến nền kinh tế Anh chao đảo và đặt Thủ tướng Theresa May trước sức ép phải từ chức.Thất bại tại Nghị viện cũng tạo ra nhiều khả năng Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về việc tiếp tục rời hay ở lại EU. Với những viễn cảnh mà nước Anh phải đối mặt nếu rời EU không có thỏa thuận, Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove tin tưởng rằng chính phủ có thể thắng trong cuộc bỏ phiếu về Thỏa thuận Brexit vì không có lựa chọn nào khác tích cực hơn:
"Tôi biết sẽ là rất khó khăn nhưng thực sự quan điểm của tôi đó là nước Anh sẽ đối mặt với nguy cơ hiện hữu nếu Nghị viện Anh không thông qua thỏa thuận này. Khi đó khả năng sẽ có một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 diễn ra. Nếu Thỏa thuận không được thông qua chúng ta sẽ không có thỏa thuận nào tốt hơn cái mà chúng ta đã đạt được với EU".
Đã có một số đề cập về một Thỏa thuận Brexit ôn hòa hơn, với việc Anh sẽ rời EU trên cơ sở của Thỏa thuận sơ bộ đã đạt được với EU. Tuy nhiên sẽ có những điều khoản cụ thể hơn đó là kết thúc quá trình chuyển giao, Anh sẽ tái tham gia vào Hiệp hội thương mại tự do châu Âu, gia nhập Khu vực kinh tế châu Âu và thị trường chung. Ngoài ra, Anh sẽ vẫn ở trong liên minh thuế quan với Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên trong một tuyên bố cứng rắn, Thủ tướng Theresa May cho biết sẽ không có sự thay đổi nào đối với kế hoạch Brexit mà bà đã nhất trí với các lãnh đạo khác của EU. Thủ tướng cũng bác bỏ tin đồn rằng bà có thể từ chức nếu dự thảo kế hoạch Brexit không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội trong cuộc họp ngày 11/12 tới./.
Theo Phạm Hà/VOV1
Anh sẽ tổn thất dù rời EU theo cách nào Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh trong khoảng thời gian từ năm 2035-2036 sẽ giảm đi khoảng 0,6% nếu nước Anh rời EU theo thỏa thuận Brexit được Nội các thông qua. Kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm lại trong vòng 15 năm tới. Ảnh: The Telegraph Theo nghiên cứu phân tích kinh tế mới nhất do nhiều bộ của...