Tự bạch của đội trưởng bóng đá nữ Huỳnh Như
“Nếu được quay lại, mình vẫn chọn theo đuổi bóng đá. Bởi đó là ước mơ, khát vọng và hoài bão mà thanh xuân của mình gửi gắm tất cả vào nơi ấy” – Huỳnh Như (29 tuổi, quê Trà Vinh), đội trưởng Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam chia sẻ.
Ngoài đời Huỳnh Như khá dịu dàng, nữ tính. Ảnh: NVCC
Vua phá lưới từ lớp 5
Khác với những bé gái khác, từ bé Huỳnh Như đã có niềm đam mê bóng đá. Không cần mẹ mua cho búp bê, đồ hàng, Như chỉ cần được tặng trái bóng nhựa đủ màu sắc là vui cả ngày. Hàng ngày, đi học về, Như mang bóng ra chợ rủ bọn con trai chơi thi đấu. Đội bóng nhí chợ Cầu Xây ngày ấy toàn nam, chỉ riêng Huỳnh Như là cầu thủ “tóc dài” duy nhất. Như cứ đứng về bên nào là bên đó thắng. Ngỡ rằng đó chỉ là trò chơi thuở bé, ai ngờ nghiệp “quần đùi áo số” lại vận vào cô.
Như đang học lớp 5, xã Lương Hòa A (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và những xã lân cận tổ chức giải bóng đá nam. Biết con mê bóng đá, ba mẹ Như giới thiệu cô với Ban tổ chức. Sau khi kiểm tra năng lực, cô được điền tên vào danh sách thi đấu. Năm đó, xã Lương Hòa A vô địch, còn Như đoạt danh hiệu Vua phá lưới đầu đời của mình. “Lúc đó mình vui lắm, ba mẹ cũng mừng nữa. Trận nào có mình thi đấu là cả nhà đều theo cổ vũ” – Như nhớ lại.
Năm 2006, tỉnh Trà Vinh thành lập đội bóng đá nữ. Khi đội tuyển bóng đá của tỉnh chiêu mộ cầu thủ, hàng xóm trong khu đã giới thiệu Như và cô nhanh chóng được chiêu mộ. Vào khuôn khổ tập luyện bài bản, mỗi ngày Như đạp xe 20 cây số từ nhà đến sân tập rồi trưa tiếp tục đi học. Giờ Như nhớ lại vẫn không tưởng tượng được hồi đó sức đâu mà bền bỉ đến vậy, không quản nắng mưa, đường sá xa xôi; chỉ cần được ra sân là bao nhiêu nhọc nhằn đều tan biến. Tuy nhiên, do kinh phí của tỉnh hạn hẹp, đội bóng nhanh chóng tan rã.
Huỳnh Như mang áo số 9 trong màu áo ĐT nữ Quốc gia Việt Nam. Ảnh: CTV
Thấy Như có năng khiếu với môn bóng đá, thầy giáo quyết định đưa cô lên thành phố đào tạo để trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Đang học lớp 12, lẽ ra phải tập trung cho việc học để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng vì mê bóng đá và được ba mẹ ủng hộ, Như quyết định rời quê nhà lên TPHCM theo nghiệp cầu thủ. May mắn đã mỉm cười với cô khi các thầy trong Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1 lựa chọn. Như bảo, khoảnh khắc nhận được điện thoại từ trung tâm thông báo kết quả cô không bao giờ quên. Niềm vui sướng và hạnh phúc vỡ òa.
“Có hôm về thăm nhà, thấy con gái mình mẩy trầy trụa, chân đau không đi được, mẹ ôm con xót xa. Ngồi sau xe mẹ chở đi bó thuốc, mình cố không khóc nhưng nước mắt vẫn cứ chảy. Dù mình có lớn bao nhiêu, có thành công đến thế nào, mình vẫn là đứa con bé bỏng của ba mẹ như ngày nào”.
Đội trưởng ĐT bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như
Video đang HOT
Không bỏ cuộc
Từ Trà Vinh lên Sài Gòn đô hội, với Như lúc ấy là quá liều, cái gì cũng quá mới mẻ, xa lạ. Lúc quyết định đi, Như không nghĩ gì nhiều, chỉ cần biết được đi chơi bóng là sẵn sàng đi đến bất kỳ đâu. Nhưng khi gia nhập tập luyện chuyên nghiệp rồi mới biết thực sự khó khăn. Đó không còn là trò chơi ngày bé nữa mà là những ngày khổ luyện thật sự.
Khi mới gia nhập đội bóng nữ CLB TPHCM, Như chỉ là vận động viên thử việc. Không quen ai nên cứ lầm lì, ra sân cũng chỉ biết tập chay một mình. Đi học bổ túc thì lạc đường mấy lần, nhớ nhà không sao kể xiết… “Nhiều lúc muốn bỏ cuộc về quê cho xong. Sợ con gái xa nhà, không tập trung tập luyện, ba mẹ Như liên tục gọi lên hỏi thăm. Dăm bữa nửa tháng, mẹ lại khăn gói, đem con gà, quả trứng, thức ăn con gái thích, bắt xe đò lên Sài Gòn… Những kỷ niệm đó mình không bao giờ quên”, Như nhớ lại.
Vượt qua mọi khó khăn, Huỳnh Như dần hòa nhập, được đồng đội tin yêu và lối chơi ngày càng thăng hoa. Những năm sau đó, Như chơi bóng bùng nổ trong vai của một tiền đạo ở đội tuyển quốc gia và CLB.
Là đội trưởng, Như luôn biết cách khích lệ, động viên mọi người. Trước mỗi trận đấu, Như thường nhắc nhở đồng đội cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo. Có những trận đấu bị dẫn trước, Như vực dậy tinh thần chị em bằng những lời động viên: “Cố lên cả nhà! Mọi việc chỉ mới bắt đầu, chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc là sẽ làm được”.
Bóng đá là đam mê cuộc đời
Dẫu mang về không ít vinh quang cho Tổ quốc nhưng bóng đá nữ vẫn chưa được quân tâm đúng mức. Chia sẻ về chuyện này, mắt Như có lúc đỏ hoe. Đề cập đến sự phát triển của bóng đá nữ, Như trăn trở vấn đề định kiến xã hội. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhân lực bóng đá nữ ở nước ta ít, cả nước chỉ có 6 đội bóng. Mặt khác, gia đình ngăn cản bởi xót con dầm mưa dãi nắng. Bản thân phụ nữ sợ xấu, sợ mất đi nhan sắc, thanh xuân, khó khăn trong chuyện tìm người yêu, lập gia đình…
“Mình có lời khuyên cho các bạn nữ trẻ nếu muốn theo bóng đá, điều tiên quyết vẫn là năng khiếu và phải đam mê. Đồng thời lường trước những khó khăn. Khi mình vượt qua được những trở ngại đó thì đừng chần chừ đến trung tâm thử sức. Thành công sẽ không bao giờ đến với người chần chừ. Một khi mình có đam mê và ước muốn thì cứ thử và làm nó trước”, Huỳnh Như chia sẻ.
Hiện, Huỳnh Như là sinh viên năm cuối khoa Giáo dục Thể chất trường ĐH Sư phạm TPHCM. Dù phải căng sức thi đấu trên sân bóng với mật độ dày đặc, nữ cầu thủ 9X vẫn không bỏ bê học hành, luôn hoàn thành tốt các học phần.
Không chỉ giỏi bóng đá, Huỳnh Như còn hát hay và đàn giỏi. Cô có thể sử dụng thành thạo đàn Ukulele, thuộc nhiều bài nhạc trẻ và còn thích trổ tài bếp núc mỗi khi có dịp. Như còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, tham gia các giải đấu gây quỹ từ thiện cho những vận động viên khó khăn.
“Nếu được lựa chọn lại, mình vẫn chọn bóng đá vì đó là đam mê của cuộc đời rồi. Như vẫn mong muốn được cống hiến cho bóng đá sau khi giải nghệ và muốn đưa bóng đá nữ về với miền Tây quê hương mình”, Huỳnh Như quả quyết.
(Còn nữa)
Huỳnh Như từng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cô cũng từng nhận Giải thưởng Quả bóng Vàng, Quả bóng Bạc và Quả bóng Đồng Việt Nam. Cô là Vua phá lưới 2 năm liền (2016, 2017) và là Cầu thủ xuất sắc nhất Giải bóng đá nữ Vô địch quốc gia năm 2018 và 2019. Với một loạt thành tích nổi bật, năm 2019 cô được bình chọn là Công dân tiêu biểu TPHCM. Mới đây cô được đề cử là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 ở lĩnh vực thể dục thể thao.
Theo TPO
Nữ tuyển thủ cao 1m52 mơ giúp bố mẹ thoát nghèo
Ước mơ lớn nhất của tuyển thủ bóng đá nữ Ngân Thị Vạn Sự là giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh lam lũ, có cuộc sống an nhàn hơn.
Ngân Thị Vạn Sự có suất lên tuyển khi mới 19 tuổi
Ngân Thị Vạn Sự - người hùng của tuyển nữ Việt Nam đến với bóng đá từ vùng quê nghèo Thanh Chương, Nghệ An. Ước mơ lớn nhất của cô là giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh lam lũ, có cuộc sống an nhàn hơn.
Không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn
"Tỏa sáng trong lần đầu lên tuyển, con đường sự nghiệp của cô gái xứ Nghệ cũng khá bằng phẳng. Sự kể, từ nhỏ, cô đã mê chơi bóng và thường cùng anh trai quần thảo với đám bạn sau những giờ tan học. "Trẻ em ở vùng nông thôn không có nhiều trò tiêu khiển nên mỗi buổi trưa hoặc sau giờ tan học em lại theo anh trai ra đá bóng ở bãi đất đầu làng. Lúc đầu mọi người không cho em chơi cùng nhưng sau một vài lần thấy em ghi bàn nhiều nên các anh "biên chế" luôn vào đội bóng của làng", Vạn Sự kể."
Đội tuyển nữ Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho hai lượt trận play-off giành vé dự Olympic Tokyo 2020 với Australia diễn ra vào ngày 6/3 và 11/3 tới. Lần đầu tiên trong lịch sử, các cô gái áo đỏ ở gần đấu trường Olympic đến thế và Ngân Thị Vạn Sự là người giúp tuyển nữ Việt Nam tạo nên cột mốc đáng nhớ này. Bàn thắng duy nhất của Vạn Sự vào lưới Myanmar ở vòng loại thứ ba đã đưa đoàn quân dưới quyền HLV Mai Đức Chung giành quyền đi tiếp.
So với các đàn chị ở đội tuyển như: Tuyết Dung, Huỳnh Như, Nguyễn Thị Vạn, Hồng Nhung... Vạn Sự là cái tên gần như vô danh. Cô gái sinh năm 2001 lần đầu được khoác áo đội tuyển ở trận gặp Myanmar nhưng đã kịp để lại dấu ấn đậm nét. Đương nhiên, sau bàn thắng quý như vàng, Vạn Sự không còn vô danh. Đáng chú ý, cô gái quê Thanh Chương, Nghệ An chỉ cao 1m52 nhưng lại làm tung lưới đối thủ bằng một tình huống đánh đầu.
Nhiều đồng đội của Vạn Sự tại CLB bóng đá nữ Hà Nội cho biết, tuy Sự nhỏ con nhưng luôn có lối chơi rất máu lửa, giàu năng lượng. Ngay cả trong các buổi tập, nữ tuyển thủ 19 tuổi cũng là người truyền lửa với những bước chạy không biết mệt mỏi. "Em biết mình thiệt thòi về thể hình nên phải nỗ lực để bù đắp bằng sức mạnh, tốc độ và tư duy chiến thuật. Em chỉ cao 1m52 nhưng lại chơi tiền đạo nên nếu không có sức khỏe, biết cách chọn vị trí và nhanh nhẹn thì rất khó ghi bàn", Sự nói.
Cô gái sinh năm 2001 tuy nhỏ thó nhưng rắn rỏi, bền bỉ nên ở trường luôn hoàn thành tốt môn thể dục - cơn ác mộng của nhiều bạn nữ. Năm Vạn Sự học lớp 6, nhà trường thành lập đội bóng để dự hội khỏe Phù Đổng, cô là một trong số học sinh được lựa chọn vì điểm thể dục thuộc hàng "top". Dù đội bóng của trường không đạt thành tích cao nhưng Sự đã lọt mắt xanh của một HLV vốn chịu trách nhiệm tuyển quân cho CLB Hà Nội ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hai năm sau, nữ tuyển thủ thường xuyên tham dự các giải đấu của trường, của huyện và luôn trở thành tâm điểm nhờ khả năng năng săn bàn cực kỳ tốt. Bỗng một ngày, các thày ở CLB Hà Nội đến nhà đặt vấn đề muốn đưa cô ra Hà Nội tập luyện chuyên nghiệp. "Mọi thứ đến quá bất ngờ, bố em ủng hộ nhưng mẹ không muốn em theo nghiệp bóng đá vì sợ con gái phải khổ. Bố phải thuyết phục mấy ngày mẹ mới đồng ý. Năm đó em mới học lớp 8, lần đầu tiên em được ra Hà Nội và không thể ngờ em gắn bó với đội bóng cho tới tận bây giờ", Vạn Sự nhớ lại.
Vốn có năng khiếu, lại thêm quyết tâm và đức tính chịu thương chịu khó của người miền Trung, Vạn Sự không ngừng tiến bộ về mặt chuyên môn, được lên đội 1 khi mới 16 tuổi. Đến nay, khi mới 19 tuổi, cô gái tới từ vùng quê Thanh Chương đã trở thành trụ cột ở CLB Hà Nội và hứa hẹn tương lai tươi sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia.
Nỗi trăn trở với gia đình
Ngân Thị Vạn Sự trong màu áo CLB Hà Nội
Quay lại những ngày đầu Vạn Sự đến với bóng đá chuyên nghiệp, khi cô mới 13 tuổi, phải xa gia đình và đây là thử thách không hề nhỏ. "Khó khăn lớn nhất với em không không phải yếu tố chuyên môn mà là nỗi nhớ nhà. Ở nơi không có người thân, cách xa nhà vài trăm cây số, những ngày đầu em buồn lắm, toàn trốn vào một xó khóc thút thít. Rồi được sự động viên của các thày, dần dần em cũng quen. Nói là quen nhưng nhiều lúc em vẫn nhớ bố mẹ, nhớ anh và chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà. Mỗi khi như vậy em lại vùi đầu vào tập luyện", Vạn Sự chia sẻ.
Có lẽ chính những việc phải tự lập từ khá sớm, trong một môi trường yêu cầu tính kỷ luật cao nên cô gái xứ Nghệ dường như chín chắn, trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa. 19 tuổi, cái tuổi mà hầu hết các chàng trai, cô gái còn sống cùng mơ ước viển vông thì Sự đã bước đầu tạo dựng được sự nghiệp của riêng mình.
Nhưng dù có là ai đi chăng nữa, với bố mẹ, Sự vẫn bé bỏng, vẫn cần sự che chở. Gia đình làm nông nghiệp, quanh năm chân lấm tay bùn, vợ chồng ông Minh, bà Mùi không có điều kiện ra Hà Nội thăm con thường xuyên, mỗi năm cũng chỉ thu xếp được 1 lần. Nỗi nhớ con, thương con ông bà gói ghém thành những món ăn thi thoảng gửi ra cho con.
"Dù ăn uống ở đội rất đầy đủ nhưng gần như tháng nào bố mẹ cũng gửi đồ ăn cho em. Khi thì là niêu cá kho, khi là lọ cà dầm, khi là hũ nhút. Em thích nhất nhút vì món ăn này mang tính truyền thống quê hương. Ăn nhút em như được trở về tuổi thơ vô lo vô nghĩ", Sự bộc bạch.
Cô học trò nhỏ của HLV Mai Đức Chung cho biết thêm, mỗi lần nhận đồ ăn bố mẹ gửi ra cô lại thấy thương bố mẹ vất vả, lam lũ: "Chắc bố mẹ ở nhà lại tằn tiện để gửi đồ cho em. Nhà em chỉ làm nông nghiệp, cả gia đình trông vào cây lúa, không có nghề phụ nên kinh tế rất eo hẹp. Anh trai em vì thế sau khi học hết phổ thông phải ở nhà đỡ đần bố mẹ, thi thoảng đi làm thêm để trang trải cuộc sống".
Thương bố mẹ nên nỗi trăn trở lớn nhất của Vạn Sự là giúp bố mẹ có cuộc sống an nhàn hơn khi về già. "Cuộc sống hiện tại tuy không đến mức quá khó khăn nhưng gia đình em cũng chỉ đủ ăn. Căn nhà cũ xây từ lâu, không được tu sửa. Em hi vọng mình khỏe mạnh, được các thày trao cơ hội thi đấu ở giải đấu lớn và giành thành tích cao để nhận được các khoản thưởng. Toàn bộ em sẽ gửi về cho bố mẹ sửa nhà, xa hơn có thể làm chút vốn kinh doanh thứ gì đó, ổn định cuộc sống. Công việc nhà nông vốn bấp bênh, hơn nữa khi có tuổi thì bố mẹ cũng không thể tiếp tục làm đồng ruộng", Vạn Sự bộc bạch.
Theo Baogiaothong.vn
'Tôi hạnh phúc khi trở về cùng chuyến bay với U22 Việt Nam' Trả lời phỏng vấn trực tuyến cùng độc giả Zing.vn chiều 13/12, Huỳnh Như và Chương Thị Kiều đều xúc động trước tình cảm của người hâm mộ trong hành trình giành HCV SEA Games 30. Tại SEA Games 30, Huỳnh Như cùng Chương Thị Kiều là hai cầu thủ quan trọng trong đội hình của huấn luyện viên Mai Đức Chung. Họ...