Từ ăn mày thành tỷ phú: Tiền tràn về như nước lụt
Trên cái xe đạp “cởi chuồng” không chuông, không phanh, không chắn bùn, anh chất đầy chuối. Từ nhà đi lúc 9 giờ tối đến tang tảng sáng thì đến chợ cột Đèn gần chân cầu Niệm (Hải Phòng) bán hết hàng lại chở một xe đầy mỡ lợn về quê bán.
Giống chuối anh Sông, anh Huỳnh nổi tiếng đến mức ngay cả một số cán bộ của Học viện Nông nghiệp cũng về lấy giống để nhân cấy mô.
Anh Sông với dụng cụ hái lá chuối.
Ngày đạp xe hơn 200 cây số
Của hồi môn của vợ cũng chẳng có gì ngoài một bao gạo trắng, một ít đồ dùng cá nhân. Anh Phạm Văn Sông (làng An Đinh, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) mua chịu 4.000 viên gạch dựng lên một căn nhà nhỏ thay cho túp lều tranh thủa trước. Một buổi tình cờ khi chị bế đứa con lớn ra đường chơi, người hàng xóm buột miệng nói: “Thằng cu Sông cưới vợ cũng không có một cái chăn mới mà phải đắp bằng cái chăn của mẹ…”.
Giật mình chị mới hay rằng mình đã đắp chiếc chăn cũ của bà mẹ chồng khuất núi bấy lâu nay. Chiếc chăn còn theo vợ chồng chị đến hơn chục năm, kể cả nó đã sờn rách, kể cả khi họ đã thành tỉ phú… “Chồng em áo rách em thương”, chị dần dà quý mến khâm phục rồi yêu anh tự lúc nào bởi cái nết hay lam hay làm, chịu thương, chịu khó.
Lúc đầu anh buôn thóc, buôn cau rồi lại chuyển sang buôn chuối. Trên cái xe đạp “cởi chuồng” không chuông, không phanh, không chắn bùn, anh chất đầy chuối. Từ nhà đi lúc 9 giờ tối đến tang tảng sáng thì đến chợ cột Đèn gần chân cầu Niệm (Hải Phòng) bán hết hàng lại chở một xe đầy mỡ lợn về quê bán. Ở thành phố mỡ rẻ ê hề nhưng lại là một thứ của quý đối với dân quê thời đó. Lãi một gấp đôi.
Nhanh nhạy với thị trường, anh lại đánh dây khoai lên bán cho dân nuôi lợn ở khu đồng Bún. Có bận đến ngày 30 Tết rồi mà vẫn chở tới 4 chuyến hàng, chỉ chịu về nhà khi đã quá giao thừa sau khi cả ngày đạp xe trên 200 cây số. Thấy kiếm tiền ở miền Bắc vất vả quá, người hàng xóm rủ vào Nam bán hoa quả dạo anh cũng đi.
Một lần tình cờ nghỉ chân ở ngôi nhà gần Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), anh thấy một sự lạ. Mấy cây chuối mọc sau cái chuồng lợn ngập phân mà vẫn tốt bời bời, sai trĩu quả và nhất là không có tí sâu bệnh gì trong khi những cây chuối ở quê anh trồng chỉ một vụ là sầu (một loại bệnh gây thối chết), bón nhiều phân cái là hỏng. Tò mò hỏi gia chủ thì mới hay đây là giống chuối mới nhưng nếu anh thích thì đánh bao nhiêu tùy ý.
Video đang HOT
Mừng còn hơn bắt được vàng, anh xin đào được 14 cây chuối con bỏ vào một cái bao dứa vác về. Nhỡ xe, anh phải đi bộ 20 cây số với bao tải chuối nặng chịch trên vai ra đến Bù Nho bắt xe về bến miền Đông rồi từ đó hành trình gần một tuần mới trở lại quê. Cây chuối lúc đó héo chẳng khác gì dưa cải phơi nắng, dập dạp hết nhưng anh vẫn tiếc của đem trồng, không ngờ sống cả.
Được chăm bón, tưới tắm đều đều chẳng mấy chốc chúng đã vươn mình thành những cây chuối khổng lồ cao tới 4-5 mét, tán lá xùm xòa che rợp cả góc vườn, buồng trổ ra dài thượt đầy những nải là nải, rất đẹp. Giống chuối mới khi chín vỏ màu vàng hơi đỏ, thơm lừng, ngọt lịm. Anh cắn một miếng vào mà lâng lâng như người say bởi thành quả bấy lâu nay đã được bù đắp. Từ bấy, đám chuối hễ đẻ ra được cây nào anh lại đem nhân trồng. Chẳng mấy chốc hai khu vườn trong, vườn ngoài ken đặc chuối.
Cũng trong thời gian ấy người anh vợ là Phạm Văn Huỳnh cũng đã nhân thành công giống chuối mới. Chuối thương phẩm được thị trường rất ưa chuộng, giá bán gấp đôi giống chuối thường nên rất nhiều người đổ đến nhà hỏi mua giống. Hai anh em bàn nhau kiên quyết giữ bản quyền đợi dăm năm sau mới xuất bán củ chuối.
Thói đời không mua được thì…ăn trộm. Cứ bảnh mắt ra lại thấy mất một hai cây trong vườn khiến cho anh phải dùng chiến thuật trồng từng lớp chuối giống cũ và giống mới đan xen nhau. Lúc nhỏ chúng giống nhau như lột nên nếu trộm nhầm về trồng trong vườn thấy bị sầu sẽ sinh nản mà bỏ.
Khi cả hai khu vườn đều chật đến độ không thể chêm thêm cây nào được nữa thì anh xin đấu thầu 4 mẫu đất bỏ hoang ngoài bãi sông để mở rộng diện tích. Đó là một cái bãi tự nhiên từ thủa hồng hoang lau lách ken dày đến độ rễ của những cây đã chết và đang sống tầng tầng lớp lớp đan vào nhau cả mét. Rẫy cỏ bằng tay, lưỡi cuốc bật vào rễ cây nẩy bật lên như bổ xuống một tấm đệm bông. Rẫy cỏ bằng trâu thì con trâu mộng dù loay hoay đến mướt mồ hôi mà cái lưỡi cày vẫn không thể suy suyển dù chỉ là một vài tấc. Bao cách diệt cỏ đều bó tay.
Một buổi nằm vẩn vơ giữa cái lều dựng trên bãi nhìn trời, ngắm đất anh bỗng sực nghĩ ra chuyện dùng máy múc để lật cỏ, tạo luống. Cái máy cả ngàn mã lực gầm rú xịt khói đen xì lồng lộn như một con khủng long. Từ “mồm” của nó chiếc gầu lớn xúc phăng phăng những tảng rễ cỏ rồi lật nhào xuống. Nhìn cảnh ấy, anh thầm reo: “Có sự sống rồi!”.
Gieo quả ngọt cho cả vạn người
Thế là 4 mẫu đất được phủ kín bằng 3.000 gốc chuối. Khi trồng xong bỗng gặp một cơn gió lớn thổi thốc mất cái lều, ướt hết cả chăn, chiếu. Chỉ hơn một tiếng hí húi sửa lại lều mà đêm ấy vài chục người đã phục sẵn để nhổ trắng 1,4 mẫu chuối. Sáng ra, nhìn những cái hố đất trống hoác, ướt nhoẹt nước mưa, đỏ lòm như hốc mắt bị móc mất con ngươi, anh như người chết đứng. Vậy là phải lụi hụi trồng lại.
Một khóm chuối anh để 4 cây, chúng cùng trổ hoa và thu hoạch một đợt đều như vắt chanh nhờ vào kỹ thuật chăm cây nào xấu thì thêm phân, cây nào tốt thì bớt bón. Trời không phụ công người, năm đó anh thu 500 triệu tiền bán chuối quả, năm sau cũng thu được hơn 400 triệu nữa. Nhưng năm kế tiếp dính bão to, thân chuối gãy vặn, đổ ngổn ngang như một trận địa bị pháo bầy dập trúng. Nửa tỉ đồng bỗng chốc chầu hà bá. Nhìn vườn chuối bị phạt, nhựa chảy ra đen xì cả mặt bãi, quả non trải xanh cả bãi, anh ốm khật, ốm khừ như người mất hồn cả một tháng sau đó.
Thu hoạch rươi .
Nhưng nghị lực từ cái thời lăn lóc xin ăn đã vực anh dậy để làm lại từ đầu. Chuối trồng xong lại phải canh trộm đến mức không dám bãi, rời lều để về nhà. Gặp bữa vợ phải mang cơm ra, gặp đêm không dám ngủ mà chỉ được chợp vào ban ngày khi có người ra thay gác. Mấy năm ròng như thế, người rộc rạc, bơ phờ hẳn đi, anh nghĩ: “Có nhiều tiền để làm gì khi lúc nào cũng phải nơm nớp đề phòng? Không có cái gì đi theo mình cả đời được”.
Thế là anh phá giao ước củ chuối, bắt đầu xuất bán giống. Chỉ chờ có thế, người đến ăn chực, nằm chờ ở nhà đợi mua. Cứ mỗi cây giống là 30-50.000đ mà xuất cả vạn cây mỗi vụ. Nhiều lúc đến khi trông thấy trăng lên mới ngừng tay đào chuối giống. Giống chuối anh Sông, anh Huỳnh nổi tiếng đến mức ngay cả một số cán bộ của Học viện Nông nghiệp cũng về lấy giống để nhân cấy mô.
Tiền tràn về nhiều như nước lụt giúp anh mua được thêm 3 mẫu đất nữa để chuyên cần sản xuất. Niềm vui lớn hơn là cả ngàn ha chuối trong vùng không bị sầu, cả vạn ha chuối ở trong tỉnh, ngoài tỉnh đều được thay bằng giống mới. Khắp mọi miền đều đổ về mua giống. Tết đến nhà anh không thiếu những đặc sản các vùng đem tặng nhưng vẫn không gì quý bằng những lời cảm ơn tự đáy lòng tỉ như: “Nếu không trồng giống chuối của anh giờ có lẽ gia đình em đã phá sản”, “Nếu không có anh bán cho giống chuối thì nhà em vẫn còn trong danh sách hộ nghèo”…
Diện tích tăng đến ngưỡng nên giá bán của chuối giống mới dần hạ nhiệt, anh Sông sáng tạo ra một mô hình kinh tế vùng bãi bền vững hơn là dưới ruộng trồng một vụ lúa, nuôi một vụ rươi còn trên bờ là những cây chuối quanh năm tỏa bóng mát. Tôi thẩn tha ra bãi cùng anh. Gió sông lồng lộng thổi. Những tàu lá chuối giỡn gió nô đùa cứ khanh khách như những tiếng cười khe khẽ của con trẻ.
Theo Dương Đình Tường (Nông Nghiệp Việt Nam)
Hướng đi mới cho cây chuối tiêu hồng ở Hưng Yên
Đến vùng trồng chuối nằm ven sông Hồng thuộc xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi nông dân đang từng ngày mong chờ giá chuối lên vào dịp tết Nguyên đán Bính Thân, ông Nguyễn Văn Tuần chủ vườn chuối tiêu hồng rộng 3 mẫu, ở thôn Toàn Thắng, ngậm ngùi nói: Chưa năm nào giá quả chuối lại thấp như năm nay; ngay từ đầu vụ giá chuối đã giảm mạnh, giao động khoảng 2.000 đồng/1kg. Đến thời điểm này, giá chuối mới được hơn 3.000 đồng/1kg, chưa bằng một nửa so với giá chuối năm trước. Giá chuối giảm mạnh làm gia đình tôi thất thu cả trăm triệu đồng.
Khó khăn đầu ra cho cây chuối
Trưởng thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân, Ngô Văn Đán cho biết: Gần chục năm nay, cây chuối tiêu hồng mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân thôn Năm Mẫu, tới 300 triệu đồng/ha, nên phần lớn diện tích đất canh tác của thôn trồng chuối tiêu hồng; nông dân trong thôn còn thuê đất ở các xã vùng bãi ven sông Hồng trong tỉnh để trồng chuối. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường đầu ra cho quả chuối không ổn định, giá xuống thấp, nhiều hộ đã phá bỏ cây chuối chuyển sang trồng cây khác, vì thế diện tích trồng chuối ở thôn Năm Mẫu đã giảm gần 50%, nếu giá còn thấp như hiện nay diện tích trồng chuối sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Tại xã Hùng An, huyện Kim Động là nơi có nhiều hộ nông dân ở vùng đất bãi mới chuyển đổi sang trồng chuối, anh Nguyễn Đắc Quân, thôn Tả Hà, tâm sự: Gia đình tôi trồng hơn 6 mẫu chuối tiêu hồng vào thời điểm thu hoạch rộ, quả đẹp mới bán được 2.000 đồng/kg, còn những buồng quả nhỏ mẫu mã xấu chỉ bán được hơn 1 nghìn đồng /kg. Trung bình một sào chuối phải đầu tư 3 triệu đồng gồm tiền thuê đất, mua phân bón, thuốc BVTV nhưng chỉ thu về được 2,8 - 3 triệu đồng. Tôi còn khoảng 300 - 400 buồng chuối, dự kiến bán và dịp Tết Nguyên đán, hy vọng giá cao hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên có gần 2.000 ha chuối được trồng chủ yếu ở vùng bãi thuộc các xã ven đê huyện Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên; trong nhiều năm, cây chuối là cây trồng hiệu quả, đã mang lại nguồn thu nhập lớn, từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha/năm. Thị trường tiêu thụ chuối của tỉnh Hưng Yên chủ yếu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ở dạng quả tươi.
Thời gian gần đây, lượng chuối tiêu thụ trong nước tăng không nhiều, xuất khẩu chuối tiểu ngạch khó khăn, giảm dần; trong khi đó, nhiều nơi nông dân đã tự phát chuyển đổi sang trồng chuối, dẫn đến sản lượng chuối tăng mạnh, cung vượt cầu, giá chuối giảm mạnh, từ 30% đến 50% (tùy theo thời điểm), làm nhiều hộ trồng chuối lao đao.
Hướng đi mới cho người trồng chuối
Trong bối cảnh nhiều nơi nông dân đổ xô trồng chuối tự phát, anh Phạm Năng Thành, ở xã Đại Tập huyện Khoái Châu đã chuyển đổi phương thức canh tác, trồng chuối theo quy trình VietGAP. Anh chia sẻ: Gia đình tôi trồng 20 ha chuối tiêu hồng theo quy trình VietGAP: lấy mẫu đất, nước phân tích những chỉ số tác động đến cây trồng; lựa chọn nguồn cây giống sạch bệnh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV với liều lượng hợp lý, bao quả bằng túi nilon để hạn chế sự xâm hại của côn trùng và ảnh hưởng của thời tiết... có ghi chép nhật ký trong suốt quá trình sản xuất, từ khâu chọn giống đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản theo đúng quy trình nên sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng tốt, mã vỏ đẹp. Tôi trồng chuối rải vụ để tránh áp lực về thời vụ, trong đó phần lớn thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau nên giá bán cao, trung bình khoảng 300 nghìn đồng/buồng.
Anh Thành còn liên kết với hàng chục hộ nông dân trong xã trồng chuối theo quy trìnhVietGAP, tổ chức thu mua chuối của các chủ vườn để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sang một số nước như Nga, Trung Quốc... với giá cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với sản phẩm thông thường nên các hộ trồng chuối trong khối liên kết vẫn cho thu nhập khá.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu Trần Văn Đạt cho biết: Hướng đi mới của các vùng trồng chuối ở huyện Khoái Châu là chất lượng, hiệu quả; do vậy, UBND huyện đang chỉ đạo đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất chuối theo quy trình VietGAP, xây dựng nhãn hiệu tập thể chuối tiêu hồng Khoái Châu, khuyến khích các hộ nông dân liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ chuối.
Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên, Vũ Đức Sơn nhận định: Thị trường Đài Loan, Hàn Quốc... có nhu cầu chuối rất lớn, giá cao; vấn đề đặt ra là nông dân có sản xuất được sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào được những thị trường này không? Do vậy để các vùng trồng chuối ở Hưng Yên phát triển bền vững, hiệu quả ngành nông nghiệp và các địa phương cần qui hoạch lại vùng trồng chuối, hỗ trợ nông dân chuyển hướng sản xuất từ quảng canh sang thâm canh cao, theo quy trình VietGap, bảo đảm sản phẩm sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã....Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chuối tiêu hồng; khuyến cáo nông dân trồng rải vụ để tránh áp lực về thời vụ và dư thừa sản phẩm; xây dựng liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến để hình thành các vùng sản xuất chuối chất lượng cao, có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu; thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến chuối...
PHẠM HÀ
Theo_Báo Nhân Dân