TTC Land và TTC Sugar đang có những biến động bất thường nào?
Những động thái huy động vốn và biến động nhân sự gần đây của TTC Sugar và TTC Land trong bối cảnh gánh nặng tài chính đang cho thấy điều gì?
TTC Sugar: Bán cổ phiếu quỹ mà “không bán”?
CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, SBT) vừa quyết định sẽ bán ra hơn 61,6 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 10,5% vốn điều lệ) và dự kiến phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ nhằm tái cấu trúc tài chính.
Mặc dù TTC Sugar bán lượng lớn cổ phiếu quỹ là vậy, song ở một động thái ngược lại, bà Huỳnh Bích Ngọc cho biết sẽ mua vào tổng cộng 68,5 triệu cổ phiếu SBT thông qua hình thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Đáng nói, trong tổng số 68,5 triệu cổ phiếu mà bà Ngọc đăng ký mua, có tới 33,5 triệu cổ phiếu được HĐQT TTC Sugar thông qua phương thức mua bán, còn lại là tự đăng ký giao dịch.
TTC Sugar sắt phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu và bán hơn 61 triệu cổ phiếu quỹ.
Nếu hai giao dịch mua của bà Ngọc lần lượt là 35 triệu cổ phiếu và 33.5 triệu cổ phiếu thành công thì lượng nắm giữ sẽ tăng lên 83,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 15,9% vốn SBT.
Trong khi đó, tại thời điểm tháng 6/2018, CTCP Đầu tư Thành Thành Công nắm giữ lượng lớn vốn SBT nhất với 21,7% vốn, tiếp đến là CTCP XNK Bến Tre với 15,1% và Thành viên HĐQT Đặng Huỳnh Ức My 6,65%.
Như vậy, sở hữu của gia đình ông Đặng Văn Thành sẽ trở nên cô đặc hơn tại TTC Sugar với trên 44% tỷ lệ sở hữu.
Động thái huy động vốn qua kênh trái phiếu và bán cổ phiếu quỹ của TTC Sugar cũng dễ hiểu khi mà đơn vị này đang dùng đòn bẩy tài chính khá lớn.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2019, nợ ngắn hạn của TTC Sugar hơn 9.000 tỷ đồng, đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới con số 637 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm tới 7.280 tỷ đồng.
Còn vay dài hạn ở mức 1.845 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng chỉ 619 tỷ đồng, còn lại 1.189 tỷ đồng là trái phiếu.
Video đang HOT
Một số chỉ tiêu tài chính của SBT (nguồn VietstockFinance)
Vay nợ lớn khiến hàng năm TTC Sugar phải gánh tới hơn 700 tỷ đồng cho chi phí lãi vay. Chính điều này phần nào ngốn hết lợi nhuận của TTC Sugar nên lãi ròng niên độ 2018-2019 (kết thúc 30/6) chỉ gần 325 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so niên độ trước dù doanh thu vẫn tăng.
Như vậy, nếu các kế hoạch phát hành trái phiếu và bán cổ phiếu quỹ thành công, TTC Sugar thu về khoảng hơn 3.400 tỷ đồng. Với số tiền này, gánh nặng tài chính nhất là vay nợ ngắn hạn của TTC Sugar được giải phóng bớt phần nào.
Bởi thế, TTC Sugar đặt mục tiêu sau khi phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu thì gánh nặng nợ ngắn hạn sẽ giảm bớt từ mức 3.861 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn 1.961 tỷ đồng. Thay vào đó sẽ chuyển qua nợ dài hạn. Tương ứng lợi nhuận sau thuế niên độ 2019-2020 sẽ tăng lên 500 tỷ đồng.
TTC Land vẫn phải huy động vốn dù chi tiền cho các bên liên quan vay
Với CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, SCR) vay nợ tài chính tại thời điểm cuối tháng 6/2019 không quá áp lực khi lần lượt là 1.619 tỷ đồng ngắn hạn và 948 tỷ đồng dài hạn.
Một số chỉ tiêu tài chính của SBT (nguồn VietstockFinance)
Song trong bối cảnh đi vay nợ thì TTC Land lại thường dồn tiền cho các bên liên quan vay tín chấp để có vốn lưu động.
Điển hình là tại thời điểm cuối tháng 6/2019, khoản phải thu về cho vay của TTC Land tới 2.171 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là tại CTCP May Tiến Phát 1.576 tỷ đồng; hay CTCP KCN Thành Thành Công (120 tỷ đồng), CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre (156 tỷ đồng) với lãi suất dao động từ 6% đến 12%.
Ngược lại, ở TTC Land điều đáng ghi nhận là nguồn tiền vào cũng dồi dào khi người mua trả tiền trước ghi nhận gần 1.492 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2019.
Dù vậy, với hàng loạt dự án được triển khai, nguồn tiền vẫn là vấn đề cốt yếu của các doanh nghiệp bất động sản. Do đó, TTC Land cũng vừa huy động 300 tỷ trái phiếu riêng để để tăng quy mô vốn hoạt động.
Chưa hết, Công ty cũng quyết định chuyển nhượng 21,7 triệu cổ phần, tương ứng 70% vốn tại Thương mại Hải Phòng Plaza với tổng giá trị 311,5 tỷ đồng.
Việc tái cấu trúc tài chính phần nào đã được “luồng gió mới” tân Chủ tịch TTC Land – ông Nguyễn Đăng Thanh chia sẻ với người viết hồi tháng 6/2019.
Theo đó, trong chiến lược mới, TTC Land sẽ thực hiện chuyển đổi. Thay vì xem kinh doanh bất động sản thu được lợi nhuận thì TTC Land muốn hướng đến giá trị tạo ra cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa TTC Land phải cấu trúc lại nhiều thứ, về kinh doanh, tài chính, phát triển dự án…
Có lẽ vì thế mà gần đây loạt nhân sự cấp cao của TTC Land cũng biến động không ngừng từ Thư ký HĐQT, Giám đốc Tài chính, rồi đến 3 Phó tổng giám đốc.
Biến động cổ phiếu SBT và SCR trong vòng 1 năm qua (nguồn VietstockFinance)
Biến động lớn tại hai doanh nghiệp này là vậy, song trên thị trường chứng khoán, dường như nhà đầu tư còn đang thăm dò những động thái tiếp theo nên mặc dù thanh khoản tại SBT và SCR có phần sôi động nhưng mức giá chưa thể bứt phá.
Hiện SBT đang quanh mức 17.850 đồng/cổ phiếu chốt phiên 19/9, với bình quân 1,3 triệu cổ phiếu/phiên trong vòng 1 tháng qua. Còn SCR đã nhích lên được 6.710 đồng/cổ phiếu, giao dịch bình quân hơn 3 triệu đơn vị/phiên.
Minh An
Theo vietnamdaily
Sau TTC Land, Tập đoàn Doji sẽ là chủ mới của dự án Trung tâm thương mại Hải Phòng Plaza?
TTC Land đã nâng vốn điều lệ của CTCP Thương mại Hải Phòng Plaza (Hải Phòng Plaza) lên mức 310 tỷ đồng chỉ ít tháng sau khi thâu tóm 70% cổ phần của công ty này. Nhưng nắm giữ được gần 1 năm, TTC Land lại muốn chuyển nhượng số cổ phần này với tổng giá trị là 311,5 tỷ đồng. Ở một chiều hướng khác, biến động nhân sự cấp cao tại Hải Phòng Plaza bắt đầu cho thấy sự xuất hiện của Tập đoàn Doji.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
CTCP Thương mại Hải Phòng Plaza (Hải Phòng Plaza) được thành lập vào tháng 12/2006, là chủ đầu tư của Dự án Trung tâm thương mại Hải Phòng Plaza, tọa lạc trên khu đất rộng 12.868 m2, tại Lô số 01/8B Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An.
Dự án này được UBND Tp. Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 16/4/2007, điều chỉnh lần thứ 2 vào ngày 4/10/2013, với mục tiêu xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và căn hộ cao cấp để bán.
Trong đó, quy mô khu khách sạn gồm 128 phòng và 12 căn hộ đạt tiêu chuẩn 5 sao; Khu mua sắm, trung tâm thương mại, khu trung tâm hội thảo, khối căn hộ cao cấp để bán gồm 22 tầng với 378 căn hộ. Tổng mức đầu tư của dự án là 822,348 tỷ đồng, kế hoạch triển khai ban đầu từ tháng 10/2013 đến tháng 6/2017.
Từ tháng 4/2009, UBND Tp. Hải Phòng đã có Quyết định số 608/QĐ-UBND thu hồi khu đất trên từ Ban Quản lý Dự án đầu tư Phát triển hạ tầng khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi và giao cho Hải Phòng Plaza với thời hạn sử dụng đất 50 năm. Tính tới tháng 5/2014, công ty này đã nộp hơn 88,233 tỷ đồng tiền sử dụng đất và tiền ký quỹ thực hiện dự án.
Với lý do thay đổi mục tiêu của dự án, Hải Phòng Plaza đã đề nghị điều chỉnh quyết định giao đất làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cam kết thực hiện từ tháng 12/2014 đến tháng 11/2018. Tuy nhiên, dự án này không có nhiều chuyển biến.
Tới đầu năm 2018, Dự án Trung tâm thương mại Hải Phòng Plaza vẫn là khu đất trống
Cơ hội "hồi sinh" Hải Phòng Plaza bất ngờ xuất hiện trở lại khi CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - Mã CK: SCR) ngày 20/9/2018 đã có thông báo nhận chuyển nhượng 70% vốn điều lệ, tương ứng 7 triệu cổ phần của Hải Phòng Plaza. Mức giá chuyển nhượng được công bố là 18.000 đồng/cổ phần, tương ứng với số tiền TTC Land phải chi ra là 126 tỷ đồng.
Song Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã soát xét của TTC Land không ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con Hải Phòng Plaza. Mà phải tới lần "chốt" tại ngày 31/3/2019, TTC Land mới ghi nhận khoản đầu tư vào Hải Phòng Plaza trong một bản cáo bạch phát hành trái phiếu.
Hải Phòng Plaza lúc này đã được nâng vốn điều lệ lên mức 310 tỷ đồng và TTC Land đang nắm giữ gần 91% cổ phần.
Chỉ sau vài tháng nắm giữ, ngày 12/9/2019 vừa qua, Hội đồng quản trị TTC Land đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng 21,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 70% vốn điều lệ. Tổng giá trị chuyển nhượng là 311,5 tỷ đồng.
Theo tính toán của VietTimes, so với tổng quy mô vốn đã đầu tư vào Hải Phòng Plaza trước đó, TTC Land dường như không thu lợi quá nhiều từ thương vụ này.
Quay trở lại với Hải Phòng Plaza, thay đổi đăng ký kinh doanh cấp ngày 13/9/2019 cho thấy, công ty này đã có tân Chủ tịch HĐQT mới là ông Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983). Ông Đức là con trai của ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã CK: TPB).
Ngoài ra, ông Đỗ Minh Đức còn là người đại diện pháp luật của nhiều công ty khác, trong đó phải kể đến CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (Doji) và Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Doji Land (Doji Land)./.
Nguyễn Ánh
Theo Viettimes.vn
Đổi chủ, dự án Hải Phòng Plaza có 'đổi vận'? Sau 1 năm thâu tóm dự án Hải Phòng Plaza, TTC Land quyết định bán khoản đầu tư này với giá 311,5 tỷ đồng, lãi 185 tỷ đồng. CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) vừa quyết định chuyển nhượng 21,7 triệu cổ phần, tương ứng 70% vốn tại Công ty Cổ phần Thương mại Hải Phòng Plaza với...